Trang chủ » Tản văn

THÁI BÌNH LANG THANG KÝ (kỳ 3)

Trần Nhương
Chủ nhật ngày 23 tháng 8 năm 2009 6:38 PM
Lê Thiếu Nhơn đang công tác tại Báo Nông nghiệp Việt Nam nên chuyến đi Thái Bình này anh muốn tìm hiểu về đồng bằng sông Hồng. Với tôi, nông dân, nông thôn là gốc gác nhà mình rồi. Không hiểu tam nông của mình có y bản chính của ông bạn Trung Quốc không. Chính vì thế nên cuộc gặp chủ tịch tỉnh sẽ rất cần thiết.
  Chúng tôi từ phòng khách tầng 1 được một chị phòng tổ chức hành chính dẫn lên tầng 2 vào một phòng chờ. Tại đây có đủ ghế cho khách chờ. Trên tường có camera ghi hình để phục vụ cho công tác bảo vệ. Cẩn trọng như vậy rất cần thiết để đảm bảo an ninh.
   Chủ tịch tỉnh Nguyễn Hạnh Phúc là một thanh niên, cao, đẹp trai. Tất nhiên tuổi ông cũng đã gần 50. Ông vui vẻ tiếp chúng tôi và kể chuyện về nông nghiệp tỉnh nhà. Ông nắm chắc vấn đề và cung cấp số liệu rất cụ thể. Vấn đề nông thôn nông nghiệp là chuyện khá đâu đầu cho những người lãnh đạo. Bình quân thu nhập của nông dân Thái Bình độ 30.000 đồng/người/tháng, nếu được mùa khoảng 50.000 đồng/người/tháng. Nông thôn bây giờ rất thiếu lao động, lớp trẻ khỏe hầu như đi khỏi làng lên thành phố kiếm kế sinh nhai, đi học, đi làm các khu công nghiệp. Còn lại đàn bà và những người đứng tuổi. Vì vậy việc đưa máy móc về nông thôn là rất cần thiết. Nhưng có máy thì bao nhiêu việc liên quan nào bờ vùng bờ thửa. Hiện nay các thửa ruộng như lưỡi mèo thì máy móc tác nghiệp sao được. Thái Bình đang thí điểm 8 xã để rút kinh nghiệm. Tất cả những thay đổi phải chờ lòng dân, khi họ nhất trí thì mới có thể tiến hành rộng khắp. Từ mảnh ruộng nhỏ hợp lại tành mảnh ruộng to thì chỉ chính họ mới làm được. Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật chứ không thể làm thay việc cụ thể ấy. Kinh nghiệm Thái Bình là nơi diễn ra nhiều cuộc biểu tình trong nhiều năm chính là lòng dân chưa hợp, áp đặt họ và đánh trống bỏ dùi. Kinh nghiệm ấy khiến tỉnh Thái Bình đã rút nhiều bài học bổ ích. Bây giờ cần giải phóng, lấy đất ở đâu đều công khai minh bạch, cho bà con đi tham quan một nhà máy tương tự để xem có ảnh hưởng môi trường không. Có trao đổi giá đất, có hợp đồng thu hút lao động. Khi dân đã thông thì việc giải phóng mặt bằng rất thuận lợi. Nông dân ta lành hiền lắm nhưng nếu vượt mũi họ thì không ổn. Không thể lấy áp đặt, áp chế để làm việc. Việc biểu tình phản đối chính quyền phần lỗi đều thuộc về chính quyền cả.
  Cuộc gặp ngắn với chủ tịch tỉnh nhưng nhiều vấn đề chúng tôi nắm bắt được. Làm lãnh đạo cũng khổ nhiều khi lo cháy ruột chứ đâu chỉ sung sướng.
   Buổi trưa các anh bên thành ủy mời chúng tôi dùng cơm. Nhà hàng bên sông Trà Lý, ngồi ngắm dòng sông nhẹ nhàng trôi cảm giác an bình thanh thản lạ. Đát Thái Bình nồng hậu và rất nhiều nhân vật kiệt hiệt. Chỉ riêng những vị tiền nhân Lê Quý Đôn, nhà Trần đã cho Thái Bình vào nơi địa linh nhân kiệt. Thế mà có anh chàng mê gái dám bảo: Chỉ cần nửa cái rập rình / là anh bán cả Thái Bình theo em…
  Buổi chiều chúng tôi chia nhau làm hai mũi. Lê Thiếu Nhơn, Minh Chuyên làm việc với tỉnh ủy. Tôi đến gặp anh thương binh nặng Trần Anh Côi, giám đốc công ty 27/7. Anh Côi bị thương trong Bình Long hồi chống Mỹ. Với 17 vết thương, anh được hưởng chế độ chăm sóc tại trại điều dưỡng nhưng anh xin về nhà. Một tay xây dựng cơ đồ. Hiện nay công ty của anh Côi có gần 100 công nhân, kinh doanh, sản xuất hai sản phẩm chính là chất phụ gia dùng trong sản xuất xi măng và một cơ sở thêu lập trình. Tài sản của công ty hàng chục tỷ, năm nào cũng làm nghĩa vụ thuế hàng trăm triệu. Điều quan trong là công ty cưu mang những thương binh, những cựu chiến binh, những người nhiễm chất độc da cam còn sức lao động. Anh Côi từ một thương binh nặng nay anh rèn luyện để đánh tenis hàng ngày. Tôi đi thăm cơ sở của công ty và cảm phục người thương binh vẫn còn mang mảnh đạn trong người. Tôi sẽ viết kỹ về anh trong một bài khác.
 Đến Thái Bình cảm nhận của chúng tôi vui thật sự vì đội ngũ lãnh đạo rất trẻ lại có học, lại yêu văn chương. Tôi tin với cái vốn ấy cộng với tấm lòng họ sẽ làm nên một Thái Bình vượt trội trong đội hình cả nước...
  Cuối chiều chúng tôi được gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm mời về quê Thái Giang, Thái Thụy. Hoàng Ngọc Đảm người mà bộ phim của Minh Chuyên Linh hồn Việt cộng đã nêu danh. Bộ phim ấy đã gây chấn động lương tâm không những ở Việt Nam mà còn ở nước Mỹ.
  Kỳ sau tôi xin kể chuyện này
 
Ảnh: 1- Chủ tịch tỉnh Thái Bình Nguyễn Hạnh Phúc
        2- Giám đốc CT 27/7 Trần Anh Côi
        3- Dàn thêu máy của công ty 27/7
        4- Trần Nhương và Trần Anh Côi trước công ty 27/7