Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẢM XÚC RỘNG DÀI NHƯ DÃY TRƯỜNG SƠN

Phạm Thuận Thành
Thứ bẩy ngày 21 tháng 11 năm 2009 8:51 AM

TNc: Tôi thân quen Nguyễn Anh Nông có lẽ đến 20 năm. Nhớ hồi anh là lính đóng quân trên Hòa Bình chúng tôi đã đến thăm anh. Lúc ấy Nguyễn Anh Nông đã làm thơ. Tập thơ Bàn tay lá cỏ của anh do tôi vẽ bìa. Bây giờ Nguyễn Anh Nông đã là cán bộ cao cấp trong quân đội tại Hãng phim quân đội. Trường ca Trường Sơn của anh vừa xuất bản đã có tiếng vang. Xin giới thiệu bài viết của Phạm Thuận Thành về trường ca đó.

( Đọc trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông, NXB Văn học năm 2009)

     Đã một thời thơ ca Việt đột khởi bằng thể loại truyện thơ qua những khúc ngâm với những thi phẩm bất hủ: Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Kiều... Khoảng hai trăm năm sau lại có cuộc đột khởi mới để có phong trào thơ mới. Trong (1)và sau (2)cuộc kháng chiến cứu nước của thế kỷ 20 đã cho các nhà thơ một dòng cảm xúc mãnh liệt để có cuộc đột khởi nhỏ khi một loạt trường ca ra đời. Trường ca không còn kết cấu như kiểu truyện thơ nữa. Nó dung nạp dung lượng rộng dài quán theo đề tài chứ không bám theo nhân vật . Nó nói được nhiều vấn đề hơn. Và trường ca như là một đặc sản riêng của các nhà thơ mặc áo lính.
       Dường như thể loại trường ca mong có cuộc bứt phá mới. Thi sĩ Nguyễn Anh Nông, một người đang mặc áo lính đã dấn bước vào thể loại này tiếp nối các bậc đàn anh Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo... Trường ca Trường Sơn đầu tay của anh đã ra mắt bạn đọc. Và với thi phẩm này anh đáng được gọi là nhà trường ca lắm. Đọc Trường Sơn mà cảm nhận được cảm xúc của anh rộng dài như dãy Trường Sơn.
   Thực vậy, Nguyễn Anh Nông luôn tự nhủ viết trường ca tức là viết thơ, vậy trước hết câu chữ phải thơ đã rồi hãy bàn đến tính tư tưởng mà câu chữ nói đến, tức là đề tài của trường ca. Hãy nhớ đến khan của người sống trên dãy Trường Sơn từ bao năm nay đã rất thơ rồi, người thời nay viết mà không vượt thì đừng viết nữa. Khan đã viết: Mái nhà rông dài như tiếng chiêng ngân. Thơ không. Nguyễn Anh Nông tự tin viết: Rượu cần vít cong niềm vui/ Lời khan ủ men thấp thỏm. Đặc tả chiến tranh bằng một chữ tiếng: Tiếng bom tiếng mìn găm thân cây thân người nhức nhối ngày trở gió/ Tiếng suối thét gào hay tiếng anh tiếng em vùi trong cỏ. Mà đặc tả sự thanh bình cũng bằng một chữ tiếng: Tiếng trâu đi hoang hoải rừng già/ Tiếng mõ lắc nghiêng chiều ai tìm lại/ Trái tim thao thức tháng năm xa. Tháng năm xa ấy là tháng năm mở con đường Trường Sơn huyền thoại, và tác giả dắt tay người đọc cùng đi vào tháng năm xa ấy: Con đường chồng lên con đường/ Như ta chồng lên nhau những ước mong khát vọng. Cho đến ngày nay chiến tranh đã qua lâu, con đường Trường Sơn lại mang màu huyền thoại mới phát triển mọi mặt cho những người sông trên miền cao chót vót nóc nhà Đông Dương: Người con gái Tây Nguyên/ Viết lên bảng đen/ Những điều mới mẻ/ Như viết vào quyển sách đời cô/Ngọn đuốc sang soi vào thâm u rừng già núi thiêng/ Dưới chân cô gái trẻ/ Con đường tít tắp/ Vắt qua niềm kiêu hãnh/ Những ban mai ríu rít tiếng chim chuyền.
   Dẫn ra như vậy để tin rằng Nguyễn Anh Nông viết trường ca nhưng trước hết là viết thơ. Mà cả trường ca là thơ thì cảm xúc khiếp lắm. Tôi đã thử lấy ra một đoạn làm thành bài thơ gửi đi đăng báo và được đăng thật. Đó là (trích) một phần chương 8 “Cô gái ngày xưa”, đầu đề do tôi tự đặt: Em là cô gái của ngày xưa/ Bồng bế nắng mưa/ Gánh gồng kí ức/ Cõng gió/ Dìu mây/ trái tim rạo rực/ Kéo đẩy thời gian/ lá vàng lá xanh/ Vác tình yêu/ leo/ ngược núi/ Vượt thung sâu/ Lặn lội/ bến bờ/ hạnh phúc/ Quờ tay gặp ánh trăng/ Vơ vào lòng gió và nắng/ Ôm lời ru qua tháng năm xa…
   Đã làm thơ thì phải cách tân, đổi mới. Anh viết về những cơn sốt chết người quật ngã cả đoàn quân bằng những dòng ít chữ, nếu không đọc bằng cảm giác của người hôn mê sốt rét thì không hiểu anh định viết gì. Cơn hôn mê kéo dài như nuốt chửng đời người, nhưng ý chí chiến thắng đã vực người chiến sĩ Nhúc nhắc/ Túc tắc/ Nhổm dậy/ đi/ sấp ngửa/ mắt môi hoe. Với cách kết cấu mở, anh đã đưa được đại diện của hầu hết lực lượng kháng chiến hiện diện trên cung đường Trường Sơn. Chàng trai, cô gái, em bé, người già, nhà thơ và có cả kẻ đào ngũ nữa. Và đặc biệt hơn là cả con đường mọi lực lượng kháng chiến đang đi, đã đi cũng lên tiếng: Tôi mơ giấc mơ đẹp đẽ/ Bao người nằm xuống hôm qua/ Bỗng dưng đội đất sống dậy/ Rưng rưng niềm vui chói loà.
   Lời con đường là lời chiến thắng, cũng là lời tri ân tất cả.
   Một điều đáng ngạc nhiên hơn, dù là lính nhưng Nguyễn Anh Nông không được trải qua thực tế chiến tranh để được hành quân trên đường Trường Sơn. Vậy mà cảm xúc của thơ lại chân thật và cảm động thế. Đó chính là công việc của nhà thơ mới làm được. Tôi càng tin hơn cả tác giả lẫn thi phẩm này./.

 B.N, 28/10/2009 
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
2413.782.355 -  0168.5300.803

Ghi chú:
(1) Trường ca đêm 19 của nhà thơ Khương Hữu Dụng ra đờI thờI kỳ kháng chiến chống Pháp
(1)Trường ca Sông Lô của Văn Cao( bằng nhạc, cũng ra đờI thờI gian này)
(1)Trường ca Chim Chơ rao của Thu Bồn ra đờI trong thờI kỳ kháng chiến chống Mỹ
(2)Các trường ca: Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm; Đường tớI thành phố của Hữu Thỉnh; Đường tớI biển của Thanh Thảo; Đất nước hình tia chớp, Mặt trờI trong long đất của Trần Mạnh Hảo…. và nhiều trường ca khác được ra đờI kế tiếp, sau giảI phóng miền Nam…