Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÂN KHẤU THÌ VẪN LÀ SÂN KHẤU

Nguyễn Hiếu
Thứ năm ngày 21 tháng 1 năm 2010 11:11 AM
 
1.Ngày 7/12 /2009 là phiên họp trù bị của Đại Hội HNSSKVN Khóa 7 ( xin được gọi tắt hơi chệch một chút là Đại hội sân khấu 7). Từ hơn hai mươi năm nay do bị ám ảnh ý một câu thơ của một nhà thơ ưa đề tài chính trị( hình như là Việt Phương thì phải) nên tôi rất biết mọi ĐH của nước ta bao giờ họp trù bị cũng quan trọng hơn họp chính thức. Nhưng ngăt nội, mùng 7 rơi vào ngày đầu tuần, cơ quan chất ngất toàn những việc không đừng được nên dù biết sự quan trọng tột đỉnh của trù bị vẫn đành phải trốn. Sang ngày 8 ngày đại hội chính thức. Dậy sớm cho đúng giờ khai mạc. Đến nơi đã thấy không khí nhà hát lớn hoành tráng, rực rỡ đầy chất kịch. Tường hai bên cánh gà mặt tiền nhà hát lớn là hai tấm vải đỏ to tướng kẻ những dòng chữ nghiêm trang như tuyên ngôn và kỉ cương một kì đại hội mới. Bậc thang nhà hát lớn tràn đầy màu sắc, rộn ràng âm thanh trống kèn ngũ âm. Dọc thềm lên xuống nhà hát hai hàng toàn trai thanh gái lịch, ăn mặc theo lồi phường tuồng, phường chèo chắc toàn diễn viên trẻ các nhà hát hay chí ít cũng là đám học sinh các trường nghệ thuật đang cầm cờ ,phướn múa may, tạo không khí lễ hội để đón quan khách. Có điều tôi thấy hơi lạ. Phàm lễ nhỏ  cấp cơ sở, cấp ngành cho đến lễ to cấp trung ương thì đều thấy phía trên chính giữa nơi trang trọng nhất của Nhà hát có mặt nạ quỉ sứ mà người Pháp coi là biểu tượng của thần thi ca đều có tấm băng rôn lớn ghi rõ tên của ĐH. Vậy mà Đại Hội lần sân khấu lần 7 này lại để trống trơn như một sự giản dị, bình thường hóa một kì Đại hội của những người làm nghề sân khấu. Có thế đó là sự nôm tạm, hay là một sự cố ý. Khi nhận được tờ giấy triệu tập đại biểu chính thức về dự Đại Hội lấy làm cảm động và vinh dự vì sau bao năm miệt mài phấn đấu cho nghề số phận mình được ân thưởng trở thành hội viên của một hội nghệ thuật danh giá .Nhưng xem kĩ tờ giấy triệu tập của hội mình thấy bùi ngùi. Gần tròn 40 năm làm nghề báo chí, giá có ý định in toàn tập giấy mời thì chí ít cũng không dưới năm, sau tập, mỗi tập ít nhất vài ba trăm trang. Mà xem ra giấy mời nào dù của cấp bé cấp to  thì đều in trên giấy loại tốt, trắng sáng, nhẵn lì, ít thì hai mầu, nhiều thì năm, sáu màu có cả phủ nhũ, trang kim óng ánh .Còn giấy triệu tập hội viên chính thức cho một ĐH SK sau nhiệm kì 5 năm lại quá khiêm tốn Nó chòn chõn hai mầu đen trắng trên tờ giấy màu nhuôm nhuôm, với ba bồn dòng chữ lạnh lùng theo văn phong hành chính. Ừ, thôi đành lấy cái tình quí mến hội mà thầm bào chữa rằng. Hội Sân khấu của ta vốn toàn những bậc nghệ sĩ, trí giả cao sang tuy tiền nong, gạo bị không bằng những nghề khác. Vì mỏng tiền nên ngoài đời đám làm nghề sân khấu rặt một loại người uống bia cỏ, chuyên bán cháo phổi, nhưng trong hai tiếng trên sân khấu rực rỡ ánh đèn trước mắt hàng trăm, hàng nghìn người ngưỡng mộ đã thoắt biến thành những anh hùng, hiệp sĩ đại nghĩa dũng cảm cao sang, những tỉ phú, lãnh tụ oai phong làm gương cho thiên hạ và phán những câu chữ cao siêu dậy dỗ bàn dân thiên hạ. Nên trong ngày ĐH của mình vẫn lấy hai chữ khiêm nhường giản dị ngay từ khâu thủ tục, giấy tờ. Nghĩ vậy nên tôi bình tĩnh,tự tin và cả tự hào cho ngày họp trọng đại của hội ta Vào đến phía trong tiền sảnh nhà hát sự vẻ vang, tự hào càng tăng gấp bội. Chao ôi trước mặt tôi đi đi ,lại lại toàn những người danh giá tiếng tăm nổi như cồn. Những diễn viên cự phách làm say đắm tâm hồn hàng triệu người trên màn ảnh nhỏ, màn ảnh lớn, trên những sân khấu sáng rực ánh đèn. Những đạo diễn tài ba, những tác giả có vài chục vở làm khuynh đảo lòng dạ người xem, những họa sĩ, nhạc sĩ chỉ cần vài ba đường bút đã thành cả cánh rừng, dòng sông, bài hát làm nôn nao người xem. Đó là những Trần Tiến, Lê Mai, Đoàn Dũng, Thế Anh , Thanh Tú, Hoàng Cúc, Phạm Thị Thành,Tú Mai, Tạ Xuyên, Lê Huy Quang   .. cao sang kì diệu, tài sắc một thời nay người đã phệ ra, mặt đã chằng chịt những rãnh đào của thời gian . Đang trầm tư và giận thầm sự nghiệt ngã của thời gian thì chợt nghe tiếng lao xao cùng những làn chớp liên hồi của đủ loại máy chụp ảnh .Khi ngoảnh lại tôi nhận ra NSND Doãn Hoàng Giang đang nửa ngồi nửa tựa vào trụ lan can đường dẫn lên tầng trên nhà hát. Hai ngày ĐH quan sát tôi nhận ra một điều, người ngồi cùng ông có thể thay đổi những dường như vị đạo diễn lão làng vẫn y nguyên tư thế, vị trí như vậy như bài trí một cảnh quan trọng trong vở kịch nào đấy. Vẫn vóc người xương xương trong bộ quần áo vải thô. Vẻ mặt phong trần ,giọng nói oang oang. Từ vai diễn anh bộ đội trong kịch ngắn “đồng chí”của Chu Nghi, Doãn Hoàng Giang bằng tay nghề trở thành nhân vật quyền lực trong làng sân khấu xứ ta. Một tác giả, một đạo diễn đạt kỉ lục với đủ loại huân, huy chương trong mọi hội diễn to nhỏ  Một người được tất cả các đoàn kịch, nhà hát trong cả nước mời đón, trọng vọng. Vị chủ tịch HĐNT của Hội sân khấu khóa 6. Cái thế ngồi của NSND Doãn Hoàng Giang suốt hai hôm ĐH khóa 7 vô tình  trở thành tượng đài uy nghi của sân khấu Việt nam hơn hai chục năm qua và bóng tượng đài đó cũng bắt đầu đổ màu xẫm của nó lên thế hệ sân khấu trẻ. Dọc hành lang ngoài hội trường đạo diễn Lê Hùng lưỡng giám đốc của hai nhà hát tiêu biểu cho sân khấu phía Bắc râu xồm ,lưng hơi gù đi đi lại lại mặt đăm chiêu, khó chịu như sợ bị ai làm quen, bắt chuyện. Tôi nghe nói ông vừa tung ra lời phát biểu tùy hứng đề nghị ban tổ chức gạch tên mình ra khỏi danh sách đề cử vào BCH khóa mới. Tôi quí cái nghĩa cử ấy của một đạo diễn có tay nghề và nhiều việc làm đang được người trong làng nể phục. Tôi sẽ quí ông hơn nếu như ông đỡ đi một chút sự trầm mặc của một người nổi tiếng, đang giữ chức vụ quan trọng thì cái chất nghệ sĩ của ông càng đáng yêu hơn, càng gần gũi với người mến phục ông. ..
2.   Gần 20 năm trước khi bươn trải với nghề tôi quen khá nhiều với đàn anh, đàn chị trong làng sân khấu Sài Gòn. Đáng kể nhất là đạo diễn Trần Minh Ngọc và trưởng đoàn kịch Bạch Lan. Cả hai vị này đã dậy cho tôi nhiều điều và cũng mang lại cho tôi tình cảm thân mật thắm thiết. Gặp tôi ngoài hành lang ĐH đạo diễn Ngọc dường như chưa nguôi ân hận khi không dùng kịch bản “hơn cả vàng mười “mà sau này đoàn kịch Hà Nam Ninh dựng với đạo diễn Trịnh Quang Thanh đã chiếm huy chương hội diễn miền duyên hải. Biết tin chị Bạch Lan không ra đợt này tôi thấy ngùi ngùi nghĩ đến sự kìm hãm tuổi già ở chị …Nghe tin về sự sôi động của sân khấu xã hội hóa Sài Gòn trong hơn chục năm nay tôi háo hức lắm vậy mà mãi đến tháng 6 năm 2008 tôi mới có dịp tiếp xúc những người đang là biểu tượng của dòng sân khấu anwng động này. Khi tôi đến 28 Lê Thánh Tông trụ sở của sân khấu ICA’CAF, ông giám đốc trung niên ,mặt trắng bầu bĩnh thư sinh tên là Tuấn thì phải tiếp tôi niềm nở và khi tôi ngỏ lời muốn gặp NSƯT Thành Lộc thì ông tỏ ra rất lấy làm tiếc vì Thành Lộc đang mắc biểu diễn rồi ông nối điện thoại cho tôi nói chuyện với Thành Lộc. Mặc dù chưa gặp tôi bao giờ nhưng Thành Lộc vẫn dịu dàng bảo ngay “em rất muốn gặp anh nhưng hôm nay em có đến ba xuất diễn. Tiếc là chiều nay anh về. Kịch bản anh cứ để lại tụi em xem sẽ trả lời anh ngay. Anh yên chí đi .Bọn em làm nhanh lắm.Bữa trước anh Nguyễn Quang Lập vào, chỉ kể cho em đề cương về Lý Thường Kiệt nghe khoái là tụi em đặt cọc anh luôn. Cái “tình sử ngàn năm đó “ .Cứ thế anh nhé”. Nghe NS Thành Lộc một trong những yếu nhân của Công ty TNHH sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương tôi nhận ra với cách đối nhân xử thế với sự làm việc năng động như vậy trách chi trong mười năm tính từ năm thành lập đến năm 2007 bốn đơn vị sân khấu của Công ty này đã dựng tới 71 vở kịch dài dành cho người lớn và 27 vở kịch dành cho thiếu nhi .Tiếng tăm và cách làm việc của họ đã tạo ra sức hút với những người làm nghề trong cả nước là vậy. Để hoàn chỉnh cho suy nghĩ của mình, tôi đến sân khấu Phú Nhuận ,cũng lại qua điện thoại NSƯT Hồng Vân bà bầu chủ chốt của sân khấu này cũng dịu dàng bảo tôi “em kẹt công chuyện quá, nhưng em cho anh meo anh cứ gửi cho em” .Giao hẹn là vậy nhưng hơn ba tiếng sau Hồng Vân lại gọi cho tôi bảo “để chắc ăn em cho anh thêm một địa chỉ meo nữa của diễn viên Hoàng Linh chỗ em, anh gửi ngay kịch bản anh ưng ý cho em nhé “. Trò chuyện qua điện thoại với Thành Lộc và Hồng Vân tôi chạnh buồn khi nhớ lại sự thờ ơ lạnh lùng của mấy ông bà giám đốc, phó giám đốc các đoàn kịch,nhà hát Hà Nội . Có lẽ cái chất bao cấp, bảo thủ ràn rạt ngự trị toàn diện các mặt một thời vẫn đang ám ảnh họ. Dường như sống lâu lên lão làng, đều trưởng thành từ diễn viên đi lên mà vị giám đốc ,phó giám đốc ,đoàn trưởng đoàn phó các nhà hát,đoàn kịch phía bắc sao khó gần và kênh kiệu làm vậy. Họ thích giảng giải, dậy dỗ và dường như chưa bao giờ có đức trân trọng tác giả ,những người cùng nghề. Đó là chưa kể không ít vị còn thấy đồng nghiệp giỏi giang hơn mình tìm cách đánh lén để hạ nhau.  Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến sân khấu miền Bắc một thủa huy hoàng nay đang đi vào ngõ cụt với những vở diễn mòn vẹt, an toàn sơ cứng trong ánh đèn le lói ,mớ tắt mớ cháy hàng đêm . Một đối nghịch với sự đỏ đèn đêm đêm ,với sự náo nức của khán giả miền nam trước các sân khấu.
             Đáng tiếc dù cố tìm gặp nhưng trong hai này ĐH tôi không gặp được Thành Lộc ,còn Hồng Vân mặc dù trúng cử vào ban chấp hành với số phiếu thứ hai những chị lại bay về giữa chừng vì công chuyện. Một trong những chủ soái tài năng của sân khấu xã hội hóa là vậy mà Hồng Vân vẫn cho rằng mọi công việc của chị chỉ là “cố gắng để làm thay đổi quan niệm sân khấu xã hội hóa chỉ là kiếm tiền ,còn sân khấu công lập mới là sân khấu nghiêm túc, cần được đầu tư “
3. Sự cố hình thức nhưng trọng đại nhất của bất kỳ đại hội nào cũng đều tụ vào việc BCH cũ từ nhiệm bàn giao quyền cho BCH mới .Ở ĐH SK 7 sự trọng đại này xẩy ra vào lúc 15 giờ mười hai phút ngày 9/12/2009. Đang ngồi ở ghế cánh gà khi thấy NSND Trọng Khôi điềm đạm trong trang phục tây cổ điển bước ra sân khấu bất giác tôi nhắc mình lên. Hình như NS hơi cúi xuống. Có lẽ ông chợt nhận ra sự quen thuộc của sàn diễn mà đã gần hai mươi năm ông tung hoành để thể hiện đến tận cùng sự cuồng tín của Êrôxtát, sự thông minh của của người đánh cờ tài ba trong lốt cục súc của gã đồ tể. Người trong nghề và khán giả bảo ông là một diễn viên có tài năng bẩm sinh, diễn vai nào ra vai ấy. Gần hai mươi năm quen ông tôi còn nhận ra ngoài sự bẩm sinh đó người đàn ông tuổi quí mùi này lại là một người ham học, ham đọc và nhớ dai .Ngồi đối tửu với ông ở quán ẩm thực phong vị Nga tôi có thể nghe ông đọc vanh vách thơ Puskin, hát khá chuẩn nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn. Tôi mới nhận ra ông diễn hay, xử lý tình huống nhân vật giỏi vì ông là một trí thức, am hiểu nhiều kiến thức đa dạng để bổ xung cho nghệ thuật biểu diễn của mình. Gặp tôi ở tiền sảnh ngay sau thủ tục bàn giao  với giọng hơi hài như thói quen của mình ông khẽ bảo tôi “ lúc ấy tớ suýt không kìm được nước mắt ”. Tôi lặng lẽ gật đầu. Khi nhìn vào tấm lưng đường bệ đã chớm gù của ông sắp lẫn dần giữa đám đông tôi chợt nhận ra hình ảnh của Nghị Hách, của gã mổ lợn, của tên đốt đền Êrôxtast của ông in rõ trong tâm trí tôi hơn là hình ảnh của ông chủ tịch HNSSKVN.
Quỳnh Mai vừa kết thúc ĐHSK7