Anh Nguyễn Tiến Lộc, chủ nhiệm Tạp chí Người Việt hải ngoại từ Canada về thăm quê hương. Anh quê tận tít ngoài đảo Quan Lạn thuộc Cẩm Phả huyện. Anh rủ bọn tôi ra quê anh chơi. Thế là tôi, nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà thơ Vũ Thành Chung lên đường.
Lẽ ra thì anh Lộc Và Vũ Quần Phương cùng Trung Trung Đỉnh đi Huế theo lời mời của Tô Nhuận Vĩ. Ba vị ra sân bay chỉ còn việc leo lên ngồi thì phải quay về. Chả là anh Nguyễn Tiến Lộc là người mang quốc tịch Canada nhưng anh không mang hộ chiếu theo. Anh tưởng đi trong nước thì có cái chứng minh thư là đủ. Có điều anh không nghĩ ra anh là người Gia Nã Đại nên chứng minh thư của anh có mần ăn gì được ở Việt Nam này. Cả ba người hủy chuyến bay. Đến hãng hàng không xin lại tiền trả vé thì xin hãy chờ 15 ngày nữa mới hoàn lại sau khi khấu trừ lệ phí hủy vé. Thế là bị tán tài và mệt người. Điện vào thì Tô Nhuận Vĩ trong cố đô đã chuẩn bị ba bó hoa, ba cô gái đẹp đang ngóng tại sân bay.
Ngũ tử tao nhân: Vũ Quần Phương, Nguyễn Tiến Lộc, Tuấn cá sấu, Trần Nhương, Vũ Thành Chung (trái sang)
Lỡ chuyến đi Huế nên anh Lộc mời chúng tôi về quê anh chơi. Anh còn một nhiệm vụ qua nghĩa trang Phi Liệt, Thủy Nguyên để thắp hương ông bà nhạc an nghỉ nơi ấy.
Trên đường xuống Phòng chúng tôi bấm điện cho Tuấn cá sấu. Tuấn bảo vào đây đã muốn đi đâu hãng hay. Chủ nhà mời như thế thì không thể từ chối. Đến cơ ngơi của Tuấn thấy hoành tráng và thay đổi nhiều so với lần trước. Năm 2005 nhân chuyến mang tranh xuống Phòng triển lãm, tôi ,Nguyễn Quang Thiều, Đình Kính đã đến thăm Tuấn cá sấu.
Bước vào khuôn viên Công ty Bảo tồn và phát triển cá sấu Việt Nam là một phiến đá trắng dựng nghiêng như một trang sách đang mở. Trên đó có khắc bài thơ Nam quốc Son hà của Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư…Đó là một tuyên ngôn về chủ quyền của Đại Việt. Phía sau phiến đá là trích Bình Ngô Đại cáo của Nguyễn Trãi. Trên đó là nhiều chữ ký của tao nhân mặc khách. Chúng tôi được Tuấn cá sấu mời ký tên vào đó. Tuấn bảo ngày mai thợ đá sẽ khắc tên các anh vào đó. Anh Nguyễn Tiến Lộc cảm kích trước tấm lòng yêu nước của một doanh nhân. Trong những ngày này mỗi một việc làm thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc là rất đáng quý. Chúng tôi chụp anh lưu niệm bên phiến đá chủ quyền ấy. Năm nay Tuấn cá sấu đang cho thi công Thạch thi viên. Đó là một không gian thi ca nằm trong khuôn viên cây xanh ngay trong trại nuôi cá sấu. Ngẫm ra cũng thật thú vị trong một khu bên những chú cá sấu dữ dằn lại có một không gian cho thi ca. Thi ca như một liệu pháp thư gian hiệu quả cho chủ nhà và khách đến tham quan. Những câu thơ được khắc trên đá đều do Tuấn cá sấu chọn. Có lẽ Tuấn không lệ thuộc vào những câu nhiều người thích đã mòn cũ. Anh thấy khoái, hợp với mình là chon. Đó cũng là một thú chơi thể hiện cái tôi của mình. Tuấn làm thơ chưa thạo bằng nuôi cá sấu nhưng nhiều bài của anh gửi gấm nhiều tâm trang, Bài Nỗi lòng doanh nhân của anh có điều gì vừa tự hào vừa chua xót. Anh đã có bài thơ về cái ghế gửi vào con web của tôi được nhiều người đọc.
Vũ Thành Chung điện thoại cho Tô Ngọc Thạch cùng lên ăn cơm với chúng tôi. Tuấn đã kịp thịt một chú cá sấu đãi chúng tôi. Trong bữa ăn trao đổi bao nhiêu chuyện. Tuấn tặng chúng tôi cao hàm cá sấu. Nghe Tuấn nói uống thứ này vào trẻ lại mấy chục tuổi, Sướng quá. Tuấn tặng anh Nguyễn Tiến Lộc chiếc ví để mang sang Canada cho phu nhân, còn bọn tôi anh nào cũng được kỷ niệm một cái thắt lưng da cá sấu. Chắc chủ nhân nhắc chúng tôi hãy thắt lưng buộc bụng thời kinh tế suy thoái.
Tuấn kể chuyện mình đã có đề án “Nếu tôi là thủ tướng” dài hơn 10 trang A4. Không biết đề án ấy là thế nào nhưng rõ ràng đây là một ý kiến đóng góp của công dân. Mỗi công dân của xã hội dân sự có quyền góp ý với chính quyền tiếng nói của mình. Và điều ấy đã ghi trang trọng trong Hiến pháp.
Ăn xong Tuấn mời chúng tôi đi chơi biển. Từ chối cũng khó nên lên xe nhằm hướng đại dương phóng tới.
Vũ Quần Phương bên bài Bình Ngô đại cáo (trích)
Anh Nguyễn Tiến Lộc và Tuấn cá sấu
Những câu thơ trong Thạch thi viên
\
Lũ nhóc sấu lên hóng gió
Đào tiên trong vườn