Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÔI VÀ BA NGƯỜI KHÁC

Trần Huy Thuận
Thứ năm ngày 21 tháng 1 năm 2010 6:23 PM
 
 
1.    THẰNG THỦY
 
 Sau lần gặp lại bạn đồng môn Trường Trung học Nguyễn Khuyến (phố Bến Củi) Nam Định tại quê hương, trong một email gửi cho tôi, tác giả “Hà Nội trong mắt ai”, đã kết thúc bằng hai từ: “Thằng Thủy”. Cái lối xưng hô tếu táo kiểu học trò ấy làm tôi cười chảy cả nước mắt nước mũi! Thế là trong thư trả lời, tôi cũng đáp lại: “Chào thằng Thủy. Ký tên: Thằng Thuận”! Các bạn có biết không, cả hai “thằng” đều đã sang tuổi “thất thập cổ lai hy”!
 Tôi với Thủy là đồng môn, cùng khóa (1953 – 1957), nhưng không cùng lớp. Trường Nguyễn Khuyến chúng tôi học ngày xưa, là trường trung học công duy nhất của cả mấy tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Thành phố thì nhỏ bé, người lại không đông, nên biết nhau gần hết. Ngôi trường chúng tôi học, chỉ là hai dãy nhà cấp bốn, nằm vuông góc với nhau quanh cái sân bằng đất. Vì thế, đã là đồng môn thì hầu hết đều biết nhau, không phân biệt lớp này lớp khác, khóa này khóa nọ. Chúng tôi biết nhau còn bởi một lẽ nữa: Thường đứa nào cũng là những đệ tử trung thành của sân bóng Quảng trường thành phố!
Mặc dù vậy không hiểu sao, giữa tôi và Thủy lại không hề có chút kỷ niệm nào về nhau thời cắp sách? Cho nên khi được tin Thủy về Nam Định, có ý muốn gặp mặt bạn đồng môn, tôi đã định không đến, vì ngại cái tiếng “thấy kẻ sang bắt quàng làm họ”! Mà Thủy đúng là một người sang thực sự, ít nhất cũng là với tôi!
Tôi biết và khâm phục anh chàng nghệ sĩ điện ảnh này trước khi được bạn bè bảo cho biết, Thủy là đồng môn. Ấy là từ lúc được xem phim “Hà Nội trong mắt ai” của anh, khi phim này vừa được phép cho công bố công khai. Trong tâm tưởng tôi thời kì ấy, anh là một hình bóng cao vời vợi và đáng nể lắm!
Khi được Trần Huy Huấn gọi điện báo Thủy sắp đến chơi, tôi cũng hơi băn khoăn, chưa biết nên xử sự sao đây. Vì lẽ, trong cuộc đời, tôi đã không dưới một lần hiểu thế nào là bạn cũ! Khi Thủy vừa đến cửa, tôi vội ra đón và chìa tay bắt. Thủy đã có một cử chỉ làm tôi bất ngờ:
- Không bắt tay gì cả, để mình ôm cậu một cái đã!
Nói là làm liền. Thủy ôm tôi rất chặt, còn nói với vợ tôi: “Chị ơi, tôi biết anh trước cả chị nhiều năm cơ!”
Thế là mọi nghi ngại trong tôi đều tan biến hết. Trước mắt tôi lúc này Thủy cũng như Định mít, Huấn, Du đen đang ngồi tại nhà tôi đây, đều là những thằng bạn thời non trẻ, không có ai là ông nọ bà kia gì hết!
 Trước khi trở về Hà Nội, Thủy gửi tặng lại bạn bè một quyển sách viết trong những ngày làm việc tại Mỹ, với lời đề tặng thật thân thiết, và bằng giọng điệu rất... học trò:
“Bạn của tôi!... Một nửa thế kỷ, xấp xỉ một đời người chúng ta mới được ngồi lại với nhau... Những kỷ niệm của chúng ta thời học trò trường Nguyễn Khuyến thân thương ngày ấy, các thầy, các bạn, con sông xưa, thành phố cũ đã ám ảnh tôi khôn nguôi trên khắp mọi nẻo đường đời gần xa, vinh nhục.
 Tôi nhớ ông Phùng Quán đã nói một câu rất hay nhưng có phần bóng bẩy quá: “Có những lúc ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Còn tôi, xin cám ơn các bạn, những kỷ niệm đầu đời ấy chính là hành trang cho tôi vững tin, không chút ngại ngùng run sợ đi trên con đường độc đạo của kẻ làm nghề”. Rồi anh kết luận:
“Tôi yêu các bạn, vì các bạn là tài sản tinh thần của tôi”.
Trong thâm tâm, tôi rất muốn nói với Thủy: Tình bạn! Đúng là rất đáng trân trọng, nhất là tình bạn thời cắp sách. Nhưng, trong cuộc sống, thực ra nhiều khi nó không được hoàn hảo như thế. Thậm chí có khi... Nhưng rồi tôi tự kiềm chế để những suy nghĩ ấy không buột ra khỏi miệng. Vâng! Hãy để niềm tin về một tình bạn thủy chung, trong sáng tồn tại trong Thủy, trong mỗi chúng ta, ít nhất cũng là vào thời khắc cảm động này, sau bằng ấy năm xa cách!
 
 
 
2.    ANH CHÀNG “MỐC” LÀM QUAN
 
“Mốc” là biệt danh chúng bạn thời đá bóng, chơi bi chơi đáo, đặt cho anh. Mốc – vì cứ học xong, anh lại phơi mặt trên sân Quảng trường thành phố! Anh là đồng môn không cùng khóa (trên tôi một lớp), nhưng đều là bạn rất gắn bó với trái bóng tròn!
Ra trường, tôi đi làm công nhân công chính, rồi đi học trung cấp kỹ thuật. Công tác mấy năm ở Hà Nội, tôi xin được về quê hương để tiện chăm sóc mẹ già. Một lần đi dự mít tinh chào mừng Quốc khánh, tôi trông thấy anh trên hàng ghế chủ tịch đoàn. Dáng điệu thì vẫn lều khều, mốc mác như xưa, nhưng anh đã là một trí thức xã hội chủ nghĩa, có bằng phó tiến sĩ do Liên Xô cấp; lại mới được bầu vào Hội đồng nhân dân tỉnh. Ngại cái điều “thấy người sang bắt quàng làm họ”, nên tôi cũng như nhiều người bạn khác, đều tránh không tìm gặp anh những ngày ấy. Sau này lại càng ngại, vì hầu như mỗi thời gian qua đi, anh lại lên một chức mới. Trong đám bạn cũ, có anh vẫn lầm lũi đội than ngoài bến cảng thành phố như Tiết Cường, có anh đi làm công nhân biền biệt ngoài mỏ Quảng Ninh như Du đen; có anh ngày đêm lận đận đo đạc thủy văn tận Mù Cang Chải như Hoàng Quang Lịch... thì một người như anh quả là đã thành đạt lắm rồi, rất đáng để mấy thằng đồng môn chúng tôi tự hào và hâm mộ.
Bước đường công danh của anh không ngừng tăng tiến. Chỉ có điều, tính cách Mốc thuở đá bóng, đá cầu ở anh thì không thay đổi mấy. Và chính cái đó đã có lần làm hại uy tín bản thân anh. Ấy là lần người dân Thành Nam thấy anh trên ti vi (mà anh thì có vẻ rất thích xuất hiện trên đó hằng ngày!) tại Nhà bảo tàng địa phương; sau khi cầm xem chiếc gối kỉ vật của Bác Hồ, anh đã ném xuống giường, chứ không nâng niu trân trọng đặt trở lại chỗ cũ –một hành vi mà các lão thành cách mạng trong tỉnh gọi là... lấc cấc! Thì ra, bằng ấy năm làm chính khách, anh vẫn chưa học được tính cẩn trọng, chín chắn của một nhà lãnh đạo!
Một lần cơ quan tôi tổng kết, anh đã đến dự với tư cách khách mời danh dự. Tôi là phó chánh văn phòng cơ quan, nên có trách nhiệm đón và hướng dẫn khách vào hội trường. Trước đông đủ quan khách và các sếp của tôi, bất ngờ anh nói: “Tôi với anh Thuận đây là bạn học cũ!”.
Tôi thật sự cảm động trước câu nói ấy của anh. Không cảm động sao được, khi một người có địa vị cao sang như anh, lại nhận tôi là đồng môn. Giá như anh chỉ ghé tai nhắc điều đó riêng với tôi, thực sự tôi hẳn cũng đã lấy làm sung sướng lắm! Đằng này, anh lại nói trước cả đông đảo quan khách như thế!
Không chỉ có vậy, sau này, khi anh trở thành người đứng đầu tỉnh, anh còn có nhã ý nhắn nhủ bạn đồng môn (theo lời kể của Trần Ngọc Phùng, nguyên phó chủ tịch thường trực Công đoàn tỉnh, một bạn đồng môn): “Thi thoảng có điều gì bức xúc, các bạn cứ vào văn phòng gặp tôi. Tôi luôn sẵn sàng đón tiếp và lắng nghe ý kiến mọi người, nhất là của các bạn. Nên nhớ rằng, ở cương vị này, tôi rất cần nhiều thông tin để có thể hoàn thành tốt công việc của mình!”. Anh nghĩ và nói ra như thế, là có lý lắm!
Và cũng không chỉ có thế, khi Vũ Đường (Giám đốc Công ty Ngoại thương, nơi công ty tôi đang nhận trách nhiệm thi công một nhà máy thành viên của anh) nhờ tôi mời thủ trưởng về thăm để làm quen và xin ý kiến chỉ đạo, anh đã nhận lời. Tôi nhớ, trong buổi làm việc hôm ấy, anh hay dùng câu: “Có phải thế không, ông Thuận?”; đến mức khi kết thúc, Vũ Đường đã phải ghé tai tôi thì thầm: “Hôm nay, ông được thủ trưởng liên tục xin ý kiến!” (sau này thì… hai người này – anh và Vũ Đường, lại trở thành thân thiết như một “cặp bài trùng”!).
Bẵng đi nhiều năm tôi không được gặp anh, nhưng trong lòng vẫn cảm phục anh lắm. Rồi một chuyện không may xảy ra: Những năm làm công tác phó chánh văn phòng một ngành của địa phương đã tạo tôi thói quen đọc báo và nghiên cứu chính sách. Đến khi về làm cán bộ quản lý một doanh nghiệp nhà nước, tôi vẫn duy trì thói quen đó. Tai nạn bắt nguồn chính từ đó! Đọc báo, xem ti vi, nghe đài, luôn luôn được biết những chuyện tiêu cực xảy ra ở nơi này, nơi nọ, trong đó có địa phương quê tôi. Lại được đọc “Những việc cần làm ngay” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh – mà tôi coi đó như lời hiệu triệu quốc dân đồng bào. Thế là máu viết lách nổi lên, tôi bèn tiến hành tổng hợp tất cả các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh mà báo chí đã phanh phui, nhưng có dấu hiệu rơi vào “im lặng đáng sợ”, thành một bài viết nhan đề: “Tại sao không thể loại trừ được những con sâu mọt này”. Ngày 19-7-1990 báo Lao Động đăng trang trọng trên trang 2. Mặc dù tôi không ký tên thật, dùng tên anh con cả, nhưng chỉ mấy ngày sau, nhà báo Lương Mạnh (TTX VN) đã đến cơ quan gặp riêng tôi, thông báo: “Này Thuận, anh không ký tên thật, nhưng lãnh đạo thừa biết tác giả bài báo là ai rồi. Liều liệu mà chờ... “ăn đòn” của ông bạn đồng môn nghe!”. Lúc ấy, tôi cho là Lương Mạnh hơi nói quá, chứ tôi có viết gì sai trái đâu? Vả lại những vụ việc tôi nêu trong bài báo, đều là trích từ các báo đã đưa, chứ nào tôi có tự bịa ra? Chưa nói, tôi làm việc này xuất phát từ lời kêu gọi của Tổng bí thư đấy chứ? Nhưng sau mấy tuần, tôi mới dần dần nhận ra, cái đòn mà Lương Mạnh nói, nó đau đớn như thế nào! Không phải cái đau thể xác – cái đau thể xác cũng đáng kể, nhưng chắc chắn chẳng thấm vào đâu, so với cái đau tinh thần này! Nó buộc tôi phải tự làm đơn xin về hưu trước tuổi (tôi về hưu năm 1991, lúc đó tôi vừa sang tuổi 53).
Lương Mạnh lại đến gặp tôi: “Mình nói có sai đâu! Thuận dại lắm, đang làm ăn đi lên như thế, lại nhảy lên mặt báo làm gì cho khổ? Ông quên câu các cụ dạy rồi ư, lập thân tối hạ thị văn chương mà!”. Tôi nói: Cám ơn ông đã kịp thời thông báo và chia sẻ. Nhưng tôi cần nói lại hai điều: Một là tôi không hề có ý định lập thân bằng văn chương. Hai là, dù sao tôi vẫn cho rằng mình không có gì sai trái cả!
Ít hôm sau, tại buổi lễ khánh thành công trình trọng điểm ngành ngoại thương, tôi có dịp gặp anh bạn đồng môn của mình. Với trách nhiệm đồng chủ trì trong lễ bàn giao, khi thấy xe anh đến, tôi đã ra tận cửa để chào đón. Thật bất ngờ, khi tôi chìa tay ra, sếp lớn của tôi đã không những không thèm bắt, mà còn hầm hầm bước thẳng vào hội trường! Sau sự việc ấy, tôi cứ tự dằn vặt mình: Làm sao mà mình ngu thế, mình là cấp dưới, sao lại đi chìa tay ra trước bề trên cơ chứ?
Đến tận hôm nay, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn không nguôi ngoai tự dằn vặt: “Làm sao mà mình ngu thế?”. Vâng, làm sao mà mình ngu đến thế!
Sự tức giận của anh với tôi không chỉ thể hiện một lần ấy, mà còn đeo bám cho đến tận ngày họp mặt đồng môn tổ chức tại khách sạn Sơn Nam! Hôm ấy, tôi và Hiếu là thành viên ban tổ chức, đang đứng ở cửa phòng họp đón khách thì anh đến. Sau khi bắt tay mỗi mình Hiếu, anh nói luôn: “Mình về lần này là mục đích lo làm kinh tế cho tỉnh (anh đã chuyển lên Hà Nội, làm công tác ở cấp trung ương từ mấy tháng nay), bận lắm, không dự họp được với các cậu!”. Không biết Hiếu hay ai đó đã nói ngay: “Anh lo kinh tế cho tỉnh cái gì, tôi không cần biết; nhưng các thầy đang ngồi trong hội trường kia, anh hãy vào mà chào các thầy đi đã!”. Đến thế thì anh làm sao không thể không vào?
*
Sáng nay, các bạn Lê Sáng, Ích Minh (Minh nhũn), Định mít, Xinh sộp và Kim Oanh đến họp ở nhà tôi để bàn về chương trình họp mặt kỷ niêm 50 năm ra trường. Từ Hà Nội, Độ cũng gọi điện báo về, sẽ có khoảng trên hai chục bạn về tham gia ngày đó, trong đó chưa kể cánh Hải Phòng cũng sẽ về. Độ còn nhắc chúng tôi nên báo cho mấy đứa trong Sài Gòn, cho dù có thể xa quá, chúng nó không ra được.
Buổi trưa, tôi lên mạng, nhận được e.mail của Thủy:
“Minh da ta lai cuoc gap do cho thang Nguyen Huu Dinh o Canada qua e.mail. No hoi am ngay va gan nhu no khoc tren e.mail”.
Cuộc gặp mà Thủy kể cho Đính là cuộc gặp hẹp, không thật đầy đủ, do Thủy về đột xuất. Chưa phải là cuộc họp mặt sắp tới. Giá mà Thủy về được trong lần gặp đồng môn tới đây!
 
2.    ĐỒNG MÔN?
– Quan anh và tôi... “Bé cái nhầm”!
 
Ông giám đốc Công ty điện (vốn trước là trưởng phòng XDCB, sếp cũ của tôi) dẫn tôi sang phòng bên, để làm việc trực tiếp với người phó mới của ông. Đó là một kỹ sư trẻ, mới học trường Nguyễn Ái Quốc về, mới lấy vợ, mới được bầu vào cấp ủy địa phương và mới được đề bạt về đây cho có điều kiện phấn đấu, rèn luyện từ cơ sở! Khi sang đến nơi, ông giám đốc chỉ vừa mới định giới thiệu để tôi làm quen, thì anh đã đứng ngay dậy, rối rít kéo ghế mời mọi người ngồi, rồi đon đả:
- Mời thủ trưởng và các đồng chí ngồi!- Anh nhìn tôi một lát như để khẳng định điều gì đó, rồi bỗng nói một câu làm tôi sững sờ cả người:
- Dạ báo cáo thủ trưởng, em với anh Thuận đây vốn là... đồng môn ạ!
Tôi nhìn anh, cố tìm một nét thân quen ngày thơ ấu nhưng tuyệt nhiên không mảy may nhận ra một dấu hiệu gì của hình ảnh thuở học trò xưa cũ. Thấy tôi tỏ ra ngỡ ngàng, anh nói tiếp, một câu nói đã làm tôi vô cùng cảm động, không chỉ giây phút ấy, mà mãi mãi nhiều năm sau:
- Anh Thuận ơi, em với anh cùng học một trường. Anh là lớp học sinh lớn, em là lớp học sinh nhỏ; anh không chơi với em, nhưng em biết anh!
  Sau này, tôi biết anh nói như thế là hoàn toàn nhầm! Ba cái nhầm. Thứ nhất, ngày xưa anh học Trường tiểu học Vườn Dâu, tôi học Nguyễn Trường Tộ, hai trường cách nhau đến mấy cây số. Thứ hai, sau khi không đậu vào Trường trung học Nguyễn Khuyến, anh lên Hà Nội và được người anh rể xin cho làm công nhân nhà máy đèn. Thứ ba, tôi tuyệt không phải là lớp học sinh lớn, anh là lớp học sinh nhỏ như anh đã nói, bởi khi đọc lý lịch ứng cử viên của anh trong một lần bầu cử, tôi phát hiện ra anh còn sinh trước tôi một năm cơ!
 Nhưng đó là ba cái nhầm đáng yêu, thậm chí đáng trân trọng. Nó thể hiện anh là một con người giản dị, khiêm tốn, trọng nghĩa trọng tình! Trở về cơ quan, gặp ai tôi cũng khoe chuyện tiếp xúc anh hôm ấy, không ngớt lời ca ngợi anh: Một người có học, có văn hóa, rất xứng đáng với sự lựa chọn và tín nhiệm của cấp trên; đồng thời là niềm hy vọng to lớn của nhân dân! Vậy mà có kẻ ác ý, nói: “Cái ngữ núp váy vợ, cơm cháo gì!”. Có điều, ngay lúc tôi đang “say” anh như vậy, đã có vài bác lớn tuổi vỗ vai tôi: “Thuận ơi, hãy đợi đấy, đừng có vội. Rồi cậu sẽ hiểu thế nào là chính trị!”. Tôi nghĩ họ già rồi, suy nghĩ mòn cũ, chả nên để ý làm gì. Nhưng trong thâm tâm, tôi hơi chột dạ, nên cũng tự bơn bớt cái mồm tụng ca anh!
Nước nhà thống nhất vài năm, tôi được cơ quan phân công làm thủ tục đưa một nhóm kỹ sư cơ quan tôi đi tham quan, học hỏi ở mấy tỉnh thành phía Nam. Hồ sơ đã được cấp ty phê duyệt, tôi mang lên tỉnh nộp. Tại đấy, tôi được đồng chí phó văn phòng, vốn là chỗ quen biết, xem qua tờ trình rồi bảo:
- Thôi, chỗ người cùng ngành trước đây cả, cậu mang thẳng sang trình bày với lãnh đạo, khỏi qua chúng mình! Tôi vốn là người trọng nguyên tắc, lại ngại gặp lãnh đạo (mặc dù lãnh đạo lúc này chính là người đã từng nhận nhầm tôi là đồng môn, là lớp học sinh lớn, là “anh không chơi với em nhưng em biết anh”!), nên cứ năn nỉ nhờ các đồng chí đó giúp theo thông lệ. Cuối cùng, người ta đưa ra phương án dung hòa: Cả tôi và anh thư ký vụ cùng đi! Đến thế thì tôi không thể không chấp nhận.
Cửa phòng lãnh đạo khép hờ. Sau khi gõ cửa, tôi nghe vọng ra một giọng nhỏ nhẹ nhưng rất vang:
- Vào đi!
Chúng tôi mở to cửa, bước vào. Lãnh đạo đưa mắt nhìn lướt qua mặt tôi, rồi quay luôn hỏi anh thư ký vụ, tuyệt không hề bảo chúng tôi hãy kéo ghế ngồi xuống:
- Có việc gì đấy?
- Dạ thưa anh! Bên cơ quan đồng chí Thuận đây, có tờ trình xin đi công tác mấy tỉnh thành phía Nam...
 Trong lúc chờ đợi, để khỏi mỏi chân, tôi tự kéo lấy một cái ghế để ngồi, trong phòng có rất nhiều ghế trống. Nhưng tôi đã làm một việc thừa, bởi chả cần đợi lâu, chả cần xem nội dung tờ trình đã được cấp cơ sở phê duyệt, anh lãnh đạo trẻ đã trả lời thẳng thừng:
- Cơ quan đó chưa cần đi lúc này, để dịp khác!
 Người cán bộ văn phòng liếc mắt ra hiệu bảo tôi hãy trình bày mà xin lãnh đạo đi. Tôi lại nghĩ khác, lãnh đạo nói thế là lãnh đạo đã quá hiểu về chức năng nhiệm vụ của cơ quan tôi rồi, nên trình bày cũng bằng thừa. Thế là tôi đứng dậy và hỏi ngược lại, đương nhiên là với người cùng đi:
- Xong chưa đồng chí?- Biết tôi không muốn cò kè, anh trả lời: “Xong rồi”. Tôi nói tiếp: “Ta về thôi đồng chí!”.
 Ra về, lòng tôi nặng trĩu một nỗi buồn khó diễn tả. Buồn không được lãnh đạo duyệt cho đi thì ít, mà buồn về cách cư xử lạnh lùng đến vô cảm của người năm xưa tự nhận nhầm là đồng môn thì nhiều... Và nỗi buồn ấy còn đeo đuổi tôi suốt bao nhiêu năm sau đó.
Sau này, mỗi khi nhớ lại hai cái lần gặp anh... “nhầm đồng môn” kể trên, tôi cứ tự huyễn hoặc mình: Giá như lần gặp thứ hai, anh không cần vồn vã, khiêm tốn kéo ghế mời tôi, nhận tôi là bạn học cũ, mà chỉ cần hất hàm buông một câu, một câu thôi, chẳng hạn như: Thuận đấy à (mà có quên tên thì cậu gì đấy à, cũng được đi!), có việc gì đấy? _ Một câu ngắn gọn hơn rất nhiều, so với cái câu: Anh là lớp học sinh lớn, em là lớp học sinh nhỏ; anh không chơi với em, nhưng em biết anh! mà anh đã nói trong lần gặp thứ nhất, phải không? Thế thì hẳn là tôi còn phải đi kể khắp đó đây rằng, ”Sao mà trên đời này lại có người làm to đến thế, lại có thể bình dân đến thế, tình nghĩa đến thế, khiêm tốn đến thế, nhã nhặn đến thế?”. Nhưng xét cho cùng, cũng là con người cả thôi, mà người có khi còn biến thành sói nữa đấy!
Thôi thế mới là sự đời, mới là cuộc sống, mới có chuyện tôi kể lại đây hôm nay!
 
CÁI … DANH!
 
 “Danh” là tên (名) (một người, một nhóm người,…); là danh hiệu hoặc chức tước (名声, 声誉) của một ai đó. Trong cuộc sống con người, cái danh quan trọng lắm, bởi xưa nay, thường “danh có chính, ngôn mới thuận”.
 
“Tên” mỗi người đều do cha mẹ hay ông bà chú bác đặt cho. Có “tên khai sinh”, “tên thường gọi”, “bí danh”, thậm chí khi chết rồi, còn được đặt cả “tên cúng cơm” nữa (để đề phòng “cô hồn” ăn tranh!). “Tên khai sinh” và “tên thường gọi” thì ai cũng có và nhiều khi hai cái tên này là một. “Bí danh” thì chỉ các người làm chính trị thời bí mật mới có, người thường không ai đặt. Gần đây, mấy “xếp”có máu cặp bồ, muốn tránh bị vợ con phát hiện, cũng đặt bí danh cho “bồ nhí” của mình - Mấy phu nhân thấy chồng gọi điện thoại “báo cáo thủ trưởng…” hoặc “kính thưa đồng chí…”, cứ tưởng các xếp đang bàn chuyện công tác, hóa ra toàn “thủ-trưởng-bồ”, “đồng-chí-bẹo” cả!
 
“Danh hiệu” của giới trí thức (như “giáo sư”, “tiến sĩ”,…) thì do sự học mà có – “Học thật” là chính, nhưng “học giả” cũng không hiếm. “Học giả bằng giả” đã đáng lo, nhưng không lo bằng “Học giả mà bằng vẫn thật” (nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có lần thốt lên: “Nạn bằng giả không sợ bằng nạn bằng thật”)! Danh hiệu của giới doanh nhân (như “Sao vàng đất Việt”, “Hàng Việt nam chất lượng cao”…), của các nghệ sĩ, các nhà giáo và thày thuốc (như “nghệ sĩ ưu tú”, “nhà giáo nhân dân”, “thấy thuốc nhân dân”…) là do nỗ lực phấn đấu trong công việc mà thành. Mà ai đó “ngại” phấn đấu “mất thời giờ”, thì cứ bỏ tiền ra mà mua. Tiền “đồng” không đủ mua, thì kiếm “đô la” mà mua. Cái “danh” thường phải đi liền với cái “giá”, “danh” nào, “giá” ấy – thế nên người đời mới thường nói “danh giá” chứ! Không tin ư? - Thiên hạ chả đã “mua” đầy ra cả rồi đấy sao. Ai đó nói “không biết”, thì chả hóa ra ngây thơ quá!
 
Người làm “nghề cầm bút”, cũng thường tự đặt cho mình một cái danh, gọi là “bút danh”. Bút danh thường thể hiện ý nguyện, tư tưởng (như Thợ Rèn, Sóng Hồng,…), hoặc một lối “chơi chữ” (Tú Mỡ, Muỗi Sài-gòn…), nhưng nhiều khi chỉ đơn thuần là một cái tên. Thời trẻ, mới tập tọng viết, tôi cũng có một bút danh. Thấy mấy tác giả nổi tiếng thời trước hay dùng cách “trẹo” tên kiểu “Thứ Lễ” thành “Thế Lữ”, “Khánh Giư” thành “Khái Hưng”,.. tôi cũng bắt chước, đặt là “Hân Thụy”. Hy vọng mình sẽ nổi tiếng trên văn đàn như các vị tiền bối kia! Bài thơ đầu tiên gửi đi, được Báo Tiền Phong đăng – đó là vào khoảng năm 1956, 1957 gì đó, khi ấy tôi gần bước sang tuổi hai mươi - lâu ngày quá, cũng không nhớ thật chính xác. Người biên tập có tên Mai Khang, viết thư động viên, mở đầu bằng câu: “Xem tên, không biết tác giả là nam hay nữ? Thôi cứ tạm gọi là anh, nếu có gì không phải, mong “anh” thông cảm”. Sướng điên lên! Một lúc có được hai cái sướng, một là có thơ đăng báo, hai là có thư của Tòa soạn khen ngợi động viên. Trường hợp như thế mà không sướng điện lên, có là người rừng, là gỗ đá! Không chỉ sướng mà còn hí hửng lắm: Phen này thành nhà thơ là cái chắc – mới gửi đi bài đầu tiên, đã được đăng mà lị!
 
Nhưng, rất tiếc, bài thơ được đăng báo đầu tiên, cũng là bài thơ đăng báo cuối cùng của tác giả… Hân Thụy!  Sau này được tiếp xúc, va chạm  nhiều với các đồng nghiệp, mới thấy, con đường thành danh của một kẻ làm văn chương cũng lắm nỗi truân chuyên. Thành danh trước hết phải do tài năng thực thụ, nhưng cũng không hoàn toàn thế, hoặc chỉ có thế. Chưa nói chuyện to tát, chỉ nói khi viết được một bài muốn được đăng báo, phải có cách, trừ phi đó là một tác phẩm thật sự xuất sắc hoặc tác giả vốn đã là một người nổi tiếng! Thì ra, các cụ nói rồi, “Viết – lách!” Viết mà không biết “lách”, thì muôn thuở cũng chả ai in. “Lách” có nhiều cách, cách cậy thân quen, cách quà cáp tiền nong; lại có cả cách dùng “vốn tự có” của tác giả nữa cơ! Mặc dù từ rất xa xưa người ta đã khuyên nhủ: “Lập thân tối hạ thị văn chương” rồi đấy! Ấy là chưa nói đến chuyện, trong giới “cầm bút” với nhau cũng thường khi đánh nhau, vả vào mồm nhau chả khác gì đám vô học! Cái nghề tối hạ mà còn thế, vậy nghề thượng đẳng sẽ ra sao?!. Câu hỏi này thì đến giờ, ai cũng tự trả lời được.
 
“ Đừng thấy người ta ăn khoai, cũng vác mai đi đào!”. Việc bắt chước các nhà văn tên tuổi trong việc dặt bút danh của tôi thế là thất bại thảm hại! Sau này, khi tham gia Hội Văn nghệ địa phương, được anh em hội viên lớp trước giảng cho: cái bút danh là thứ quan trọng lắm, đặt không khéo, nó ám vào số phận viết của mình ngay. Đấy, như bút danh Hân Thụy của cậu, đọc trại lại, thành “Thuy Hận”, nghe nó “hận” đời thế nào ấy. Làm sao mà thành danh cho được, thậm chí không khéo còn “thân bại danh liệt” ấy nữa chứ!.. Được phân tích như vậy, tuy cho là mê tín dị đoan, nhưng trong lòng cũng… sợ, nên tôi quyết định từ bỏ cái bút danh “hận” thù ấy. Vậy đổi là gì cho dễ thành danh? Nghĩ mãi, sau chợt nhớ đến câu của người xưa: “Không thành danh cũng thành nhân”, tôi liền chọn đặt bút hiệu của mình là “Mai Thành Nhân”, tức là quyết tâm, mai kia nếu không thành Danh, cũng sẽ thành Nhân!
 
Bây giờ già rồi ngẫm lại, “thành Danh” khó thật, nhưng “thành Người - Nhân” còn khó khăn hơn gấp vạn lần (có người giải thích:  “Chữ Nhân trong câu “Không thành danh cũng thành nhân”, không phải là ...người (人), mà là nhân đức ” (仁).  Nếu như vậy, “thành nhân” càng trở nên không đơn giản chút nào!).  Khối kẻ danh tiếng cũng không phải loại vừa, vậy mà đời có coi ra gì đâu? Nói điều này khí không phải: Thời nay có khi thành “chuột”, thành “sâu mọt” lại dễ hơn thành “nhân”. Tại sao ư? Có căn cứ cả đấy: Tại phiên khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất, ngày 21/11/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói “Ở Việt Nam, không muốn tham nhũng vẫn phải động lòng tham”! Một tháng sau, tại cuộc “họp giao ban quận huyện” sáng 25/12/2009, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lại nói: Cơ chế có những sơ hở khiến nhiều người giàu bất thường, họ có quyền lực nên người khác cứ đưa hối lộ cho dù họ không đòi – Vậy rõ ràng với bối cảnh như thế, làm “quan thanh liêm” khó hơn làm “quan tham” là gì? Mà xưa nay, bọn quan tham vẫn được dân ta gọi là “chuột”, là “sâu mọt” đấy thôi!).
 
Chữ DANH ở đời – trừ cái tên bố mẹ đặt cho, ngẫm đều là những thứ “bả” làm mê hoặc loài người, hết thế hệ này sang thế hệ khác. Đến như Nguyễn Công Trứ cũng còn nói: “Đã sinh ra ở trong trời đất / Phải có danh gì với núi sông!”. Nói chung người ta đều ham hố và chết vì Danh (名) và Lợi (利) (mà hai thứ này lại thường câu kết rất chặt với nhau – có danh ắt có lợi, muốn có lợi phải có danh!). Nhưng ở đời cũng công bằng lắm, có “thực danh” và có cả “hư danh”, danh “hão”! Thực danh thì được người đời trân trọng, khắc vào đá, khắc vào tâm – vì đó là “danh thơm”. Hư danh thì sớm muộn cũng về chốn hư không. Cũng cần ghi nhớ rằng, chữ danh thường gắn với chữ “phận”. Người có danh cũng không nên lấy thế mà “lên mặt”, coi thiên hạ như cái rơm cái rác. Kẻ không thành danh cũng không vì thế mà bận tâm, nản chí; cũng chớ có bắt chước anh chàng Erostrat, đã tìm sự nổi danh bằng cách đốt đền Artemis!
 
Những điều trên thật là đơn giản, Vậy mà hầu như chỉ đến khi gần “kề miệng lỗ”, chuẩn bị sang “thế giới bên kia”, có người mới chợt nhận ra đó là chân lý!