Trang chủ » Truyện

Bạn cũ

Tạ Duy Anh
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Một lát bà chủ hiện ra ở cửa phía trong của phòng khách. Tôi đoán là bà bận trang điểm trong thời gian tôi ngồi ngắm đồ đạc. Ngay từ cái nhìn đầu tiên tôi đã nhận ra bà chủ có một nỗi buồn âm thầm không muốn ai biết. Bà gật đầu chào tôi, hỏi tôi những câu cần hỏi và khi tôi giới thiệu lại thì bà chỉ à lên rất nhẹ nhàng.
-À, thế ra anh là bạn học cũ của nhà em. Bao nhiêu năm rồi các anh không gặp nhau?
-Từ khi ra khỏi trường cấp ba, à không, từ sau khi thi đại học.
-À, cũng lâu rồi đấy nhỉ-bà chủ ngước nhìn chiếc đồng hồ-Nhà em thì cứ đi tối ngày. Hôm nay hẹn về ăn trưa đấy mà không biết có về không.
Dường như sau đó chúng tôi rơi vào tình thế chả biết nói gì với nhau. Bà chủ thỉnh thoảng giục tôi uống nước, bảo tôi nhà có đủ thứ đồ uống rồi nhìn tôi một cách thờ ơ, đúng hơn là vô cảm. Hình như bà không còn khả năng bộc lộ cảm xúc nữa thì đúng hơn. Trước khi đến đây tôi chỉ nghe người ta đồn Q. có bà vợ rất xinh đẹp và sắc xảo, lấy anh vì phục cái chí tiến thủ ở anh. Giờ đây thì tôi khẳng định thêm, vợ Q. rất cô đơn. Chỉ nhìn vào cái cách bà cứ phải nén thở cũng đủ biết. Thỉnh thoảng bà cũng đưa mắt nhìn những thứ trên tường một cách có phần thờ ơ nhưng không phải vì chúng đập vào mắt, mà vì không muốn ai nhìn vào mắt bà. Tôi chủ động phá tan sự vô duyên bằng cách kể những kỷ niệm với Q., những kỷ niệm mà tôi hy vọng người vợ nào cũng muốn nghe về chồng. Và quả nhiên điều đó không sai, ít nhất với vợ Q. Chị tỏ ra chăm chú hẳn lên. Nhưng thay vào những tiếng cười giòn rã, trong trẻo như đáng lẽ phải vậy, vợ anh chỉ thỉnh thoảng lại nhướn lông mày, như muốn bảo: Q. mà cũng có những kỷ niệm thú vị vậy sao?
-Q. nó hiền lắm-tôi tranh thủ chứng tỏ sự thân thiết giữa tôi và Q. -hai thằng cứ lủi thủi chơi với nhau, như hình với bóng, trong khi tôi liến thắng thì Q. cả ngày chả nói một câu, ai trêu cũng cứ chỉ cười.
-Thế ạ, chả bù cho bây giờ...-vợ Q vội kìm lại, biến điều nói dở thành tiếng thở dài bị nén xuống.
-Để lát nữa có mặt hắn, tôi sẽ kể cho chị nghe những cái xấu của hắn hồi bé.
-Thú vị quá, nhất định anh phải kể đấy.
Tuy nói vậy nhưng tôi có cảm giác vợ Q. chán mứa cái câu chuyện mà tôi đang nói và sắp nói. Thật may là đúng lúc ấy chuông điện thoại reo. Chị xin phép đứng dậy đi vào phòng trong nghe. Chỉ thấy vọng ra những tiếng rất nhỏ, không thể nghe rõ để hiểu nội dung cuộc trao đổi. Lát sau chị buông máy quay ra, vẻ mặt đon đả hẳn lên. Điều đó cho phép tôi đoán cú điện thoại vừa xong của chồng chị. Chị đã kể về tôi cho chồng chị và vì thế chị cũng vừa mới thật sự biết tôi là thế nào với đức lang quân. Hẳn chỉ lát nữa Q. sẽ lao ào từ ngoài cửa vào và chúng tôi lại có thể hét lên tên biệt danh của nhau.
-Anh ngồi chơi, em bảo người nhà làm cơm. Rất tiếc là trưa nay nhà em có việc bận. Anh cứ nghỉ lại đây, thể nào đến tối nhà em cũng về.
Tôi chưa vội tính đến tối. Nhưng ăn cơm thì tôi đồng ý. Thế là chỉ có tôi và vợ Q., cùng với một con chó ngồi vào bàn ăn. Bạn đọc hẳn sẽ thắc mắc về con chó mà tôi vừa tiện thể kể ra. Đúng ra tôi phải nói tới nó từ đầu bởi nó mới là nhân vật quan trọng của câu chuyện này. Lúc tôi mới đặt chân đến đây thì có thể nó nằm ở đâu đó lim dim nhìn ra. Và do tôi không phải là người đáng cho nó quan tâm nên nó không thèm xuất hiện. Phải đến khi bước vào phòng ăn tôi mới nhìn thấy nó, khoác chiếc gilê bốn lỗ xỏ, chễm trệ ngồi trên một chiếc ghế đóng riêng cho chó, căn cứ vào tỉ lệ giữa chân và người. Chúng ta đứng bao giờ cũng cao hơn ngồi, còn giống chó thì ngược lại. Mặc dù bà chủ khá đon đả mời tôi, tức là về nguyên tắc xác nhận tôi là khách quý của gia đình, nhưng điều đó không qua được mắt con chó. Nó nhận ngay ra sự vờ vịt, đồng nghĩa với việc tôi chả là cái thá gì, chẳng qua bắt buộc bà chủ phải tiếp đón thôi. Bạn bè khỉ gì, cho ăn một bữa để tống cổ đi-ý chừng nó hiểu như vậy khi thể hiện một cái nhìn có phần khó chịu hướng vào tôi. Không chờ tôi và bà chủ nâng cốc, con chó thản nhiên ăn cái đùi gà rán trong chiếc bát đặc biệt của nó. Điều đó khiến bà chủ khẽ cau mày, tỏ ý không hài lòng. Bà quay sang thanh minh với tôi:
-Nhà tôi không có trẻ con nên anh ấy quý con chó quá thành ra nó hơi hỗng.
Con chó lừ mắt, ra chiều không đồng ý với cách nói như vậy của bà chủ. Đáp lại, bà chủ cũng lừ mắt với nó nhưng có thêm cả phần van xin.
-Không sao, con chó thông minh nào chả thế, luôn luôn muốn làm trái ý chủ.
-Đúng thế, vậy là anh cũng rất hiểu về chó. Lắm lúc phát bực lên nhưng không thể không công nhận nó thông minh anh ạ. Tôi cam đoan nó biết nghĩ đấy.
Như để phụ hoạ cho lời chủ, con chó chùi chùi tay vào cái khăn ăn mà chị giúp việc đeo nhẹ vào cổ nó, khà ra một tiếng khoái trá. Bà chủ tiếp thêm cho nó những miếng gà rán. Có miếng nó dùng chân trước hất ra bàn khiến bà phải nhặt cho vào sọt rác. Xem ra nó sẽ còn ngồi ăn cùng với chủ cho đến hết bữa. Vì thế tôi bỏ qua mọi động tác của nó để bà chủ đỡ bị làm khó.
-Vậy là anh với nhà tôi chơi với nhau từ hồi còn học cấp hai?
-Không những chơi mà còn chơi thân.
-Không biết hồi trẻ anh ấy nhà tôi đã giầu nước mắt chưa, chứ như bây giờ thì tôi đến khổ với cái thói đa cảm của anh ấy.
-Trước đây chắc cũng thế-tôi đáp cho có chuyện vì thực ra tôi chưa bao giờ thấy Q. khóc, thậm chí đã có lúc tôi tin là nó không biết khóc.
-Tôi phải thừa nhận anh ấy nhà tôi là người có chí. Từ một anh nhà quê chân đất mắt toét, thế mà rồi có tới 4 bằng đại học, một bằng tiến sỹ, lĩnh vực nào cũng động được vào.
-Quá giỏi-tôi gà gật, cảm thấy hơi men bắt đầu giở qủe. Cuối cùng chính con chó nhắc cho tôi biết là một bữa ăn sang trọng đến đâu thì cũng phải tới lúc kết thúc. Trong khi tôi và bà chủ ngồi uống trà thì con chó biến đâu mất. Nhưng tôi luôn có cảm giác nó đang theo dõi  tôi qua một khe cửa nào đó. Sau đó tôi được đưa vào phòng khách nghỉ tạm. Trước khi kéo rèm che ánh sáng rồi đi ra, bà chủ bảo: Nhà tôi thường nghỉ trưa tại gian phòng này. Điều đó thì chả cần bà chủ nói tôi cũng đoán ra. Bởi vì căn phòng có tất cả mọi tiện nghi cho một người phải giải quyết công việc bất cứ lúc nào. Trên bàn làm việc của Q., một cuốn sách thuộc hàng kinh điển về triết học vẫn đang mở ở những trang giữa. Mặc dù không khí trong phòng khá sạch, cũng vẫn không che được dấu vết của một lớp bụi lưu cữu trên những trang sách đó.
Mệt, lại có chút men, vừa ngả lưng là tôi lập tức rơi vào trạng thái lơ mơ ngủ. Mọi thứ cứ nhòa dần trước mắt tôi, trong cái cảm giác bồng bềnh khá dễ chịu. Đáng lẽ thì tôi đã làm được một giấc nếu không bị giật mình bởi một tiếng động. Sau đó tôi nghe rõ có tiếng bước chân rất nhẹ, nhịp bước không bình thường. Người bước để chân trần nhưng cứ lẫn vào tiếng miết nhẹ của những chiếc móng xuống nền gạch hoa. Nhưng nó chỉ mơ hồ vậy thôi. Có thể chị giúp việc cần lấy thứ gì đó và chị đã nhón chân vào phòng, móng chân chị chạm đất và gây ra tiếng động đó. Cho đến khi một hồi chuông điện thoại đổ. Tiếng chuông êm ái như nền một bản nhạc trữ tình. Tôi nghe nó vẳng lên rồi tắt ngay. Đang giờ nghỉ trưa, nếu không là người quen hoặc có việc gấp thì không ai gọi điện thoại. Còn đang nghĩ lơ mơ như vậy thì tôi nghe thấy một tiếng quát bẳn gắt, cái lối mắng kẻ nào đó mất lịch sự. Một thứ tiếng kỳ lạ như vọng ra từ đâu đó. Không, đó là thứ tiếng nói của người lưỡi dầy, luồng hơi không thoát hết khiến âm không tròn, lúng búng, lùng bùng như kiểu trẻ con vẫn phồng mồm nhại ai đó. Đương nhiên không thể là giọng Q. đụt vì trên tivi giọng cậu ấy lên bổng xuống trầm, khác hẳn cái thứ giọng ông ổng này. Vậy thì ai đang nói thế nhỉ? Tôi bèn khẽ xoay mặt về phía có tiếng nói, cố gắng để không mang tiếng là người nghe trộm. Nhưng tôi vội nhắm nghiền mắt lại, ít ra là để đánh lừa chính mình rằng, có thể tôi vẫn đang mơ. Tiếng quát vãn khá to nhưng bớt gay gắt dần để chuyển sang thứ giọng dạy bảo thường thấy ở những người khoan dung, hiểu biết, ý thức đầy đủ về quyền lực mình đang có.
-Quoác quậu thải iết thẩu trẩu cẩu mềnh tlà oaiu tsứ? Khtrông quãi. Tôu lầu thsếp thậu phây thậu lẩu thsếp tôu. Guyện thgao qguâu, khgâưng nhốu rhút khâu nệm, gẩu thẩu gốn gung goanh gà gác thậu gàm găn ghốu.. Gẩu trhằng Ttrô  trhằng Ctrâu gừặp tôu. Ư ử...Chậu trác chè! Gôum...
Một thứ giọng nói nghe rất khó nhưng nếu định tâm lại, với một chút kinh nghiệm, có thể đoán ra tương đối dễ dàng nội dung của nó. Chẳng hạn tôi hiểu thế này, người nói đang truyền đạt ý kiến của mình với tư cách một thủ trưởng và theo suy đoán thì thông thường nó sẽ có nội dung như sau. Tôi cứ thử ghi ra đây xem nhé (dĩ nhiên là phán đoán của tôi có thể sai): Các cậu phải biết thủ trưởng của mình là ai chứ? Không cãi. Tôi là sếp cậu hay cậu là sếp tôi. Chuyện cho qua, nhưng nhớ rút kinh nghiệm, kẻ thù ở bốn xung quanh mà các cậu làm ăn thế. Bảo thằng T, thằng C gặp tôi.Ư ử...chuyện cứt đái. Ừm...
Tôi chỉ hơi lăn tăn về hai cái tên riêng, đành căn cứ vào những nhân viên dưới quyền Q, trong đó một người tên T, một người tên C, đều xuất thân du thủ du thực, học hành lem nhem, viết chưa thành câu được Q. cưu mang đem về cho làm những việc lặt vặt, thỉnh thoảng xuống cơ sở truyền đạt lời Q. dọa nạt cấp dưới. (Nếu quý độc giả nào dịch chính xác hơn xin báo cho tôi biết để tôi thân chinh đến lĩnh giáo).
Sau đó có một khoảng im lặng khá lâu, đủ để tôi quyết định thỏa chí tò mò. Vẫn áp sát mặt xuống chiếu, tôi nhìn qua khe những thanh gỗ và chỉ thấy con chó, cổ đã kịp tròng vào một chiếc cà vạt mầu đỏ, ở tư thế đứng trên hai chân sau đang cúi đầu đi đi lại lại. Lát sau lại có tiếng chuông điện thoại. Con chó không thèm để ý mà vẫn tiếp tục suy tính điều gì đó. Chuông đổ đến lần thứ sáu, thứ bảy gì đó con chó mới ngồi xuống chiếc ghế, bắt chân chữ ngũ, bực bội qườ chiếc tai nghe và trịch thượng hỏi: Gôui? (có thể là: ai?). Bỗng nó tụt khỏi chỗ ngồi, thở hào hển rồi con cón chạy ra ngoài. Lát sau bà chủ nhón chân đi vào, thì thào nói gì đó rồi dập máy nhón chân trở ra. Lúc ngang qua chỗ tôi, bà liếc nhanh xem tôi thức hay ngủ, mặt tỏ vẻ không được an tâm cho lắm.
Cuối cùng thì tôi biết là mình không thể chờ được Q. Vợ anh rất phiền muộn nói với tôi là Q. từ cơ quan đi công tác luôn, gửi lời xin lỗi tôi và hẹn thể nào cũng có dịp tái ngộ. Trước khi về, tôi cố gắng bình thản ngồi uống trà với bà chủ ngoài khu khuôn viên, xua đi cho bà mọi lo lắng về tôi, rằng tôi đã ngủ một giấc say như chết, rằng hình như có ai đó gọi đến nhưng tôi không thể dậy nghe được, rằng căn nhà đẹp quá, ấm áp quá, mọi thứ đều tuyệt vời. Rằng hẳn những bạn cũ của Q. sẽ rất mừng cho cậu ấy...nhất là khi chúng biết Q. có một người bạn đời xinh đẹp và tinh tế...Khỉ thật, hoá ra tôi cũng có khả năng nịnh đầm và đóng kịch như bất cứ tên khốn kiếp nào. Vợ Q. cảm ơn tôi đã đến thăm gia đình chị, hy vọng sẽ còn được tự tay nấu những món mà Q. thích để đãi tôi, một người mà chỉ gặp lần đầu chị đã rất có thiện cảm.
Tiễn tôi ra tận ngoài đường có cả con chó. Nó đã kịp tuột khỏi cổ chiếc cà vạt nhưng vẻ mặt khinh bạc thì vẫn như lúc đón tôi. Trong khi vợ Q. đi vượt lên để được tự tay mở cổng cho tôi thì con chó cũng tranh thủ đi ngang hàng với tôi một đoạn. Tôi quay sang định cúi xuống xoa đầu nó liền bắt gặp ánh mắt không thể bảo là của chó bởi nó toả ra một lời cảnh cáo nghiêm khắc: Thằng khốn, biến đi cho khuất mắt tao. Tao chỉ nhắc để mày nhớ một điều: có những thứ từ ở đây ra mày không được đem theo, kể cả ý nghĩ.
-Ái chà, anh chị có con chó tuyệt quá!-Tôi chống lại nỗi sợ bằng cách bảo với bà chủ. Bà chìa bàn tay nhỏ nhắn cho tôi và chẳng hiểu sao khi bắt tay bà, mắt tôi cứ hướng sự cảnh giác về phía con chó đang vờ vịt nhìn đi đâu đó. Tôi bỗng ý thức đầy đủ về sự đáng sợ của nó.
Tôi biết là không bao giờ tôi trở lại ngôi nhà mang dáng dấp một biệt thự ấy nữa. Tôi đến đó chỉ vì muốn tận mắt thấy Q., muốn biết sau ngần ấy năm anh ta là người thế nào nhưng giờ thì tôi không còn thấy cần thiết nữa.

Hà Nội tháng 9 năm 2007
TDA