Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỆT LÃNG - LÀNG TÔI

Lê Bá Thự
Thứ ba ngày 8 tháng 9 năm 2020 9:35 AM


Truyện ký

 

Cách biển Sầm Sơn 32km, thành phố Thanh Hóa 16km, thị trấn Rừng Thông 11 km, làng Phủ Lý 3km (xưa gọi là làng Thần Hậu - Kẻ Rỵ, làng sinh ra nhà sử học Lê Văn Hưu), Ngã Ba Chè 3km, về phía tây; cách di chỉ núi Đọ - nơi có nhiều vết tích về người Việt cổ và di tích Đông Sơn chừng 12 - 15km về phía tây nam; cách khu di tích Lam Kinh 40 km về phía đông nam; cách Thành nhà Hồ 30km, về phía nam; cách Ngàn Nưa 20km (nơi năm xưa Bà Triệu khởi binh chống lại ách đô hộ của Đông Ngô) về phía bắc, tọa lạc một ngôi làng với cái tên vừa đẹp vừa thơ mộng: Nguyệt Lãng (nguyệt lãng - trăng sáng. Nguyệt lãng thiên môn - Trăng sáng cổng trời). Đó chính là làng tôi, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi.

Nguyệt Lãng là một cái tên đẹp, đầy thơ mộng, cho dù tôi không biết được xuất xứ của cái tên cực đẹp này. Trong thực tế, Nguyệt Lãng những năm bốn mươi, năm mươi, của thế kỷ trước, là một ngôi làng đẹp, về phong cảnh và về kiến trúc. Làng Nguyệt Lãng có dáng vầng trăng thượng huyền đại cỡ, với con đường độc đạo, rộng chừng sáu mét, chạy xuyên suốt từ đầu làng đến cuối làng, theo hướng tây - đông, song song với con đường này là con sông đào mà người quê tôi vẫn quen gọi là “Nông giang”, xây dựng từ thời Pháp thuộc. Giữa làng tọa lạc một ngôi đình hướng đông - nam, uy nghi, đồ sộ, với những hàng cột gỗ lim to đùng, kê trên nền những hòn đá tảng đại cỡ. Nền đình cao, với bậc tam cấp bằng đá núi Nhồi. Sân đình rộng, lát gạch đỏ, có tường bao quanh. Chính giữa sân đình, gần cổng ra vào, là một bức bình phong lớn, xây bằng gạch, nhằm tránh nhìn trực diện vào chính sảnh khi dân làng đi từ cổng vào sân đình, đảm bảo sự tôn nghiêm cho ngôi đình.

Đầu làng, cuối làng và giữa rìa phía đông - nam làng Nguyệt Lãng tọa lạc ba ngôi nghè lớn với những đồ tế khí sơn son thếp vàng sặc sỡ, dân làng tôi vẫn gọi ba công trình kiến trúc này là nghè trên, nghè dưới và nghè giữa. Nhìn từ trên cao xuống thấy rõ “vầng trăng thượng tuần Nguyệt Lãng” được bao bọc, che chở, bởi những công trình thờ tự linh thiêng với ngôi đình lớn ở chính giữa làng. Đúng là một quần thể kiến trúc làng xã hoàn hảo của cha ông ngày trước.

Ngay cạnh đình làng sừng sững cây đa cổ thụ hàng trăm tuổi. Đứng từ rất xa đã có thể nhìn thấy cây đa này. Rễ cây đa to đến nỗi tạo thành những cái hố lõm sâu dưới gốc. Hồi nhỏ, lũ trẻ con chúng tôi vẫn thường chui vào những cái hố rễ đa này chơi trò trốn tìm, hoặc trú ẩn, tránh máy bay Pháp. Cây đa sinh thái cành lá xum xuê, ngay bên đường làng, cạnh ngôi đình, quanh năm cho dân làng bóng mát, màu xanh, nơi bà con dừng chân tránh nắng mỗi trưa hè. Gốc cây đa còn là nơi hẹn hò, nơi tỏ tình của trai gái làng tôi. Đối với tôi, cây đa làng ắp đầy kỷ niệm tuổi thơ. Tình cảm và kỷ niệm của tôi với cây đa làng này được thể hiện trong bài thơ Cây đa làng tôi:

Yêu biết bao cái tên đẹp làng tôi

Làng Nguyệt Lãng một vầng trăng đang trôi

Cây đa giữa làng như trong thần thoại

Nơi chú Cuội ngồi - điểm hẹn lứa đôi

Ngày chia tay nhau bên gốc cây đa

Lòng rưng rưng trước lúc sắp đi xa

Dưới trăng thanh tôi nói lời li biệt

Thương em, càng nhớ cây đa quê ta

Có những đêm hè trời trong nơi xa

Ngồi ngắm trăng trôi đến tận đêm thâu

Nhìn cây đa trăng lòng buồn da diết

Nhớ cây đa làng, nhớ dáng áo nâu

Thấm thoắt thoi đưa, người trẻ thành già

Cây đa làng đã bao mùa thay lá

Tôi về quê sau bao năm đi xa

Khấp khởi mừng lại được ngồi gốc đa

Đêm nay trên làng tôi trăng vẫn trôi

Nhưng cây đa giữa làng đã chết rồi

Ngồi ngắm trăng suông nhớ về kỉ niệm

Vắng cây đa trống vắng một khoảng trời.

Cây đa làng tôi, niềm kiêu hãnh, tài sản vô giá của dân làng qua bao thế hệ, cây đa hồn làng, bỗng dưng “lăn đùng” ra chết. Có nhiều cách lý giải cho cái chết của cây đa này. Có người bảo, cây đa chết vì nó lâu năm, quá già; có người bảo cây đa chết vì nó bị chặt rễ; có người lại bảo cây đa chết do sét đánh. Chẳng biết hư thực ra sao, nhưng sự thật nhãn tiền là cây đa hồn làng không còn nữa. Bài thơ Cây đa làng tôi là hồi ức, là nỗi niềm, nỗi buồn và nỗi đau của tôi khi cây đa làng không còn nữa.

Như mọi đình làng khác ở Việt Nam, đình làng tôi là nơi thờ Thành hoàng làng, là nơi tụ họp, nơi hội hè của dân làng. Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết âm lịch, làng tôi lại tổ chức những đêm hát bội, tức diễn tuồng theo tích cũ (làng tôi không có truyền thống hát chèo). Đây là loại hình nghệ thuật sân khấu mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chính, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Sau này tôi còn được biết, trong tuồng, nhân vật nào ra sân khấu từ cánh gà tay mặt (sinh môn) đều sống tới cuối tuồng, dẫu có bị kẻ gian hãm hại cũng không chết. Ngược lại, nhân vật nào ra sân khấu từ cánh gà bên trái (tử môn) cũng phải chết, cho dù là hoàng đế.

Đội tuồng làng Nguyệt Lãng có tiếng trong vùng. Đào kép là những người nông dân chân lấm tay bùn yêu văn nghệ. Không quản mệt nhọc sau mỗi ngày làm đồng, họ rủ nhau tập luyện cả tháng trời, tự làm đạo cụ, tự may áo mũ, tự tổ chức đêm diễn. Lũ trẻ con chúng tôi không bỏ sót một đêm hát bội nào ở đình làng, vì đó là đêm vui của cả làng, tôi háo hức mỗi khi biết tin sắp có đêm diễn tuồng. Đi xem tuồng người xem phải biết tích tuồng, thì khi xem mới hiểu và thích thú. Chẳng hạn xem vở tuồng Phạm Ngũ Lão thì phải biết đây là một danh tướng nông dân nhà Trần trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược nhà Mông - Nguyên lần thứ hai năm 1285 và lần thứ ba năm 1288, đã lập nhiều chiến công… Chúng tôi, những đứa trẻ mới trên dưới mười tuổi, đi xem tuồng thực ra cái chính không phải là để thưởng thức nội dung vở diễn, mà là để xem hình ảnh, xem mũ mãng, xem trang phục màu mè, xem vua, xem quan, xem hề... Tôi lấy làm thích thú khi trên sân khấu tuồng xuất hiện vị võ tướng cân đai mũ mãng, mặc võ giáp cắm đầy cờ lệnh sau lưng, vua mặc áo thêu rồng đầu đội vương miện, hậu phi mặc áo thêu phượng, các tiểu thư đài các mặc áo lụa trắng, các cô dâu mặc áo lụa đỏ. Tôi lấy làm thích thú trố mắt nhìn mỗi khi trên khấu xuất hiện những đào kép ăn vận sặc sỡ, sắc màu nom rất bắt mắt như vậy. Ông Xợn, ở xóm Lãng Trung (làng tôi có ba xóm được gọi là: Lãng Thượng, Lãng Hạ, Lãng Trung), chiều nay còn mồ hôi mồ kê nhễ nhại, áo rách, nón mê, đẩy xe cút kít “vừa bằng hai mông đít vừa bằng hai tay”, chở phân chuồng ra ruộng, vậy mà bây giờ, trên sân khấu tuồng, ông đang là một đức vua oai nghiêm, mặc long bào, đầu đội vương miện, ngồi chễm chệ trên ngai vàng, đang “trị vì muôn dân trăm họ”. Quá say mê xem vở diễn, bị vở tuồng cuốn hút, có lúc tôi cứ ngỡ ông Xợn đang là vua thật, ông đã đổi đời thật sự, đã được làm vua, không còn là lão nông đẩy xe cút kít “vừa bằng hai mông đít vừa bằng hai tay” nữa. Tôi thích lắm. Bà Đích, sáng nay còn đi bắt ốc ngoài ruộng, vậy mà lúc này trên sân khấu bà đang là một nữ tướng oai phong lẫm liệt, miệng hét ra lửa: “Ba quân! Y lệnh ta truyền!”, chẳng khác gì Bà Triệu ngày xưa mà tôi đã đọc trong sách. Tôi rất thích động tác tuốt gươm của vị nữ tướng này, vừa dứt khoát, vừa mạnh mẽ, vừa hùng dũng, cho cảm giác cổ nào cũng bị chặt đứt, đầu nào cũng bị chém rơi, kẻ thù nào cũng bị đánh bại. Còn anh hĩm Trí (gọi là “anh hĩm” vì vợ anh mới sinh con gái đầu lòng. Ở làng tôi thanh niên mới cưới vợ thì được gọi là “anh nhiêu”, khi sinh con đầu lòng, nếu là trai thì gọi là “anh cò”, nếu là gái thì gọi là “anh hĩm”), một người thợ cắt tóc, lúc nào cũng đeo kề kề bên hông chiếc tráp đựng tông đơ, dao, kéo, đêm nay đang sắm vai thằng hề trên sân khấu. Anh hĩm Trí có tài chọc cười, cho nên người xem cứ ngong ngóng chờ anh xuất hiện trên sân khấu. Hễ anh xuất hiện trên sân khấu là người xem ngay lập tức im phăng phắc. Tôi rất thích màn hề “Tên trộm điếc”. Hai anh hề - hai tên trộm, ba hoa xích đế: “nghề luồn rào đào ngạch ta chả kém ai” rủ nhau đi ăn trộm một nhà trong làng. Đào ngạch xong, một tên chui vào bên trong còn tên kia đứng ngoài cảnh giới và chỉ huy.

Tên trộm thứ nhất (đang ở bên trong nhà) nói:

- Nhà va (nhà hắn) chưa tắt đèn.

Tên trộm thứ hai (tai điếc, nghe đèn thành đen, đứng ở bên ngoài) ra lệnh:

- Bò đen cũng đắc (dắt).

Tên trộm thứ nhất lại nói:

- Nhà va chưa ngủ.

Trên trộm thứ hai (nghe ngủ thành củ) lại trả lời:

- Dành củ(1) cũng bưng.

Người xem cười khoái chí khi nghe lời thoại kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” của tên trộm tai bị điếc.

Đêm hát bội làng tôi không bao giờ bán vé, cây nhà lá vườn mà. Tuy nhiên, đội tuồng vẫn có thu nhập nhờ tiền thướng (thưởng). Khi vở tuồng đang được trình diễn, thỉnh thoảng lại có một người xem lên tiếng, xướng to số tiền thướng cho kép này kép kia vì diễn hay hoặc làm người xem xúc động.

Thỉnh thoảng lại có gánh xiếc về biểu diễn tại làng tôi. Xiếc thường diễn ban ngày, ngay tại sân đình, dân làng đứng vòng quanh xem xiếc. Có nhiều tiết mục hấp dẫn: ảo thuật, tung hứng, nhào lộn, rồng phun lửa… Tôi thích nhất là tiết mục phóng dao, một tiết mục “cảm giác mạnh”. Giữa sân đình người ta dựng một tấm ván phóng dao. Một cô gái bước tới, đứng áp lưng sát vào tấm ván. Sau vài lời phi lộ của ông chủ gánh xiếc về tiết mục nguy hiểm chết người này, chú lùn đứng cách tấm ván phóng dao chừng năm - sáu mét bắt đầu phi dao nhọn. Các mũi dao tới tấp bay vèo vèo về phía trước, nghe rởn cả tóc gáy. Cứ mỗi lưỡi dao cắm phập vào ván, sát sàn sạt thân người cô gái, bao quanh người cô gái, là người xem lại ồ lên, trầm trồ thán phục. Giật gân nhất và thót tim nhất là khi các mũi dao lần lượt vây quanh đầu cô gái, chính xác đến từng milimet. Chỉ cần sai sót chút xíu thôi là cô gái trúng thương ngay lập tức. Rốt cuộc, khi cô gái bước ra, rời khỏi tấm ván, thì để lại hình dáng của mình trên ván, được tạo nên bởi những mũi dao cắm sâu trong gỗ, nom rất hấp dẫn, vô cùng ngoạn mục. Đúng là “nhất lé nhì lùn”, chú lùn tài thật. Tôi và lũ trẻ con trong làng lấy làm thích thú mỗi khi được xem tận mắt chú lùn. Chú lùn chân ngắn ngủn, bước đi khệnh khạng, mặt già khú đế, nhưng cao chỉ chừng 80 cm, còn thấp hơn cả tôi lúc đó chưa đầy mười tuổi. Đúng là lùn tịt. Chú lùn rất hiền, hay cười, không hề cau có hay khó chịu khi bị chúng tôi trêu chọc. Lũ trẻ chúng tôi thích chú lùn lắm, chúng tôi bám riết chú, đi theo sau chú ra tới tận đầu làng, khi gánh xiếc rời làng tôi đi sang làng khác.

Những năm kháng chiến chống Pháp, đến làng tôi biểu diễn còn có các đoàn kịch lưu động, gọi là kịch rong. Cũng như xem hát bội, khi xem kịch chúng tôi hiểu nội dung chẳng được là bao, vì còn quá nhỏ tuổi để có thể hiểu thấu đáo thông điệp của vở kịch. Màn kịch tôi chờ đợi, tôi thích thú nhất thường là màn đấu dao găm trên sân khấu. Một “thằng tây” và một “chiến sĩ du kích”, mặt hằm hằm, dao găm lăm lăm trong tay, tiếng rung dao kêu lẻng xẻng, nghe rất rùng rợn, sát khí đằng đằng, lao thẳng vào nhau, vật lộn, xoay tròn, xông vào rồi lại bị hất ra, trong tiếng la hét, reo hò cổ vũ của người xem, nhất là lũ trẻ con chúng tôi. Rốt cuộc “thằng Tây” thua, bỏ chạy trong tiếng vỗ tay vang lên như sấm của người xem, nhất là đám trẻ con chúng tôi. Thế là ta thắng, địch thua.

Có một lần kịch diễn quá khuya, tôi buồn ngủ díp mắt, không chịu nổi, lăn ra thềm đình ngủ như chết, tan cuộc lúc nào tôi không biết. Một diễn viên đoàn kịch phát hiện ra tôi, đánh thức tôi dậy, nhưng lúc đó tôi không dám tự mình đi về nhà, vì sợ ma (chẳng hiểu sao trẻ con chúng tôi đứa nào cũng sợ ma, cho dù chưa thấy ma bao giờ), nhất là bữa đó trời tối như bưng. Chẳng biết phải làm gì bây giờ, tôi bèn bám theo sau một chú diễn viên khi chú này ra cầu ao cạnh đình làm thịt gà nấu cháo ăn bồi dưỡng sau đêm diễn. Làm thịt gà xong chú diễn viên mới hỏi tôi, nhà ở đâu, rồi đưa tôi về tận nhà. Tôi về đến nhà lúc trời đã khuya, rón rén leo lên giường đi ngủ, mẹ tôi chẳng hề hay biết.

Sau đêm xem kịch nhiều giật gân, lắm ly kỳ, lũ trẻ con làng tôi đua nhau đi sắm dao găm để thi đấu với nhau. Tất nhiên là loại dao găm bằng sắt tây, không sắc, không gây nguy hiểm. Cái chính là khi hai tay lăm lăm cầm hai con dao găm rung rung thì dao phải phát ra tiếng kêu lẻng xẻng, nghe rùng rợn, sát khí đằng đằng. Lúc hai bên giáp chiến, lồng lộn quần nhau thì tiếng kêu lại càng phải đáng sợ, cho đối phương khiếp vía. Chúng tôi, từng cặp một, đấu với nhau lúc chăn bò, bắt chước các diễn viên kịch, thích lắm. Đứa nào cũng ao ước, lớn lên sẽ được vào du kích, hay bộ đội, để được đấu dao găm với Tây, giết Tây, để “ta thắng”, “địch thua”.

Hồi kháng chiến chống Pháp, đình làng là nơi sinh hoạt, nơi hội họp của thanh thiếu niên cả làng, cũng là nơi thông báo tin thắng trận, chẳng hạn chiến thắng Sông Lô thu đông 1947, chiến thắng Hòa Bình 1951… Cũng tại các cuộc sinh hoạt, hội họp ở đây rất nhiều thanh niên làng tôi đã xung phong đi bộ đội, đi dân công. Hồi đó thanh thiếu niên làng tôi thường họp chung với nhau, để tập những bài hát mới, để cùng nhau hát những ca khúc đầy khí thế cách mạng, những ca khúc chống Pháp, “Nhạc tuổi xanh” là một trong những ca khúc như vậy:

Một mùa thu năm qua cách mạng tiến ra

Nước Việt bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng

Đoàn người trai ra đi, miệng hô lớn: ''Quyết chiến''

''Quyết chiến''... chân oai nghiêm đều tiến.

Một ngày qua thanh niên giã từ giấc mơ

Phất cờ hồng nhuộm máu,

đấu tranh cho muôn kiếp sầu

Đời người bao gian lao vì non nước: ''Quyết chiến''

''Quyết chiến''... lúc chưa phai tuổi xanh.

Tuổi xanh như lúa mai

Đời thanh niên sáng tươi

Thuở nay chinh chiến chờ đợi người

Về đây tay nắm tay

Đài vinh quang đắp xây

Miệng hô câu hát vang trời mây.

Cùng đi, đem máu lên đỏ ngọn cờ ờ ớ ơ

Cùng đi, đem sức trai đổ xuống bờ, bờ ruộng xanh

Tôi cùng anh, ta tranh hùng chờ ngày hòa bình

Nồng nàn sống (ư) vui tuổi xanh.

Đường ta, ta cứ đi, nhà ta ta cứ xây

Ruộng ta, ta cứ cày đợi ngày

Ngày mai bao ấm no, diệt xong quân Pháp kia

Cười vang ta hát câu Tự do.

Đây là bài hát được tuổi trẻ làng tôi vô cùng mến mộ, hễ hội họp là chúng tôi hát, hát đi hát lại bài này, hát không biết chán. Vì nó mạnh mẽ, hùng tráng, lạc quan, đầy khí thế, hợp với thanh thiếu niên nông thôn lúc bấy giờ; ca từ lại dễ hiểu, dễ hát, dễ nghe, dễ đi vào lòng người. Có lẽ đây là bài hát được chúng tôi hát nhiều nhất. Riêng tôi, tuy còn đang ở tuổi nhi đồng nhưng cực thích bài này, tôi hát nghêu ngao suốt ngày. Tối tối tôi kê chõng tre giữa sân, một mình “solo” ca khúc “Nhạc tuổi xanh”. Tôi lấy làm thích thú khi ngân nga các ca từ đầy hiên ngang, kiêu hãnh “đường ta, ta cứ đi”, những ca từ khiến tôi mường tượng trong đầu, mình đang ung dung thả bước trên đường làng.

Hình như mẹ tôi cũng thích bài này, cụ ra ngồi ngoài hè, tựa lưng vào cột nhà, nghe tôi nghêu ngao hát. Biết mình có “thính giả” tôi hát càng hăng, càng to, càng say sưa. Tiếng hát của tôi vút bay lên bầu trời đêm mùa hạ đầy sao, vang vọng khắp làng. Tuy mê đắm đuối ca khúc “Nhạc tuổi xanh” như vậy, nhưng chúng tôi, kể cả tôi, hoàn toàn vô tư, chẳng hề để ý, không hề quan tâm, tác giả của ca khúc này là ai. Thú thực, mãi sau này tôi mới được biết, tác giả của ca khúc này chính là nhạc sĩ Phạm Duy. Ông sáng tác bài này năm 1947, ở Phú Thọ.

Có một ca khúc hô hào nông dân tăng gia sản xuất phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp (rất tiếc tôi không còn nhớ tên ca khúc này), với những ca từ hừng hực khí thế mà tôi còn nhớ đoạn sau đây:

… Cuốc bẫm cày sâu cho đồng ta được mùa,

Đúc thép rèn gang cho bom nhiều súng lắm,

Đây là Liên Xô,

Đây là Trung Quốc,

Soi đường cho ta tin tưởng đấu tranh…

Còn một bài hát nữa mà hồi đó chúng tôi cũng thường hay hát, đó là bài “Kết đoàn”. Tôi cứ ngỡ đó là bài hát Việt Nam, nhưng về sau mới biết, đó là bài hát hoàn toàn Trung Quốc, sáng tác từ năm 1943, bản dịch tiếng Việt như sau:

Kết đoàn chúng ta là sức mạnh

Kết đoàn chúng ta là sắt gang.

Đoàn kết ta bền vững.

Dù sắt hay là gang, mà sắt với gang còn kém

bền vững.

Chúng ta thề đánh tan quân thù, thực dân,

Đế quốc, sài lang với phe phản động, ta đập

tan hoang.

Tiến, tiến mau mau cờ tự do đang reo hò trong

ánh dương,

Xây đời mới trong dân chủ mới!

“Kết đoàn” không chỉ là bài hát mà còn là một điệu múa, một bài múa tập thể. Thanh thiếu niên, thậm chí cả người lớn làng tôi, xếp thành hàng, đi vòng tròn, hai tay người đi sau đặt lên hai vai người đi trước, chân đều bước, đi vòng quanh sân đình, miệng hát vang “Kết đoàn”. Cả làng kết đoàn, cả làng vui tươi, cả làng vô tư, hồn nhiên, cả làng ca múa, cả làng yêu văn nghệ. Cả làng “kết đoàn” thực sự.

Bây giờ, đã hai thứ tóc trên dầu, lắm lúc ngồi suy ngẫm, tôi thấy nhớ cái ngày xưa ấy, cái ngày xưa không bao giờ quay trở lại nữa. Và tôi thấy mình càng yêu làng, càng đa tạ làng đã cho tuổi thơ tôi đong đầy những “cảm xúc làng”.

LBT.

Nguồn: Báo “Nông thôn Ngày nay”, số đặc biệt Quốc khánh 2.9.2020.



(1) Củ từ.