Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BẰNG CẤP VÀ TRÍ THỨC

Trần Huy Thuận
Thứ sáu ngày 20 tháng 11 năm 2009 7:24 PM

“Chế độ sử dụng người theo bằng cấp
 mà không coi trọng đến năng lực đích thực là động lực để gian dối phát triển”
(GS. TSKH Hồ Ngọc Đại)
 
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Khuyến học và dân trí (số 30 ra ngày 24-7-2008), nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, giáo sư viện sỹ Phạm Song khẳng định: “Nói thẳng, tôi là người có nhiều bằng cấp nhưng kể cả khi còn làm Bộ trưởng và hiện nay làm Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, tôi không coi bằng cấp là tiêu chí để đánh giá, đề bạt cán bộ. Với tôi, một “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy, một anh “Hai Lúa” làm máy bay còn có ích cho công việc hơn người có bằng cấp mà chỉ sáng ô đi, tối ô về không có chút sáng tạo nào
Về ý kiến này của GS.TS họ Phạm, thiết nghĩ cũng nên nêu ra đây một dẫn chứng. Đó là trường hợp một người Việt gần như chẳng hề có bằng cấp gì, một người mà nhà văn Vũ Bằng đã phải thốt lên: Cái đời ông Vĩnh, ấy là cái đời chẳng được học hành gì. Vậy mà cái người chẳng được học hành gì ấy lại trí thức hơn rất nhiều trí thức xưa nay ta từng biết. Đó là Cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Cụ là người Việt đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp - 1906. Cụ cũng là chủ bút đầu tiên báo xuất bản bằng chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ (Đăng cổ tùng báo - 1907). Là người đầu tiên cùng Phan Kế Bính dịch và hiệu đính Tam quốc chí từ chữ Hán ra chữ quốc ngữ (1909). Là người đầu tiên dịch các tác phẩm văn học cổ điển Pháp của Vitor Hugo, Honore de Balzac, Alexandre Dumas, Moliere, La Fontaine... ra tiếng Việt. Là người Việt Nam duy nhất làm chủ bút ba tờ báo tiếng Pháp ở Bắc Kỳ.[1]
Thế nhưng, cái bằng cái cấp cũng đã không chỉ một lần là tác nhân gây nên nhiều chuyện cười chảy ra nước mắt!
Báo Tiền Phong ngày 5-3-2008 có bài “Copy sách được phong giáo sư”: Trong đợt xét phong giáo sư tháng 12-2007, GĐ Học viện Hành chính (HVHC- thuộc Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia HCM) Nguyễn Trọng Điều đã không được Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước chấp nhận vì “nộp sách lưu chiểu muộn”. Sau đó hai cuốn sách chuyên khảo mà ông Điều nộp để được xét phong GS bị phát hiện là “cóp” từ công trình tập thể. Cấp dưới của ông Điều, Phó GS.TS Đinh Văn Tiến[2], Phó GĐ HVHC thì được phong GS. Tuy nhiên, chúng tôi đã phát hiện ra sai phạm của ông này tương tự như ông Điều!...”.
Không biết khi bị phát hiện như thế, hai ông giám đốc và phó giám đốc Học viện có xấu hổ không, chứ người dân thường, ít học như tôi, chỉ đọc tin đây trên báo, cũng đã thấy ngượng lắm! Không chỉ ngượng, mà còn không cả dám cho mấy đứa cháu xem tờ báo đã đăng tin đó; vì chúng mà biết, thì làm sao người lớn còn dạy chúng nên người được nữa?
Cũng thời gian này, Bộ Giáo dục công bố bản dự thảo liên quan đến học vị tiến sỹ. Trong đó có quy định: các nghiên cứu sinh bắt buộc phải có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín thì mới được bảo vệ luận án!
Nhân hai sự kiện này, mặc dù là người ít học, tôi cũng xin mạnh dạn phát biểu ba ý kiến sau đây:
Một là, thời xa xưa, thế hệ cha ông ta, chưa có học hàm giáo sư, chỉ có học vị tiến sỹ (ông nghè: “Chưa đỗ ông nghè, đã đe hàng tổng!”). Dân gian cũng phân họ ra hai loại: Loại thứ nhất, tiến sỹ bằng da bằng thịt, có tên riêng, tên đó được vua cho khắc lên bia đá và được trưng bày ở Quốc tử giám. Loại thứ hai là tiến sỹ hàng mã, do mấy anh thợ dùng giấy và tre nứa làm ra. Loại này không có tên riêng, chỉ có tên chung là “Tiến sỹ giấy”; và đương nhiên không được khắc tên trên bia đá nào cả! (Nguyễn khuyến có thơ: “Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai - Cũng gọi ông Nghè, có kém ai?”). Loại thứ nhất đại đa số là tiến sỹ thật, sức học đầy mình và có nhiều đóng góp trí tuệ cho xã hội, được không chỉ vua mà cả dân chúng tôn trọng, tin yêu, ca tụng cho đến ngày nay. Tuy vậy, chả thấy có vị nào công bố công trình của mình trên báo giới quốc tế cả! Chắc là vì thời đó báo chí cũng ít mà nhà nước phong kiến ta lại chưa mở cửa hội nhập nhiều như bây giờ! Loại thứ hai, dân gian thờ xong là đốt liền. Sau khi cúng và đốt, liệu mấy vị “tiến sỹ giấy” xuống âm phủ có trở thành tiến sỹ thực không, thì chưa thấy có công trình khoa học nào được đăng ký ở cấp Nhà nước, hay công bố trên các tạp chí khoa học của thế giới!
Hai là, ngày nay tuy hàng mã vẫn phát triển, nhưng ít thấy bày bán tiến sỹ giấy. Trái lại, giáo sư, tiến sỹ bằng da bằng thịt lại rất nhiều! Nói không ngoa: Ra ngõ gặp giáo sư, tiến sỹ (viết tắt: GSTS – dân gian gọi đùa là Gà sống thiến sót!) là chuyện thường! Có điều, chưa hề thấy bất cứ một trường đại học công lập hay dân lập nào khắc bia các giáo sư, tiến sỹ này cả! Nhưng, bia miệng về một số vị đó, thì có!
Ba là, dù Bộ có đi đến quyết định vẫn cho áp dụng dự thảo quy chế này, thì xin các vị tiến sỹ cũng như các vị giáo sư tương lai chớ có lấy thế làm lo mà gầy người đi! Đảm bảo sẽ có ngay dịch vụ viết và đăng công trình nghiên cứu trên bất kỳ tờ báo có uy tín nào của thế giới cho mà xem! Các vị chỉ cần chuẩn bị tiền thôi và phải luôn luôn ghi nhớ câu châm ngôn dân gian này: “Cái gì không mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”! Nên rút kinh nghiệm hai vị giám đốc, phó giám đốc Học viện Hành chính trên, chớ có dại lợi dụng chức quyền, biến công trình của tập thể thành công trình của mình, bởi làm như thế, trước sau gì cũng lộ thôi, mà lộ thì hết đường cứu chữa!
Kẻ ít học này hôm nay đã lạm bàn hơi không đúng chỗ, mong được các vị học cao lượng thứ!
 
 
Lã bất Vi thời hiện đại

“Phi thương bất phú”! Nhưng thương gì, thương như thế nào để mau phú? Đó là câu hỏi thường trực của doanh nhân mọi thời đại.
Lã Bất Vi thời xưa, học được cách làm giàu qua người bố: “Thưa cha, buôn gì lãi nhất?” – “Buôn vua!”. Lã Bất Vi thời nay không học bố mà học ở trường đời. Bố thì có một mà trường đời thì vô cùng; nên thời nay gần như nơi nào cũng có Lã Bất Vi, chả như thời Chiến Quốc, chỉ mỗi nhà Đại Tần có được một Lã Bất Vi, đã là ghê gớm lắm!
Phương tiện buôn của Lã thời nào cũng giống nhau ở chỗ không chỉ dùng tiền mà còn dùng gái, dùng ngay chính vợ yêu của mình! Nhưng thời nay còn có những Lã sẵn sàng bỏ người tình để cưới vợ bé bất hợp pháp của vua – một kiểu Lê Lai liều mình cứu chúa, nhưng mang nội dung hoàn toàn hiện đại! Hiệu quả của phương tiện này thật khôn lường, vì nó trói vua suốt cả cuộc đời trong trách nhiệm của kẻ đỡ đầu, không thể dứt ra được. Quả là cách buôn thông minh nhất và cũng thật hời nhất!
Cách thức buôn của Lã thời nay khác xưa lắm lắm. Ngay đến Thuyết buôn vua cũng chỉ là con buôn của thế kỷ trước, của thời Năm Cam; chứ chưa thật sự… “đổi mới” như Lã thời hiện đại!
Tuy là một con người có tầm nhìn rất xa, nhưng Lã ngày xưa chỉ tập trung nuôi một Dị Nhân, công tử nước Tần thời đang bị làm con tin ở nước Triệu – như thế là… xoàng! Lã thời đại @ nuôi cùng một lúc hàng đống công tử mới – không phải là những con tin, mà là những người mấp mé trong quy hoạch. Cũng không chỉ nuôi một công tử nhà Tần, mà nuôi tất cả; bất chấp người đó thuộc Tần, Sở hay Triệu! Nghĩa là phải đa dạng hóa sản phẩm, phải quảng canh chứ không độc canh. Như vậy việc buôn mới thật sự chắc ăn, chắc ăn tới cả trăm phần trăm!
Xưa Lã buôn vua chỉ nhằm kiếm lời thông qua mối quan hệ đặc biệt với vua, tức là một kiểu thu lợi nhuận gián tiếp – như thế cũng là… xoàng! Buôn vua để chính mình trở thành vua mới thật cao tay! Khi chính mình đã trở thành vua rồi, thì món hàng cũ rất dễ bị ném vào sọt rác và chính Lã lại biến thành hàng hóa cho các con buôn khác; nhưng để không bị sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy, Lã áp dụng chính sách hợp tác cùng có lợi, thực chất là lợi dụng nhau để thu lợi nhuận. Và điều đó chỉ Lã thời hiện đại này mới làm nổi.
Thời bao cấp, thành phố quê hương tôi đã từng có hai nhân vật được dân gian đặt tên là “vua Đê”, “chúa Tịnh” cùng một số khác được phong ông hoàng như “hoàng Tập”, “hoàng Quynh”, “hoàng Túy” – cũng là những tay từ nghiệp buôn vua, trở thành một thứ vua chúa không ngai nổi tiếng lừng lẫy một thời, nhưng so với các vua không ngai thời nay thì làm nô tỳ cũng không đến lượt!
“Ra ngõ gặp Lã Bất Vi!” – Điều đó rồi đây rất có thể trở thành hiện thực, nếu như xã hội không có cách phát hiện và ngăn chặn chúng ngay từ bây giờ! Các bạn thử quan sát chung quanh mà xem!