Trang chủ » Truyện

Tiền giả

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
 
 Ông Cẩm, Phó chủ tịch Hội, hỏi tôi:
- Này Đạo, cuốn tiểu thuyết hoàng hôn màu vàng, anh viết đến đâu rồi?
Không biết ông ấy hỏi thế để làm gì? nhưng tôi vẫn trả lời thành thật:
- Dạ, thưa anh, em đã hoàn thành bản thảo, nhưng mới ở dạng sơ thảo...nghĩa là còn chưa ưng ý lắm.
Ông Cẩm nghe vậy vỗ vai tôi, giọng kẻ cả:
- Thế thì tốt- Thấy cái nhìn thắc mắc của tôi, chú giải thích- Hội nhà mình mở trại sáng tác ở Nhà sáng tác núi Bân,tôi được phân công làm trưởng trại. Đợt này đi, tôi đã yêu cầu và các đồng chí lãnh đạo Hội, cũng nhất trí,  các trại viên dự trại sáng tác phải có tác phẩm, lên đó chỉ có việc hoàn chỉnh. Nghe tin anh đã viết xong cuốn tiểu thuyếtHoàng hôn màu vàng, tôi đề nghị cử anh đi dự. Chứ nhiều người xin đi, không có tác phẩm, lên đó ăn ba bữa, hút thuốc lào, ngáp vặt rồi đi ngủ... đi để phí tiền nhà nước à !
Nghe Ông Cẩm nói thế, tôi cảm động.

ông Cẩm vốn là nhà thơ, thơ của bất cứ đề tài nào, ông cũng có thể sáng tác được. Tôi nhớ, khi lãnh đạo thành phố yêu cầu báo chí tuyên truyền phong trào sinh đẻ có kế hoạch, ngay ngày hôm sau trên tờ báo của thành phố đã có bài thơ của ông Cẩm. Tôi nhớ mấy câu thơ trong bài thơ đó: 
...Cao su là một cái bao
Cho ta sung sướng biết bao nhiều điều
Ít con, tiền sẽ thật nhiều
Sức khoẻ thật tốt, ta sắm nhiều cái bao...
Hay như tuyên truyền cho phong trào an toàn giao thông ông Cẩm cũng có bài thơ rất dễ đọc, dễ đi vào lòng người như:
...Ô tô nếu hỏng cái phanh
Sẽ là khó lái, đâm anh dân phòng
Phanh tốt đi chậm thong dong
Được công an phát vài chồng giấy khen...
Đọc những bài thơ như vậy ,có khi các bạn cười. Xin lỗi, đã ai làm được những bài thơ dễ đọc như vậy? Đi đúng trọng tâm như vậy? Chắc đợt này lên trại sáng tác núi Bân, ông Cẩm lai có những bài thơ mới. Tôi hy vọng như thế và hỏi ông Cẩm:
- Chắc đợt này lên trại sáng tác, anh lại cho anh em thưởng thức những bài thơ mới sáng tác?
Nghe tôi hỏi vậy, ông Cẩm lắc đầu:
- Không, đợt này lên trại sáng tác tôi sẽ nộp một tập tuỳ bút và tản văn mang đậm  tính nhân văn, nếu in sẽ dày vài ba trăm trang.
Nghe ông Cẩm nói vậy, tôi ngạc nhiên, ngạc nhiên thực sự.
Thực ra mọi sinh hoạt hàng ngày của ông Cẩm tôi nắm tương đối rõ vì nhà tôi đối diện với nhà ông ấy.Tôi chẳng lạ thời khắc sinh hoạt  của ông Cẩm.Ở văn phòng Hội, ông đến cho có việc, rồi ngồi nhẩn nha đọc báo. Hết  độc báo thì đi tán chuyện vặt, trên trời dưới biển. Còn đối với gia đình, con cái ông cũng phương trưởng, điều ông Cẩm buồn là mụ vợ già - Như những lần ông tâm sự với tôi - Nằm cạnh vợ, như nằm cạnh một khúc gỗ, thẳng đuồn đuột, chẳng còn hứng thú gì cả.Trong khi mình sức còn hừng hực thế này...
Qua quan sát và nhiều lần nói chuyện, tâm sự với ông Cẩm, có lúc tôi nghĩ, với tính cách như thế, ông này chỉ giỏi đường thơ phong trào viết cho vui. Nhưng đến giờ...có thể suy nghĩ của tôi sai! Ông đã có bản thảo dầy gần ba trăm trang in đậm tính nhân văn  , nếu điều đó đúng, buộc tôi phải nghĩ lại.Ít nhất, ông ấy cũng có tài hơn tôi đã. Trong anh em hội viên ,không ai viết được như thế. Tôi cũng thế, không thể trong một thời gian ngắn, dù có ba đầu, sáu tay, không thể viết nhanh, nhiều như thế!!! Mà không phải ông ấy nói đùa . Anh Hương, chủ hiệu đánh vi tính và Potocopy cạnh nhà ông Cẩm, nói với tôi: Ông Cẩm nhờ tôi Poto một bản thảo dày quá, cỡ gần ba trăm trang in ấy....
...Trước khi đi lên trại sáng tác núi Bân, toàn đoàn ngồi họp lại, nghe ông Cẩm quán triệt.Nói vòng vo tam quốc một hồi, rồi ông Cẩm lại đề cập đến những khuyết điểm của chúng tôi, như chuyện chúng tôi không chịu đọc báo.Ông phê phán, chúng tôi chịu trận ngồi nghe.Giọng của ông Cẩm nghiêm khắc, nói thành từng tràng dài, không nghỉ, làm cho cái nốt ruồi nằm giữa hai lỗ mũi của ông ấy cứ nhấc lên, nhấc xuống trông thật ngộ:
- Báo chí cách mạng có tính định hướng hành động cho tất cả mọi người đi đúng đường lối, thế mà tôi hỏi các anh bất cứ vấn đề gì trên báo, các anh đều nói không biết.Là nhà văn, nhà thơ thì phải đọc, đọc những bài báo đó sẽ nâng cao được nhận thức tư tưởng.Tôi hỏi các anh, các chị...- Ông Cẩm hỏi hết tất cả những người đi dự trại sáng tác lần này;- Bài tuỳ bút Lúa tháng mười trên tờ Thời Báo các anh chị đọc chưa ?
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, cái tờ báo với tên lạ hoắc như thế, đã ai đọc đâu.Ông Cẩm hỏi tiếp:
- Bài xã luận Không để dân đói   trên tờ Nông Thôn đã anh chị đã đọc chưa ?
Báo viết toàn phân hoá học, cải tạo giống, với gà bị nhiễm bệnh dịch H5N1...chúng tôi đọc làm gì?
Thấy chúng tôi lắc đầu,Ông Cẩm nói chán nản:
- Thế là tôi hiểu, các anh chị không đọc những tờ báo đó. Không được! Nhận thức như thế là kém lắm. Tôi hỏi thêm, ngoài hai tờ báo đó ra , các anh, các chị còn có đọc những tờ báo này không ?
Ông Cẩm lại lôi ra một loạt tên những tờ báo, mà nghe ra...chúng tôi mới nghe lần đầu, như Hạnh Phúc Cuối Tuần, Sống Vui, Khoẻ. Tuổi Già Có Ích....Chúng tôi đều nói với ông với giọng thành thật, pha chút ân hận, có lỗi :
- Thưa anh ! Quả là chúng em còn nhiều khiếm khuyết, tất cả những tên báo anh vừa nêu ra chúng em đều chưa  đọc.
Ông Cẩm nói với chúng tôi gay gắt:
- Thế là tôi hiểu trình độ của các anh.Các anh ,các chị còn hợm hĩnh lắm, kiêu căng lắm, không khiêm tốn.Các anh, các chị cứ coi văn mình, thơ mình là nhất, không thèm nghiên cứu những bài của người khác .Vì thế! Đợt này lên trại sáng tác, tôi sẽ không để dẽ dãi như các lần trước.Một là các anh chị phải ngồi viết, tôi kiểm tra thường xuyên. Điều nữa, rất quan trọng, tổng kết trại, ai cũng phải có tác phẩm để nộp cho trại.Ai không có tác phẩm sẽ phải bồi hoàn toàn bộ kinh phí đi dự trại này cho Hội.Không thể đợt sáng tác này lơ mơ như các đợt sáng tác đã đi.
Câu nói này của ông Cẩm làm chúng tôi choáng.
Chẳng là mấy đợt đi dự trại sáng tác lần trước, có đợt tôi tham dự, có đợt không. Nhưng các lần đó đều do ông Đẩu làm trưởng đoàn.Tính ông Đẩu dễ dãi, ông cho rằng, sáng tác là chuyện muôn đời, lúc nào hứng thì sáng tác, lúc nào có đề tài thì sáng tác...Chứ lên trại sáng tác, không có hứng, không có đề tài, có bắt ngồi ép vào ghế, .có dí bút vào tay cũng không thể viết được. Ông Đẩu còn nói với chúng tôi: Chúng mày là mấy thằng viết văn, viết báo, làm thơ nghèo kiết xác.Tao hiểu chứ ! Tranh thủ lúc này có tiền nhà nước cho chúng mày đi an dưỡng  lên đó nghỉ ngơi, nhảy múa cho khoẻ, rồi suy nghĩ đề tài. Về lấy cảm hứng mà viết.Chứ mười lăm ngày trên trại sáng tác, có là thánh cũng không viết nổi lấy một trang....Quả thật, những lần đi dự trại đó, anh nào giỏi thì viết được một, hai truyện ngắn, làm vài bài thơ. Hoặc có anh, cũng hiếm lắm, lên đó ngồi tý toáy sửa lại vài chương của cuốn tiểu thuyết đang viết dở.Làm gì có chuyện nộp lại tác phẩm cho trại sáng tác.Thế mà lần này, thay ông Đẩu là ông Cẩm, làm trưởng đoàn có một yêu cầu khá cao là phải có tác phẩm để nộp cho trại sáng tác. Mấy người trong đoàn đi dự trại sáng tác, trước yêu cầu cao như vậy của ông Cẩm, xin rút lui.Chỉ còn tôi với một vài người nữa, tất nhiên trong đó có ông Cẩm, vì có sẵn tác phẩm nên được đi dự trại.
Trước khi đi, ông Cẩm gọi tôi ra một chỗ khuyên răn
- Tôi biết cậu là một người viết trẻ, năng nổ, có tác phẩm...nhưng không phải vì thế mà chủ quan. Phải tích cực học, tích cực đọc, trung thực với chính mình.Cậu hiểu ý tôi nói chứ!
Tôi nhìn ông Cẩm với con mắt nể phục. Mình phải học ông ấy- Tôi nghĩ - Một người lớn tuổi như thế! Bận bịu việc gia đình, cơ quan mà vẫn sáng tác, sáng tác khoẻ lại còn động viên chúng tôi nữa. Tôi sẽ lắng nghe lời ông, sẽ không chơi bời gì hết, bỏ hết tất cả những phiền muội ra sau lưng, tập trung mọi tâm trí vào bản thảo để sửa chữa lại cho thật hoàn chỉnh.Ông Cẩm còn nói thêm:
- Tôi sẽ chứng minh cho ông Đẩu thấy, năng lực lãnh đạo đoàn của tôi sẽ giỏi đến mức độ nào ?.Tôi cũng chứng minh cho ông Đẩu thấy là người trưởng đoàn phải gương mẫu như thế nào? Mình phải có tác phẩm nộp cho trại. Không thể như ông Đẩu, suốt hơn chục năm nay, ông đã sáng tác được bao nhiêu tác phẩm? Đi dự không biết bao nhiêu là trại sáng tác, từ trại viết văn, sân khấu, văn học dân gian... thế mà không có tác phẩm nào nộp cho trại.Thật xấu hổ !
 Ông Cẩm này cũng hay, tôi không hiểu sao ông lại tức ông Đẩu đến thế! Cái chức chủ tịch Hội nào có to tát gì, quyền rơm, vạ đá thế mà ông ấy lúc nào cũng muốn lật ông Đẩu để lên thay. Đựơc cái ông Đẩu, tuy đường sáng tác có hơi yếu so với mấy người đồng lứa, nhưng lại được lòng anh em hội viên vì tính hoà đồng, dễ thông cảm, dễ châm chước cho anh em hội viên nên mọi người vẫn nhất trí, qua hai ba kỳ đại hội, bầu ông Đẩu vào chức chủ tịch Hội.Chuyện ông Cẩm nhăm nhe muốn lật ông Đẩu, anh em hội viên biết cả, nhưng gần như họ chẳng tham gia vào phe nào !Chẳng ai để ý, ngoài việc viết lách, họ còn bao nhiêu việc khác để làm, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cơm,. áo, gạo, tiền...
...Chúng tôi lên trại Sáng Tác núi Bân, tiếp chúng tôi là anh Sáng, giám đốc Trại. Một người gần sáu mươi tuổi, nhưng trông nét mặt và vóc dáng, có vẻ trẻ hơn tuổi. Tính anh ấy lại sởi lởi, vui vẻ. Anh Sáng tiếp chúng tôi trong phòng họp rộng, thoáng.Anh nói như chẳng dấu diếm điều gì:
-Các anh lên đây cứ nghỉ ngơi cho khoẻ, viết cho khỏe, cơm nứơc trại sẽ lo ba bữa.Có việc gì cần cứ hỏi tôi, tôi sẽ giúp đỡ. Tôi sẽ bố trí mỗi người một phòng, có đầy đủ ti vi, nước nóng, lạnh, sinh hoạt độc lập hoàn toàn -Anh nháy mắt, tinh nghịch, nói tiếp - Có anh nào dẫn bồ lên đây vào phòng, tôi cho thoả mái...
Bọn tôi cười theo anh, biết là anh nói đùa. Chứ nếu chuyện đó có là thật, cũng chẳng ai dám đưa lên.Vì ông Cẩm đã quán triệt:
- Lên trại sáng tác phải tập trung vào công việc, giữ vững đạo đức của người viết văn, giữ uy tín Hội.Tôi yêu cầu các anh không có chuỵện chơi bời, nhậu nhẹt, gái gú.Tôi mà nghe anh giám đốc trại phản ánh bất cứ chuyện dính dáng đến những việc đó là không xong với tôi đâu...
Cũng xin nói thêm, trại sáng tác núi Bân nằm ở giữa một vùng du lịch nổi tiếng. Mà đã là du lịch, khách đi nghỉ, đi chơi đông thì cái vụ gái gú tất nhiên xuất hiện.Đó là quy luật rồi! Tuy nhiên với chúng tôi, lên đây là để viết để sửa bản thảo, chỉ có mười lăm ngày, không có thời gian mà chơi bời.Điều nữa, dính vào những chuyện đó phải có tiền mà lũ chúng tôi, dăm thằng, được ăn nghỉ thế này là sướng quá tiên trên thượng giới, tiền vợ cho chỉ đủ uống ly cà phê, không có đá, đâu còn dám nghĩ đến chuyện khác. Nhưng quan trọng nhất, chẳng có anh nào dám léng phén đi đêm vì ông Cẩm quản lý gìơ giấc rất nghiêm khắc. Ăn cơm ông cũng điểm danh, lúc về phòng ông cũng đi kiểm tra từng phòng một, xem có ai vắng không ? Thậm chí ông còn xin với anh Sáng cho ông giữ một chìa khoá cổng. Ai muốn đi ra ngoài phải đến báo cho ông biết.Thế thì chúng tôi còn đi được đâu!
Thấy những việc như vậy, anh Sáng nói với tôi:
- Sếp của các chú nghiêm thật, tôi chưa từng thấy đấy! Tôi rất phục.
Tôi nói cho anh Sáng biết thêm về những yêu cầu của ông Cẩm đối với chúng tôi khi đi dự trại sáng tác đợt này.Anh Sáng gật gật đầu, hiểu ý, nói cho tôi hay:
- Không, tôi biết chứ! Ông Cẩm đã nói với tôi,  đợt này, kể cả ông ấy nữa, tổng kết trại sáng tác sẽ nộp lại những tác phẩm của các trại viên đã sáng tác.Thế thì tốt, tôi có thành phẩm để báo cáo lên Bộ.Chứ không có tác phẩm, kể ra...thanh tra Bộ đến kiểm tra, cũng khó nói...- sau đấy anh Sáng lại dăn tôi kỹ càng - Nói là nói thế thôi, tất nhiên viết văn là chuyện nghiêm túc nhưng...còn chuyện kia , các chú phải cảnh giác nhá, lũ gà móng đỏ lột hết tiền, khéo không có quần đùi mà mặc về .Chúng nó cũng ghê gớm lắm.Không chơi lại được đâu.Tốt nhất là đừng có léng phéng với bọn đó, tan cửa nát nhà, vợ chán, con khinh.
Nghe anh Sáng nói vậy,  tôi đồng tình:
- Anh khỏi phải nói. Chuyện đó bọn em chẳng dám đâu! Anh biết đấy, dù sao viết văn như bọn em, ít nhiều cũng có người biết, nên nghiêm túc.Hơn nữa, tiền đâu mà chơi của ấy...
Anh Sáng nghe tôi nói thế thì gật đầu:
-  Ông nghĩ như thế thì tốt! Tôi cũng là thằng viết văn, nhưng viết văn nhỏ không lớn như các Ông.Cũng có một số báo đăng bài của tôi, cũng có người biết. Nên thế, mình càng phải nghiêm túc.
Qua cuộc nói chuyện này, tôi biết thêm, anh Sáng vừa làm giám đốc trại sáng tác lại cũng có một đam mê viết văn. Một người như thế dễ hoà đồng với chúng tôi, dễ cho chúng tôi làm việc và cũng dễ tâm sự. Sau này khi về lại chỗ cũ,  tôi với anh Sáng có hẹn sẽ trao đổi thư từ với nhau.
Mười lăm ngày trên trại sáng tác là mười lăm ngày chúng tôi lao vào viết,sửa bản thảo cật lực. Dù tôi biết rằng có nộp bản thảo, làm thế cho oai cũng chẳng ai đọc. Đến như sách in vẽ bìa đẹp, giấy trắng còn ế dài dài, chẳng ma nào ngó. huống hồ là bản thảo, phải sửa lên, sửa xuống. Đợt đi dự trại sáng tác này, có lẽ duy nhất là bản thảo của ông Cẩm là nghiêm túc, giấy trắng, đánh chữ vi tính, bìa bọc ni lông...Còn chúng tôi mấy bản thảo viết tay, đánh máy, chữ vi tính chữa lem luốc... Ông Cẩm kiểm tra chúng tôi thường xuyên. Nhất là buổi tối, sau bữa ăn cơm, ông lại đảo qua từng phòng kiểm tra từng người xem có viết lách gì không ? Ông tự đặt cho bản thân ông ấy một nội quy, phổ biến cho chúng tôi:
- Riêng tôi có một yêu cầu, buổi tối không ai đượcsang phòng tôi, để tôi còn tập trung tư tưởng viết, sửa bản thảo. Có việc gì trao đổi cứ đến bữa ăn trao đổi cũng được.Thời gian ở trại Sáng Tác đã ít, chúng ta cần tranh thủ làm việc...
Ông Cẩm còn yêu cầu chúng tôi: Ai ra ngoài, đi đâu? giờ nào phải báo cáo cho ông biết? Tôi không hiểu:Đi sáng tác ở trại sáng tác, cái gì cũng phiên phiến đi một chút chứ có phải là trại lính đâu mà kỷ luật nghiêm khắc !!! Thắc mắc thế, nhưng kỳ thực, buổi tối chúng tôi cũng chẳng đi đâu. Nếu có thời gian rỗi, chúng tôi lại sang phòng của nhau nói chuyện phiếm. Có tối, tôi định sang phòng ông Cẩm, nói chuyện, chợt nhớ đến yêu cầu của ông ấy đặt ra với chúng tôi, tôi lại không sang. Dẫu vậy, nhiều lần đi qua phòng ông Cẩm, tôi thấy đèn trong phòng  sáng,nhưng im lặng tuyệt đối. Tôi nghĩ:chắc ông đang mải sáng tác, tôi đi thật rón rén cố không gây tiếng động làm ảnh hưởng đến công việc của ông Cẩm.
Rồi đến ngày tổng kết,  thực tế anh em chúng tôi vui mừng vì thành quả những ngày ở trại Sáng Tác. Ai cũng có tác phẩm, tác phẩm đó  đựơc sửa chữa, hoàn chỉnh. Trong  chồng tác phẩm báo cáo, nộp lại cho trại sáng tác,  nổi nhất vẫn là tác phẩm của ông Cẩm. Bản thảo dày, bề thế, bìa bọc ni nông, chữ đen nổi lên trên bìa vàng Trần Cẩm - MIền Đỏ thương yêu -Tuỳ bút và tản văn.
Qua kết quả ở trại sáng tác, chúng tôi cũng có phần tự hào về vị trưởng đoàn của mình. Nếu không có kỷ luật nghiêm khắc của ông Cẩm đề ra và kiểm tra thường xuyên, chúng tôi không thể có thành quả lớn nhường ấy.Nên thế, khi ông Cẩm yêu cầu: Sáng mai cả đoàn chúng ta phải về sớm, bỏ kế hoạch tham quan khu du lịch Núi Bân, để tiết kiệm ngân sách của Hội... tất cả chúng tôi đều nhất trí, mặc dù trong lòng có đôi chút tiếc rẻ.Nằm lỳ ở đây mười lăm ngày, mải viết, tất cả chúng tôi, có lẽ cả ông Cẩm nữa, đã được đi tham quan các điểm du lịch của núi Bân đâu.
Mọi bản thảo của chúng tôi đã sửa chữa, theo yêu cầu của ông Cẩm, nộp lại cho anh Sáng.Tất nhiên chúng tôi poto ra thành hai, ba bản để giữ lại , còn tìm chỗ xuất bản. Tôi hỏi ông Cẩm:
- Tác phẩm của anh viết, sau này anh có định xuất bản không ?
Ông Cẩm gật đầu ngay:
- Có chứ! Tôi đã lưu vào đĩa mềm, sẽ in nếu có điều kiện.
Tôi cũng nghĩ điều đó sẽ thành sự thật.
Tôi chờ đợi quyển sách đó của ông Cẩm.
Về lại Hội hôm trước, vài hôm sau đã có một cuộc báo cáo tổng kết đợt đi dự trại sáng tác do ông Cẩm làm trưởng đoàn tổ chức. Cuộc tổng kết này có hầu hết các quan chức lãnh đạo trong ban thường vụ Hội tham dự. Trước các đại biểu, ông Cẩm cho đặt một cái bàn, trên ấy xếp tất cả những tác phẩm chúng tôi đã viết, đã sửa chữa trong đợt đi dự trại Sáng Tác vừa qua, ai cũng có thể đọc được.Chỉ tiếc tác phẩm của ông Cẩm, bản thảo in ra giấy ,ông lại nộp cho trại sáng tác núi Bân, ở đây chỉ còn bản lưu vào đĩa mềm vi tính. Rất khó cho mọi người, vì hiện tại không có máy. Nhưng  chiếc đĩa mềm vi tính lưu tác phẩm của ông Cẩm cũng đặt trang trọng cạnh những tác phẩm của chúng tôi .
Ông Cẩm viết báo cáo dài cả mét nói về thành công của đợt dự trại sáng tác lần này.Đặc biệt trong bản báo cáo đó, ông Cẩm hay nhấn mạnh đến tác phẩm viết dày gần ba trăm trang của ông
Cuối buổi báo cáo, ông Đẩu  lên bắt tay ông Cẩm nói những lời thán phục: Anh làm trưởng đoàn giỏi quá ! Giỏi quá....Ông Đẩu còn gọi riêng tôi ra nói nhỏ, giọng khoan dung, độ lượng:
- Anh Cẩm với tôi, các cậu sinh hoạt trong Hội biết đấy! Anh ấy không thích tôi lãnh đạo Hội. Nguyên nhân là anh ấy không hiểu tôi thôi.Tôi chỉ còn hai, ba năm nữa về hưu.Nên chuyện của tôi và anh Cẩm, các cậu không nên để ý. Còn chuyện anh ấy, tuổi cao như vậy mà vẫn ham viết, viết đựơc nhiều, bản thảo dày như thế chúng ta nên học tập. Riêng tôi, không biết các cậu nghĩ chuyện này thế nào ? Chứ tôi rất phục anh ấy. Sau này tôi về hưu, có thế các anh em nên bầu anh ấy vào chức Chủ tịch Hội.
Tính ông Đẩu là như vậy, tuy thôi sáng tác, và có phần lười đọc, nhưng với anh em, kể cả những người không ưa mình, ai sáng tác được gì? ông đều mừng. Chính điều đó, chúng tôi, mấy anh em hội viên trẻ đều quý ông .
Cũng từ hôm ấy, tôi nhìn ông Cẩm với con mắt khác, không phải như trước khi đi trại sáng tác.Tiếng nói của ông Cẩm, qua đợt đi trại lần này, hình như cũng uy tín hơn...
Chiều ấy tôi về đến nhà nhận được thư của anh Sáng, gửi cho tôi, đúng như lời hứa của hai anh em lúc chia tay nhau. Mà sao anh Sáng viết thư cho tôi có vẻ đường đột thế?
Bức thư anh Sáng viết khá dài, phần mở đầu cũng như thông lệ, hỏi chuyện sức khoẻ, gia đình, sinh hoạt của tôi ra sao? Phần sau ,tôi đọc, thực sự ngỡ ngàng, chẳng lẽ lại có chuyện như vậy ? Nếu đúng, không thể tin nổi:
...Mình phải nói chuyện này với Đạo, một chuyện rất đáng xấu hổ với anh Cẩm. Anh lên đây yêu câù nội quy rất chặt chẽ với Đạo và các anh em, buổi tối không được đi đâu.Trong khi ấy, anh Cẩm lợi dụng điều đó lại đi chơi gái,Vì anh ấy giữ chìa khóa cổng! Có một điều tệ hại,  tối cuối cùng, anh ấy đi chơi gái,  đưa cho người ta tiền giả để đến trưa hôm sau,  cô gái ấy đến gặp mình than thở! Em đã làm nghề khốn khổ như thế này mà cái ông có nốt ruồi ở giữa hai lỗ mũi lại còn lừa em, toàn đưa tiền giả.
Nếu như anh Cẩm ở lại, không biết chuyện gì sẽ ra với bọn xã hội đen, bọn bảo kê ở đây?
 Mới đầu mình nghĩ có thể anh ấy đưa lầm, nhưng sau này nghĩ lại,  mình có thể khẳng định , anh Cẩm cố ý, có thể anh ấy biết chuyện đó nên yêu cầu đoàn về rất sớm, bỏ cả kế hoạch tham quan du lịch núi Bân.. Nhưng chuyện ấy, thôi, có thể mình cho qua vì mọi cơ sở cũng chỉ là suy luận, chưa chắn chắn.
Nhưng còn chuyện này là chắc chắn.
Trong bản thảo Miền Đỏ thương yêu - Tuỳ bút và tản văn của anh Cẩm, anh ấy đã in nguyên văn bài tuỳ bút của mình, đã đăng trên báo Nông Thôn.Anh ấy chỉ bỏ tên tác giả .Anh Cẩm không biết, vì mình đăng tên tác giả bằng bút danh. Hơn nữa báo Nông thôn cũng ít người đọc, nên  chắc anh Cẩm nghĩ, không ai biết việc làm gian dối này. Mình còn phát hiện trong bản thảo của anh Cẩm, anh Cẩm còn in nhiều bài của một số tác giả khác
Anh Cẩm dám làm điều đó, vì anh cho rằng, bản thảo nộp cho trại Sáng Tác ai lấy mà đọc!!?.
Qua chuyện này, thực sự mình không hiểu nổi nhân cách của anh Cẩm.
Tất cả những việc làm của anh Cẩm trong thời gian ở đây, té ra chỉ là đóng kịch.
Anh ấy cũng là một thứ tiền giả, Đạo ạ!.