Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIẾC GƯƠNG VÀ 50 ĐỒNG LƯƠNG HƯU CỦA CHA TÔI

Dương Đức Quảng
Thứ bẩy ngày 21 tháng 11 năm 2009 5:53 PM
 
Cha tôi là một nhà giáo, nếu còn sống thì năm nay tròn 100 tuổi. Cứ đến ngày 20-11 hằng năm, chị em chúng tôi lại nhớ cha da diết và không khỏi ngậm ngùi: giá mà cha còn sống đến bây giờ để chúng tôi được đền đáp công ơn của Người!
Cha tôi ra đi chẳng để lại một tài sản gì gọi là có giá. Nhưng chính cuộc đời của ông, tấm lòng và nhân cách của ông lại là tài sản vô giá mà chị em chúng tôi được thừa hưởng.
 
Chiếc gương soi của mẹ
 
 
 
    Nhà giáo Dương Đức Thịnh và các con (con trai út Dương Đức Quảng ngoài cùng bên trái). Ảnh chụp năm 1976.
 
Tôi cất tiếng chào đời mới được hơn bốn tháng thì mẹ tôi mất. Năm ấy mẹ tôi mới 32 tuổi, còn cha 35, nhưng đã có tới tám người con, mất một còn bẩy. Khi mẹ mất, chị gái đầu lòng của tôi mới 12 tuổi, còn người chị trên tôi mới hơn một tuổi. Lúc đó cha tôi đang giữ một chức “quan” nho nhỏ trong ngành giáo dục dưới thời Pháp thuộc, tương tự như chức Trưởng phòng giáo dục huyện bây giờ.
Sau ngày mẹ tôi mất, chị gái của cha tôi, một người phụ nữ đẹp, sau khi bà nội tôi mất ở vậy nuôi ông tôi, thương em, thương cháu nên đã đón bẩy chị em chúng tôi về nuôi. Còn cha tôi thoát ly gia đình theo cách mạng và kháng chiến. Suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, cha tôi công tác trên chiến khu Việt Bắc, còn chị em chúng tôi theo bác ruột về sống với ông nội, tản cư hết nơi này đến nơi khác ở vùng tự do Phú Thọ, quê tôi. Chẳng mấy khi cha tôi được về nhà. Ký ức duy nhất còn đọng lại trong tuổi thơ bé bỏng của tôi là một lần được thấy cha đạp xe từ Tuyên Quang về qua nhà, mang theo một ruột nghé gạo đưa cho bác tôi, chỉ kịp ôm tôi vào lòng rồi đi ngay.
Năm 10 tuổi tôi cùng chị gái hơn tôi một tuổi được về Hà Nội sống cùng cha. Ba cha con ở trong căn phòng 15 m2, ăn cơm tập thể quanh năm. Nhà nghèo, bạn bè lại rủ rê, tôi giấu cha, sau giờ học trốn nhà đi lang thang bán sách, báo. Được đồng nào là tiêu đồng ấy, đến khi tiền nợ bán sách, báo nhiều hơn cả tháng lương của cha thì cha tôi biết chuyện. Ông buồn lắm, lo đủ số tiền cho tôi trả nợ, giận con suốt đêm ngồi im lặng, hút thuốc. Tôi hiểu cha tôi buồn và lo lắng về tôi biết chừng nào.
Những năm ấy, cha tôi công tác ở Sở giáo dục Hà Nội. Từng là Phó Giám đốc Giáo dục Liên khu X, rồi Trưởng phòng của Bộ Giáo dục từ trong kháng chiến chống Pháp, về Hà Nội cha tôi vui vẻ nhận làm Phó phòng phổ thông, giúp việc cho ông Trưởng phòng là một nhà giáo lưu dụng ở lại thủ đô sau giải phóng.
Sáng sáng, trước khi đi làm cha tôi thường soi gương cạo râu bằng con dao cạo của Pháp mà các ông thợ cắt tóc ngày ấy thường dùng. Chiếc gương khá đẹp, mặt gương dầy, do Pháp sản xuất, chỉ to bằng một cuốn sổ tay. Loại gương ấy cho tới bây giờ tôi chưa thấy một ai, nhất lại là đàn ông sử dụng. Cho đến một lần bác tôi về Hà Nội thăm cha con chúng tôi kể cho tôi nghe về chiếc gương ấy. Đó chính là kỷ vật duy nhất còn lại của mẹ tôi.
Chiếc gương ấy mẹ tôi đem theo về nhà chồng năm 18 tuổi. 14 năm lấy chồng, sinh con, chiếc gương ấy luôn ở bên mẹ tôi. Những năm làm Huấn đạo ở Đông Anh, cha tôi có một thú vui là thỉnh thoảng cùng bè bạn đánh tổ tôm, cũng có lần thâu đêm suốt sáng. Ngày mẹ tôi đột ngột ốm nặng, cha tôi đi kiểm tra các trường trong huyện, vui bạn vui bè không về nhà kịp trước khi mẹ tôi mất. Đó cũng chính là điều cha tôi ân hận nhất trước vong linh mẹ tôi. Cha tôi giữ lại chiếc gương của mẹ tôi như một sự chuộc lỗi, mang theo nó bên mình suốt cả trong những năm kháng chiến gian khổ, ác liệt. Mẹ tôi mất khi cha tôi 35 tuổi, sau này có những người phụ nữ quý ông, yêu ông nhưng cha tôi vẫn ở vậy nuôi con. Năm 74 tuổi cha tôi mang theo chiếc gương giữ bên mình gần 40 năm về với mẹ tôi, giữ  trọn vẹn mối tình của một người đàn ông goá vợ.
                                  
 Chiếc đèn pin được che bớt sáng và cây vàng của người em dâu
 
Sau 40 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 25 năm làm việc dưới chế độ mới, năm 1970, đúng 60 tuổi cha tôi về hưu. 13 năm, kể từ lần xếp lương đầu tiên năm 1957 đến khi về hưu, cha tôi vẫn chỉ có một bậc lương 90 đồng, vì “lương đã kịch trần”, trong khi lương khởi điểm của cán bộ tốt nghiệp đại học lúc đó là 60 đồng một tháng. Mặc dù với chức vụ đã từng đảm nhiệm, từng được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, nhiều năm là chiến sĩ thi đua, từng là Chánh Thư ký Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Uỷ viên Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, cha tôi xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn thế. Thế nhưng cha tôi vẫn thanh thản, không một lời ta thán, trách móc, đòi hỏi. Có lẽ một phần là vì trong những năm đó cả nước đang có chiến tranh, chẳng mấy ai thắc mắc về quyền lợi của cá nhân mình.
Năm ấy, tôi đang là phóng viên ở chiến trường miền Nam . Bao giờ gửi thư cho tôi cha cũng kể chuyện vui của gia đình, không mấy khi kể chuyện buồn để tôi khỏi lo lắng. Cha tôi tự hào vì có anh tôi và tôi tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngay trên chiến trường miền Nam . Những bài báo của tôi viết từ chiến trường được đăng trên các báo, cha tôi đều cắt ra, giữ lại cùng những lá thư tôi gửi về. Sau năm 1975, tôi có gia đình riêng, do hoàn cảnh công tác vẫn ở lại miền Nam , còn hai anh trai tôi đưa cả gia đình về Hà Nội sống cùng cha.
Căn phòng 15 m2 nhà tập thể của cha tôi nay có tới chín người, ngủ cả dưới sàn nhà. Anh lớn tôi phải làm thêm chiếc gác xép lưng lửng giữa nhà, “treo” ngay trên chiếc giường gỗ cá nhân cũ kỹ của cha tôi. Thời gian ấy, các anh chị tôi đều là cán bộ, nhân viên nhà nước, suốt ngày vắng nhà vì công việc, ca kíp, chỉ có các cháu nhỏ quanh quẩn bên ông. Thương con cháu, lương hưu cha tôi đưa gần hết cho chị dâu tôi, chỉ giữ lại năm, mười đồng để đóng đảng phí, cắt tóc, mua báo, mua thuốc lá, đồng nào không tiêu đến lại gửi tiết kiệm. Cha tôi gần như trở thành người nội trợ của cả gia đình.
Trong một bài viết về cha tôi đăng trên báo Văn hoá ngày ấy, nhà báo, nhà văn Cao Nhị, một người hàng xóm của gia đình kể rằng, sáng sáng cha tôi thường dậy sớm, hứng nước rửa rau, vo gạo từ chiếc vòi nước nhà tập thể lúc có, lúc không, rồi nhóm lửa chiếc bếp dầu ở ngoài cửa, đun sẵn một ấm nước sôi rót vào phích để khi chị dâu tôi thức dậy có sẵn nước nóng nấu cơm cho cả nhà ăn sáng trước khi đi làm. Sợ con cháu vì mình mà mất ngủ, cha tôi lấy một miếng giấy đen che bớt ánh sáng chiếc đèn pin thường dùng, dậy sớm không bật đèn điện mà chỉ soi đèn pin, nhẹ nhàng làm mọi việc. Thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, có món ăn gì ngon, hoa quả, kẹo bánh gì quý mà họ hàng, con cái biếu, cha tôi đều để dành cho các cháu, nhiều khi để dành lâu quá đến mức bị hỏng!  
Năm 1975 Sài Gòn được giải phóng, tôi tìm đến nhà ông chú ruột mà trước khi đi B cha tôi đã kể với tôi về chú. Chú tôi là người đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đậu cử nhân luật dưới thời Pháp thuộc, được bổ vào làm việc tại Toà án tỉnh Sóc Trăng từ năm 1938, nhiều năm trước khi tôi ra đời. Sau năm 1954, qua gia đình họ hàng của thím tôi ở Pháp về nói chuyện, cha tôi biết chú tôi cùng gia đình đã chuyển về Sài Gòn sinh sống, từ đó về sau không biết tin tức gì thêm. Cha tôi dặn, vào chiến trường nếu có điều kiện tôi hỏi thăm tin tức về chú tôi, nếu chú tôi còn sống mà tham gia phong trào yêu nước ở Sài Gòn thì không niềm vui nào bằng, nếu không chỉ mong chú tôi là một “trí thức chùm chăn”, không cộng tác với địch. Thế nhưng, năm 1973, qua báo chí và đài phát thanh và nhất là qua thư tôi viết từ chiến trường gửi ra sau khi tôi đọc được tin về chú tôi trên các báo xuất bản tại Sài Gòn, biết chú tôi đã từng là Chánh án Tòa Thượng thẩm, rồi Bộ trưởng Bộ Tư Pháp của Chính quyền Sài Gòn, cha tôi buồn lắm, nhiều đêm mất ngủ…
Khi tôi tìm được nhà thì chú tôi và đứa em họ, con chú tôi, đã đi tập trung cải tạo, chỉ còn thím tôi, người con dâu và bốn đứa cháu nội của chú thím tôi ở nhà. Thím tôi mừng mừng, tủi tủi, sau gần 40 năm xa quê vào Nam nay mới biết tin về gia đình chồng ở ngoài Bắc. Thím tôi thiết tha bảo tôi mời cha tôi vào với vợ chồng tôi để thím được gặp. Nhưng cha tôi cứ nấn ná mãi, đến hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước mới vào với vợ chồng tôi và thăm gia đình thím.
Trước khi cha tôi trở ra Bắc, thím tôi đặt vào tay cha tôi một cây vàng, nói là có chút quà gửi cha tôi đi đường và cho các cháu ở Hà Nội. Cha tôi nhất định không nhận, mặc cho thím tôi vừa khóc vừa nài nỉ thế nào cũng không được.
- Anh sống với các cháu, mọi việc các cháu lo cho đầy đủ. Quà thím cho coi như anh đã nhận, nhưng anh gửi lại để thím lo cho các cháu trong lúc chú vắng nhà.
 Thím tôi đâu có biết cha tôi đã từng rất buồn khi nghe được câu  nhiều người truyền miệng lúc đó: “Ra Bắc nhận họ, vào Nam nhận hàng”. Cha tôi nấn ná không vào sớm với vợ chồng tôi và thăm gia đình thím cũng là vì cái câu cửa miệng đó. Đâu phải ai cũng là người như câu truyền miệng ấy!
 
Người học trò cũ và 50 đồng lương hưu của cha tôi
 
Cha tôi về hưu được hơn 10 năm thì mắc bệnh hiểm nghèo. Cả bác sĩ và mấy chị em chúng tôi đều giấu cha tôi về bệnh ung thư vòm họng của ông. Tết năm 1984, cha tôi về thị xã Phú Thọ ăn Tết với người chị ruột của mình, người bác đã nuôi bẩy chị em chúng tôi từ nhỏ, đang ở cùng gia đình chị gái thứ hai của tôi. Sau Tết ít ngày, bệnh cha tôi chuyển biến nhanh: ung thư đã sang giai đoạn cuối. Đến khi cha tôi quá mệt, không ngồi dậy được nữa, mấy chị em chúng tôi đành phải nói thật bệnh tình của cha. Chúng tôi lặng lẽ chuẩn bị cho ngày ra đi của cha.
Những ngày ấy, họ hàng và cả một số học sinh của cha tôi biết tin, có người từ rất xa cũng về thăm cha tôi. Một hôm, cũng đã gần khuya, có một người đàn ông khoảng gần 70 tuổi đến thăm cha tôi. Vừa nhìn thấy cha tôi, ông đã sụp xuống bên giường, nghẹn ngào. Một lúc sau chúng tôi mới biết, ông tên là Thụy, là học trò cũ của cha tôi từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, hàng chục năm nay thầy trò không gặp nhau. Sau ngày toàn quốc kháng chiến năm 1946, ông Thụy chuyển từ Phú Thọ về sống ở Hải Phòng. Sau năm 1954 vì một chuyện rắc rối nào đó ông bị bắt đi cải tạo. Khi còn làm việc, một lần đi công tác ở Hải Phòng, biết chuyện của ông, cha tôi đến thăm, gửi lại chút tiền mọn, động viên gia đình người học trò cũ cố gắng vượt qua khó khăn. Ở trại cải tạo về, ông Thụy chưa kịp lên Hà Nội thăm cha tôi thì được tin cha tôi ốm nặng. Thế là ông vội lên Phú Thọ, tìm đến nhà chị gái tôi để thăm thầy giáo cũ. Khi ấy, đi lại khó khăn, nào có sẵn tầu xe như bây giờ, nên phải mất trọn một ngày đường đi xe đạp từ Hải Phòng, vượt qua gần 200 cây số ông mới đến được nhà chị gái tôi, lúc đó đã gần nửa đêm.
Ở lại thăm cha tôi hai ngày, ông Thụy xin phép ra về. Trước khi chia tay, ông nghẹn ngào nói với cha tôi:
- Thưa thầy, em nghèo quá, chẳng có tiền để giúp thầy chữa bệnh và nếu có em biết thầy cũng chẳng bao giờ nhận tiền của em. Trước khi về, xin phép thầy cho em được lễ sống thầy hôm nay. Em biết chẳng bao giờ còn được gặp thầy nữa.
Thế rồi, ông Thụy, một người học trò cũ của cha tôi, tuổi gần 70, nước mắt đầm đìa, quỳ bên giường cha tôi, lạy cha tôi hai lạy như tục lệ lễ người còn sống. Còn cha tôi, nghẹn ngào, mấp máy đôi môi mà không thể thành lời.
Biết ngày cha ra đi sắp đến gần, chị em chúng tôi nói cha để lại vài lời di chúc. Cha tôi im lặng, khẽ khàng đưa tay ra hiệu cho chúng tôi và các cháu nội, ngoại lại gần. Rồi cha tôi thều thào:
- Cha ra đi chẳng có tài sản gì để lại cho các con, các cháu. Cha chỉ dặn các con, các cháu phải nhớ lời ông nội dặn cha trước khi ông mất: “Các con phải nhớ vun trồng cây đức của gia đình, dòng họ cho tốt tươi; đừng vì tiền bạc mà mất tình mất nghĩa anh em, mất tình mất nghĩa với mọi người”. Cha về hưu ở Hà Nội, chế độ mai táng không có ở trên này. Khi cha mất, các con báo cáo với địa phương, xin làm thủ tục chôn cất cha ở đây, sau này các con cho cha về gần mẹ các con. Trong sổ tiết kiệm của cha còn 190 đồng, các con thay cha rút hết tiền, đến cám ơn cô bác sĩ vẫn thường thăm bệnh cho cha, gửi biếu cô 50 đồng gọi là có chút tiền giúp cô đi đường vì cha biết ít ngày nữa cô ấy sẽ vào Nam thăm chồng. Cha đi trước bác, các con càng phải chăm sóc bác chu đáo hơn vì bác cũng yếu lắm rồi. Các con không bao giờ được quên công ơn bác đã thay mẹ các con nuôi dạy các con từ nhỏ …
Thế rồi, đúng ngày Tết đoan ngọ  mùng 5 tháng 5 năm 1984, cha tôi về với mẹ tôi.
Mấy chục năm trong ngành giáo dục, cha tôi chưa từng dạy chữ cho một người con nào, nhưng những lời dạy của cha không bao giờ chúng tôi quên.
Người ta bảo “mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ liếm lá thay cơm”. Bẩy chị em chúng tôi mồ côi mẹ nhưng không phải “liếm lá thay cơm”, trái lại đã được bác tôi và cha tôi thương yêu, nuôi nấng, dạy dỗ nên người.
Cha tôi, nhà giáo Dương Đức Thịnh, một đảng viên, một nhà giáo chẳng có danh hiệu nhân dân hay ưu tú nào, chỉ là một nhà giáo bình thường như bao nhà giáo khác, nhưng mãi mãi là niềm tự hào của mỗi người con chúng tôi ./.