Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VĂN HỌC VIẾT VỀ NÔNG THÔN: HÃY CHO TÔI ĐÔI MẮT

Vương Cường
Thứ sáu ngày 22 tháng 1 năm 2010 6:12 AM
 
      Những bước chân bùn đất của nông dân không chỉ đã từng để lại trên bờ ruộng lúa, nương dâu hay trên những con đường làng quê, dưới bóng tre làng, dưới gốc đa xoè tán gọi một trời chim chóc, thanh bình mây trắng. Không chỉ để lại trên các nẻo đường đánh giặc 30 năm mà nó còn để lại trên con đường manh nha đổi mới ở nước ta. Những năm trước 1980, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, người chịu nhiều khó khăn, gian khổ nhất, chính là nông dân. Trong cuộc thử thách thời bình ấy, người tuyên chiến đầu tiên với cơ chế bao cấp, chính là nông dân. Đời sống nông dân với bình quân thu nhập 11,4kg một tháng họ đã rơi vào tình trạng bấp bênh giữa sống và chết. Trong hoàn cảnh đó, họ đã tìm ra cách khoán, được gọi là "khoán chui ". Tuy không được nhà nước ban đầu ủng hộ, những người nông dân ở Thổ Tang ( Vĩnh Phú ) ở Đoàn Xá ( Hải Phòng ) ở Yên Thành ( Nghệ An )...đã lén chình quyền tự mình bươn chải khoán chui! Không ngờ, khoảng 7 năm sau, khoán chui được Đảng thừa nhận trong chỉ thị 100 của BBTTƯ. Từ đó le lói một con đường làm ăn , trước hết cho nông nghiệp. Cũng từ đây, các ngành khác làm theo. Năm 1986, mệnh lệnh đổi mới đất nước được phát ra từ đại hội VI ĐCSVN. Cuộc cách mạng nhằm thay đổi cơ chế quản lý kinh tế xoá bỏ cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường bắt đầu!
      Cơ chế thị trường đến, cơ chế ấy lấy lợi nhuận làm mục đích làm thay đổi tận gốc những gì đang có. Mang theo một đôi quân thiện xạ, quy luật giá trị, giá cả, quan hệ cung cầu... đẩy nề kinh tế nặng về nông nghiệp lạc hậu vào chân tường. Nông dân, nhân vật của văn học nông thôn đã được đặt vào tình huống mà họ chưa bao giờ gặp phải.. Họ có thể quay quắt, xoay tròn trong cơn bão thị trường, hơn thế nữa thị trường toàn cầu hoá. Vượt qua những thử thách trên con đường không thể tránh được, kinh tế thị trường đã có  bao nhiêu thay đổi, thành công đã đưa đến sự giàu có nhất định. Nhưng cơ chế đó có tình hai mặt, dường như nông dân lĩnh đủ mặt trái của nó. Chúng ta lại bắt gặp những dấu chân bùn đất từ trong những ngõ ngách của các thành phố đặc biệt từ thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ sáng sớm hay giữa đêm khuya, ta vẫn thấy những bước chân bùn đất ấy sau những gánh rau, quầy hàng nhỏ, hay chỉ là chiếc xe đẩy xủng xoẻnh đủ loại hàng lặt vặt. Hay nghe những tiếng rao giữa những đêm khuya, khi cư dân thành phố đang ngồi xem tivi, nghe ca nhạc, thậm chí đã ngủ rồi. Những bước chân bùn đất như bất tận không kể thời gian hay không gian.
      Trên thế giới, không có quốc gia nào muốn giàu có lại bắt đầu từ nông nghiệp, nông dân, nông thôn cả! Họ đều hướng tới công nghiệp, nhất là công nghiệp mũi nhọn, nơi có nhiều hứa hẹn cho lợi nhuận cao. Đó dường như cũng là quy luật. Muốn phát triển công nghiệp, không thể không lấy đất của nông nghiệp, nông thôn. Nhiều người nông dân không thể chuyển đổi được ngành nghề, vả lại có chuyển đổi được lấy ra đâu khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Những vùng quê đất chật, người đông lại một lần xáo động, có nơi hàng ngàn người mất đất sản xuất, có nơi còn mất cả đất thổ cư. Nghe nói đất thổ cư có vẻ bình thường đến như vô cảm, nhưng trong lòng đất ấy văn hoá dân gian đã được cha ông trầm tích và lưu giữ cũng mất theo. Những bến nước, con đò, những cánh đồng cò bay rợp cánh, nhưng đêm trăng thanh gió mát, tiếng diều, tiếng sáo cũng xa dần. Những ngôi nhà, những mái đình công cong cổ kính chiều chiều gửi vào không gian những dấu hỏi với người quê cũng dần mất. Có gì như mâu thuẫn, cuộc chiến tranh kinh tế, nhân lực được coi là hàng đầu để chiến tháng. Trong cơ cấu nhân lực yếu tố văn hoá dân tộc lại được đặt lên hàng đầu để họ phả hồn vào sản phẩm mới có sức cạnh tranh lớn!
      Biết bao nhiêu người nông dân tay lấm chân bùn kia, theo tiếng gọi của sự sống đã ra đi, đi về những nơi đất hứa. Họ bị dạt đi trong bão táp của kinh tế thị trường toàn cầu hoá. Khi họ có dịp quay về, làng quê đã biến đổi khác. Không biết họ mừng vui hay buồn trước một làng quê, những ngôi nhà ép vào nhau thành nhà ống, khi ruộng vườn không còn? Cuộc biến đổi này còn kéo dài bất tận. Nông thôn vốn là nơi thanh bình thuở nào giờ im lìm, lác đác mới thấy người, chỉ có người già và học sinh. Nam thanh, nữ tú đã đi khỏi làng kiếm sống từ lâu rồi. Đo thị hoá là chiếc nam châm khổng lồ đang hút họ trở về thành phố. Còn rất lâu chúng ta mới thấy hiện tượng đô thị hoá ngước, tức là người ta lại đổ về nông thôn sinh sống. Vốn là nông dân, họ đến thành phố cũng chỉ làm những công việc giản đơn thôi.  Cuộc sống thành phố hàng ngày nhiều cảm bẩy thử thách họ. Đâu phải ai cũng vượt qua. Có người cho rằng hơn 50% tệ nạn ở đô thành lại bắt đầu từ những người vốn là nông dân rời làng, rời ruộng. Thế đấy, những bước chân nông dân còn đặt vết bùn đất cả những quốc gia xa lạ, họ chưa từng biết. Ở đó họ làm osin, làm thuê mướn không phải bao giờ cũng được đối xử tốt.
      Lãng mạn hơn một chút, ta xem những bước chân bùn đất của nông dân toả ra khắp nơi ấy là cây vĩ cầm thứ nhất. Cãi lãng mạn này cũng có cơ sở bởi cuộc chiến tranh kinh tế, mọi nhà nước đều đang tập trung vào kinh tế mũi nhọn. Nông dân cũng sẽ giàu lên và phát triển như thường. Người Hàn Quốc đã từng "bỏ rơi" nông dân khoảng 10 năm, tập trung toàn bộ trí lực của đất nước hướng về công nghiệp để làm giàu. Khi ấy họ quay lại giải quyết những vấn đề nông nghiệp nông thôn, nông dân. Hiện nay, người dân Hàn Quốc đã 100% là dân đô thị!
      Sự biến thiên như vô tình ấy theo tôi đang thử thách cánh nhìn của nhà văn. Tôi muốn gọi cây vĩ cầm thứ hai là những tác phẩm viết về nông dân, nông thôn trong điều kiện kinh tế thị trường đã toàn cầu hoá. Từ xưa đến nay, theo tôi những tác phẩm văn học nổi tiếng thường là tác phẩm viết về nông dân hay có nhân vật nông dân. Nhưng đó là một nông thôn, nông dân ít có bước nhảy vọt về làm ăn kinh tế. Khi họ bị áp bức, bóc lột, hay họ vùng lên đi giải phóng đất nước, giành độc lập tự do. Lịch sử đã như đồng tình với các nhà văn. Có những nhân vật nổi tiếng đến mức trở thành thành ngữ! Không ai có quyền phủ nhận những thành tựu ấy.
      Nhưng thời đại mới lại cho ta những nhận thức mới, nhất là khi loài người đã bước vào toàn cầu hoá.. Nếu nhìn lại, những tác phẩm viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau khi đất nước thống nhất đến nay, ta vẫn còn nhiều đòi hỏi lắm. Liệu cây vĩ cầm thứ hai này có khi nào cộng hưởng với cây đàn thứ nhất để làm nên bản nhạc du dương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn? Phải nói rằng chưa! Bản nhạc đó có khi có lúc cộng hưởng nhưng xét toàn bộ thì vẫn chưa bao giờ! Khi người nông dân đã quá khiếp sợ về một HTX nông nghiệp nó trở thành xiềng xích với họ và họ biết không hy vọng gì vào mô hình bao cấp ấy giúp họ vượt qua nghèo đói thì nhà văn vẫn còn say sưa môt tả về nó. Nhân vật chính vẫn hồn nhiên làm chủ nhiệm HTX! Khi người nông dân, nhân vật chính của nhà văn đã manh nha tìm một con đường đổi mới để dần phát hiện con đường duy nhất đi đến giàu có, tất nhiên có nhiều đau đớn thì một số tác phẩm vẫn viết như thời bao cấp. Khi kinh tế hàng hoá đã bước sang kinh tế thị trường, sức giải phóng do nó sinh ra lớn đến mức chế độ phong kiến ngàn năm bị chảy ra trong chớp mắt lịch sử. Ấy vậy mà nhà văn vẫn tưởng mâu thuẫn trên bước đường đi lên ấm no, giàu có ở nông thôn là mâu thuẫn các dòng họ! Khi tôi nói những điều này, thực tiễn đã trải qua, khoảng xấp xỉ 20-30 năm, có nghĩa ta hoàn toàn kiểm nghiệm được! Có phải HTX nông nghiệp kiểu cũ đã tự mất không ? Nông dân đã trở thành hộ gia đình tự chủ phát triển kinh tế ? Có phải nông dân đã lần lượt ra đi khỏi làng theo mùa vụ hoặc ra dần ở thành phố ban đầu theo sức hút của đô thị hoá không? Liệu có làng nào các cụ còn thời gian, thanh niên còn sức để tranh chấp mồ mả, gây sự mất đoàn kết ở làng quê không ? Có phải làng quê đang đặt ra nhiều vấn đề từ văn hoá dân tộc hay trí thức nông thôn cần phải có chính sách giữ gìn không
      Tôi vẫn tin có ngày hai cây vĩ cầm ấy cộng hưởng. RaxunGamZatop, có lần nói, đừng nói cho tôi đề tài mà hãy nói cho tôi đôi mắt. Tôi hiểu ông muốn nói tới phương pháp nhìn nhận, phương pháp sáng tác! Quả thật đề tài đâu có thiếu, chỉ cần có đôi mắt! Nền kinh tế toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ.. Loài người đã trải qua ba vòng sóng văn minh, văn minh nông nghiệp, mất hàng vạn năm, hai, văn minh công ngghiệp mất khoảng 500 năm và hiện tại đang ở văn minh tin học, các nhà khoa học dự kiến vài chục năm. Thế đấy, chúng ta đang cùng chơi với những nền văn minh khác nhau, tôi cho rằng chúng ta đang ở vòng sóng thứ nhất! Bằng chứng là hơn 70% lao động vẫn là nông dân, thu nhập chính của đại đa số dân cư vẫn từ nông nghiệp, nông nghiệp đóng góp vào GDP vẫn còn xấp xỉ 40%, Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước cơ bản là công nghiệp! Bằng chứng là còn rất nhiều người yêu thơ...Nguyễn Bính, ngôn ngữ trong thơ ông là đặc sản nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
      Ai cũng biết muốn thành nhà văn trước hết phải có năng khiếu, chưa biết giải thích thế nào ta tạm đồng ý trời cho. Chỉ có những người có năng khiếu trời cho mới chơi được ở sân chơi đỉnh cao, văn học không thể ngoại lệ. Nhưng thực tiễn ai cung biết, ngày nay, cuộc sống biến đổi quá nhanh chỉ dựa vào năng khiếu lại có khi không đủ, hoàn toàn không đủ. Ai cũng biết phê bình văn học ở nước ta từ lâu quên mất nhiệm vụ dẫn đường. Phê bình chỉ còn làm mỗi việc khen nhiều chê ít. Bởi chê cũng rất khó, căn cứ vào đâu mà chê? Nếu chỉ từ những nguyên lý truyền thống, đã thuộc về quá khứ chưa đủ làm thước đo chính xác được, nếu không hiểu rõ ngọn nguồn thực tiễn phát triển như rất hỗn độn hiện nay. Tôi nghe một số nhà phê bình cứ lấy tây, ta đâu đâu mà khoe chữ nghĩa. Người nông dân không cần biết những chữ nghĩa kiểu đó, nền văn học không cần nhiều chữ nghĩa kiểu đó. Nhà phê bình hãy đứng ra, không chơi bài bí thì nói chữ vậy.
      Tôi vẫn mong muốn bên cạnh năng khiếu trời cho kia, nhà văn cũng cần biết sự vận động của kinh tế - xã hôi theo đúng quy luật vận động của nó. Tất nhiên, sự vận động của kinh tế - xã hội chưa bao giờ là văn học cả. Nó chỉ làm cơ sở cho văn học, nơi mọi tình cảm yêu thương, hờn giận, đau đớn, ước mơ...trong cuộc đi về cái thiện. Nhân vật của nhà văn không thể không bị sự vận động đó quy định. Cho nên chừng nào nhà văn còn chưa nắm thật chắc cái cơ sở đó thì khi viết ra đôi khi mâu thuẫn với thực tiễn mà tôi đã dẫn trên đây, hai tác phẩm khá nổi tiếng và điển hình. Vậy theo tôi hiện nay, một nhà văn cần hai yếu tố cực kỳ quan trọng để có thê viết nên tác phẩm của mình. Một là năng khiếu trời cho và hai là nhà văn phải có sự hiểu biết như một nhà khoa học xã hội. Khi ấy tác phẩm hay đến đâu còn tuỳ thuộc tài năng nhưng sẽ không mâu thuẫn với thực tiễn đang vận động. Khi ấy chúng ta sẽ thấy người nông dân, nhân vật chính của chúng ta đang lên bờ xuống ruộng nhưng sẽ đến hướng mặt trời!
HN 3-12-2009
VC