Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CÓ THỂ GIẢI THÍCH KHOA HỌC CHO CÂU CHUYỆN TÂM LINH?

Vũ Cao Đàm
Thứ tư ngày 20 tháng 1 năm 2010 7:50 PM
 
Tôi có cảm giác thật thú vị khi thấy số lượng người đọc bài “Chuyện Tâm Linh” của Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (trên trannhuong.com) đã lên tới trên 2700 người. Nó cho thấy một sắc thái văn hóa, một xu hướng trong các mối quan tâm của cộng đồng cư dân mạng…
Thì ra câu chuyện tâm linh vẫn đang chiếm một vị trí khá đặc biệt trong mối quan tâm ấy. Vì nghĩ như vậy, cho nên tôi cũng xin góp vài lời “nói leo” để góp phần với Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi về câu chuyện tâm linh.
Có lần lên lớp cho sinh viên về Lý thuyết Hệ thống, một sinh viên đặt cho tôi câu hỏi có vẻ là đùa vui trong lúc nghỉ giữa giờ: “Thưa thầy, xin thầy thử tìm cách giải thích về “Số phận” của con người. Con người có cái gọi là “Số phận” hay không? Hơn nữa có thể dùng Lý thuyết Hệ thống để giải thích về “Số phận” của con người hay không?”
Câu hỏi hơi đột ngột với tôi. Khựng lại một lát để suy nghĩ, cuối cùng tôi cũng đưa ra được câu trả lời… theo… cách tiếp cận hệ thống (!). Các bạn sinh viên khác tiếp tục đưa nhiều câu hỏi khác nhau. Chúng tôi và các bạn trong lớp đã thảo luận rất sôi động, hoàn toàn dựa trên các cách tiếp cận rất khoa học. Và cũng rất bất ngờ là, câu trả lời của tôi được các bạn sinh viên đó nhắc đi nhắc lại mãi, cho đến nay đã là nhiều năm sau ngày các bạn sinh viên đó đã tốt nghiệp ra trường.
Tôi xin tóm tắt cuộc thảo luận của chúng tôi như sau.
Trước hết, vè mặt sinh học, trình độ khoa học ngày nay biết được, toàn bộ thuộc tính và diễn biến trong cuộc đời một con người được ghi sẵn trong gien (gène).  Còn ai đã làm được cái công việc “ghi chép” kỳ diệu đó, thì ngày nay, khoa học vẫn chưa khám phá được. Một số người chỉ biết “quy công” cho Thượng Đế; Một số người khác thì “quy công” cho Mười hai bà mụ.
Nếu khoa học giải mã được gien của một con người nào đó, “phiên dịch” các thông tin chứa đựng trong gien thành ngôn ngữ giao tiếp thông thường, thì chúng ta có thể nhận biết được tất cả những thuộc tính và diễn biến trong cuộc đời của một con người nhờ việc giải mã gien của họ. Rất tiếc, khoa học ngày nay chưa làm được công việc khó khăn đó.
Tuy nhiên, lại có một số người có tài làm cái điều mà khoa học chưa làm được. Đó là các thầy tướng. Đương nhiên không phải tất cả các thầy tướng đều có thể làm được cái công việc kỳ diệu này. Trên thực tế có nhiều thầy nói rất linh tinh.
Chúng ta hãy lý giải sự huyền bí đó. Theo một nguyên lý của Lý thuyết Hệ thống, cái mật mã gien bộc lộ ra bên ngoài, trên tất cả các yếu tố của hệ thống. Có nghĩa, mật mã gien có thể được thể hiện trên bàn tay, ở bộ mặt, ở dáng đi, ở giọng nói, v.v…
Một số người có tài xem tướng mặt, có nghĩa là “giải mã” được những thông tin bí mật của gien qua những nét biểu hiện trên mặt của con người; một số người có tài xem tướng tay, tức là “giải mã” được những thông tin bí mật trên gien qua những đường nét nhằng nhịt trong lòng bàn tay. Tất cả những biểu hiện trong lòng bàn tay, trên nét mặt được các nhà nhân tướng học đã tổng kết qua hàng ngàn năm lịch sử phát triển của ngành nhân tướng học. Ví dụ, người có giọng nói sang sảng thì tính cách ra sao; người có giọng nói lí nhí có tính cách ra sao, người đi ưỡn ngực có tính sách ra sao, người đi khom lưng có tính cách ra sao, v.v…
Như vậy, có thể nói, xem tướng chẳng qua là sự “giải” các “mật mã” (décodification) đã được ghi sẵn trong gien mà thôi. Trên đây, chúng ta đã ghi nhận một thành tựu của khoa học cho rằng, “gien” chẳng qua là một chương trình đã hoạch định sẵn, và được ghi sẵn về thuộc tính bản chất và diễn biến trong cuộc dời một con người.
Ngành y trên thế giới và ngay ở nước ta cũng đã tìm được những ứng dụng quan trọng trong việc xem mặt hoặc xem bàn tay để chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt là trong lĩnh vực điều trị bằng bấm huyệt hoặc châm cứu, với các ứng dụng cụ thể, chẳng hạn, thủ châm (châm bàn tay), diện châm (châm trên mặt), nhĩ châm (châm tai), túc châm (châm bàn chân), v.v…
Có thể nói, cái “chương trình” ghi sẵn trong gien chẳng qua là chỉ một con “chip”, trong đó chứa đựng những mật mã quy định toàn bộ sự vận động trong cuộc đời một con người. Theo một cách nói khác trong dân gian, có thể hiểu đó là “Số phận”
Nội dung cách trả lời của tôi trước các bạn sinh viên trong lớp đại loại là như vậy.
Có thể nói vắn tắt, “Số phận” con người hoàn toàn có thể là có. Đó chẳng qua là một  “chương trình phần mềm”, được viết dưới dạng những “mật mã” và được “cài” sẵn trong gien. Nó giống như một chương trình máy tính, điều khiển toàn bộ hoạt động của máy tính. Trong câu chuyện chúng ta bàn ở đây, cái máy tính ấy chính là con người. Và cái “chương trình phần mềm” được biểu hiện dưới dạng mật mã được ghi trong gien ấy chính là “văn bản” quy định số phận con người và được một cơ chế nào đó “điều hành” để “thực thi” trong suốt cuộc đời một con người.
Có một câu hỏi được đặt ra: Con người luôn phải sống trong một môi trường xác định. Môi trường có khi làm thay đổi số phận con người. Vậy khái niệm số phận còn đúng không? Còn một câu chuyện khác: Vì sao hai người cùng giờ sinh, ngày sinh, tháng sinh, năm sinh mà số phận lại khác nhau? Rồi đến một câu chuyện lưu truyền trong dân gian: Gọi hồn? và rồi đến việc “Nói chuyện với người âm?” mà Nhà thơ Đỗ Trọng Khởi đề cập trong bài? Đó là những vấn đề thú vị và phức tạp, liên quan nhiều nội dung rất phong phú. Tôi xin được bàn trong một dịp khác.
VCĐ
Đường dẫn đọc bài Chuyện tâm linh