Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ CÂU CHUYỆN TÂM LINH

Huy Minh
Chủ nhật ngày 24 tháng 1 năm 2010 6:17 AM


Chủ đề GS Vũ Cao Đàm đề cập sẽ mở ra một hướng nghiên cứu rất thú vị về bản thể con người. Là dân tin học (IT) nên tôi rất đồng cảm với việc GS VCĐ giải thích cho các sinh viên của mình về câu chuyện có “số phận” hay không cũng như việc xem mỗi người là một “siêu máy tính” hay nói cách khác là một robot – người máy vô cùng tinh vi hiện đại - sản phẩm của Tạo hoá. Tôi xin được chia sẻ những suy nghĩ của mình về vấn đề này.
 
Bộ gene người
Hai nhà khoa học Mỹ là James Wason và Francis Crick phát hiện ra chuỗi xoắn ADN năm 1953. Bản đồ gene người được công bố vào tháng 6/2000. Năm 2004, Viện Wellcome-Trust Sanger, Anh đã giải mã 30% bản đồ gene. Tiến sĩ John Sulston, người đứng đầu nhóm các nhà khoa học Anh trong dự án nghiên cứu gene người đã được Nữ hoàng Anh phong tặng tước Hiệp sĩ. Cùng với các đồng nghiệp, ông đã góp phần vào việc giải “mã của cuộc sống” ẩn giấu trong hầu như tất cả các tế bào của mỗi chúng ta. Các chuyên gia Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản và Trung Quốc cũng tham gia vào Dự án gene người này.
Con người có khoảng 3,2 tỉ phân tử ADN (Acit Desoxyribo Nucleic) khác nhau được gói gọn trong 23 cặp nhiễm sắc thể nằm trong nhân của mỗi tế bào cơ thể, trong đó có một cập nhiễm sắc thể xác định giới tính (gonosom). Mỗi đơn vị của ADN, nucleotit, gồm một phân tử đường, một phân tử phosphat và một trong bốn bazơ - Adenin (A), Guanin (G), Cytosin (C) và Thymin (T). Trong khi phân tử đường và phosphat tạo thành hai thân sóng của ADN để giữ vững thì các bazơ là cầu nối liền hai nhánh theo một nguyên tắc nhất định. Mỗi sinh vật dù là người, thú hay các giống cây đều chứa cùng loại bazơ trên dãy ADN. Chỉ có chiều dài của ADN và thứ tự sắp xếp của bốn “viên gạch“ nói lên sự khác biệt của các loài. Cứ mỗi 3 trong 4 bazơ liền nhau lập thành một đơn vị, gọi là Triplett hay Coden. Mỗi Codon là một mã số để tế bào sản xuất một acit amin. Acit amin lại là những viên gạch hạ tầng, xây dựng phân tử protein và protein là phân tử đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra sinh vật sống.
Giới khoa học phát hiện số gene người ít hơn họ tưởng và protein - chất tạo nên mô và điều chỉnh chức năng của cơ thể - phức tạp hơn họ nghĩ. Con người có khoảng 30.000-40.000 gene. Họ cũng đã xác định hơn 1,4 triệu SNPS. SNPS là những thay đổi đơn nhất trong việc sắp xếp 3 tỷ ký tự của bộ gene người, làm cho con người khác nhau. Chúng nắm giữ chìa khoá đối với thiên hướng nhiễm các căn bệnh chẳng hạn như ung thư, tiểu đường, bệnh tim và nhiều điều bí ẩn khác.
Sử dụng kiến thức công nghệ thông tin để hiểu về con người
Chiếc máy tính (PC) bao gồm phần cứng (hardware) và phần mềm (software), phần cứng máy tính không thể hoạt động nếu không có phần mềm điều khiển. Phần cứng bao gồm nhiều bộ phận từ đơn giản như ốc vít đến phức tạp như đĩa cứng, bộ nhớ RAM,… trong nhiều bộ phận như ở các linh liện, con chip, bộ vi xử lý cũng có phần mềm riêng được cài đặt sẵn. Phần mềm là các dòng lệnh được viết theo một ngôn ngữ nào đó và có cú pháp, trật tự nhất định dùng cho việc xử lý thông tin, đầu vào đầu ra. Trong một chiếc máy tính có nhiều phần mềm với tính năng, công dụng khác nhau và được kết nối để hoạt động trơn tru trong một hệ thống theo một hệ điều hành chung.
Chúng ta cũng có thể hình dung sự hoạt động của con người giống như một chiếc máy tính (computer). Các phần mềm hệ điều hành dùng để quản lý, điều khiển các bộ phận phần cứng máy tính, giống như điều khiển các bộ phận trên cơ thể người. Chúng ta cũng bao gồm thể xác và tinh thần; phần hồn - phần xác tương ứng với phần cứng - phần mềm của máy tính. Phần xác của chúng ta dù là dân tộc nào (đen, trắng, vàng; Phi, Mỹ, Á, Âu, Úc,…) đều cơ bản giống nhau, đó là giá đỡ vật chất cho tinh thần nương tựa, biểu hiện. Phần mềm, phần hồn, tinh thần của mỗi người cũng có nhiều điểm giống nhau như biết đói, no, biết yêu, ghét, biết hạnh phúc và đau khổ. Tuy nhiên tính tình, trí tuệ, tình cảm,… lại mỗi người mỗi khác, kiểu “Cha sinh con (xác) - Trời sinh tính (hồn)” vậy. Là dân phần mềm nên tôi quan tâm hơn đến phần mềm (phần hồn, tinh thần) của con người.
Phần mềm trong chúng ta là sản phẩm của Tạo hoá đã được tiến hoá qua hàng triệu năm nên hết sức tinh vi và hoàn hảo. Chúng ta hãy thử hình dung: mỗi người có từ 60.000 tỷ - 100.000 tỷ tế bào, vậy mà không một tế bào nào không được quản lý, được giám sát một cách chặt chẽ từ lúc sinh ra cho đến lúc hết sứ mệnh, bị đào thải và thay thế bởi tế bào khác. Mọi sự bất thường của tế bào/ nhóm tế bào “bất trị”, không kiểm soát được chính là lúc chỗ đó bị ung thư (cancer), lúc này lỗi không phải chỉ là phần cứng nữa mà là lỗi của chương trình, của phần mềm!. Một cơ thể khoẻ mạnh là sự hoạt động nhịp nhàng, theo đúng “thiết kế” của cả phần cứng (thân thể) và phần mềm (tinh thần).
Dân IT cho rằng phần mềm của con người được viết bởi khoảng 30-40 nghìn dòng mã lệnh - không lớn lắm (thậm chí ít hơn nhiều) so với các phần mềm mà chúng ta sử dụng hàng ngày như Windows, Google, Photoshop,… hoặc nhiều chương trình quản lý khác. Thế mới biết phần mềm của Tạo hoá thật tinh vi và tối ưu, ngắn gọn. Những thuật toán được sử dụng rõ ràng phải vô cùng cao siêu!.
Hiểu được hoàn toàn ý nghĩa của từng lệnh cũng như toàn bộ chương trình, phần mềm là một việc vô cùng khó khăn, tuy vậy khoa học đã đạt được những dấu ấn quan trọng: từ việc phát hiện ra chuỗi xoắn kép ADN trong tất cả các sinh vật sống (năm 1953), đến khi công bố bản đồ gene người (6/2000) và năm 2004 đã tiến hành giải mã 30% số gene, quả là chúng ta tiến đến rất gần  đến cội nguồn của chính mình!.
Tuy nhiên, dù chúng ta có thể đọc, giải mã được hoàn toàn bộ số gene của mình nhưng vấn đề đặt ra ở đây làm thế nào để chạy được chương trình này. Một thí dụ mà người ta đã làm đó là thực hiện sinh sản vô tính: chú cừu Dolly được tạo ra bằng cách lấy nhân của một tế bào hoàn chỉnh của một con cừu nào đó rồi đặt vào trong một trứng cừu cái đã loại bỏ nhân (việc này nghe giống như việc copy một phần mềm, một chương trình vào đĩa cứng của một PC). Trứng sau khi đã được cấy ADN giống như một trứng đã được thụ tinh và người ta đặt quả trứng này trong tử cung của cừu cái và sau đó Dolly đã ra đời như chúng ta đã biết.
Ở phần này, chúng ta có thể ghi nhớ và tưởng tượng rằng, cơ thể mình giống như một chiếc máy tính với phần xác đẹp đẽ và phần hồn (phần mềm) điều khiển vô cùng tinh vi. Mỗi tế bào đều chứa nhân mà ở đó có chuỗi xoắn kép ADN làm nhiệm vụ ghi lại toàn bộ thông tin liên quan đến tế bào. Hệ thống thần kinh gồm não, các hạch, huyệt đạo, các dây thần kinh là nơi xử lý, truyền thông tin, dữ liệu và điều khiển các bộ phận khác của cơ thể. Kể từ lúc thụ thai: một tinh binh xâm nhập thành công vào trứng cũng là lúc phần mềm trong tế bào trứng của Mẹ được kích hoạt và bắt đầu “chạy”, làm nhiệm vụ điều khiển, giám sát mọi hoạt động phân chia, nhân đôi, và phát triển thành một cá thể hoàn chỉnh để rồi sau 9 tháng 10 ngày sẽ cất tiếng khóc chào đời đầu tiên. Một lần nữa chúng ta thực sự kính sợ mức độ tinh vi của chuỗi xoắn kép ADN đầu tiên trong tế bào trứng được thụ tinh và kính sợ hơn cả là sự tinh vi hoàn hảo của Phần mềm điều khiển toàn bộ sự phát triển của cơ thể con người với hàng chục nghìn tỷ tế bào.
   
Siêu máy tính Vũ trụ
Chúng ta đã từng nghe nói đến con người là một Tiểu Vũ trụ sống trong Đại Vũ trụ bao la. Ở đâu đó trong nhiều cuốn sách cũng nói đến “Trí Vũ trụ”, nói cách khác nếu mỗi người là một máy tính thì Vũ trụ sẽ là một Siêu Máy Tính. Để ý suy gẫm, chúng ta thấy Vũ trụ là một hệ thống hoàn chỉnh, có trật tự, có tổ chức, biết tự điều chỉnh, tự tổ chức để hoàn thiện do vậy Vũ trụ phải có trí tuệ, nói một cách khoa học Vũ trụ phải được điều khiển bởi một phần mềm, một chương trình được thiết kế vô cùng tinh vi, hoàn hảo, hầu như đã lường trước mọi khả năng, tình huống để tồn tại cho đến ngày nay (sau chừng 14 tỷ năm). Nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận có nói : “Chúng ta đều phụ thuộc vào nhau”, thậm chí trong thực nghiệm nổi tiếng EPR cho thấy giữa 2 hạt electron vô cùng nhỏ bé cũng có mối liên hệ với nhau bất kể khoảng cách vô cùng lớn giữa chúng.
Bởi vậy, vấn đề đặt ra ở đây là phải chăng chiếc máy tính – con người lại được “nối mạng” với Siêu máy tính vũ trụ, giống như kiểu máy chủ (Server) - máy trạm (PC). Dĩ nhiên nối mạng ở đây không phải bằng một sợi cáp mà bằng dạng khác kiểu như wifi, không dây vậy!. Điều này mới có thể giải thích được việc: tại sao chỉ với 01 bộ gene trong tế bào trứng được thụ tinh mà lại có thể phát triển thành một con người hoàn chỉnh, có trí tuệ. Một lần nữa câu “Cha sinh con, Trời sinh tính” lại cần phải được nhắc đến bởi điều này là đúng và hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta được nối mạng với Trí vũ trụ và chịu sự giám sát, quản lý của Trí tuệ vũ trụ. Phần mềm trong chúng ta được lập trình để kết nối và chịu sự điều khiển của siêu phần mềm điều khiển Vũ trụ. Đối với các phần mềm thì thông tin, dữ liệu lại vô cùng quan trọng, thông tin đầu vào (input) sau một quá trình được xử lý sẽ trở thành thông tin đầu ra (output) và đầu ra này lại là đầu vào của một quá trình xử lý tiếp theo. Đây chính là những điều mà luật Nhân - Quả cũng như thuyết Duyên khởi của Nhà Phật nói đến.
Đến đây, câu trả lời có số phận hoặc định mệnh hay không sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trước hết, bản thiết kế về 1 con người hiển nhiên đã được lập và được mã hoá trong bộ Gene gồm 23 cặp nhiễm sắc thể. Riêng bộ mã này đã cho phép một tế bào trứng được thụ thai (kể cả vô tính) trở thành 1 cá thể bao gồm cả phần xác (hardware) và phần hồn . Điều quan trọng là khi tạo nên nên 1 cá thể thì số phận/ định mệnh của cá thể này có được “lập trình” sẵn hay không.     
Tôi cho rằng, mặc dù bộ gene người có chứa đựng nhiều thông tin, mật mã nhưng không hẳn là số phận đã được ghi hoàn toàn trong đó. Chúng ta kết nối trực tiếp (online) với Siêu máy tính Vũ trụ vì vậy, thông tin, dữ liệu trong ta cũng đồng bộ với thông tin được lưu trữ trong Vũ trụ. Vũ trụ là một hệ thống hoàn chỉnh được thiết kế, được lập trình để tồn tại, vận động và tiến hoá. Tất cả đều là sự lập trình, đều là những quá trình xử lý thông tin trong các môi trường bởi các định luật về năng lượng và các hạt cơ bản (phái Duy thức trong triết Phật khẳng định “Tất cả đều là Thức” chính là vậy).   
Định mệnh của mỗi người chẳng qua là bản thiết kế đã được lập sẵn để người đó sẽ LÀ GÌ, Ở ĐÂU trong bậc thang tiến hoá của CÂY nhân loại. Nếu chấp nhận có Trí tuệ Vũ trụ hiển nhiên chúng ta sẽ có câu trả lời Định mệnh có hay không cho bản thân. Từ hàng nghìn năm qua, người ta đã dùng mấy tham số đầu vào như ngày sinh, nơi sinh, giới tính để lập lá số tử vi và một số thầy bói, thầy tướng có thể tiên đoán số mệnh qua lá số tử vi đó. Tính chính xác phụ thuộc vào khả năng “đọc” của các thầy. Có thể lá số tử vi chỉ là một bản báo cáo (report) cô đọng nhất về một con người.
Trong lịch sử loài người, có rất ít người (các thánh nhân, vĩ nhân, các bậc chân sư, cao tăng đức độ,...) biết được định mệnh tức vị trí/ vai trò đích thực của mình trong Cây nhân loại. Tôi cho rằng hạnh phúc chính là ai đó tìm được đúng vị trí và nỗ lực phấn đấu để làm tròn bổn phận của mình ở vị trí, vai trò đó. Tạo hoá, Trí vũ trụ có thể có những lý do hợp lý khi che giấu không để con người dễ dàng biết được đúng vị trí của mình, bởi thế nên chúng ta luôn phải nỗ lực, phấn đấu, phải mò mẫm, lao tâm khổ tứ để mưu cầu hạnh phúc.
 
Hướng ứng dụng vào cuộc sống
Trong phần trên, chúng ta được xem là những chiếc máy tính được nối mạng chung với Siêu máy tính – Trí tuệ vũ trụ bởi vậy tất cả mọi người đều có liên quan đến nhau, đều phụ thuộc vào nhau. Rất nhiều vấn đề chúng ta chịu sự quản lý, giám sát của Trí vũ trụ, Vũ trụ âm thầm ghi lại toàn bộ những việc xảy ra trong cuộc sống của mọi người (giống như hệ thống máy tính ghi log - nhật ký). Có thể nói rằng tư tưởng “Thiên cao, Hoàng đế viễn” (Trời thì cao, Vua thì xa) của các quan chức, công bộc đạo đức kém, tham nhũng sẽ bị tiễu trừ trong một ngày không xa khi mà ngành công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão để “Thay Trời hành đạo”.
Đối với mạng máy tính, khoảng cách về không gian, thời gian đã được thu hẹp. Để dễ hình dung tôi có thể đưa ra 1 ví dụ nhỏ: Ý nghĩa của bức tượng Phật nghìn mắt, nghìn tay (Thiên thủ, Thiên nhãn) là thể hiện quyền năng vô biên của Đức Phật : cùng một lúc muôn tay có thể “làm được” nghìn việc, muôn mắt có thể “thấy được” nghìn điều những mong cứu nhân độ thế. Ngày nay, ta có thể hình dung mắt là những webcam hay camera an ninh, giao thông, còn tay chính là những máy tính nối mạng Internet, LAN, WAN, những cánh tay nối dài, thoắt ẩn, thoắt hiện có thể vươn dài đến mọi nơi trên thế giới!. Công nghệ thông tin sẽ còn tiếp tục làm nên những điều kì diệu nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng. Thậm chí cả việc định lượng được thành tích và khuyết điểm, công và tội, thiện và ác,… làm sở cứ cho những phiên xét xử, và tạo ra những hệ giá trị mới, định lượng được của mỗi người trong xã hội. Con người thích tự do hơn là tự giác nhưng khi mà sự sa đoạ, suy thoái đạo đức đến độ trầm trọng thì phải cần những con mắt, cánh tay nghiêm khắc của Trời, Phật thường xuyên theo dõi, uốn nắn họ đi vào con đường hướng thiện. Ta có thể hiểu những phần mềm, chương trình quản lý sẽ thực hiện được sự giám sát này, đó chính là tai, là tay, là mắt của Trời, Phật vậy.
Vai trò quan trọng của Công nghệ thông tin đã được Đảng, Nhà nước xác định rõ và quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện trong nhiều chương trình, kế hoạch quốc gia, bước đầu đã đem lại những hiệu quả to lớn như trong lĩnh vực: viễn thông, ngân hàng, tài chính. Nếu ngành thuế, Tài chính, ngân hàng được triệt để tin học hoá nhằm mục tiêu quản lý được thuế, tiền, tài sản toàn quốc một cách thống nhất, tập trung thì sẽ đem lại những sự phát triển vượt bậc trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Trong nước, đã xuất hiện những phần mềm quản lý đặc biệt (sử dụng thuật toán Fractal - sao chép, chiết hình, giống như cơ chế hoạt động của ADN trong tự nhiên) cho phép triển khai nhanh, hiệu quả, đồng bộ trên phạm vi cả nước để có thể nắm bắt được thông tin số liệu nhanh nhất, chính xác nhất và ít tốn kém nhất. Đây là điều rất quan trọng, bởi khi theo dõi các phiên chất vấn trong quốc hội, chúng ta thường thấy các vị bộ trưởng không có thông tin số liệu chính xác trong lĩnh vực mình quản lý, mặc dù họ có cả một hệ thống bộ máy nhân sự (nhưng thiếu công cụ tin học hữu hiệu). Nắm chắc được nhanh, chính xác, đầy đủ, thông tin, số liệu vĩ mô tức là chúng ta nắm được nguồn lực quốc gia từ đó có thể sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả nhất. 
Đi sâu vào những vấn đề mà GS Vũ Cao Đàm đề cập đến còn rất nhiều điều hết sức thú vị. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy, nếu chúng ta biết sử dụng những kiến thức về công nghệ thông tin để tìm hiểu, nghiên cứu Văn hoá phương đông cũng những tìm hiểu giáo lý của các tôn giáo sẽ có nhiều thuận lợi, dễ dàng thấy được bản chất và vẻ đẹp trong sáng thánh thiện của các giáo lý cổ. Chúng ta sẽ thấy sự tương đồng kỳ diệu giữa công nghệ thông tin và hệ thống tri thức của các nền văn minh nhân loại. Chúng ta sẽ thấy được vẻ đẹp minh triết của các tôn giáo nguyên thuỷ mà không bị thời gian và lịch sử che phủ. Có thể nói chính nhờ có nhãn quang của dân IT, của người lập trình mà tôi đã có duyên đến với văn hoá phương đông để hiểu và trân trọng những giá trị của nền văn minh Rồng Tiên, Việt tộc; hiểu và thấy được những giá trị cao siêu của Kinh Dịch, Đạo Khổng, Lão giáo, Phật giáo, Ấn giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, đặc biệt Đạo Cao đài của Việt Nam hay phái Thông thiên học của thế giới là những tôn giáo khá tiến bộ có sự tổng hợp, dung hoà những trường phái tôn giáo lớn của loài người. Hầu như các giáo lý nguyên thuỷ đều lấy con người làm trung tâm, vì con người, đều xây dựng nên những mẫu người lý tưởng (quân tử) để dạy dỗ và làm gương cho quần chúng noi theo, học tập. Các bậc thánh hiền đều dạy con người cách chung sống hoà nhập với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, khác hẳn với cách thức mà khoa học lý tính thuần tuý là đòi “chế ngự, làm chủ thiên nhiên”, chúng ta cũng đã biết đến sự cảnh báo của thiên nhiên trong thời gian qua về thiên tai, dịch bệnh, khí hậu, tài nguyên,…. khi cố “chế ngự, làm chủ”. 
Hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, về máy tính và Internet và dùng nó để phục công việc hàng ngày cũng như sử dụng các kiến thức đó để tìm hiểu về vũ trụ, về con người./.
Hà Nội, 20/01/2010