Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: Internet.
Hôm nay chúng ta thảo luận một vấn đề trông chừng rất quen thuộc, song hóa ra lại có thể không dễ dàng, khá phức tạp, gay cấn và nóng bỏng: vấn đề bản sắc, hay như ta thấy trên flyers treo trước trung tâm kia, vấn đề bản sắc dân tộc (ở đây có chỗ hơi rắc rối về ngôn ngữ: nation trong tiếng Việt có thể dịch là dân tộc mà cũng có thể dịch là quốc gia, hai khái niệm không hoàn toàn đồng nhất).
Theo chỗ tôi được biết nhà xuất bản Tri Thức sắp cho ra mắt bản dịch cuốn sách nổi tiếng của Amartya Sen Bản sắc và bạo lực. Trong một lời bình, Christiane Amanpour ở CNN cho rằng với tác phẩm này Amartya Sen đã khảo sát “một thách đố trung tâm của thời đại chúng ta”, tức chính vấn đề chúng ta bàn hôm nay ở đây, vấn đề bản sắc. Tôi cũng vừa đọc trên Le Monde một bài viết về cuốn sách của Gérard Noiriel có tên là “Bản sắc dân tộc để mà làm gì?” (À quoi sert l’identité nationale?”), trong đó dựa trên nhiều nghiên cứu lịch sử trong 30 năm, Noiriel chứng minh rằng không hề có bất cứ một định nghĩa khách quan nào về “bản sắc dân tộc”…; ông đặt lại một cách mạnh mẽ ý tưởng rằng nước Pháp có một “bản sắc dân tộc”. Theo ông “bản sắc dân tộc” là một vấn đề được đặt sai (un faux problème). Ông viết: “(Bản sắc dân tộc) không phải là một khái niệm khoa học, đấy là một từ ngữ thuộc ngôn ngữ chính trị”. Chúng ta biết nhà sử học G. Noiriel là chủ tịch CVUH (Comité de vigilance face aux usages publics de l’histoire) , Ủy ban cảnh giác với việc đưa lịch sử vào sử dụng trong công chúng, và ông ở trong số 8 trên 12 thành viên của Ủy ban này đã từ chức khi chính phủ Pháp lập “Bộ Nhập cư và Bản sắc dân tộc” ngày 18 tháng Năm 2007. Chi tiết này cho thấy rõ, chính trong những bối cảnh như giáo sư Alain J. Lemaitre vừa nói, của toàn cầu hóa, của sự hình thành Liên Minh châu Âu, của sự phát triển một nền kinh tế toàn cầu không dễ kiểm soát, của sự bùng nổ công nghệ tin học và kỹ thuật số…, đặc biệt của những chuyển động cư dân chưa từng có suốt lịch sử trước đây, khuấy đảo những chuẩn mốc truyền thống…, mà vấn đề bản sắc bỗng trội lên hàng đầu trong đời sống xã hội, tạo nên những lo âu cá nhân và sợ hãi tập thể, cho đến mức nước Pháp đã cho ra đời cái Bộ chỉ nghe tên đã thấy thật kỳ lạ, Bộ Nhập cư và Bản sắc dân tộc. Nhập cư gắn với Bản sắc dân tộc, Nhập cư đe dọa Bản sắc dân tộc. Như vậy, ở Pháp, vấn đề bản sắc, bản sắc dân tộc, như cách nhìn của Artamya Sen, cũng đã trở thành “một thách đố trung tâm”. Thách đố bởi sợ hãi ấy có thể dẫn đến rối loạn ửng xử ở cấp độ cá nhân, và ở cấp độ dân tộc bùng phát chủ nghĩa quốc gia, phân biệt chủng tộc, bài ngoại, chối bỏ kẻ lạ, tự khép kín mình lại…
Có lẽ ở Việt Nam, như rất dễ nhìn thấy, vấn đề này càng lâu dài, sâu sắc, và gay gắt hơn nhiều. Lịch sử chống ngoại xâm triền miên, và trong đó cốt lõi sâu xa nhất là chống đồng hóa, đã khiến người Việt Nam hết sức nhạy cảm với vấn đề bản sắc dân tộc. Gắn liền với vấn đề bản sắc dân tộc, là tư duy về cộng đồng, và mối bận tâm ráo riết về văn hóa dân tộc. Chúng tôi cũng rất mong muốn phân tích, nhận rõ diện mạo của những vấn đề này ở con người và xã hội Việt Nam, bởi ứng xử như thế nào trong những vấn đề này rõ ràng có liên quan mật thiết đến phát triển của Việt Nam trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.
Tôi đồng ý với giáo sư Alain Lemaitre, để có thể thảo luận, cần làm rõ một số từ ngữ. Tôi cũng đồng ý với giáo sư trên những nét chung về định nghĩa bản sắc. Bản sắc là cái đồng nhất (với bên trong) và đồng thời khác biệt (với bên ngoài). Bản sắc không đứng yên, một lần là xong, một lần cho mãi mãi, mà biến đổi, cập nhật (s’actualiser). Một nhà nghiên cứu Việt Nam, giáo sư Phan Ngọc nói: bản sắc không phải là một “cái”, mà là một “kiểu”, cái cách một con người hay một dân tộc ứng xử kiểu này hay kiểu khác trước một tình huống, một thách thức, đến từ bên ngoài, từ cái khác, cái lạ.
Hiểu như vậy thì có thể nói suốt lịch sử lâu dài, cái được gọi là bản sắc ở Việt Nam vừa có sự tiếp nối liên tục vừa có thăng trầm.
Việt Nam là nước nằm đúng ở trung tâm của Đông Nam Á cổ, được coi là trải dài từ nam sông Dương Tử xuống đến Indonésia, và từ Assam (Ấn Độ) sang đến Phillipines. Nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đã thống nhất rằng Việt Nam tiếp nhận văn hóa Hán, tức tiếp nhận Nho giáo, không phải trong thời gian dằng dặc một nghìn năm chịu đô hộ của Trung Hoa, trong một nghìn năm đó người Việt đã kháng cự lại đồng hóa của văn hóa Hán (người Trung Quốc gọi là “nấu chín”- chử lý) bằng văn hóa bản địa kết hợp với văn hóa Phật giáo tiếp nhận rất sớm từ Ấn Độ theo con đường phía nam. Nhưng đến khi giành được độc lập vào cuối thiên niên kỷ I, đầu thiên niên kỷ II, tức là khi đã thoát khỏi đô hộ của Trung Hoa, thì Việt Nam lại chủ động tiếp nhận Nho giáo của Trung Hoa. Vì sao? Và tiếp nhận như thế nào? Việt Nam đã tiếp nhận Nho giáo như một học thuyết cai trị có hiệu quả cao, cụ thể là học ở Trung Hoa mô hình tổ chức nhà nước theo lối trung ương tập quyền mạnh; và như thế tự nguyện từ bỏ lối tổ chức nhà nước theo kiểu liên hiệp các tiểu quốc của Đông Nam Á truyền thống, “dân chủ” hơn, nhưng rất lỏng lẻo, hoàn toàn có thể bị đánh tan ngay bởi uy hiếp xâm lược thường trực từ phương bắc. Giáo sư Phan Ngọc nói Việt Nam học Trung Hoa là để chống xâm lược của Trung Hoa, bảo vệ nền độc lập của mình. Đây quả là một ứng xử văn hóa lạ, từ bỏ văn hóa truyền thống của chính mình, chủ động tiếp nhận văn hóa của chính đối thủ.
Còn một khía cạnh đáng chú ý nữa trong ứng xử văn hóa này: tiếp nhận lối tổ chức nhà nước trung ương tập quyền mạnh ở cấp triều đình, nhưng vẫn giữ lối sống tự trị lỏng lẻo, “dân chủ” kiểu Đông Nam Á cổ truyền ở làng xã. Một lối “pha chế” rất Việt Nam.
Quả đây là một lối giải quyết vấn đề bản sắc độc đáo và khôn ngoan, như nhà nghiên cứu Lê Thị Hiền Minh ở đại học Québec, Canada nói, đã giúp cho Việt Nam suốt lịch sử lâu dài và rất khắc nghiệt “giữ được thành công khoảng cách đối với uy hiếp” nặng nề, dai dẳng của một láng giềng rất mạnh và dữ.
Đây là mặt mạnh trong ứng xử văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, “kiểu” ứng xử đó có mặt yếu và có để lại dấu vết nhược điểm trong văn hóa Việt không? Theo tôi là có.
Rõ ràng trong ứng xử này bộc lộ một ý thức thực dụng sẽ có thể kéo dài và ăn sâu trong tâm thức người Việt. Học lấy cái lạ đến từ bên ngoài cho yêu cầu sống còn tức thì của mình, nên rất thường chỉ “hớt” lấy cái cần, cái trên bề mặt mà học, và rồi chỉ dừng lại ở đó. Ngay đối với Phật giáo trước đấy cũng vậy, ở cấp triều đình chủ yếu cũng chỉ được khai thác cho mục đích cai trị, ở cấp nhân dân thì hòa trong đạo lý nhân ái dân gian của người bình dân, chẳng mấy khi tìm đến Phật giáo như một nền triết học uyên thâm bậc nhất của nhân loại, có lẽ chỉ trừ thời Lý Trần, dẫu đã cố gắng nhiều nhưng quả cũng chưa có mấy thành tựu lớn và sâu. Đối với Nho học cũng vậy, suốt một nghìn năm học Nho, nhưng Việt Nam không hề có được một nhà Kinh học như Hàn quốc hay Nhật Bản. Nếu thông minh và khôn khéo trong tiếp nhận văn hóa là đặc điểm quý của người Việt, thì không triệt để, không đi đến cùng, hời hợt, cũng là đặc điểm khác không hề kém quan trọng. Một mặt khác của tâm thức này là luôn lo sợ “mất bản sắc”. Hình như ít ở đâu vấn đề bản sắc lại được nói đến nhiều như ở Việt Nam, và cũng hình như nhiều nhất lại là ngày nay. Khi vừa nói đến tiếp biến, tiếp nhận, thậm chí cả trước đó nữa, là đã nói ngay đến bản sắc, bản sắc dân tộc, như một cảnh giác, đề phòng, ngăn ngừa. Chưa nhận đã sợ…
Chính điều này đã khiến Việt Nam thất bại ở lần thử thách lớn thứ hai trong lịch sử, khi giáp mặt với phương Tây.
Nói đến đây không thể không nhắc đến Nhật Bản. Những ngày vừa qua nếu cả thế giới bàng hoàng vì tai họa khủng khiếp đã xảy đến cho Nhật Bản, thì cả thế giới cũng thật sự kinh ngạc vì phẩm chất tuyệt vời của người Nhật bộc lộ trước thảm họa, thậm chí có thể nói toàn nhân loại tự hào vì giữa một thời đang biết bao nhiêu ngổn ngang hiện nay, trong gia đình rộng lớn của mình có một thành viên xứng đáng như Nhật Bản, tiêu biểu cho phẩm giá của con người, của loài người. Xin cho phép tôi lợi dụng chút ít thời giờ của các bạn để thuật lại một chi tiết nhỏ do giáo sư Vĩnh Sính vừa kể trong một bài viết gần đây: “Ngày 26-3, trên đài truyền hình NHK của Nhật chiếu buổi tốt nghiệp tại một trường trung học ở tỉnh Miyagi, một vùng bị địa chấn và sóng thần. Một em học sinh 15 tuổi đứng lên đọc diễn từ; em nói: “Chúng tôi không oán Trời. Chúng tôi tự nguyện cùng chung sức với bè bạn để vượt qua những khó khăn. Đó là cách chúng ta mang lại ý nghĩa cho những người đã bỏ mình trong trận địa chấn và sóng thần này”…” Đằng sau một câu nói giản dị, bình tĩnh đến kinh ngạc của một em bé 15 tuổi, là cả một chiều sâu thăm thẳm về văn hóa. Người Nhật “không oán Trời”, người Nhật lẳng lặng cúi đầu “cùng chung sức” làm lại tất cả trên đất nước vô cùng khắc nghiệt của mình…
Chúng tôi đặc biệt muốn nói đến Nhật Bản vì Nhật Bản là nước duy nhất đã thành công vượt qua được thử thách lớn, tiến lên thành một cường quốc hiện đại, trong khi tất cả các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam, đã thất bại ê chề khi giáp mặt với phương Tây, cũng tức là giáp mặt với toàn cầu hóa lần thứ nhất, cách đây vài thế kỷ. Vì sao? Tôi cho rẳng câu hỏi đó còn nỏng hổi lâu dài đối với người Việt Nam, và nó có liên quan chặt chẽ đến vấn đề chúng ta thảo luận hôm nay, vấn đề bản sắc.
Trong bài viết vừa kể trên, Vĩnh Sính có nói đến một số điều ông cho là đặc trưng của văn hóa Nhật Bản, ông nói người Nhật rất chú trọng đến sự hòa hợp (harmony). Chữ “hòa” đối với người Nhật quan trọng đến mức “hòa” đã thành đồng nghĩa với Nhật Bản. Ví dụ, khi người ta nói “Ei-Wa Jiten”, tức “Anh-Hòa từ điển” thì có nghĩa là “Anh-Nhật từ điển”. Ở Nhật cái mới đến không bằng cách triệt tiêu cái cũ, tiếp nhận cái lạ không bằng cách từ bỏ cái quen. Tôi cũng từng được nghe nói rằng người Nhật không thể nào quan niệm được vì sao lại có thể có chiến tranh tôn giáo, chiến tranh ý thức hệ. Họ có thể tiếp nhận tất cả, tiêu hóa tất cả. Người Nhật có bản sắc rất đa nguyên…
Một đặc trưng khác của nhật Bản là tính hiếu kỳ, hết sức nhạy cảm đối với văn hóa nước ngoài. Họ không ngừng theo dõi những diễn tiến trên thế giới bên ngoài, cân nhắc và đánh giá ảnh hưởng của các trào lưu và xu hướng chính đối với Nhật Bản, khi biết trào lưu nào đang thắng thế thì họ có khuynh hướng chấp nhận, nghiên cứu, học hỏi, không để mất thời cơ.
Mặt khác, nếu một đặc điểm trong lịch sử Trung Quốc (và Việt Nam) là khi triều đại này thay thế triều đại khác thường có hai quá trình “phá” và “lập”, tức là trước khi thiết lập hay xây dựng một chế độ mới, phải phá hủy chế độ cũ trước đã, thì ở Nhật hoàn toàn khác. Vào cuối thế kỷ 12, khi giai cấp vũ sĩ nắm được quyền bính, họ không triệt bỏ chế độ thiên hoàng. Trong gần 700 năm giai cấp vũ sĩ nắm quyền, triều đình thiên hoàng vẫn không bị phế bỏ. Đồng thời, khi quyền bính được phục hồi cho chính phủ thiên hoàng, những người trong dòng họ tướng quân Tokugawa (vũ sĩ) cũng không bị giết chóc, trừng phạt, hay đày ải; ngược lại được cấp bổng lộc và có thể đóng góp phần mình trong công cuộc xây dựng thời Minh Trị…
Tôi xin được nói thêm một ví dụ về văn hóa Nhật Bản có thể rất lạ lùng đối với chúng ta. Có một cuốn sách tên là “Mười hai người sáng lập nên nước Nhật” do Sakaiya Taichi, chuyên gia kinh tế hàng đầu, bộ trưởng Bộ Kinh tế Kế hoạch của Nhật dưới thời Thủ tướng Obuchi viết, đã được dịch ra tiếng Việt và in ở nhà xuất bản Sự Thật, trong đó tác giả không hề nhắc đến một vị vua khai quốc hay một tướng lĩnh Nhật Bản lừng danh nào, chỉ nói đến những người theo ông có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến tính cách của người Nhật và số phận nước Nhật ngày nay. Và trong số 12 người được ông kể ra, coi là có công lớn “sáng lập nên nước Nhật”, thật kỳ lạ, có Mac Arthur, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương trong Thế chiến thứ hai và Tổng tư lệnh quân đội Mỹ chiếm đóng nước Nhật sau chiến tranh. Khi ở cương vị này trong sáu năm Mac Arthur đã có ý tưởng và kế hoạch xây dựng Nhật Bản “thành một nước như Mỹ, không phải là nước Mỹ hiện thực bây giờ, mà là nước Mỹ ông coi là lý tưởng”, một “nước Mỹ (theo ông) phải nên như thế”. Chắc chắn chỉ có một tác giả người Nhật mới có thể viết như vậy về một vị tướng là “kẻ thù” đã đánh bại và chiếm đóng nước mình. Có lẽ chỉ riêng điều này thôi cũng đã đủ để nói về bản sắc Nhật Bản, nếu ta muốn gọi là bản sắc, bởi hình như theo chỗ tôi được biết người Nhật rất ít nói về cái gọi là bản sắc, đề tài cuộc thảo luận của chúng ta hôm nay. Cũng bởi vì, như giáo sư Alain Lemaitre vừa nói, nói bản sắc không phải nói ta là gì mà là ta là gì trong tương quan với người khác, khái niệm bản sắc gắn liền với khái niệm cái khác, ta ứng xử như thế nào với cái khác lạ, cái không phải là ta. Theo nghĩa đó, có thể nói “bản sắc” của người Nhật là không chằm chằm quan tâm hàng đầu đến bản sắc, không nơm nớp lo sợ mất bản sắc khi gặp và tiếp nhận cái lạ. Đấy chính là bản sắc Nhật, đã làm nên sức mạnh và phẩm chất tuyệt vời của họ.
Nhân đây cho phép tôi được nói một chút suy nghĩ di tích Hoàng Thành của chúng ta đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và ta rất tự hào một cách chính đáng. Đương nhiên tôi cũng chia sẻ niềm tự hào về dấu vết nghìn năm của cha ông ấy, song được đi xem Hoàng Thành tôi cũng nghĩ: hóa ra ở đấy không phải là di tich kiến trúc của các triều đại nối tiếp nghìn năm, mà là di tích những cái nền của các kiến trúc ấy, bởi ở ta rất khác ở Nhật, một triều đại mới lên thì lập tức san phẳng hết tất cả những gì thời đại trước đã dựng nên, cứ vậy liên tiếp trong nghìn năm. Nói đến bản sắc rất nhiều, lo lắng rất nhiều, quá nhiều về bản sắc, nhưng lại kỳ thị, không chỉ với cái lạ đến từ bên ngoài, mà ngay cả cái khác của chính triều đại trước mình vừa mới sụp đổ. Theo tôi, đi xem Hoàng Thành, nên ngẫm cả về điều đó.
Một tâm thức về bản sắc, bản sắc dân tộc như vậy thì rất dễ trở thành một ám ảnh nặng nề và vô ích, nếu không nói là có hại, nó rất dễ dẩn đến nghịch lý vừa tự co mình lại trước mọi văn hóa khác lạ, lại vừa rối loạn trong tiếp nhận.
Như vậy có thể nói cả hai nước chúng ta, Pháp và Việt Nam, đều có vấn đề với bản sắc. Việt Nam thì vì những nguyên nhân để lại từ lịch sử, và ý thức hệ, Pháp thì vì tình trạng nhập cư, hay như cách nói của giáo sư Alain Lemaitre, tình trạng “chuyển động cư dân chưa từng thấy xưa nay”. Chúng ta đang phải đối phó với tâm lý thu mình lại trong bản sắc đơn nguyên, cường điệu cộng đồng đến thành chủ nghĩa cộng đồng hay cộng đồng luận, hoặc tự đóng mình lại trong những hộp nhỏ và kín của những “nền văn hóa”, những “nền văn minh” - theo cách gọi của Huntington, tự định nghĩa mình một cách chật hẹp theo những tiêu chí không thật. Trong khi đó con người là một thực thể đa dạng, đa nguyên, như Armatya Sen đã nói rất đúng: “Cùng lúc tôi có thể là một người châu Á, một công dân Ấn, một người Bengal có tổ tiên ở Bangladesh và là một người cư trú tại Mỹ hay Anh, một nhà kinh tế và là một người làm triết học không chuyên, một tác gia và là một nhà nghiên cứu tiếng Phạn, một người tin tưởng mạnh mẽ vào chủ nghĩa thế tục và dân chủ, một người đàn ông và là người ủng hộ nữ quyền luận, một người dị tính luyến ái và là người bảo vệ cho các quyền của người đồng tính luyến ái, một người có lối sống phi tôn giáo trên nền của Ấn giáo, người không theo đạo Bà-la-môn và là người không tin vào cõi âm v.v…” Và tôi có quyền lựa chọn trong tất cả những cái đó đâu cái quan trọng nhất đối với mình. Tôi đồng ý với ông khi ông nói: “Lý trí đi trước bản sắc”. Đừng để cho những tác động không lành mạnh khiến mình tự làm cho mình thành “đơn sắc”. Tôi nhớ lời J.P. Sartre: “Người Do Thái là người mà người khác xem như một người Do Thái;… đó là người mà người bài Do Thái khiến cho thành người Do Thái”. Đừng để cho các áp lực, bất kỳ đến từ đâu, dữ dằn và dai dẳng đến mấy, buộc mình chỉ vào một bản sắc đơn nhất, dù bản sắc đó nghe có vẻ rất cao sang, đẹp đẽ. Hoặc khi đã bị như vậy, thì nên cố mà giải thoát mình ra.
Đầu thế kỷ XX, có một trí thức của Việt Nam, là Phan Châu Trinh, đã thống thiết nhận ra điều này và dũng cảm chỉ rõ, theo ông dân tộc Việt Nam có hai nhược điểm chí tử khiến cho nó thất bại trong giáp mặt với phương Tây, đó là chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi, và rất nghịch lý, cùng lúc với ý thức vọng ngoại mù quáng. Rất lạ khi thấy những tư tưởng của Phan Châu Trinh thật gần gũi với Armatya Sen, người ráo riết chủ trương bản sắc đa nguyên, và thống thiết cảnh báo, ở tầm toàn nhân loại và ngay trong thời hiện đại, rằng cách khư khư bản sắc đơn nguyên tất yếu dẫn đến bạo lực bi thảm như ta đang chứng kiến khắp nơi ngày nay.
Vậy nên, cho phép tôi nói thật, tôi không quá mặn mà với chuyện bản sắc, bản sắc dân tộc, không quá lo lắng về nó. Không nên quá chú tâm vào nó, không nên đến mức lập một Bộ Bản sắc dân tộc, hay ngày nào cũng ra rả nói chuyện bản sắc, bản sắc dân tộc, nên thoải mái, rộng rãi và nhẹ nhàng hơn với nó, như người Nhật đã rất hiện đại và rất “bản sắc” như toàn thế giới đều thấy, chính vì họ đã rất hiền minh để rộng rãi, nhẹ nhàng, thoải mái do đầy tự tin trong vấn đề này.
٭٭٭
Cho phép tôi nói thêm đôi điều về vấn đề cộng đồng Pháp ngữ đối với Việt Nam, hưởng ứng những suy nghĩ của giáo sư Alain Lemaitre. Đúng như giáo sư Alain Lemaitre vừa nói, “cần nhớ quả cộng đồng Pháp ngữ thoạt tiên là đứa con gái của công cuộc chinh phục thuộc địa, trong thế kỷ XIX và cho đến những năm 1950-1960 khi các dân tộc bị đô hộ giành lại được tự do của mình”. Tôi xin nói thêm, ở Việt Nam, ngay cả trong thời gian đó, tiếng Pháp có cả hai mặt, một mặt đó đương nhiên là một trong những công cụ của công cuộc thực dân hóa, nó đã được dùng để đào tạo hệ thống viên chức bản xứ cho công cuộc thực dân quả đã từng có mặt rất tàn bạo; mặt khác nó cũng lại là công cụ giải phóng. Và trong hai mặt ấy chưa hẳn mặt nào là quan trọng hơn. Là công cụ giải phóng bởi vì nó là phương tiện chuyển tải của một trong những nền văn hóa lớn nhất, đẹp nhất của nhân loại. Nền văn hóa đó lớn đến mức, vượt qua và bất chấp ý đồ của những người đi truyền đạt nó, nó đã trở thành một công cụ vô cùng quan trọng của những người vùng dậy đấu tranh cho độc lập và tự do của mình. Riêng tôi, tôi đã có dịp nói với một chị bạn nhà báo Pháp khi được hỏi về ảnh hưởng của văn hóa Pháp với Việt Nam, rằng: Nên nhớ chính nền văn hóa Pháp đã góp phần thậm chí có mặt quyết định tạo nên cả một thế hệ các nhà cách mạng Việt Nam, nếu cần nói cụ thể là từ Hồ Chí Minh cho đến Võ Nguyên Giáp… Song không chỉ có thế. Còn có điều quan trọng không kém: tiếng Pháp có vai trò hết sức to lớn trong sự hiện đại hóa của xã hội Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX và gần nửa đầu thế kỷ XX. Chẳng hạn trong việc ra đời và phát triển có thể coi là kỳ lạ của văn học hiện đại Việt Nam. Chúng tôi không có một nền văn học créole như ở Martinique và Tahïti với những Aimé Césaire, Jacques Stéphen Alexis, René Depestre… Nhưng dấu ấn của văn học, văn hóa Pháp lên sự hình thành của văn học hiện đại Việt Nam là hết sức to lớn, sâu đậm. Khoảng 45 năm đầu thế kỷ XX, như đã được xác nhận trong nhiều nghiên cứu gần đây, do chính tác động đó, đã thực sự có một thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn học Việt Nam. Và đây rõ ràng là một tiếp nhận thành công, Chúng tôi không viết bằng tiếng Pháp như các nhà văn Algérie, bằng tiếng créole như các bạn Martinique và Tahïti. Chúng tôi viết bằng một tiếng Việt lâu đời đã được hiện đại hóa đẹp đẽ trong tiếp cận với tiếng Pháp, văn học và văn hóa Pháp.
Và đương nhiên không chỉ có văn học. Trong chừng mực nào đó có thể nói hiện đại hóa của văn học là phản ánh của hiện đại hóa xã hội Việt Nam trong một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại.
Rõ ràng văn học, văn hóa, và xã hội Việt Nam không hề mất gì trong hội nhập với tiếng Pháp, trái lại được rất nhiều, giàu có, hiện đại lên, và nếu ta muốn nói đến chuyện “bản sắc” thì chính trong quá trình này lại rõ nét bản sắc của mình hơn. Nhân đây tôi muốn được nói một suy nghĩ: tôi không thích lắm cách nói thường gặp hiện nay ở Việt Nam: “một văn hóa hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc”, cứ như hể hiện đại thì phải coi chừng mất bản sắc dân tộc. Theo tôi vấn đề là một nền văn hóa dân tộc Việt Nam hiện đại, điều văn học và văn hóa Việt Nam đã làm được khi tiếp xúc với văn học và văn hóa Pháp vào đầu thế kỷ XX như vừa nói.
Có lẽ vấn đề hiện nay của Việt Nam đối với cộng đồng Pháp ngữ là cố gắng khôi phục lại quan hệ tốt đẹp đã có và đã bị mất đi phần nào, phần khá quan trọng, trong một thời gian không ngắn, tạo lại quan hệ không phải chỉ hình thức mà là thực chất. Và trong việc này, cần khắc phục thói quen tiếp nhận có tính thực dụng như đã nói trên kia.
Trong ý nghĩa đó, những cuộc trao đổi như hôm nay thật sự là có ich, mong sẽ thường xuyên và phong phu, sâu sắc hơn.
*Bài viết do GS Chu Hảo, GĐ Nhà xuất bản Tri Thức gửi riêng Nguyễn Xuân Diện-Blog.
Xin chân thành cảm ơn Nhà văn Nguyên Ngọc và GS Chu Hảo.