Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MUỘN CÒN HƠN KHÔNG

Mai Nhã Tú
Thứ năm ngày 21 tháng 1 năm 2010 6:59 AM

(Xung quanh việc giải quyết chế độ cho nhà báo Hà Văn Thùy)
 
Với tư cách là một nhà báo và từng có thời gian công tác chung với anh Hà Văn Thùy tại cơ quan Hội Văn học nghệ thuật Kiên Giang những năm 1987-1988, tôi có ý kiến xung quanh việc giải quyết chế độ nghỉ hưu của anh Thùy như sau:
1. Những năm cuối của thập niên 80, ở Kiên Giang, người ta biết nhiều về Hà Văn Thùy qua bài báo đấu tranh chống tiêu cực trên tờ Văn nghệ Kiên Giang “Bông lúa nổi giận.” Đến bài “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” thì anh gặp sự cố. Có lẽ không cần phải bàn cãi thêm về tính xác thực của bài báo “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” mà anh Hà Văn Thùy đã gửi đăng báo Văn nghệ Trung ương hơn 20 năm trước. Bằng chứng hùng hồn là trong cuộc hội thảo về bài báo nói trên diễn ra ngày 23.9.1988 do Hội Văn nghệ Kiên Giang tổ chức, đa số ý kiến đều cho rằng bài báo của Hà Văn Thùy nói đúng và nói chưa hết ngóc ngách sự nghiệt ngã ở Kiên Giang lúc bấy giờ (những ý kiến được ghi lại trong cuộc hội thảo này hiện nay vẫn còn.)
2. Bởi hoàn cảnh đặc biệt, sau khi bài báo “Sự nghiệt ngã của nghề nghiệp” được đăng, anh Hà Văn Thùy phải xa gia đình tạm thời rời Kiên Giang lánh mặt lên Sài Gòn một thời gian là có lý do. Hậu quả là dẫn đến anh bị buộc thôi việc. Tuy nhiên ở đây cái cách người ta kỷ luật cho anh thôi việc cũng rất bất bình thường, không đúng theo quy định của Nhà nước. Cụ thể, ngày 19.7.1989, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ Kiên Giang đã họp quyết định “xóa tên Hà Văn Thùy khỏi biên chế cơ quan Hội Văn nghệ.” Biên chế cán bộ, nhân viên Hội Văn nghệ địa phương là do cơ quan Nhà nước địa phương quản lý sao lại giao cho Ban Chấp hành của một đoàn thể xóa tên? Thực ra, theo điều lệ Hội, Ban Chấp hành chỉ được kỷ luật khai trừ hội viên của mình mà thôi. Với mức lương của anh Thùy lúc đó (chuyên viên II, 425 đ), đúng ra Hội Văn nghệ Kiên Giang phải họp Hội đồng kỷ luật cơ quan lại xem xét xử lý và kiến nghị UBND tỉnh ra quyết định kỷ luật. Đàng này, Hội Văn nghệ Kiên Giang chỉ ra thông báo về việc xóa tên công nhân viên chức cơ quan. Như vậy về mặt luật pháp, văn bản này có đủ hiệu lực pháp lý không?
3. Mới đây Tỉnh ủy và UBND tỉnh Kiên Giang vận dụng một số chính sách để anh Thùy được nghỉ hưu là điều rất đáng mừng. Thế nhưng lại bị “vướng” ở Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội với lý do: “Ông Hà Văn Thùy chưa có quyết định hạ mức kỷ luật.” Vậy thì nên chăng, UBND tỉnh Kiên Giang với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước địa phương, quản lý cán bộ mức lương như anh Thùy sớm có quyết định chính thức giải quyết lại vụ việc mà 20 năm trước UBND Kiên Giang chưa làm.
      Theo tôi, muộn còn hơn không, như thế mới thấu tình đạt lý trong việc giải quyết quyền lợi, chế độ cho nhà báo Hà Văn Thùy.
TP. Cần Thơ, 28.11.2009
Mai Nhã Tú
(Hội viên Hội nhà báo Việt Nam)