Viết về nỗi đau của những người vợ có chồng hy sinh trên chiến trận chống quân thù để bảo vệ Tổ Quốc, nhiều thi sĩ nói hộ cho tất cả chúng ta và có thể nói cho cả loài người tiến bộ đang càng ngày càng xích lại gần nhau để cùng bảo vệ hòa bình, bảo vệ hạnh phúc nhân loại. Một trong những bài thơ đó là Tình chiều của Phạm Thanh Quang. Bài thơ cuốn hút, xúc động chúng ta.
Quì bên mộ chồng chị cắm nén nhang
Như dấu chấm than ngược trời chấm đỏ
Giọt nước mắt rơi mềm mầm cỏ
Hơi thở sâu xao động đất anh nằm
Cuộc chiến tranh dài ba mươi năm
Sự chờ đợi bằng ba mươi thế kỉ
Chị thành kính quì bên mộ chí
Nỗi chờ mong rỗ mặt đá bia mòn.
Chị đã lên bà nhưng không có con
Ba mươi năm đi về úp mặt
Chị nhớ anh quen nhìn xuống đất
Mượn bóng mình ấp bóng người thương.
Ba mươi năm trăn trở bốn góc giường
Chiếc gối cưới đêm đêm nhàu nước mắt
Gối bỗng thành đứa con duy nhất
Chị vỗ về không vợi nỗi cô đơn.
Hai mươi năm đất nước bình yên
Có cuộc chiến vẫn đốt lòng bao người vợ
Niềm thủy chung thấu lòng người dưới mộ
Thoảng gió chiều đỏ rực những mầm nhang.
Phạm Thanh Quang
Bài thơ sáng tác năm 1995, ra đời sau 20 năm Đất nước thống nhất. Hố bom giặc thù đã được san phẳng, đã xanh lúa, xanh khoai và mọc lên nhà máy mới. Nhưng với con người (đặc biệt với người phụ nữ ) vết thương những nỗi đau thì vẫn còn đó nhức nhối quặn thắt, nỗi đau của cuộc chiến: Có cuộc chiến vẫn đốt lòng bao người vợ, cuộc chiến mới này vẫn còn dai dẳng, quyết liệt .
Nhớ thương da diết, ngày ngày chị đến nghĩa trang cắm những nén nhang thành kính lên mộ chồng. Chị quì xuống, không, chị quì bên mộ chồng, chữ bên khác chữ xuống biết bao là cung bậc tình cảm, bởi tình nghĩa vợ chồng họ có bao giờ xa cách, họ vẫn bên nhau cho dù âm dương cách trở.
Nén nhang hay chính là lòng chị thắp lên mộ chồng như dấu chấm than(!). Một hình ảnh so sánh độc đáo. Phải chăng, dấu chấm than được gợi ra từ những bức thư tình? Cái dấu chấm than đi sau những con chữ, những dòng thư ý nhị của hai trái tim thổn thức cho nhau ngày nào! Độc đáo hơn không phải dấu chấm than bình thường mà là chấm than ngược trời chấm đỏ. Biết bao ý tứ trong biện pháp tu từ này. Đọc đến dòng thơ này ai mà không bồi hồi xúc động. Ngọn khói nhang bay lên tận trời, lòng thương nhớ của người vợ với chồng lay động đến cả vũ trụ trăng sao. Còn chấm đỏ? Chấm đỏ không chỉ là đốm lửa cháy đỏ trên đầu nén nhang thơm và còn gì nữa nếu không phải là sự hi sinh cao cả của chồng chị, của những chàng trai oai hùng trên chiến trận, đạp lên đầu thù xốc tới; đỏ của sự sống bất diệt, của non sông đất nước trường tồn; đỏ của niềm tin, của hi vọng vào tương lai Tổ Quốc trường sinh?
Tình thương, tình chung thủy son sắt trải dài qua năm, tháng. Thời gian càng dài tình chung thủy ấy càng được thử thách, được khẳng định. Ở bài thơ này là thế, ba mươi năm, khoảng thời gian của vũ trụ không dài, nhưng với đời một người phụ nữ thì ba mươi năm đã quá đủ minh chứng cho sự chờ đợi, lòng chung thủy ấy. Thời gian cháy bỏng yêu thương chảy đầy ắp qua tấm lòng thương yêu của chị. Ba mươi năm chị mỏi mòn, khắc khoải, hi vọng ngóng trông chồng, một sự thật đến se lòng sự chờ đợi bằng ba mươi thế kỉ. Xúc động biết bao khi ta đọc những dòng thơ, chất chứa cõi lòng, cõi đời:
Chị nhớ anh quen nhìn xuống đất
Mượn bóng mình ấp bóng người thương
Tác giả đã tạc chị thành tượng đài trong lòng mỗi chúng ta rồi đó:
Chị thành kính quì bên mộ chí
Nỗi chờ mong rỗ mặt đá bia mòn!
Những chi tiết thật đắt, tác giả làm xao động tâm hồn ta từng đợt, từng đợt mãnh liệt gây nên ám ảnh. Ta nấc lên, òa ra khi hình ảnh chiếc gối cưới được hiện lên ngấm đầy nước mắt. Gối cưới một biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi. Nhưng trong bài thơ này gối cưới được hiện hình như một kỉ vật thiêng liêng có sức lay động vào tiềm thức trái tim nhiều thế hệ:
Chiếc gối cưới đêm đêm nhàu nước mắt
Gối bỗng thành đứa con duy nhất
Chị vỗ về không vợi nỗi cô đơn.
Ôi, có xúc động nào hơn, nỗi đau găm sâu vào lòng tôi, lòng bạn. Đọc những dòng thơ này, lòng ta nấc rung lên uất nghẹn! Đã hơn một lần tôi đã từng phải nén chặt cảm xúc khi đọc đoạn thơ trong trường ca của Hữu Thỉnh:
Chị thiếu anh nên chị bị thừa ra
Những đêm trở trời trái gió
Tay nọ ấp tay kia
Một mình một mâm cơm
Ngồi bên nào cũng lệch.
Ôi, Đất nước bốn nghìn năm văn hiến này có tội gì mà giặc Mỹ cách xa hàng vạn dặm đến đây gieo khăn tang và nạng gỗ ( Chế Lan Viên )? Bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam không được thiên chức làm mẹ mà phải bế gối làm con? Có nỗi đau nào tận cùng hơn? sâu thẳm hơn?
Bài thơ nói về hi sinh mất mát nhưng kết thúc không bi lụy mà vẫn gieo vào lòng người đọc mầm sống, mầm hi vọng:
Niềm thủy chung thấu lòng người dưới mộ
Thoảng gió chiều đỏ rực những mầm nhang.
Đất nước, nhân dân ta cùng đau nỗi đau của chị, thông cảm sẻ chia nỗi đau thương mất mát không cùng của chị cũng như tất cả những người như chị với biết bao những người mẹ, người vợ đang đêm đêm ngóng bốn phương trời, vắt kiệt nước mắt vì chưa biết con mình, chồng mình đang nằm lại nơi đâu.
Vì tình đồng đội, tình bạn vì nghĩa cử cao đẹp truyền thống dân tộc, những người đồng đội mặc áo lính năm xưa đang lập những đoàn quân lên Trường Sơn rừng rậm bạt ngàn; vào vùng Quảng Trị, Vĩnh Linh nắng lửa; xuống vùng Cửu Long mênh mông sóng nước; sang nước bạn Lào, Cămpuchia xa xôi để tìm mộ những người bạn cùng mình chiến đấu năm nào về yên nghỉ ngàn thu trong lòng đất Mẹ thân yêu.
Cuộc chiến đã đi qua, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Đất nước đang hàng ngày hàng giờ thay da đổi thịt, song mỗi chúng ta vẫn luôn canh cánh :
Cuộc chiến vẫn đốt lòng bao người vợ.
Đó phải chăng là lời nhắn gởi tâm tình của nhà thơ Phạm Thanh Quang tới chúng ta đạo lý: “ Uống nước nhớ nguồn”?
THÁI HÀ
Hội văn nghệ Ninh Thuận
Tỉnh Ninh Thuận