Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CUỘC HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN CỦA NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG CẦM PHẤN

Trần Vân Hạc
Thứ năm ngày 19 tháng 11 năm 2009 4:38 PM

Từ ngày 12.11 đến ngày 14.11.09, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ Quốc tỉnh Sơn La đã long trọng tổ chức gặp mặt, kỷ niệm 50 năm ngày các thầy cô giáo miền xuôi tình nguyện lên Sơn La, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, công tác trên mặt trận diệt giặc dốt. Những người đã thầm lặng đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục Sơn La hôm nay.
Khó có thể diễn tả niềm vui, sự xúc động vô bờ bến của những người con ưu tú bao năm mới gặp lại nhau, cùng sống lại một thời tuổi thanh xuân. Mới ngày nào tất cả đều trẻ trung, tràn đầy nhiệt huyết yêu nghề, mến trẻ, trái tim đầy khát vọng đem ánh sáng văn hóa của Đảng đến với Sơn La, mà nay ai cũng da mồi, tóc sương, tất cả đã là ông, là bà, là cụ, có thầy giáo vì tuổi cao sức yếu các các con chiều lòng đưa đi, nhưng trong ánh mắt của những thầy cô giáo già vẫn ngời lên ngọn lửa như ngày nào.
Trên xe, tất cả đều cùng nhau ôn lại những ngày đầu tình nguyện lên Sơn La, cùng nhau cất cao tiếng hát: “Đường lên Tây Bắc xa xôi, nếp nhà sàn thấp thoáng…”, cười đấy mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Càng gần đến Sơn La, những ký ức cứ ùa về dâng nghẹn trong lòng.
Không ai có thể quên được ngày thu năm 1959 ấy, khi 860 giáo viên các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ tình nguyện xung phong lên các tỉnh Việt Bắc, Tây Bắc theo lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ. Khi tập trung ở trường Bổ túc Công Nông trung ương để học chính trị, đường lối chính sách dân tộc, dân vận của Đảng, đã được vinh dự đón Bác Hồ yêu quí đến thăm. Không ai có thể quên được lời dậy của Bác: “Đã xung phong phải xung phong đến nơi đến chốn”. Tất cả đều thấm nhuần lời dậy của Bác: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giầu, mọi người Việt Nam phải có kiến thức, mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.
Ngày đó nhân dân Tây Bắc còn mù chữ tới 99%, nhiều dân tộc không có người biết chữ. Thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, làm cho các dân tộc cùng tiến bộ, sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc phải được phát triển mạnh nhằm góp phần tích cực làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi. Để thực hiện mục tiêu đó NQ TW 14 khóa III chỉ rõ: “Trong ba năm phải phải phấn đấu để đẩy mạnh công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa miền núi”.
Chính nhờ sự cống hiến hết lòng của thế hệ những thấy cô giáo năm 1959 ấy mà sự nghiệp giáo dục Sơn La hôm nay đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, góp phần to lớn vào việc phát triển mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa… của tỉnh.
Qua báo cáo của các vị lãnh đạo tỉnh, ngành giáo dục, các thầy cô giáo thế hệ năm 1959 vô cùng phấn khởi vì cho đến năm học 2009 – 2010 qui mô giáo dục – đào tạo của Sơn La ngày càng phát triển và hoàn thiện. Giáo dục dân tộc, giáo dục vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm và đẩy mạnh. Số lượng học sinh, sinh viên tăng, đáp ứng nhu cầu học tập của toàn dân, các vùng và thể hiện rõ tính công bằng trong giáo dục. Đến nay toàn tỉnh đã có 762 cơ sở giáo dục, gồm 216 trường mầm non, 264 trường tiểu học, 220 trường Trung học cơ sở, 21 trường Trung học phổ thông, 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 Trung tâm kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp dạy nghề, 02 trường cao đẳng, 03 trường trung học chuyên nghiệp. Toàn tỉnh đã có 149/205 xã, phường có Trung tâm học tập cộng đồng và đang mở rộng các hình thức học tập và bồi dưỡng kiến thức cho người lao động. Số học sinh toàn tỉnh bao gồm: Mầm non, phổ thông, bổ túc, được huy động đến trường tới: 293.412 học sinh, chiếm 1/3 con số của tỉnh. Số học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh đạt: 9.715 học sinh, sinh viên. Hệ thống mạng lưới trường lớp học đã cơ bản hoàn thiện ở các cấp học, ngành học: Các xã phường, thị trấn đều có các cơ sở giáo dục mầm non; 100% xã, phường có trường tiểu học và trung học cơ sở, thu hút trẻ trong độ tuổi đi học ngày càng cao. Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục hoàn thiện và mở rộng qui mô, ngành nghề đào tạo. Giáo dục cho con em và nhân dân các dân tộc được đặc biệt quan tâm. Tại các xã vùng sâu, vùng xa đã phát triển các trường bán trú dân nuôi. Số trường phổ thông có học sinh bán trú tại các xã vùng 2 vùng 3 của tỉnh là 280 trường (chiếm 38,3% trên tổng số trường của tỉnh), với 22.400 học sinh bán trú. Đã có gần 2.000 học sinh các dân tộc được cử tuyển vào các trường chuyên nghiệp, 3.000 học sinh dân tộc thiểu số được học tại 11 trường phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh và huyện. Tỷ lệ học sinh dân tộc ở mầm non đạt 85%, tiểu học: 87,4%, trung học cơ sở: 84,3%, trung học phổ thông: 72.9%, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp: 19.5%. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học… Cơ sở vật chất giáo dục ngày càng nâng cao cả về số và chất, toàn tỉnh đã có 11.876 phòng học, trong đó có 4.007 phòng học kiên cố (33.1%)… Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn bậc mầm non đạt 96.8%, tiểu học đạt 99,1%, trung học cơ sở: 95.3%, trung học phổ thông: 97,8%. Ngành giáo dục Sơn La được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mộc Châu và trường tiểu học thị trấn Hát Lót được phong tặng danh hiệu Anh hùng trong thời kỳ đổi mới.
Kể sao cho xiết những thành tựu của ngành giáo dục Sơn La sau 50 năm phấn đấu và trưởng thành. Đấy thực sự là những con số biết nói, những minh chứng sống cho sự trưởng thành vượt bậc của Sơn La.
Đoàn được đi thăm nhiều nơi: Với trường Cao đẳng Sơn La, được tận mắt chứng kiến cơ ngơi khang trang cùng nét mặt tươi rói của các em sinh viên các dân tộc, các thầy cô giáo già không ai nén được tình cảm chân thành của mình. Nếu như ngày xưa Sơn La còn là một trong điểm có nhiều người mù chữ nhất nước, thì nay tỉnh có trường cao đẳng riêng với nhiều loại hình đào tạo và đã đóng góp không nhỏ tạo nguồn cho giáo dục Sơn La và nước bạn Lào. Đoàn thầy cô giáo thế hệ năm 1959 đến thăm trường vô cùng phấn khởi được chia vui cùng nhà trường, khi nhận được tin mới nhất là đoàn cán bộ giáo viên của trường tham gia hội thi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc đã đạt giải nhất toàn năng. Và khi thầy hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Huy Hoàng lên tặng hoa, ôm hôn thầy giáo hiệu trưởng đầu tiên của trường từ ngày thành lập Khúc Năng Độ. Cả hội trường lặng đi khi mái đầu xanh bên mái tóc đã bạc trắng, các thầy cô giáo hôm nay đã kế thừa và phát huy xứng đáng sự nghiệp giáo dục của thế hệ đi trước đã gây dựng.
Đoàn còn được đến thăm trường chuyên, nơi ươm những tài năng, công trường thủy điện Sơn La, nông trường cao su Ít Ong… ở đâu cũng được chứng kiến nét đổi mới kì vĩ mang tầm thời đại trên cái nền dân tộc đậm đà bản sắc, Sơn La đã và đang đổi mới từng ngày.
Thay mặt cho đoàn thầy cô giáo thế hệ năm 1959, thầy giáo Đậu Mạnh Trường, trưởng ban liên lạc cựu giáo chức Sơn La tại Hà Nội phát biểu: “Chúng tôi như đang được sống với những ký ức  hào hùng, cảm động, tự hào và lắng đọng tâm hồn, vì chúng tôi là người trong cuộc. Chúng tôi hoan nghênh những đánh giá của các đồng chí lãnh đạo tỉnh về sự cống hiến của các thầy cô giáo thế hệ năm 1959 làm theo lời Bác. Báo Nhân dân thời kỳ đó từng nhấn mạnh: “Đó là một thắng lợi của tinh thần yêu nước và tư tưởng XHCN, một thắng lợi của chính sách dân tộc của Đảng và chính phủ”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá một cách trang trọng: “Hiệu quả của đợt ra quân tập trung này ghi dấu son trong truyền thống của ngành giáo dục miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số trên đất nước ta”. Thầy giáo già rưng rưng đọc hai câu thơ tặng nhân dân các dân tộc Sơn La: “Năm mươi năm một chặng đường/ Sơn La đổi mới một chương sử vàng!”.
Các thầy cô giáo không dấu nổi niềm vui và ngỡ ngàng trước một thành phố Sơn La trẻ trung tràn đầy sức sống. Điện, Đường, Trường, Trạm đã vươn tới những bản xa. Các thầy cô xúc động khi ôn lại những tháng năm gian khó, lội suối trèo đèo cõng chữ lên non, chặt nứa, dựng trường, ăn đói mặc rách, mà vẫn hăm hở bám lớp, bám trường, biết bao hy sinh chiụ đựng không bút nào tả xiết. Không ít những cơn sốt rét rừng hành hạ các thầy cô, rồi muỗi vắt, thú dữ, lũ rừng… của nơi rừng thiêng nước độc, vẫn không làm các thầy cô sờn lòng.
 Chứng kiến những tâm sự, những dòng hồi tưởng ấy, ai cũng hiểu rằng chính các thế hệ học trò của các thầy cô dậy dỗ năm xưa đã làm nên một Sơn La tươi đẹp hôm nay. Mồ hôi công sức và sự hy sinh vô bờ bến  của các thầy cô quả là không uổng. Còn nhà giáo Hoàng Đạo Chúc, người đã dành bao tâm huyết, đóng góp rất nhiều cho sự nghiệp giáo dục Sơn La từ ngày đầu cứ thốt lên trong nước mắt: “Mừng quá! Mừng quá! Không ngờ Sơn La hôm nay lại giầu đẹp đến thế”.
Giờ chia tay, bao bịn rịn, bao xúc cảm không nói lên lời, những cái bắt tay nồng thắm, những vòng tay xiết chặt, những giọt nước mắt lăn dài trên những khuôn mặt đầy sương gió. Hẹn gặp lại vào dịp 60 năm kỷ niệm Giáo dục Sơn La. Ngày đó biết ai còn, ai mất, nhưng hôm nay những thầy cô giáo thế hệ năm 1959 như thấy lòng trẻ lại trước những đổi thay vượt bậc của quê hương thứ hai của mình, nơi các thầy cô đã hiến dâng trọn tuổi thanh xuân, mồ hôi và cả máu. Nhân dân các dân tộc Sơn La mãi mãi biết ơn các thấy cô, những người anh hùng cầm phấn trên mặt trận diệt giặc dốt!
 
   Sơn La 12.11 Hà Nội 14.11,09