Trang chủ » Tản văn

MỘC CHÂU, MÙA THU NÀY

Vân Anh
Thứ sáu ngày 4 tháng 9 năm 2009 5:40 AM
 
Đêm đầu thu trên cao nguyên Mộc Châu ngọt ngào. Trăng thượng tuần như một nét môi cười của cô gái Mông thả lên trời mời gọi bạn tình trong đêm tìm bạn. Cả bản Hum Nhia thuộc xã Bắc Yên, tỉnh Sơn La dường như không ai ngủ. Những người đàn ông thay vào chiếc đài của mình đôi pin mới thật tốt, chỉnh lại tiếng khèn cho hay. Những người phụ nữ chong đèn gắng thêu cho xong đường viền hoa cải trên gấu váy của bộ trang phục đẹp nhất được làm trong suốt một năm qua để ngày hôm sau kịp đi hội. Có cảm giác như đêm nay, tất cả các bản làng của người Mông vùng cao Tây Bắc đều không ngủ. Tất cả đều chờ đợi...!
Cụ Sùng Chìa Lóng người già nhất bản tợp hết chén rượu ngô rồi nhìn xoáy vào mặt khách: Con cán bộ uống đi chứ. Người Mông ta có câu, tan chợ không say không phải là người tốt đâu, không thật lòng với bạn đâu. Năm nay con cán bộ người Kinh không ăn Tết độc lập ở dưới xuôi mà lên đây với bố là quý hóa lắm. Và rồi vẫn bằng cái giọng biêng biêng ấy, câu chuyện về ngày Tết độc lập của người Mông được mở ra. Chuyện rằng, vào cuối những năm 40 của thế kỷ trước, có một đôi trai gái yêu thương nhau tha thiết mà không lấy được nhau. Họ chỉ biết gửi nỗi nhờ niềm thương vào tiếng khèn môi trong những đêm lẻ bạn. Mãi cho tới ngày cụ Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, cả thị trấn Mộc Châu treo cờ đỏ sao vàng thì thanh niên Mông ở khắp các bản trên núi cao, dưới thung sâu đều đổ về Mộc Châu để xem cờ và múa hát, tâm tình thâu đêm rồi hẹn nhau ngày này sang năm lại gặp. Đôi trai gái kia cũng nhờ thế mà gặp được nhau. Năm sau, rồi nhiều năm sau nữa người Mông vẫn nhớ hẹn mà tụ hội về đây. Rồi không rõ từ đâu, người ta gọi ngày này là Tết độc lập, hay Tết cờ đỏ sao vàng. Không có ngày độc lập năm ấy thì người Mông ta không có ngày được ngẩng đầu lên mà nhìn trời xanh, núi cao đâu. Thế nên phải rủ nhau đi hội để tỏ cái lòng người Mông ơn Đảng.
Chia cho tôi nửa trái bắp ngô vàng suộm, anh thanh niên Vàng A Giàng quả quyết cam đoan rằng, Tết độc lập năm nay sẽ đông vui hơn những năm trước vì tỉnh Sơn La đã có chủ trương tổ chức cho ngày này trở thành ngày hội văn hóa cho đồng bào Mông của tỉnh. Nhờ vậy mà từ một tập tục mang tính tự phát trong qui mô địa phương, Tết độc lập của người Mông đã có sức lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng người Mông của cả nước. Rồi cả người Mông đang định cư ở nước ngoài và ở nước bạn Lào, Thái Lan cũng về đây tụ hội . Các dân tộc anh em khác ở các bản lân cận như Kinh, Dao, Thái, Mường, Khơ Mú nhất loạt kéo về vui Tết với người Mông. Người già đến hội là để gặp lại an hem bạn bè nơi xa lâu ngày không có dịp gặp lại, trẻ em thì chủ yếu là đi vui chơi, ngắm phố phường và được ăn kem que thỏa thích. Riêng đối với đám thanh niên đến tuổi trưởng thành thì đến đây để tìm người chồng, tìm vợ.
Không cần phải chờ đợi lâu để kiểm chứng lời của Vàng A Giàng nói vì ngay hôm sau, rạng sáng ngày 1 - 9, chúng tôi đã được chìm giữa một khoảng không gian tràn màu sắc. Đoạn đường quốc lộ 6 dài khoảng  năm km chạy qua thị trấn Mộc Châu dường như hẹp lại bởi người đến hội từ những nơi xa căng lều nằm ngủ rất đông dọc đường. Lúc trời hửng nắng, những con đường chạy men theo sườn núi về từng xóm bản sớm nay đã kịp khoác lên mình một chiếc áo mới. Trai gái đi từng đoàn, nườm nượp trên các nẻo đường, trên các sườn núi hoang sơ mà tìm nhau trong sắc thổ cẩm còn thổn thức thơm mùi sợi lanh. Những cô gái Mông dòng Mông Đơ ( trắng ), Mông Đu ( đen ), Mông Si ( đỏ ), Mông Lềnh ( hoa ), Mông Súa ( Mông Mán ) cùng các thanh nữ của các dân tộc Dao, Thái, Mường, Khơ Mú mặc những chiếc váy dệt có hình hoa cải, hoa hồi tung tênh theo nhịp bước, ô xòe làm duyên. Không rõ do khí hậu cao nguyên hanh hao lạnh hay trang điểm mà má ai cũng hồng ửng như trái đào tháng bảy. Trai bản dắt trong người chiếc khèn, chiếc sáo hay chiếc đàn môi vốn là niềm tự hào của người đàn ông, đầu buộc chiếc khăn ngũ sắc phóng xe máy bạt gió từ trên dốc cao xuống hội khoe tài. Mỗi dân tộc một sắc phục, một loại hoa văn trang trí khu biệt nhưng đằm sâu trong đó không chỉ là đôi tay khéo léo dệt nên sắc thổ cẩm nồng nàn của những người phụ nữ  miền sơn cước mà còn thể hiện một tình yêu đất trời, yêu thiên nhiên, xứ sở của người dân vùng cao. Và hơn cả, sắc thổ cẩm tươi mới còn chứa đựng cả một quá trình lịch sử đã tạo nên những giá trị văn hóa truyền thống trong sự phát triển của mỗi tộc người.
 Hội mở ngay tại sân vận động trung tâm huyện với nhiều trò chơi độc đáo. Huyên náo nhất có lẽ là đám chơi chọi cù, đánh yến, đánh tu lu, đẩy gậy và hội thi thổi khèn. Cặp vợ chồng nhà Vừ Láo Lở và Sùng Thị Dế ở mãi tận Chiềng Tương, Yên Châu mà tôi có dịp hỏi chuyện lúc cùng ngồi ăn ở quán phở thảo lảo dẫn tôi len qua đám đông. Chả là hôm nay Vừ Láo Lở tham gia thi thổi khèn mà. Giữa vòng tròn rộng được đan bằng hàng trăm người, năm anh chàng buộc khăn ngũ sắc thành vòng trên đầu, nhún nhẩy đọ khèn. Phía ngoài, chị vợ cũng xòe ô mà tung tênh theo tiếng nhạc. Rồi thì tất cả tiếng khèn đan vào nhau, khán giả đứng ngoài gióng lên tiếng hát, đại ý lời hát rằng “ Tiếng hát ta bay theo gió cao. Tiếng hát của tình yêu trai gái, Tiếng hát của tình yêu đất nước , núi sông. Này anh em ơi, ta về đây tụ hội “. Tất cả cùng hát, cùng nhảy theo điệu khèn, mang lời nhắn gửi cho trai gái thêm yêu thêm quí nhau, cho mọi người thêm gắn bó, đoàn kết. Những bàn tay tìm đến bàn tay, những ánh mắt gửi trao ánh mắt, những nụ cười mời gọi những nụ cười… dù là bạn quen hay khách lạ cũng sẽ trở nên gần gũi, thân thiện hơn trong vòng múa vui. Tiếng nhạc dập dìu theo bước chân thiếu nữ, theo điệu khèn của chàng trai gợi lên một không gian đẫm vị núi rừng và tràn ngập vẻ thanh tân. Phải chăng mùa thu là mùa thương, giục trai gái ưng cái bụng nhau mà nên chồng nên vợ. Để cùng nhau nối gót lên nương, bám áo xuống chợ, để tiếng đàn môi có bạn đêm sương.
Tết Độc lập năm nay, ước tính có trên năm vạn người Mông dự hội. Đa phần đều đi bằng xe máy nên vớ bở nhất là mấy khu vực dành để gửi xe. Kế đến là dãy hàng phở nằm dọc theo đường cái và những anh chàng người Kinh bán kem dạo dọc đường. Cộng đồng người Mông còn nhiều khó khăn nhưng đã đi chơi Tết Độc lập thì không tiếc tiền mua sắm. Mua cho mình và mua làm quà cho bạn bè, người thân ở nhà nữa. “Phải ăn uống thỏa thuê để còn có sức mà đi chơi, mà gặp bạn chứ.” Anh Giàng Thìn Lèn, bản  Phien Cài , xã Lóng Sập hỉ hả nói với tôi thế. Rồi anh bật cho nghe một đoạn ghi âm có giọng hát rất cao của một cô gái nào đó mà anh đã ghi âm vào chiếc điện thoại Nokia mới coóng trong đêm tâm tình hôm trước, bảo: “ Bạn đấy. Mình ghi âm lại để về nghe cho đỡ nhớ. Tết cờ đỏ sao vàng sang năm, mình sẽ rủ mấy anh em bạn lên đây bắt cô ấy về làm vợ mình thôi.”
Đã thành lệ, nếu là ngày chợ hoặc ngày Tết thì không thể thiếu chảo thắng cố bốc hơi nghi ngút được múc bằng chiếc muôi gỗ xinh xắn. Người vùng cao sống khu biệt trong các bản làng cheo leo trên triền núi nên tính cộng đồng rất cao. Khác với người vùng xuôi phân định rạch ròi phần nạc, phần mỡ, phần xương con lợn để tính giá tiền thì phép tính của người vùng cao là 50 nghìn đồng một cân dù mua mỡ, thịt, xương hay lòng của con lợn. Tất tật cho chung vào chảo thắng cố để miếng ngon được chia đều cho tất cả. Thìa thắng cố ngầy ngậy béo và chén rượu ngô ngà đục đủ sức vật đổ những người đàn ông to khỏe nhất.  Người vùng cao chân thành, thô mộc uống rượu như uống nước nguồn chảy ra từ núi đá, uống để thể hiện sự hiếu khách và tạo nên sợi dây ngầm kết nối mọi người lại gần nhau hơn. Nhưng vào ngày Tết độc lập, người ta uống rượu rất chừng mực, cốt là để giao hảo nhưng vẫn phải giữ cho cái đầu tỉnh táo để không làm điều đáng xấu hổ mà mất bạn.
Ngày mùng 2 tháng 9, cả thị trấn Mộc Châu lại trở về với vẻ yên tĩnh vốn có của nó. Người về chơi tết đã đi cả. Họ đI từ lúc trời rạng sáng làm tôi cứ tiếc ngẩn người vì chưa kịp tạm biệt những người bạn mới quen. Nhưng nhớ mãi điều họ nói: “ Đừng làm gì đáng xấu hổ mà mất bạn” ./.