Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ THAM NHŨNG VÀ CHỐNG THAM NHŨNG

Trần Huy Thuận
Thứ bẩy ngày 21 tháng 11 năm 2009 9:54 PM
 
"Ở Việt Nam, không muốn tham nhưng vẫn phải động lòng tham vì quản lý kém quá”
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – Bài nói chuyện tại phiên khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất

*Quan và cửa quan

Những người làm việc Nhà nước, giải quyết các công việc cho dân, ngày xưa gọi là quan, nay gọi là cán bộ, là viên chức. Đều là những người làm công ăn lương.
Đã là người làm công ăn lương, cách hành xử đúng đắn phải là: Dân có công kia việc nọ, khi đến cửa quan (công đường), phải cầu đến quan. Quan căn cứ vào thể chế Nhà nước để tùy từng vụ việc mà vận dụng, giải quyết sao cho được việc của dân mà lại phải đúng pháp luật. Thực ra, đa phần những công việc đó đều thuộc phạm trù dịch vụ, mà gần đây cũng đã có xu hướng gọi là hành chính công, là dịch vụ công. Gọi là gì thì gọi, nhưng bản chất là dịch vụ, không thể khác! Cả hai phía, dịch vụ và được dịch vụ, đều phải tuân theo các quy định và thể chế; tuân theo pháp luật. Người làm dịch vụ không thể tự hành xử theo ý mình. Tương tự, người dân cũng không được phép đòi hỏi được cung ứng những dịch vụ trái pháp luật. Dịch vụ hoàn thành, hai bên thanh toán tiền công cho nhau, cũng theo giá quy định chung của Nhà nước hoặc theo giá thị trường! Ai dịch vụ tốt thì được người hưởng dịch vụ thưởng; ai dịch vụ kém thì bị khấu trừ tiền công, bị phạt; tối thiểu thì cũng là lần sau thôi không thuê làm dịch vụ nữa! Rất sòng phẳng! Không ai cho không ai cái gì của riêng mình cả! Đó chính là bản chất của dịch vụ.
Có chức quan do dân bầu, lại có chức quan do tuyển dụng. Kiểu nào thì cũng là từ nhân dân mà ra, để làm dịch vụ phục vụ nhân dân.
Nhưng lâu nay, nơi này nơi nọ lại có những cách hành xử khác hẳn: cửa quan biến dần thành cửa quyền! Quan chức (trách nhiệm công việc của quan) trở thành đặc quyền, đặc lợi của quan và gia đình quan! Nạn quan liêu bắt đầu, để bắt đầu cho những hành vi nguy hại hơn: tham nhũng, hối lộ! Nghĩa vụ dịch vụ trở thành hàng hóa: quan bán, dân mua! Đã bán mua thì phải nghĩ đến lợi nhuận. Đã nghĩ đến lợi nhuận thì tất bố đẻ cũng không từ! Và... nếu như có thể bán được cầu... Long Biên, cũng chẳng tha!
Tuy vậy, nói cho công bằng, thì cũng chẳng nên trách cứ một chiều như vậy. Bởi lẽ, có phải bỗng dưng một ai đó có thể kiếm ngay được cái ghế quan trường đâu? Phải rất tốn kém tiền của, công sức của cha mẹ và của bản thân để học hành, thi cử. Có tấm bằng rồi thì đâu đã có công ăn việc làm ngay? Phải chạy đôn chạy đáo hết nơi này đến nơi kia xin việc, chạy việc đấy chứ! Vậy thì ngồi yên vị rồi, tất phải để người ta... thu hồi lại, để có cái mà trả nợ, đúng chưa? Chả nhẽ đầu tư ra một đống tiền của như thế, cuối cùng chỉ để... phục vụ không công cho nhân dân? Vậy là trong cái vòng xoáy nhân quả này, con người luôn chịu hai áp lực: Với tư cách người dân, anh ta hoàn toàn có lý khi bộc lộ thái độ bất bình với nạn quan tham, lại nhũng! Còn với tư cách viên chức, anh ta buộc phải hành xử ngược lại, nghĩa là phải tận dụng lợi thế chức quan của mình, biến cửa quan thành cửa quyền; tranh thủ thu thật nhanh, thật nhiều lợi nhuận từ nó, nhằm trước tiên là thu lại tiền của đã bỏ ra, sau nữa là để tồn tại, để tiến bộ! Ngay trong ngành giáo dục, ngành có chức năng cao cả: dạy thiên hạ làm người, vẫn có những viên chức không chỉ muốn làm quan, mà còn muốn làm vua nữa! Có nhiều hiệu trưởng các trường phổ thông trở thành những “ông vua con” tha hồ “tự tung tự tác” – (Trọng Nghĩa dantri.com.vn thứ Tư, 12-03-2008).
Tham nhũng ở nước ta từ lâu đã được coi là nội xâm, là quốc nạn, chính vì lẽ ấy!
 
 

*CHỐNG THAM NHŨNG:
NÊN HIỂU NHƯ THẾ NÀO?
 
Chống tham nhũng, không chỉ là chống nội xâm, mà nhiều khi còn là chống lại chính mình, chống lại chính lợi ích gia đình mình! Lâu nay, trong dân gian đã truyền tụng câu này: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Đó chính là “tuyên ngôn” của bọn tham nhũng! Cơ sở nào để có “tuyên ngôn” như vậy? Xin thưa, chính là sự nhận định sau đây của bọn chúng: không phải mọi vụ tham nhũng đều bị phát hiện, phát hiện chưa chắc đã đủ bằng chứng; có đủ bằng chứng chưa chắc đã xử được; xử được chưa chắc đã buộc tội được; buộc tội được chưa chắc đã phải đi tù; đi tù chưa chắc đã phải “ngồi bóc lịch”; ngồi bóc lịch chưa chắc đã ngồi mãn hạn!
Nên bọn tham nhũng rất liều lĩnh hoành hành là vì vậy! Đó cũng là tình trạng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam ta. Là tình trạng chung của nhiều thời đại chứ không chỉ một thời đại nào!
Chẳng thế mà gần đây, trong cuộc họp với Hạ viện Nga hôm 11-3-2008, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải đề xuất hình phạt: “Phải chặt tay những kẻ ăn hối lộ giống như thời Trung cổ”! Ông nói: “Chỉ cần bắt đầu thi hành hình phạt này, nạn ăn hối lộ sẽ chấm dứt ngay lập tức” (theo tienphong online - thứ Tư, 12-03-2008).
Ôi! Nghe mà rợn cả tóc gáy! Đúng là man rợ kiểu Trung cổ!
Liệu sẽ là bao nhiêu triệu cái tay người Nga sẽ bị chặt đi đây, nếu ông Putin làm thật? Điều đó còn chờ xem, nhưng điều dự đoán sau của ngài Tổng thống thì có thể tin được: chỉ cần thật sự bắt đầu thi hành hình phạt này, thì có khi chỉ mới chặt vài trăm cái tay thôi, cũng đã đủ chấm dứt ngay lập tức nạn quan tham! Nước ta thời các vua Trần cũng đã có chuyện: khi phu nhân Trần Thủ Độ có ý muốn xin cho con cháu lên chức này chức kia, Trần Thủ Độ đã nói: “Được! Nhưng phải chặt mỗi đứa đi một ngón tay, để phân biệt các quan thực tài, với chúng, bọn bất tài, nhưng được làm quan vì là con cháu ta”! Nghe vậy phu nhân đành phải chấm dứt những đề nghị tương tự!
Dân ta xem thời sự trên VTV, thường hay bình luận: Phải mạnh tay xử lý quan tham như bên Trung Quốc, tức phải bắn bỏ ngay những tên đầu sỏ, để làm cho chúng chùn bước! Phải làm đâu chắc đấy, chứ cứ bắt, rồi tha; nay có tội, mai vô tội; xử tội này, để lại tội kia; hoặc kéo dài điều tra theo kiểu để lâu cứt trâu hóa bùn... thì sẽ dẫn đến nhờn pháp luật!
Phải mạnh tay! Thật sự mạnh tay! Đó là biện pháp trước nhất, ít ra cũng là trong bối cảnh hiện nay! Không Trung cổ kiểu Putin, nhưng cần thấy rằng, đối với một người, mạng sống là vô cùng quan trọng. Một khi mạng sống đe dọa bị xóa bỏ thì tham đến mấy cũng phải chờn! Cho nên cách bắn bỏ của Trung Quốc có thể cũng rất hiệu quả!
Chống tích cực chính là phòng vững chắc! Khi quân xâm lăng đã tràn vào bờ cõi, thì chống xâm lược phải là hàng đầu. Tương tự, khi “giặc nội xâm” đang hoành hành trước mặt như hiện nay, thì chống phải là biện pháp trực tiếp, tối khẩn, để chặn đứng chúng lại! Lâu nay chúng ta cứ sợ chống mạnh quá, là không đúng với phương châm lấy xây làm chính. Làm và nghĩ như thế chính là xa rời quan điểm vừa xây vừa chống của Đảng. Vụ án “xử tử Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu” thời kháng chiến chống thực dân Pháp[1], người mà trước đó bốn năm Bác đã ký quyết định đề bạt - là một điển hình của tư tưởng Hồ Chí Minh trong phòng- chống tham nhũng – “công ra công, tội ra tội”: “Công không ai phủ nhận nhưng tội thì lớn hơn, tội làm mất lòng tin ủa nhân dân, tội này không thể tha thứ”[2]; không thể lầm và càng không thể lẫn! Điều đáng lưu ý ở đây là, thời Bác Hồ ký quyết định tử hình đối với Trần Dụ Châu, tham nhũng còn rất ít, không phổ biến như hiện nay, nhưng quyết định của Bác chính là hành động cương quyết dập tắt tệ tham nhũng. Trong giai đoạn toàn quốc đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chủ tịch, thiết tưởng việc nhắc lại những bài học về vụ án này là rất cần thiết!