Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG LINH HỒN DA CAM, MỘT GIÁ TRỊ NHÂN VĂN CAO CẢ

Mai Thục
Thứ bẩy ngày 21 tháng 11 năm 2009 8:55 AM
 
             Đọc xong Những linh hồn da cam (truyện ký của Minh Chuyên- NXB Quân đội nhân dân- 2009) linh hồn tôi rã rời, tơi tả. Không dám đọc tiếp. Tôi phải để cuốn sách trước mặt, hằng ngày ngồi Thiền, sám hối, cầu nguyện Những linh hồn da cam siêu thoát, cả tháng trời. Hôm nay mới dám mở ra, đọc và viết về Những linh hồn da cam.
        Tôi viết về Những linh hồn da cam với sứ mạng của người cầm bút. Buộc phải viết. Viết vì Những linh hồn da cam. Thú thực là tôi đau đớn lắm. Không dám đụng tới Những linh hồn da cam. Nhưng là sứ mạng thì “Bút hoa chảy máu ròng ròng” vẫn phải cắn răng mà viết.
        Có người bạn tâm linh khuyên tôi đừng có viết. Viết thì ốm đấy! Nhưng tôi phải viết như một sự sám hối của một kẻ vô tâm, vô cảm. Tâm linh sẽ yêu thương kẻ biết sám hối như tôi.
      Tôi cũng từng khi khắp các hang cùng, ngõ hẻm Hà Nội  thăm hỏi, tặng quà những bé da cam. Tận mắt nhìn thấy những thân hình quằn quại, cùng khổ, mê man, ú ớ, sống không ra sống, chết không ra chết. Không ra hình người. Tôi đau thương cùng họ. Bất lực. Tuyệt vọng. Tôi nhắm mắt lại. Tôi không đủ sức mô tả những thân hình lê lết ấy, những thống khổ không thể tưởng tượng ấy, nên không viết được gì qua những chuyến đi đau khổ ấy.
      Duy có một lần, tôi nghe tiếng đàn bầu bé thơ Thanh Tùng, bị chất độc da cam hỏng cả hai mắt. Tiếng đàn có tiếng khóc, lời ru, tố cáo tội ác chiến tranh hủy diệt. Mỹ rải chất độc da cam xuống những cánh rừng, đồng bằng Nam Bộ, cha Thanh Tùng đi bộ đội bị nhiễm và sinh ra hai chị em đều bị tàn tật do da cam hành hạ, ở con phố Thể Giao- Hà Nội hiền hòa. Tôi gặp Nguyễn Phương Thúy, chị của Tùng, im lặng trên giường, liệt toàn thân, mù, câm, điếc, chỉ còn lại vẻ mặt thiên thần và nụ cười huyền thoại.
        Hơn hai chục năm trôi qua. Tùng bây giờ là nghệ sĩ đàn bầu, đi khắp thế giới, tố cáo chất độc da cam. Tôi vẫn lang thang quanh phố Thể Giao, gặp ông bà nội Tùng bên quán chè chén dưới gốc cây bàng già, đã ba chục năm có lẻ. Ông bà theo đạo Thiên Chúa, sớm tối nguyện cầu, tuổi tám mươi, gương mặt tĩnh lặng thẳm sâu. Tôi hỏi thăm bé Thúy. Bà bảo: “Thúy vẫn vậy”.
       Vẻ mặt thiên thần. Nụ cười huyền thoại quấn trong vòng tay mẹ. Không lời. Ngày ấy, tôi chỉ dám viết thế thôi! Tôi không dám đụng vào vết thương đau ngậm máu.
        Trái tim tôi giờ đây không còn đủ sức chứa nỗi đau  giống nòi. Tôi không dám bước lên bậc cầu thang để chiêm ngắm nụ cười huyền thoại và vẻ mặt thiên thần ấy nữa.
           I. Những linh hồn da cam hiện hữu trên những con người thật: 
        Nhưng nhà văn Minh Chuyên thì khác. Minh Chuyên đã dùng hết nội lực của ngòi bút để viết Những linh hồn da cam. Minh Chuyên mô tả tỉ mỉ, chi tiết, từng vết nhăn, vết lõm lồi, hầm hố, trên mặt, trên thân hình bất toàn vẹn, thương tích, méo mó, xệch sẹo của những em bé bất hạnh đến cùng cực ấy. Những em bé có thật, những người đàn ông, đàn bà Việt Nam có thật, bị nhiễm chất độc da cam, đang sống như chết và đã chết trong những xóm làng Việt Nam còn đẫm máu và nước mắt sau hơn ba chục năm, cuộc chiến đã tàn.
           Không những tả vẻ bề ngoài, Minh chuyên còn khắc họa tâm hồn họ, nỗi đau khát tình cảm yêu thương, những hẫng hụt, những phút mê sảng, hỗn mang, điên loạn, hoảng hồn, mê man, hoang dại… Những ngôn từ lạc lõng từ hỗn mang hiện về Những linh hồn da cam Minh Chuyên cũng chắt lọc được hết, phơi nó thành chữ in trên sách. Những cử chỉ, những hành động của người và không phải của người hiện ra Những linh hồn da cam Minh Chuyên cũng vẽ  được thành chữ, hằn vào từng trang sách. Từng giọt máu rơi trên thân mình họ, từng giọt nước mắt xoáy xiết trên má, trên mặt họ, Minh Chuyên cũng hốt được tất cả, in nó đẫm vào từng con chữ.
        Ôi! Thà Minh Chuyên cứ hư cấu, cứ bịa đặt, bịa đặt thật khủng khiếp, thật thảm thê, thê thảm, để rồi gào lên, thét lên, hô hoán lên, kêu Trời, kêu Đất lên, bắt những kẻ gây chiến tranh phải đền tội cho Những linh hồn da cam… thì còn đỡ đau hơn nhiều. Đằng này, Minh Chuyên viết về những con người thật. Máu thật. Thịt da thật. Những nỗi đau điên khùng có thật. Tiếng khóc. Tiếng nói thê lương. Tiếng gầm gào. Tiếng kêu thất thanh. Tiếng gọi xé lòng. Tất cả đều có thật. Những mê sảng tận cùng khốn quẫn là có thật. Họ có tên, có tuổi, có ngõ, xóm, làng, nhà,  lều, có xó bếp, chuồng gà, có cũi tự nhốt mình. Cả đến thân xác họ, con cái họ chôn ở đâu, cũng có thật.
          Thế mới đau. Đau cả giống Tiên Rồng- Việt Nam. Biết đến bao giờ nguôi tan? Khi Những linh hồn da cam ấy, cứ lộn đi lộn lại muốn làm người. Nếu không giúp họ siêu thoát, nếu không yêu thương họ, họ sẽ làm cho chúng ta đau nữa. Họ trở về để đòi nợ . Họ không để ta yên. Họ làm chúng ta tiếp tục đau. Đau rối loạn. Đau tan tành. Đau đến cả mấy đời con cháu chúng ta. Không phải chuyện đùa. Không còn là chuyện văn văn, thơ thơ uốn éo lượn lờ nữa. Mà là chuyện con người đòi quyền được sống. Chuyện linh hồn đòi được yêu thương.
       II.  Những linh hồn da cam đậm đặc khí chất tâm linh:
       Truyện ký Cha con người lính kể người cha mù quờ quạng không gian, đêm đêm tìm ra nghĩa địa xóm để khóc con. Ông khóc đứa đang ngủ với đất, khóc cả những đứa còn sống: “Chúng không được sống kiếp con người”.
         Một đêm mưa. Ông không khóc. Ông hì hục đào mộ, bốc hết hài cốt thằng con, cởi áo gói lại, mang về nhà. Ông vào bếp, đặt gói xương lên đống tro, chất rạ đốt. Tảng sáng ông gọi vợ: “Bà dậy đi, tôi đưa thằng con về rồi. Thằng Nhân, đầu to, dài ngoẵng, bà  còn nhớ không. Tôi ăn nó rồi, còn để phần bà đấy, bà dậy mà ăn đi. (sdd tr. 6)
        Bà vợ bị ông kéo dậy, chỉ vào đống tro. Bà nhìn thấy cái hộp sọ trẻ con. Bà kêu Trời! Kêu ới làng ơi! Ới nước ơi!
      Ông tên là Trần Văn Ngô ở xã Quang Minh, tỉnh Thái Bình. Ba bố con ông bị nhiếm chất độc da cam, mỗi người một thảm cảnh kinh hoàng. Cháu nội ông cũng bị da cam nốt. Thế là không bị tru di tam tộc mà toi cả ba đời!
         Những linh hồn da cam, còn sang tận nước Mỹ bên kia Thái Bình Dương để đòi nợ những kẻ đã rải chất độc da cam xuống miền Nam Việt Nam. Linh hồn bay trong nháy mắt là đến. Họ làm cho người Mỹ nọ phát điên, phát dại, phát rồ, phải lồng lên, lộn lại mảnh đất hắn đã gây tội ác kinh hoàng, trời không tha, hồn không tha:
        “E.Jum Walte-  người Mỹ tham chiến ở chiến trường miền Nam Việt Nam những năm sáu mươi thế kỷ XX. Ông đã từng tham gia rải chất độc hóa học vùng Tây Nguyên, Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, mục đích rải chất khai quang cây rừng để tìm Việt cộng. Về Mỹ, ông mắc bệnh mộng du trầm cảm. Đêm đêm ông ngủ, gặp những cơn ác mộng và những giấc mơ kinh hoàng. Ông mơ thấy toàn những linh hồn thơ dại, không rõ hình hài, bám đuổi đòi ăn thịt ông. Giấc mơ khủng khiếp ấy cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm liền. Có đêm ông vừa nhắm mắt, những hình hài đau đớn gào thét bấu chặt lấy người ông, dằn ngửa ông ra, đòi nợ máu”. (sdd tr. 26)
         Ngày 30-4- 2005. E. Jum Watte và vợ đã bay sang Việt Nam khoác áo “từ thiện” nhưng là để sám hối. Ông ta biết, không sám hối thì ông ta phát điên, phát rồ mãi đến phút lìa đời cũng không thoát. Linh hồn ông ta khi chết rồi, vẫn rồ, vẫn dại. Ông ta đã đến xã Quang Minh thăm ông Ngô và nhận đưa Trần Thị Thủy, con gái ông Ngô sang Mỹ chữa trị. Tưởng thế là xong. Chưa xong đâu ông ạ. Còn ba vạn triệu linh hồn da cam quằn quại ngoài không gian xám lạnh kia. Họ không để các ông được yên. Hãy sám hối nữa đi!
          Những chuyện có thật ấy, xuyên đậm trên từng trang sách Những linh hồn da cam với những truyện ký, chân thật đến từng nét chữ: Bức thông điệp dưới tán bồ đề; Nước mắt làng; Đứa con màu da thú, Chiếc cũi trần gian; Vết thương không rỉ máu; Di chứng chất độc; Chuyện ở rừng Sắc Rông; Gió dữ, gió lành…
          Những linh hồn da cam đã hiện rõ ràng một thế giới tâm linh. Không có bất kỳ ai dám to gan phủ nhận thế giới tâm linh ấy. Đây là một phát hiện mang tính nhân văn cao cả của nhà văn Minh Chuyên.
          Thế kỷ XXI. Vấn đề nghiên cứu tâm linh, thế giới linh hồn sau khi chết… không còn xa lạ với chúng ta. Thế giới tâm linh trong Những linh hồn da cam đã hiện ra dưới dạng sóng. Con người khi chết, thân xác bị hủy, nhưng anh linh tụ lại thành sóng. Những thân thể cùng một tần số dễ nhận được sóng điện trường tâm linh của nhau. Những linh hồn da cam nhận được những tần số sóng của những thân phận chết trong chiến tranh. Chết oan. Chết khổ. Chết ức. Chết nghẹn. Chết chẹn. Chết không toàn thây. Chết uất. Chết căm thù. Chết trẻ. Chết không được chôn. Chết bất đắc kỳ tử. Chết sông. Chết suối. Chết biển. Chết thú ăn thịt. Chết rét. Chết đói. Chết bệnh. Chết tên rơi. Chết đạn lạc. Chết cô đơn. Chết không có người thân. Chết không manh áo manh quần. Chết không được cầu siêu, giải thoát…
        Những linh hồn chết đó trôi vật vờ trong không gian mà dân gian gọi là “ma”. Những linh hồn đó luôn tìm nơi trú ngụ. Họ gặp Những linh hồn da cam cùng một tần số khổ đau, bất hạnh, thiếu tình yêu thương… nên hòa vào cùng những thân xác da cam đó.
          Những thân xác da cam tuy hình hài không thành người, nhưng những thân xác họ rất trong sạch. Không vấy bẩn bụi đời. Đó là mảnh đất tốt cho tâm linh tụ hội. Bởi thế  ông Trần Văn Ngô mới lâm vào cảnh bị nhiều hồn nhập, khi mê, khi tỉnh, khi lành hiền, khi căm thù, khi yêu thương, khi ăn thịt xác con mình, khi ngậm máu, khi tỉnh để viết đơn kiện…
        Các nhân vật có thật trong Những linh hồn da cam đều mang trên thân xác mình rất nhiều linh hồn như vậy, nhưng người trần mắt thịt không thể biết. Hễ thấy ai điên thì họ mang cùm váo trói chặt chân tay, chuyển vào nhà thương điên. Thế là ổn.
        Nhà văn Minh Chuyên được tâm linh Việt lựa chọn. Bản thân anh cũng là một linh hồn mang tần số cùng những linh hồn đau thương trong chiến tranh, nên anh đã nhận biết những linh hồn khổ đau hiện hữu nơi Những linh hồn da cam. Và anh đã chuyển thành ngôn ngữ, đưa những mảnh hồn đau lên trang sách.
         Cuộc chiến vừa tàn. Minh Chuyên vội vã trở về giảng đường Đại học Tổng hợp văn Hà Nội. Chúng tôi đã học mải mê như chưa bao giờ được học. Đúng vậy. Tuổi thanh xuân, tất cả lao vào khói lửa. Có ai được học gì đâu. Minh Chuyên kể tôi nghe, một lần anh bị sốt rét rừng, những cơn ác tính mê man. Đồng đội mắc võng treo anh trên ngọn cây, gửi lại rừng Trường Sơn thâm u, huyền bí. Nhiều người lính cũng gặp cảnh ốm sốt như anh, bị treo như thế và lặng lẽ chết trên cành cây cao. Nhưng Minh Chuyên không chết. Rừng thiêng đã truyền sức sống, cứu anh thức dậy. Và anh lại lao đi trong đêm rừng thiêng, làm y sĩ cứu đồng đội suốt một thời trận mạc.
        Anh cứu người, yêu người, nên Tâm linh Việt đã cứu anh, để Minh Chuyên sống lại, trở về, là một nhân chứng sống, một linh hồn sống, làm sống lại những linh hồn chết.
        Nhận biết sứ mệnh thiêng liêng từ tâm linh Việt, Minh Chuyên đã “liều mình” tìm về những đồng đội gặp cảnh ngộ thê thảm sau chiến tranh. Họ không được quyền trở lại làm một con người bình thường sau quãng đời chinh chiến. Anh đã tìm thấy họ. Rất nhiều. Rất nhiều người giơ tay kêu cứu. Có người mất tay, phải kêu cứu bằng đôi mắt trũng sâu đen thẳm… Minh Chuyên nâng họ đứng lên. Ngòi bút của anh xé toạc những bức tường thép chặn dòng người lính trở về đòi quyền được sống! Đòi quyền được đi giữa thanh thiên bạch nhật, làm một con người bình thường.
        Để cứu đồng đội lâm nguy giữa đời thường, Minh Chuyên lại một lần nữa, phải vào sinh ra tử. Không khác gì những ngày đi chiến trận Trường Sơn. Quê anh ở Thái bình. Những năm tháng đầu tiên cầm bút, anh chỉ loanh quanh xóm thôn hẻo lánh bãi bờ Thái Bình, mà làm rung chuyển cả bờ Đông Thái Bình Dương hình chữ S. Anh phải luồn qua những mái nhà dân để ẩn nấp. Dân đã bao bọc anh, bảo vệ mạng sống cho anh. Bạn văn Thái Bình kể rằng nhiều người trong số họ đã từng giấu Minh Chuyên vào cót thóc đã vơi của nhà mình, tránh những cặp mắt lạnh lùng, những ngày đêm sóng gió…
         Minh Chuyên đã kiên cường bất khuất với mười bảy tác phẩm gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký kịch bản văn học. Biên kịch và đạo diễn 65 bộ phim tài liệu. Được tặng 35 giải thưởng văn học, báo chí, điện ảnh, trong đó có hai giải thưởng quốc tế.
       Truyện ký Cha con người lính trong Những linh hồn da cam được dựng thành phim tài liệu đoạt giải cúp vàng tại Liên hoan quốc tế Bình Nhưỡng- Triều Tiên tháng 9- 2006.
       Đã có năm công trình nghiên cứu về bút ký của Minh Chuyên với đề tài hậu họa chiến tranh.
       Nay bạn và tôi, hãy nghiên cứu công trình thứ sáu của Minh Chuyên. Công trình về thế giới tâm linh trong Những linh hồn da cam của Minh Chuyên.
         Công trình nghiên cứu truyện ký Những linh hồn da cam cộng với nghiên cứu đời thực, những mảnh hồn thực ngổn ngang, xâu xé, dồn nén, xô đẩy, nhập nhòa, từng ngày, từng giờ, nơi các nhân vật có thật trong Những linh hồn da cam đang hiện hữu ở xóm vắng thôn cùng Việt Nam hôm nay, sẽ là công trình nghiên cứu tâm linh, mang tầm nhân loại thế kỷ XXI.
        Từ phát hiện về thế giới tâm linh trong Những linh hồn da cam của Minh Chuyên, chúng ta hiểu rằng hồn đau Việt Nam thế kỷ XX đang lang thang vật vờ đòi quyền được yêu thương. Những hồn đau đòi quyền được giải thoát.
        Người Việt Nam vốn giàu tình yêu thương, đã yêu thương những linh hồn chết. Yêu thương thông hai cõi Âm- Dương. Và một khi đau đớn đến tận cùng thì cũng xuất hiện tình yêu thương đến tận cùng. Và sức mạnh tâm linh Tiên Rồng trở về đồng hành cùng yêu thương và đau đớn tận cùng ấy.
         Điều đó cắt nghĩa vì sao những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, hiện tượng ngoại cảm xuất hiện ở Việt Nam lộng lẫy đến như vậy? Không một ai dám ngông nghênh phủ định hiện tượng tâm linh kỳ vĩ này. Đó là năng lượng Tình thương mà cả nhân loại phải ngả mũ kính chào.
       Hàng vạn người đã đi tìm mộ người thân. Hàng chục trăm ngàn những nghĩa trang liệt sĩ phủ kín nước non này, ngày đêm thơm hương khói. Nghĩa trang Trường Sơn vang tiếng chuông nguyện cầu hòa bình, cầu siêu thoát những linh hồn trẻ…
        Nhưng khoảng chín hay mười vạn người chết oan khổ trong chiến tranh Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX, bao nhiêu linh hồn đã được yêu thương? Sức lực và vật chất của chúng ta làm sao trang trải cho đủ đầy viên mãn đủ thương những linh hồn chết?
        Tốt hơn cả là chúng ta luôn phải làm những đại lễ cầu siêu khắp non sông Đất Mẹ Việt Nam để bày tỏ lòng yêu thương, tình cảm tri ân của chúng ta đến những linh hồn chết!
         Cầu siêu và sám hối. Tất cả mọi người Việt Nam còn được sống sót trong thế kỷ XX đến hôm nay, hãy cầu siêu và sám hối từng ngày, tạ ơn từng ngày, may ra đỡ loạn Âm. Âm không loạn thì Dương được bình ổn, thái hòa.
          Những người lính Mỹ từng sang Việt Nam đánh thuê và cả những người màu da tiếng nói khác nữa, ai đã từng gây chiến sự tại nơi này, hãy đến đây! Đến đất Mẹ Việt Nam mà sám hối trước khi về cõi vĩnh hằng. Cơ hội ngàn vàng để chuộc tội gây chiến tranh, tham gia chiến tranh Việt Nam, trước khi chấm dứt kiếp làm người của các vị đấy. Hãy đến Việt Nam. Hãy đến đây! Nhanh lên! Còn chưa muộn. Nếu chậm trễ thì không bao giờ các vị còn cơ hội sám hối nữa đâu. Người ta chỉ sống được có một lần. Hỡi mọi con người! Hãy trang trải nợ trần gian trước khi về cõi hư vô!
         
       

       
        Hồ Gươm- Ngày lạnh Đông- 2009.
             23h Ngày 20-11- 2009