Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN HOÀNG QUỐC HẢI: CÔ ĐƠN VIẾT TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ

Quỳnh Vân thực hiện
Thứ ba ngày 24 tháng 11 năm 2009 4:55 AM

(ANTĐ) - Hơn 10 năm trước, bộ tiểu thuyết “Bão táp triều Trần” của Nhà văn Hoàng Quốc Hải ra mắt đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn. Mấy chục năm ròng, nhà văn Hoàng Quốc Hải tránh ồn ào, cần mẫn làm những việc mà ít ai dám dấn thân. Mới đây nhất, ông vừa hoàn thành trang cuối cùng của bộ tiểu thuyết 3.000 trang mang tên “Tám triều vua Lý”...

 


- PV: Thưa nhà văn, viết tiểu thuyết lịch sử có quá khó?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đây là một đề tài đòi hỏi người viết phải tái hiện lại quá khứ và điều kiện tiên quyết để làm việc này là tư liệu. ở nước ta, những tư liệu từ thế kỷ 14 trở về trước rất hiếm. Đặc biệt là những tài liệu gốc. Nguyên nhân của việc này là vào năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta. Đây là một cuộc tàn sát văn hóa bạo tàn nhất trong lịch sử thế giới. Trong cuộc xâm lược đó, Minh Thành Tổ ra lệnh cho các tướng giặc phải đốt hết các sách do người Việt viết.

Còn sách do người Trung Quốc viết thì tịch thu đưa về Yên Kinh. Vì thế, từ thế kỷ 14 trở về trước, lịch sử của ta bị khuyết về mặt tư liệu. Chính những yếu tố đó đã làm những người viết tiểu thuyết lịch sử nản lòng. Bên cạnh đó, những người viết tiểu thuyết lịch sử còn phải là người nắm bắt được nhu cầu hiện đại, vì nếu chỉ dựng lại thông tin lịch sử mà không gửi lại tới  người cùng thời thông điệp nào đó thì như  Các Mác nói là đã “triệu về những bóng ma lịch sử” - điều này không cần thiết cho đương đại.

Cái khó nữa, tiểu thuyết lịch sử phải dựng lại xã hội xưa như nó từng có. Điều này đòi hỏi người cầm bút phải am hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, xã hội, nội trị và ngoại giao của thời đại đó. Chính sự am hiểu đó đã biến người cầm bút tựa như chứng nhân lịch sử. Phải hình dung sự kiện và am hiểu nó tới mức như chính mình được tham dự. Nếu những người viết tiểu thuyết lịch sử không làm được điều này thì tác phẩm của họ viết ra chỉ như mô tả một bức tranh với những hình ảnh chết.

- PV:  Khó khăn là thế, vậy thì tại sao ông lại chọn đi con đường này?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Điều này rất khó lý giải, nhưng lại không khó hiểu. Từ nhỏ, tôi thường được mẹ và chị gái hát ru bằng “Đại Nam quốc sử diễn ca”. Điều đó gây cho tôi nhiều hứng thú. Tôi rất ham mê đọc sách và tìm hiểu lịch sử. Cứ như thế, khát vọng trong tôi lớn dần, tự dưng nó “bật” ra thôi. Thực ra, khi đọc chính sử, tôi thấy lịch sử như ẩn sau đám sương mù dày đặc, chỉ mờ mờ mà không rõ hình hài. Và việc chọn con đường này có lẽ do duyên đột khởi và đam mê bùng cháy cộng với “vốn liếng” tích lũy ngoài ý thức mà tôi làm được việc này chăng?

- PV: Ông đã phải mất 15 năm để hoàn thành xong bộ “Bão táp triều Trần” và 20 năm để xong “Tám triều vua Lý” ngoài văn chương ông còn có nghề tay trái gì không?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tuy là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng tôi lại sống cuộc đời của một công chức. Viết văn là công việc ngoài giờ thôi. Tôi không thuộc đội ngũ những người được trả lương để viết văn, cũng không được học viết văn. Việc sáng tác do lòng đam mê mà thành.

- PV: Gần như một mình một đường, có khi nào ông thấy cô đơn?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Cô đơn nhất là đội ngũ những người viết về đề tài lịch sử còn ít quá. Và nữa cũng không được nhìn thấy trên màn ảnh, các sàn diễn có được bộ phim nào, một vở kịch nào về đề tài lịch sử hút được khán giả dài dài, đặc biệt là với lớp trẻ. Lại nữa, cũng không thấy Nhà nước có khuyến khích gì về đề tài này.

- PV: Nghe nói, ông là một trong những tác giả bị chiếm dụng bản quyền nhiều lần nhất?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Đúng là có chuyện đó. Nhiều đơn vị, sau khi tác phẩm của tôi in, nghiễm nhiên sử dụng mà không xin phép, không trả bản quyền. Gần đây, có nhà hát kỷ niệm 40 năm thành lập dựng vở “Huyền Trân công chúa” (một trong 4 tập của Bão táp triều Trần) mà không hỏi tôi lấy một lời. Khi tôi gọi điện thắc mắc, vị Giám đốc Nhà hát đó phân bua “Anh thông cảm, nhà hát nghèo quá”. Có đoàn nghệ thuật của một tỉnh, lấy nguyên cuốn “Bão táp cung đình” của tôi để dàn dựng, cũng không xin phép. Thậm chí, cách đây 7-8 năm, có lần xem ti vi tôi thấy giới thiệu trích đoạn “Độc thoại Chiêu Thánh”  xem mới biết, người ta bê nguyên một đoạn trong cuốn “Bão táp cung đình” của tôi ra để độc thoại, nhưng tác giả lại là người khác.

- PV: Bộ Tám triều vua Lý đã có đơn vị nào hỏi mua bản quyền chưa, thưa nhà văn?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Các đơn vị đặt vấn đề in thì nhiều, còn việc trả bản quyền xứng đáng cho 20 năm lao động của tôi thì chưa.

- PV: Sau hai bộ tiểu thuyết về 2 triều đại lớn trong lịch sử là Trần và Lý, ông có dự định viết tiếp một bộ về triều đại nào khác nữa không?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: 35 năm để hoàn thành 2 bộ tiểu thuyết gần 5.000 trang, tôi đã gần như cạn kiệt sinh lực rồi. Giờ tôi chỉ viết tiếp khoảng 1.000 trang nữa cho bộ tiểu thuyết về nhà Trần, để liền mạch hơn và người đọc tiện theo dõi. Chỉ còn khoảng vài chục trang nữa là xong. Dự kiến bộ “Bão táp triều Trần” có bổ sung và “Tám triều vua Lý” sẽ cùng ra mắt một lúc.

- PV: Đây là hai bộ sách lớn có gắn kết chặt chẽ với Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, ông có được Nhà nước hay các đơn vị nào đó tài trợ xuất bản?

- Nhà văn Hoàng Quốc Hải: (cười) Tôi đang chờ đợi điều đó!