Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN SƠN TÙNG, NGƯỜI ANH HÙNG TRÊN CÁNH ĐỒNG VĂN

Chử Thu Hằng
Chủ nhật ngày 17 tháng 4 năm 2011 6:22 AM

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An, là thương binh chống Mỹ, cứu nước hạng ¼, hạng nặng nhất. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác văn học từ năm 1950, bắt đầu là những ký sự về kháng chiến, sau đó ông trở thành nhà báo chiến trường và là tác giả của những tác phẩm ký, tiểu thuyết nổi tiếng như: “Nhớ nguồn”, “Búp sen xanh”, “Hẹn gặp lại Sài Gòn”. v.v…
 
Chúng tôi đến thăm ông một chiều cuối xuân, theo một dòng địa chỉ đơn sơ: Tầng 2, nhà A1, tập thể Văn Chương. Taxi nhích từng chút một giữa ngổn ngang người, xe và hàng hóa. Tôi không thể hình dung tác giả của “Búp sen xanh” sẽ ở đâu trong con ngõ ngoằn ngoèo và đông đúc của người lao động này. Tìm được một chỗ có thể dừng, chú lái xe hỏi ông cắt tóc vỉa hè và ngay lập tức được chỉ dẫn cặn kẽ. Thật ngạc nhiên, ông cắt tóc, bà hàng nước chè, chị bán cơm đầu ngõ… những người chưa chắc đã đọc các tác phẩm của ông, nhưng khi tôi hỏi thăm họ đều biết nhà văn Sơn Tùng, và nói về ông với lòng kính trọng. Nhà ông ở tầng 2 một khu tập thể rất cũ, bị cơi nới đến không thể nhận ra hình dáng ban đầu. Chúng tôi đi qua những tiếng ồn ào và mùi cá biển sặc sụa, lách qua cả đống rổ rá của chị hàng cơm đang nhặt rau trên chiếu nghỉ của cầu thang chung để đến với ông.
 
Ông nằm đây, người cựu chiến binh đã đi qua hai cuộc chiến tranh giờ còn mang trong mình nhiều thương tích, người đã vắt kiệt đời mình để viết nên những tác phẩm gây xôn xao dư luận, giờ gầy yếu trên chiếc giường đơn được gắn thêm thành giường để phòng bị ngã. Vợ và con trai ông niềm nở đón chào chúng tôi. Ông đã phải mở khí quản cho dễ thở. Vợ ông cho biết ông vẫn nghe hiểu, chỉ không nói được. Để ông có thể nói vài câu chào hỏi, cảm ơn, người con trai phải lắp thêm một bộ phận gì đó vào khí quản cho ông. Nắm tay ông, nhà thơ Trần Nhương hỏi: “Em là Trần Nhương, anh nhận ra không?” Mắt ông sáng lên, nở nụ cười, ông bảo: “Biết!”. Nhà thơ Bành Thanh Bần, thay mặt Quỹ Hỗ trợ Văn chương & Cuộc sống trao cho ông chút quà của Quỹ. Vợ ông hỏi: “Các chú ấy tặng quà, có nhận được không ông?”. Ông khẽ mỉm cười nói: “Nhận chứ”, rồi khó nhọc thêm hai tiếng: “Cảm ơn” trước khi một trận ho làm thân thể ông co dúm lại.
 
 Bức tường vôi loang lổ đầu giường ông treo nhiều khung ảnh kỷ niệm. Ảnh ông chụp với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; với các học giả và nghệ sĩ nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Khắc Viện, Văn Cao, Phan Ngọc… Căn phòng nhỏ bé, cũ kĩ này là một chiếu văn hội tụ nhiều bạn văn trong và ngoài nước. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có thời là nhân viên dưới quyền của ông.
 
Vào thăm phòng văn của ông, rộng chỉ hơn 2m, dài chừng 4m, chúng tôi kinh ngạc và hết sức xúc động trước hai mảng tường phủ kín bởi sách. Những cuốn sách in bằng nhiều thứ tiếng, tuổi thọ có lẽ phải trên nửa thế kỷ, đa số rất dày, màu giấy ngả vàng nhưng hầu hết đều được bọc nilon, xếp đều tăm tắp trong những tủ sách cao đến trần nhà, lấp lánh vẻ đẹp thiêng liêng của kho tàng tri thức đông tây kim cổ. Lâu đài của văn chương này thật hết sức sang trọng, trái ngược hẳn với những đồ đạc tuềnh toàng, cũ kỹ trong toàn căn hộ của gia đình ông. Giữa hai tủ sách, là chiếc phản ông nằm khi chưa trở bệnh. Đó là hai phiến gỗ dài chừng 2m, rộng khoảng 60 cm, dày hơn chục cm, do tỉnh ủy Nghệ An tặng, để ông dùng khi sống và cũng là cỗ hậu sự cho ông sau này.
 
Ngõ Văn Chương, con ngõ nghèo bao dung nhiều tầng lớp người lao động, trong đó có không ít người lao động văn chương. Nữ sĩ Anh Thơ, Nhà văn Ông Văn Tùng… từng sống trong ngõ nhỏ này. Và ông, Nhà văn Sơn Tùng, đã mấy chục năm bên chiếc bàn viết nhỏ, ông miệt mài lao động trên cánh đồng chữ mênh mông để thu về những vụ mùa bội thu tri thức. Những trang văn, câu thơ tuyệt đẹp, thấm đẫm chất nhân văn đã từ con ngõ lầm bụi, từ những hối hả xô bồ của đời thường cất cánh bay lên. 83 tuổi, ông sắp được đón nhận phần thưởng lớn nhất ghi nhận những cống hiến của mình, ông được tôn vinh là Anh hùng lao động và điều đó là hoàn toàn xứng đáng.
 
14/4/2011

Chử Thu Hằng