Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ TỪ TÂM HỒN THỢ

Ngô Van Phú
Thứ bẩy ngày 21 tháng 11 năm 2009 10:41 AM
 
Đọc HUYỀN THOẠI SÔNG ĐÀ của Vũ Xuân Quản
Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2007

   
   Vũ Xuân Quản gắn bó với ngành xây dựng, với Thuỷ điện Sông Đà và nhiều công trình khác. Anh còn là người yêu thơ, quý bạn bè văn chương, văn nghệ. Tập Huyền thoại Sông Đà là tập thơ thứ 4 của Anh.
   Những năm gần đây, thơ về người thợ, về những người đi xây dựng công trình thường hiếm. Là người yêu nghề, gắn bó với nghề, Vũ Xuân Quản thường suy cảm trước những dòng sông mà những người thợ công trình từng xây dựng, nhất là con Sông Đà:
Đà Giang thoáng nét hao gầy
Gió thoa mặt nước, heo may ngập ngừng
Nước trong như lọc không cùng
Ráng chiều vàng rực một vùng núi non
Đường lên Bích Hạ chon von
Nước bay qua đập, cuốn hồn lên cao...
( Trên cầu Hoà Bình ).
   Phải yêu và ở lâu cùng Sông Đà mới viết được những câu này, trong đó, thơ nhất là câu:” Gió thoa mặt nước , heo may ngập ngừng ”...Heo may ngập ngừng là vì sông đẹp, hùng tráng quá, cho nên gió heo may cũng dốn dắn, không muốn đi...
   Và cũng là người trong ngành xây dựng nên mới có cảm giác của người thợ xây cao ốc trong thời kỳ đổi mới:
Đỏ au viên gạch trong tay
Xây tường cao vút cho mây vô nhà
Núi xưa giờ thấp rồi nha !
Xa xa sông Cái như là con mương
( Tầm cao )
   Những người đi xây dựng những công trình Thuỷ điện thường luôn phải xa quê, xa nhà, luôn ở gần với núi cao, sông dữ, với ghềnh thác. Những lúc phải đối mặt với thiên nhiên, chính là lúc nhớ đến những cảnh êm đềm nhất:
Mưa gào như thác, trút từ mây
Trắng trời Sông Bé lạnh run cây
Sông nghiêng chớp giật vờn con sóng
Chạnh nhớ thu vàng hương Hồ Tây.
( Mưa thu Sông Bé )
   Xúc cảm nhẹ nhàng mà sâu sắc. Đọc rồi càng thấy thông cảm với những người thợ, ít có những ngày tháng nhàn nhã, thanh bình.
Cũng bởi yêu cái nghề xây dựng nên mới có thơ “ xuân ”, tứ thơ đầy bất ngờ, mang đầy chất thơ của một tâm hồn thơ.
Xuân
Em về phòng dịu dàng xinh
Em như lộc biếc rung rinh đâm chồi
Biết Anh là thợ quét vôi
Nên màu xanh thẳm vòm trời vô đây...
   Tết nhất, lại là thợ quét vôi nên tân trang nhà đón tết. Quét vôi nhà ăn tết, vốn cũng là một phong tục hay từ xưa...Nhìn vuông tường được quét vôi mới, mà hình dung đó là “ Vòm trời xanh thẳm ” được đem vào trong nhà, thì tứ thơ vừa lãng mạn lại rất đạt...
Bởi gắn bó với núi non, nên Vũ Xuân Quản, thảng thốt lại hái được những câu thơ hay:
Dập dìu trong mát Kim Bôi
Ta như bơi giữa bồi hồi ngàn năm...
( Muôn sau )
   Phần thơ thiếu nhi trong Huyền thoại Sông Đà là những câu thơ viết cho con, cho người thân. Bởi lòng đầy yêu thương, nên có những câu thơ thật nhuần nhị, trong sáng cho con trẻ của người Bố, vốn là người thợ:
Đi ca chộp được chú ve
Tặng con...
Bố đặt mùa hè trên tay !
Tặng con một khoảng trời mây
Một vườn hoa lá ngân đầy tiếng ve
( Nghe con hỏi )
  
   Cũng bởi xa nhà lâu, nên khi gần con trẻ chẳng bao giờ muốn xa chúng, muốn chơi với chúng suốt ngày và cũng nhận ra được nét ngộ nghĩnh đáng yêu biết mấy của chúng. Đây là cảnh hai Ông Cháu ngồi xem ti vi:
Nội ơi ! chiều Cháu
Bật kênh 3 nào !
Cháu xem nước nhảy
Vút cong lên cao
Nước bay qua đập
Tiếng thét động trời
Còn xô đá chạy
Như đuổi nhau chơi !
Đá lại mài đá
Thành viên sỏi con
Nhẵn như hạt vải
Dèn dẹt, tròn tròn...
Nước sao kỳ thế
Nhuộn sỏi muôn màu
Viên thí...đo đỏ
Viên thì...nâu nâu
Nước trong vô tuyến
Chẳng ướt tý nào !
Không tin, Nội cứ
Thử sờ tay vào...
( Nước sao kỳ thế )
   Thơ mộc mạc mà simh động, tự nhiên như lời con trẻ ngoài đời vậy !
   Phần thơ thiếu nhi còn nhiều bài khá dí dỏm, truyền cảm như: Chuyện muôn loài, Chào Mào, Răng sún, Tập đi...Xem ra là một mạnh của tác giả.
   Trong Huyền thoại Sông Đà, tác giả còn viết nhiều về những nơi mìmh đặt những dấu chân đi và đến, nhưng trí nhớ nhiều lúc lặp và chưa truyền cảm...Song những phần được của Huyền thoại Sông Đà cũng rất đáng trân trọng.