Trang chủ » Truyện

Chuyện một người bạn

Trần Kỳ Trung
Thứ tư ngày 17 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Hiệp định Pa ri được ký kết, quân đội của hai bên, một bên là Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và bên kia là quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải tuân theo các điều khoảng trong hiệp định, tạm thời không nổ súng, tiến hành gặp nhau ở nhà “hoà hợp” để nói chuyện, qua đó hiểu quan điểm của nhau. Ngôi nhà “hoà hợp”


Hiệp định Pa ri được ký kết, quân đội của hai bên, một bên là Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và bên kia là quân đội Việt Nam Cộng Hòa phải tuân theo các điều khoảng trong hiệp định, tạm thời không nổ súng, tiến hành gặp nhau ở nhà “hoà hợp” để nói chuyện, qua đó hiểu quan điểm của nhau. Ngôi nhà “hoà hợp” lợp giấy dầu được dựng tạm giữa bãi trống vốn là chỗ ngăn cách của hai bên. Trong nhà có bộ bàn ghế bằng gỗ tạp làm chỗ cho hai bên ngồi trò chuyện. Xung quanh trang trí đơn sơ, bên tôi có treo mấy cái ảnh chụp Hồ Gươm của Hà Nội, vịnh Hạ Long...Còn bên kia, treo mấy cái ảnh cảnh Sài Gòn, Huế... Có chút kiến thức hồi học năm thứ nhất ở Đại học sư phạm ngoài Bắc, làm nhiệm vụ địch vận, vận động binh lính và sỹ quan bên kia quay súng, tôi được ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm chỉ định vào đoàn đại biểu Quân giải phóng đang bao vây thị xã Bình Tiến, tiếp đoàn đại biểu bên kia ở nhà “hoà hợp”.
Chúng tôi là lính hoạt động ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trước hiệp định Pa ri, súng ống được trang bị chủ yếu là của Liên Xô, Trung Quốc.Còn áo, quần, lính bọn tôi thì...có gì mặc nấy. Nay nhờ có hiệp định Pa ri, có hoà bình, ngoài hậu phương lớn miền Bắc đưa vào quần áo bộ đội màu xanh tô châu của Trung Quốc, chúng tôi mặc vào trông “oai” hẳn lên. Cũng nhờ có hiệp định Pa ri, có thời gian máy bay ngừng ném bom, vũ khí từ ngoài bắc chuyển vào chiến trường nhiều hơn, nhiều vũ khí cá nhân, đạn B40, B41...vẫn thơm mùi mỡ chống ẩm, lính tráng tụi tôi vui lắm. Ngoài lương thực, thực phẩm chúng tôi còn được cung cấp một số bao thuốc Điện Biên. Những bao thuốc này, thực ra chúng tôi không được hút mà để dùng tặng đối phương cho họ nhớ những chiến thắng oanh liệt của dân tộc. Nghĩa là... khi lên nhà “ hoà hợp”, chúng tôi muốn giành thế của người chiến thắng, chủ động, không bất ngờ...
Nhưng với riêng tôi, lại gặp một chuyện rất ngẫu nhiên, hoàn toàn không ngờ tới.
Phía bên kia đi vào nhà “hòa hợp” có ba người. Một người trẻ trạc tuổi tôi đi sau cùng, nhìn nét mặt của anh ta, tôi thấy quen quen, nhất là vết sẹo to ở trán anh ta gợi cho tôi một kỷ niệm khó quên của tuổi ấu thơ,
Lúc còn nhỏ, trước khi tôi theo ba, má đi tập kết ra bắc, tôi hay chơi với Sang, một thằng bạn rất thân, ở sát vách nhà, cùng học chung một lớp. Sau những buổi học, hai chúng tôi thường kéo nhau ra bờ sông chơi. Chơi đùa chán chê, cả hai chúng tôi lại nhảy xuống sông để tắm, đứa trước, kẻ sau. Chiều ấy, cũng như mọi lần, chơi đùa xong mồ hôi còn nhễ nhại, tôi không chú ý, nhảy ngay xuống nước. Bị lạnh đột ngột, chân tôi bị chuột rút, cả người chìm dần...Thấy vậy, Sang hoảng hốt, không kịp suy nghĩ, nhảy đại xuống để cứu tôi, đầu Sang va phải cọc lưới, máu chảy đỏ cả một vùng. Bị đau như thế, Sang cũng mặc kệ, quyết  kéo bằng được tôi vào bờ. Vết sẹo trên trán là dấu tích của lần Sang cứu tôi, mà không thể nào tôi quên. Sau lần đó, tôi với Sang càng thân nhau hơn.
Ba, Má tôi tham gia lực lượng kháng chiến chống Pháp trong đoàn Vệ Quốc Quân. Sau ngày đình chiến, Ba, Má tôi có tiêu chuẩn tập kết ra bắc. Bà Nội tôi do tuổi già, phần nữa không muốn đi xa. “ Xa có hai năm rồi vợ chồng tụi bây cùng thằng Thắng lại về, tao ra ngoài đó làm gì. Tao ở đây với bà con chòm xóm quen rồi!”. Nội nói thế rồi ở lại, tôi thương lắm. Gia đình Sang không tham gia lực lượng kháng chiến nên không có tiêu chuẩn tập kết. Tình bạn chúng tôi do vậy, mà tạm xa nhau, kẻ bắc, người nam.
Vết sẹo trên trán của người kia, nhất là nét mặt của anh ta nữa, làm cho tôi bán tín, bán nghi: “ Không biết có phải là Sang, thằng bạn thân của tôi thủa ấu thơ không? ”. Mà hình như anh ta cũng nhìn tôi với ánh mắt khác lạ lắm, như phát hiện ở tôi có một điều gì đó, anh ta muốn hỏi?
Cuối cùng, điều tôi nghi ngờ hóa ra sự thật. Ổn định chỗ ngồi, bên tôi, Quân giải phóng miền nam Việt Nam, mà thực ra là Quân đội nhân dân Việt Nam từ miền bắc vào và bên Quân lực Việt Nam Cộng Hòa bắt tay nhau, rồi mỗi bên, từng người đứng lên tự giới thiệu tên, quê quán, chức vụ. Bên đại diện quân lực Việt Nam Cộng Hoà giới thiệu trước. Đến lượt người lính trạc tuổi tôi đứng dậy, ánh mắt anh ta cứ nhìn vào tôi. Anh ta nói rành rọt từng chữ, hình như chỉ cốt cho tôi nghe:“Tôi, Phan Huỳnh Sang, trung sỹ, quê ở Quảng Vân”. thế là đúng Sang, thằng bạn thân của tôi rồi. Tôi cố giữ thái độ thật bình tĩnh, mím chặt môi, không dám thể hiện tình cảm ra ngoài. Tôi hiểu, nếu chỉ để lộ trên nét mặt một chút thôi, ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm ngồi cạnh biết, chắc chắn khi về lại căn cứ, ông ấy sẽ kỷ luật. “ Trong cuộc đấu tranh giai cấp một mất, một còn này, chúng ta không được khoan nhượng   hay mền long trước kẻ thù”. Ông ấy thường quán triệt với chúng tôi như vậy trong những cuộc họp. Sang đã thấy ánh mắt nhìn của tôi, rất nhanh Sang cúi xuống, nét mặt có vẻ suy nghĩ. Đến lượt bên tôi, mọi người lần lượt đứng dậy giới thiệu. Đến phiên tôi, tôi đứng dậy, hai chân run run, bài tay bám chặt vào mép bàn, cố giữ bình tĩnh, nói rành rẽ từng chữ, giọng Quảng hơi nặng, cốt cho Sang biết:“ Tôi, Thượng Sỹ Đỗ Đạt Thắng...”.Nói xong, tôi liếc nhanh, thấy Sang giật mình. Chúng tôi đã nhận ra nhau. Nhưng ác thay ! Lúc này không thể, vì tôi và Sang đã từng đứng ở hai bên của cuộc đấu súng. Từ lúc nghe tôi nói thế, nét mặt Sang khác hẳn, trầm ngâm. Còn tôi bên này những suy nghĩ mông lung về người bạn, về quê hương và nhất là dáng hình thân thương của bà Nội, những hình ảnh đó cứ hiện lên trong đầu của tôi rõ mồm một. Tôi không còn nghe thấy ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm nói gì nữa. Bằng mọi cách phải gặp lại Sang, tôi tin bên kia, chắc Sang cũng có suy nghĩ giống tôi. Trước khi hiệp định Pa ri được ký kết, hai bên đánh nhau chí chết, bây giờ ngồi nói chuyện, nhìn lại nhau, nói chuyện không cần phiên dịch vì toàn là người Việt Nam cả, không cầm súng ống, thế thì tại sao tôi và Sang không thể nói chuyện được với nhau, nhất là tôi và Sang cùng quê, từng có một tuổi thơ thân thiết. Rồi bên tôi tặng bên kia bao thuốc Điện Biên có hình một anh bộ đội đang cầm cờ chiến thắng phất cao trên nóc hầm tướng Đờ Cát, tay Tiểu đoàn trưởng bên quân đội Việt Nam Cộng Hoà nói tiếng khu tư ánh mắt lộ lên vẻ sung sướng, hắn cầm bao thuốc nói:“ Chúng tôi tự hào về chiến công này, chiến công do tất cả những người dân Việt Nam yêu nước tạo dựng nên. Xin các anh cho tôi giữ bao thuốc này làm kỷ niệm...”. Còn bên kia lại tặng cho bên chúng tôi một bức tranh thêu chân dung đức thánh Trần Hưng Đạo. Bức chân dung ấy, dù chúng tôi không muốn, vẫn phải nhận. Vì đúng như tay tiểu đoàn trưởng nói tiếng khu Tư bên quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã nói: “ Là người Việt Nam, chúng ta cùng tự hào với truyền thống chống sự xâm lược ngoại bang của cha ông mà Đức Thánh Trần là một tấm gương tuấn liệt.”.
Sau gần một tiếng đồng hồ, cuộc nói chuyện của hai bên kết thúc, ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm bên này, bắt tay tay tiểu đoàn trưởng người gầy choắt, nói tiếng khu tư bên kia với lời chào gượng gạo “ hẹn gặp lại” .Vừa mới đấy còn đánh nhau đì đoàng, quyết giết nhau... bây giờ lại ngồi với nhau, chưa thể thể hiện tình thân thiện, vẫn còn sự nghi ngờ. Nhưng đối với tôi, một anh lính quèn, đang từ chỗ suốt ngày, suốt đêm toàn bom với đạn, máu với nước mắt. Nay bỗng chốc hai bên không đánh nhau, khoảng trống nằm giữa hai căn cứ im hẳn tiếng súng, đã thế lại còn ngồi nói chuyện được với nhau như thế này, tôi nghĩ, tốt quá rồi. Hơn nữa, trong cuộc nói chuyện, tôi mừng khi hai bên thống nhất, cấp sỹ quan gặp nhau ở nhà “Hoà hợp”, còn cấp hạ sỹ quan như tôi và Sang sẽ gặp nhau thường kỳ, mỗi tháng một lần, ở chốt của hai bên. Bên tôi sang thăm bên kia trước. Điều đó có nghĩa là, tôi và Sang có cơ hội sẽ gặp lại nhau. Tôi đánh ánh mắt về phía Sang, Sang nhìn tôi không chớp, gật nhẹ đầu rồi bước đi, không chú ý, bị vấp ở cửa ra vào.
Khi về đến căn cứ của mình, tôi được tham mưu tiểu đoàn mời lên để họp rút kinh nghiệm cuộc nói chuyện vừa qua và bàn phương án nói chuyện cho cuộc gặp lần tới. Ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm cho biết: “ Cuộc gặp sắp tới ở chốt đối phương, Ban chỉ huy Tiểu đoàn thống nhất sẽ cử đồng chí Thắng, làm công tác địch vận phụ trách nhóm này. Chúng tôi rất tin tưởng lập trường vững vàng của đồng chí. Vì đồng chí Thắng đang học đại học, lại là đối tượng sắp kết nạp vào Đảng, có nhiều kinh nghiệm vận động binh lính đối phương. Gặp bên kia, trước hết, qua những lời nói, đồng chí phải cho đối phương biết sức mạnh chính nghĩa của chúng ta, tuyên truyền cho các binh sỹ quân đội Sài Gòn mau quay súng trở về với quân giải phóng. Đồng chí phải...” Ông ấy còn nói nhiều nữa, nhưng tôi chẳng nghe thấy lời nào hết, tâm trạng không tập trung, vì bây giờ tôi chỉ nghĩ, cứ theo ông tiểu đòan trưởng có đôi lông mày rậm đã nói như vậy rất có khả năng tôi gặp lại Sang, biết tin bà Nội, biết tin quê hương, họ hàng... Tôi viết thư báo tin này ra được miền bắc, chắc Ba Má tôi sẽ mừng vô cùng. Cũng qua Sang, biết được tin gia đình tôi ngoài bắc, chắc Nội vui lắm. Tôi hồi hộp, không biết bên kia có cho Sang gặp tôi không ? Và khi gặp Sang thì thái độ của hai đứa chúng tôi như thế nào? Sang có căm thù tôi không? Sang có báo chuyện tôi với Sang từng chơi thân với nhau lên cấp trên của Sang không ? Còn đối với tôi, khi nghĩ về Sang, tôi chỉ thấy tuổi thơ hồn nhiên, với những tiếng cười thật trong trẻo, chẳng giận hờn. Giá như, thời gian quay trở lại cho tôi và Sang lại về với những năm tháng đó. Lúc này ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm dặn dò tiếp với tôi và một số người nữa: “Đây là thời cơ hết sức thuận lợi cho chúng ta. Các đồng chí sang đó, một mặt thì giả ngồi nói chuyện, nhưng phải để ý xung quanh, cố quan sát thật kỹ, xem chúng nó bố trí hoả lực như thế nào? Nhất là các hướng, đặc biệt là hướng về phía căn cứ của chúng ta. Cả hệ thống hầm ngầm nữa... xem có đúng như trinh sát baó cáo không ? đây là thời cơ thuận lợi ta nên tranh thủ điều tra. Hiệp định Pa ri chẳng qua là chuyện chính trị, quyết định vẫn ở chiến trường. Còn khi đối phương sang thăm bên ta, các đồng chí phải nhắc anh em khi nói chuyện tuyệt đối không để lộ bí mật, súng ống dấu hết, không cho đối phương biết rõ lực lượng của ta.”.Tôi hiểu ý ông ấy nói. Bây giờ là ngồi nói chuyện với nhau, chứ lực lượng quân sự hai bên vẫn phải thủ thế, sẵn sàng nổ súng vào nhau. Làm gì có chuyện “ hoà hợp”!!!
Vài hôm sau, theo sự phân công của ban chỉ huy Tiểu đoàn, Tôi và một người nữa sang thăm căn cứ bên Sang. Thật mừng, người đón tôi, đúng là Sang, còn anh bạn tôi, được mấy người lính bên kia, đón ra chỗ khác để nói chuyện. Sau phút ngỡ ngàng pha chút hồi hộp để làm quen, giới thiệu về nhau, Sang nói nhỏ: “ Mới gặp trên nhà “ hoà hợp” tôi đã nhận ra ngay, anh là Thắng, cháu nội bà Tư Mau, tôi muốn gặp anh để hỏi xem có đúng không? Mà tôi lại sợ... Không biết anh có giận tôi không ? Còn tôi chỉ mong gặp anh thôi.”. Thế là cũng giống tôi, trong suy nghĩ, Sang không giận tôi, ngược lại rất mong có cuộc gặp mặt này. Tôi liếc nhanh xem xung quanh có ai để ý không? Rồi tôi cũng nói đủ cho Sang nghe: “Mới gặp, tôi đã nhận ra anh.Tôi mừng lắm!”. “ Tôi cũng vậy!” . “ sức khoẻ của Nội tôi như thế nào ?”. Sang ra hiệu tôi nói nhỏ hơn chút nữa, lấy ngón tay, bí mật chỉ ra phía sau. Cách chỗ chúng tôi ngồi không xa, một người lính đối phương đeo kính đen ngồi ôm súng. Tôi hiểu, cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi đang có người theo dõi. Sang nói tiếp, giọng nhỏ hơn: “Nội của anh vẫn khoẻ, vẫn gánh trầu đi bán ở chợ Ô Lâu. Hồi chưa đi lính, tôi vẫn thường sang thăm Nội. Nội của anh cũng thương tôi và bà hay khuyên tôi không nên đi lính. Có đi, cũng nên tìm cách đào ngũ, hoặc chạy trốn sang bên anh… ” Sang nói đến đó thở dài:“ Nhưng ở bên tôi khó lắm, họ truy nã gắt gao, không thể trốn được. Bây giờ gặp anh, có khi tôi suy nghĩ lại...”.- Tôi gật nhẹ: “ Bên tôi có chính sách rất nhân đạo với tù, hàng binh, không đánh đập với người ra hàng... ”. Ánh mắt Sang có vẻ mừng rồi Sang nói tiếp, giọng gần như thì thầm- “ Cấp chỉ huy nói với tôi, bằng mọi giá, tuyên truyền, vận động cho các anh về chiêu hồi với “chính nghĩa quốc gia.”. Tôi hứa đại, để tìm cách gặp anh.”. “Anh nói biết tôi à!”. “Không! Tôi nói điều đó ra, họ làm khi dễ, không cho tôi gặp các anh nữa.Vì cùng đồng hương, họ sợ tôi dễ nghe theo các anh.”. Tên lính theo dõi, thấy hai chúng tôi nói chuyện có vẻ bí mật, hắn đứng dậy làm động tác vươn vai rồi đi lại chỗ hai chúng tôi một chút nữa. Chắc hắn muốn nghe rõ chuyện chúng tôi trao đổi. Sang liếc ngang rất nhanh, thấy vậy giả vờ nói to, cốt cho thằng ấy nghe thấy :“ Quân đội Bắc Việt của các anh đem quân vào đây “xâm lược” chúng tôi. Chúng tôi có lãnh thổ, có chính phủ, có quốc gia được nhiều nước công nhận. Nên tốt nhất, tránh cho một cuộc nội chiến huynh đệ thương tàn, các anh nên rút quân về bên kia Vĩnh Linh, thực hiện đúng biên giới của hai lãnh thổ.”.Thằng lính đeo kính đen nghe Sang nói vậy, có vẻ yên tâm, nó làm một động tác như lỡ làng, lấy chân đá một hòn sỏi dưới chân, miệng huýt sáo đi lại gần phía đằng kia, có mấy người lính của hai bên đang nói chuyện. Sang đợi cho thằng lính đi xa, cười nhẹ nói với tôi:“ Bên tôi, mấy ông sỹ quan yêu cầu tôi khi gặp các anh phải nói câu đó ! Tôi nói to cho hắn nghe .” Rồi Sang nói tiếp với tôi cho liền mạch câu chuyện: “ Tôi đang học luật, thì bị bắt lính, chứ tôi có muốn vào lính đâu.Cũng may vào lính, tôi làm lính truyền tin, chứ không thì chết rồi.”. Tôi không nói với Sang, nhưng tôi cũng gặp may, có chút ít chữ nghĩa, ở phía sau có nhiệm vụ ghi chép, làm công tác địch vận, giúp ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm, chứ ở phía trước... chắc gì còn có lúc ngồi nói chuyện với Sang như thế này. Sang nói tiếp với tôi: “ Gặp anh, tôi lại càng chán cảnh đánh nhau. Anh em mình đâu có thù hằn gì mà tự nhiên giết nhau, sao lại vô lý như thế? Lần sau đến phiên tôi sang thăm bên anh, anh viết thư cho Nội đi, tôi đang xin nghỉ phép, nếu được nghỉ phép tôi sẽ mang lá thư đó về cho Nội. Biết đâu...”. Sang bỏ lửng câu nói, có vẻ suy nghĩ. Rồi Sang nói tiếp: “Tôi sẽ không cho ai biết, cố mang lá thư của anh về với Nội. Nhận được thư, chắc Nội của anh mừng lắm!”. Tôi cảm động, thầm cảm ơn Sang, chỉ nói đúng được một câu: “ Thế thì còn gì bằng!”. Kết thúc buổi nói chuyện, Sang tiễn tôi ra khỏi chốt, nhắc nhỏ lại một lần nữa với tôi:“Anh nhớ viết thư cho Nội, phải viết ngay đi, để tôi chuyển, Nội của anh nhận được thư do chính anh viết, tôi đoán chắc Nội của anh rất cảm động, tôi không biết diễn tả như thế nào ?” Tôi nói lại với Sang ước muốn cháy bỏng của mình :“ Tôi cũng mong tin của Nội. Giá như có một lá thư do chính tay Nội viết, để tôi gửi cho ba, má tôi ngoài bắc thì ba má tôi mừng ghê lắm anh ạ. Ba tôi thương Nội, mà không biết làm sao để có tin tức trong này? Anh làm giúp cho tôi được điều đó, tôi cảm ơn anh vô cùng”. Sang gật đầu:“ Anh yên tâm đi! Tôi sẽ cố giúp anh...”.
Chúng tôi về lại căn cứ của mình, thì có lệnh phải gặp ngay ông tiểu đòan trưởng có đôi lông mày rậm báo cáo những công việc mình đã làm. Trong báo cáo, tất nhiên tôi dấu chuyện tôi với Sang là bạn bè từ nhỏ. Trong báo cáo, tôi cố thêm thắt những điều mình tưởng tượng ra để ông ấy tin: “Báo cáo thủ trưởng, em nói chuyện với họ trên tinh thần hoà giải, trong câu chuyện em chỉ rõ cho họ thấy bộ mặt tàn ác của chế độ tay sai, thế thất bại tất yếu của đế quốc Mỹ, tuyên truyền những chính sách nhân đạo của Mặt trận dân tộc giải phóng và chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam”. Ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm nghe tôi nói như vậy, gật gù có vẻ bằng lòng:“ Đồng chí làm được như thế là rất tốt. Còn việc quan sát căn cứ địch, đồng chí có nhận xét gì không ?”. Thôi chết! Mải nói chuyện với Sang tôi quên mất nhiệm vụ này. May cho tôi, anh bạn cùng đi đã trả lời thay tôi. Anh ấy đang là đảng viên dự bị, sắp lên chức B bậc phó nên rất nhiệt tình, việc gì Tiểu đoàn trưởng giao anh ấy cũng hoàn thành tốt. Anh ta báo cáo rành rẽ, nhận xét từng ụ súng, ước lượng số quân, dự kiến hướng tấn công của quân giải phóng theo hướng nào là có lợi nhất. Nghe hai chúng tôi báo cáo xong, ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm tỏ ý khen ngợi rồi cho chúng tôi biết một tin, yêu cầu của cấp trên, chỉ phổ biến đến cấp trung đội trưởng: “ Tôi vừa đi họp ở Trung đoàn bộ về, nhận định, giai đoạn hoà bình theo nội dung của hiệp định Pa ri, hai bên ngồi nói chuyện với nhau chỉ là tạm thời. Báo thêm một tin cho các đồng chí biết, đơn vị sẽ nhận thêm vũ khí hiện đại của Liên Xô, Trung Quốc... có thêm sức mạnh quân sự để khi có lệnh là chúng ta đánh phủ đầu bọn chúng...”.
Độ gần một tháng sau, Sang là trưởng nhóm hạ sỹ quan bên quân đội Việt Nam Cộng Hoà cùng với một vài người lính nữa sang thăm bên tôi, gọi là “đáp lễ ” chuyến thăm của chúng tôi lần trước. Bên tôi cảnh giác, dấu toàn bộ súng ống vừa mới nhận, một số anh em mới bổ sung được yêu cầu phải nằm im trong hầm, không được ra ngoài để giữ bí mật lực lượng.
Cũng như lần trước, tôi được phân công tiếp Sang. Nhưng khác bên Sang, tôi được tự do tiếp xúc, không ai theo dõi. Chẳng gì tôi cũng là một đối tượng Đảng, có kinh nghiệm làm công tác địch vận, ở gần ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm, ông ấy rất tin tôi. Sang sang bên tôi với nét mặt căng thẳng lộ rõ. Sang nói nhỏ: “ Bên tôi về nhiều súng đạn lắm, căn cứ được bổ xung thêm một tiểu đoàn biệt động quân, chắc lại chuẩn bị đánh nhau, anh và các bạn của anh đừng sang nữa... rất nguy hiểm.”. Tôi gật đầu, rồi cũng bí mật nói với Sang :“Anh nói với mấy người bạn của anh đừng đi xa, đi lẻ. Các anh nên đi thật tập trung...cũng nên về ngay đi, đừng ở lâu bên này.”. Tôi nghĩ không nên nói nhiều, nói như thế là Sang biết ý của tôi. Sang gật gật đầu: “Tôi hiểu, tình hình bên tôi có vẻ chộn rộn, không biết sắp tới như thế nào? Thế anh đã viết thư cho Nội chưa ?”.Tôi nhìn ra xung quanh xem có ai theo dõi không ? Mọi việc vẫn diễn ra bình thường như đã dự kiến. Tôi rút vội trong túi một phong bì đã chuẩn bị sẵn, trong phong bì đó có lá thư của tôi và ảnh gia đình gửi cho Nội. Tôi đưa nhanh phong bì đó cho Sang. Sang cũng đút vội phong bì thư có ảnh đó vào túi. Xung quanh không ai biết việc làm này. Sang cho tôi biết những việc làm sắp tới: “ Không vì bì thơ này, có khi tôi sẽ ở lại bên anh, đầu hàng Quân giải phóng. Nhưng tôi nghĩ, Nội rất mong tin anh và ba, má của anh ngoài kia, nên tôi phải về. Tôi xin được nghỉ phép rồi. Cũng có lẽ, nói thật với anh, nhân cơ hội naỳ, tôi đào ngũ, không lên đây nữa. Vì lên đây, tôi với anh lại giết nhau à! Tôi không muốn như thế.”. Tôi nói tâm trạng mình: “Anh mà về được với chúng tôi thì tốt. Nhưng anh đào ngũ, không đánh nhau cũng là chuyện hay. Sau này đất nước hoà bình anh cùng tôi về thăm Nội, lúc đó sẽ hay biết bao nhiêu.”. Sang không dám nhìn tôi, quay mặt đi chỗ khác rồi nói nghẹn lời: “Tôi cũng nghĩ như anh.”. Nhìn khuôn mặt có phần chất phác, thành thật của người bạn thân thương, nước mắt tôi tự nhiên chảy. Nhìn ra xa, thấy ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm, hình như ông ấy định đi đến đây, tôi lấy tay chùi vội hàng nước mắt, cố lấy lại khuôn mặt tỉnh táo.
Sang chia tay tôi với ánh mắt và những lời cảm động: “ Không biết tôi với anh còn gặp nhau nữa không ? Cuộc chiến tranh ác liệt như thế này không thể nói trước được điều gì. Anh cố giữ...Còn bì thơ này, anh tin, Nội của anh nhất định sẽ nhận được.”. Nghe Sang nói vậy, tôi muốn ôm Sang vào lòng. Nhưng làm sao có chuyện đó, nhất là lúc này ?


Hiệp định Pa ri giúp giữ tình hình chiến trường có không khí hoà bình chỉ được vài tháng. Sang nói đúng, chỉ độ tháng sau, sau ngày tôi chia tay với Sang, không khí đối đầu của đôi bên bắt đầu xuất hiện, ngày một căng thẳng.
Đầu tiên là ngôi nhà “ hoà hợp” lợp giấy dầu giữa khu đất trống, vừa mới mấy tháng trước, đây là nơi hai bên còn ngồi nói chuyện, bị bắn cháy. Khói và tàn tro của ngôi nhà “hoà hợp” theo cơn gió rắc đều cho cả hai bên chốt.
Bên tôi, mấy chiếc loa sắt dùng trong quân sự do Trung Quốc viện trợ mắc trên mấy cành cây cao ngày đêm nhắc đến chính sách hoà hợp dân tộc của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời bị bên kia bắn lủng, những lỗ đạn toang hoác. Rồi nữa, chúng tôi được Ban tuyên huấn Trung đoàn xuống quán triệt:“ Kẻ thù, dù đã ký hiệp định Pa ri với chúng ta, nhưng với bản chất phản động rất ngoan cố, chúng đã lật lọng, vi phạm tất cả những điều khoảng mà chúng đã ký, gây lại chiến tranh, cho quân lấn chiếm các vùng giải phóng của chúng ta. Lúc này hơn lúc nào hết, Quân giải phóng miền Nam luôn trong tư thế sẵn sàng, chủ động sẽ giáng cho kẻ thù những đòn chí mạng.”.
Còn bên kia, tiếng loa cũng phát ra hàng ngày, bên này chúng tôi nghe rõ :“Hỡi anh em binh sỹ, sỹ quan thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Quân “ xâm lược Bắc Việt” đang lợi dụng hiệp định Pa ri để tính chuyện “ xâm lược”, thôn tính dần đất đai của chúng ta. Anh em phải đứng dậy với tinh thần can trường, noi theo gương tuấn liệt của các bậc liệt hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung ... đập tan âm mưu “xâm lược” của lũ “ Cộng quân”, tay sai của Nga Xô và Trung Cộng, quyết tâm giữ gìn toàn vẹn bờ cõi.”.
Cả căn cứ của bên tôi lại ở trong tư thế sẵn sàng nổ súng. Khu vực đất trống trước mặt trở về với không khí chiến tranh đến rợn người như nó vốn có. Cả khu đất trống không một bóng người, ban ngày nắng như thiêu đốt, như hun cháy cả sỏi, đá... những hàng rào dây thép gai dựng lên, bãi mìn giăng ra như những cái bẫy muốn nuốt những ai định đột nhập trinh sát. Còn ban đêm, tất cả đều im lặng, im lặng đến rợn người. Khỏang khắc im lặng đó, thực tế dễ làm cho người ta bị thần kinh hơn lúc súng nổ. Ánh pháo sáng bên kia thỉnh thoảng lại bắn vọt lên soi rõ những ụ súng, những bãi mìn, những dãy dây thép gai và cả những đường hào đang ẩn chứa những con người liều mạng. Đây đó có những đường đạn lửa lẻ loi vạch thành một vệt sáng trong đêm khuya làm cho không gian càng tăng thêm vẻ ghê rợn. Tôi ngồi gác, lại nghĩ đến Sang. Chắc giờ này Sang đã nghỉ phép về quê, và như Sang nói, sẽ đào ngũ. Còn tôi, trong hoàn cảnh như thế này không thể bỏ đồng đội, tôi có lý tưởng của tôi, lý tưởng “Đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi đất nước, tiến tới thống nhất tổ quốc.”Vì lý tưởng đó tôi mới có mặt ở chiến trường này!!! Một điều an ủi, lá thư của tôi nhờ Sang đưa, chắc chắn đã đến tay Nội. Và hơn nữa, tôi với Sang không phải đối đầu trực tiếp, Sang không bắn tôi và tất nhiên, tôi cũng không bắn Sang. Như thế, những trận đánh nhau sắp tới, bên kia sẽ có người chết nhưng chắc đó không phải là người bạn thân của mình!!! Ôm súng ngồi gác, tôi nghĩ như thế.
Thời gian này, cả hai bên cùng gây hấn, hiệp định Pa ri trở thành mớ giấy lộn!!!Với căn cứ của bên Sang, một mục tiêu rất quan trọng, Ban tham mưu Trung đoàn đã lên phương án tiêu diệt ngay những ngày đầu tiên khi hai bên nổ súng trở lại. Tiểu đoàn của tôi, đối đầu trực diện với căn cứ của Sang, được Trung đoàn giao thực hiện nhiệm vụ đó. Bên tôi, đã có sẵn sơ đồ chi tiết, do được điều nghiên từ trước, cộng với trinh sát đặc công liên tục bò vào để thám sát, nên căn cứ bên Sang đã được bên tôi dựng lên rõ ràng từng vị trí hầm ngầm, từng ụ súng... trên sa bàn. Ông tiểu đòan trưởng có đôi mày rậm phổ biến cho chúng tôi giờ, ngày tấn công, rồi chỉ vào hướng chốt Sang hay ngồi gác nói gọn, rõ từng tiếng một:
- Giờ G...sáng, ngày... DKB sẽ phát hỏa thẳng vào căn cứ của địch, trước đó, hàng rào dây thép, bãi mìn sẽ được công binh dọn xong. Chúng ta sẽ cho một đại đội tập kích theo hướng này.”- Ông tiểu đoàn trưởng chỉ vào chốt mà tôi với Sang từng ngồi nói chuyện – “Vì chỗ này lực lượng ít, lại có vẻ kẻ địch chủ quan,vũ khí của chúng, theo như trinh sát vào điều nghiên về báo cáo lại, chỉ có một khẩu đại liên Mã Lai, vài khẩu A 72 của Mỹ, và một trung đội thuỷ quân lục chiến được trang bị tiểu liên AR 15”.
Đúng giờ G... bên tôi nổ súng tấn công, tập kích thẳng vào căn cứ của bên Sang. Tôi có nhiệm vụ bám sát ông Tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm để truyền tin xuống các đại đội, và ngược lại nhận các tin của đại đội ở phía dưới báo cáo trực tiếp với ông ấy, đồng thời làm luôn nhiệm vụ tiếp nhận tù, hàng binh. Trận đánh diễn ra ác liệt, khói đạn mù trời. Khác với dự kiến của ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm, bên kia chống đỡ ác liệt, bên tôi thương vong khá lớn. Điều đó nằm ngoài dự kiến của Ban chỉ huy tiểu đoàn bên tôi. Chắc cũng giống bên tôi, đối phương cảnh giác đã làm những trận địa giả để lừa chúng tôi. Trận đánh kéo dài, mỗi giờ thêm ác liệt làm cho ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm đứng ngồi không yên. Ông yêu cầu tôi truyền lệnh xuống từng đại đội:“ Bằng mọi giá, chúng ta phải chiếm bằng được căn cứ của địch, tấn công với khí thế mãnh liệt nhất. Không cho chúng co cụm, có thời gian phản công lại”. Hướng tấn công bên tôi vào chốt của Sang, tưởng là dễ dàng lại hoá ra rất gian nan. Đại đội trưởng chỉ huy hướng đánh vào chốt của Sang báo cáo lên, số thương vong mỗi lúc một lớn, đơn vị chỉ mới đến sát chân hàng rào cuối cùng. Ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm, khuôn mặt lúc này đã ám khói, nói tức giận “... Không thể như thế được, bằng mọi giá phải chiếm bằng được chốt đó”. Ông lấy thêm một trung đội được trang bị vũ khí hiện đại của đại đội bên này bổ xung vào hướng tấn công chốt của Sang, rồi ông ấy nói với tôi:“ Đồng chí Thắng đi theo tôi cùng trung đội này, xuống ngay hướng đó, tôi sẽ trực tiếp chỉ huy.”.
Có thêm lực lượng, bổ xung thêm súng ống, bên tôi đánh thẳng, cố áp đảo bên kia. Cuối cùng thì thế và lực của đối phương cũng phải khuất phục. Nhưng, nằm cạnh chân hàng rào thép gai cuối cùng, cũng có hơn mười người bên tôi bị bên kia bắn chết ở đủ tư thế. Ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm nhìn cảnh đó, ánh mắt căm thù hằn lên thành những tia máu. Rút khẩu súng lục Trung Quốc ra khỏi bao, chĩa thẳng vào chốt bên đối phương, giọng ông gào lên:“...Các đồng chí... chúng ta phải trả thù cho những đồng chí đã hy sinh! Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn”. Chứng kiến cảnh đồng đội bị bắn chết, rồi tiếng súng nổ dồn...làm cho tôi hăng máu.Tôi giương khẩu AK của Liên Xô lên khỏi ụ đất, bóp cò, lia ngang thành từng tràng dài. Một lá cờ trắng giương lên từ miệng hầm bên kia... định đầu hàng, đúng lúc đường đạn của tôi lia tới. Tình tiết diễn ra quá nhanh, không kịp phản ứng, ngón tay tôi vẫn để trong cò súng, bóp mạnh. Loạt đạn bẳn thẳng của tôi, không kìm lại được đã băm nát lá cờ đó.
Lá cờ trắng đổ vật trên miệng hầm.
Sau đợt tấn công dữ dội có phần áp đảo của chúng tôi, bên kia lịm dần tiếng súng chống cự, lúc đó, ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm ra lệnh: “ Tất cả theo tôi!”. Sau tiếng hô đó, ông tiểu đoàn trưởng có đôi lông mày rậm nhổm dậy sau một ụ đất, một tay khoác mạnh, còn tay kia giơ cao khẩu súng lục Trung Quốc, lao lên phía trước. Tất cả mọi người cùng lao theo ông với những tiếng hô “ Xung phong! Xung phong ....” vang khắp trận địa. Tôi là người lao theo sau cùng vì vướng cái máy truyền tin nặng chịch của Trung Quốc đeo trên lưng.
Chốt của Sang chỉ trong một chốc, bị đơn vị chúng tôi tiêu diệt.
Tôi chạy đến chỗ lá cờ trắng, vì đó là nhiệm vụ của mình và cũng muốn xem người lính ở bên kia định đầu hàng, không may hứng trọn những đường đạn lia ngang của tôi, anh ta sống, chết ra sao?
Không thể tin được, bốn bề còn vương khói súng, mùi khét lẹt, lá cờ hàng binh làm bằng một chiếc khăn tay trắng rách tả tơi được gắn vào một cành tre nhỏ, nằm rũ trên mép hầm, và người nằm cạnh lá cờ trắng đó không ai khác, chính là Sang, thằng bạn thân của tôi. Cả một bên vai của Sang bị đạn của tôi bắn nát, máu chảy ra, loang lổ, sẫm đặc trên nền đất hầm.Trời ơi! Tại sao tôi đang bắn, Sang lại giương cờ trắng lên, để nên nông nỗi này?!! Mà Sang nói với tôi “đào ngũ” cơ mà!!! Vậy Sang còn lên đây làm gì? Vứt vội cái máy truyền tin Trung Quốc sang bên cạnh, sững sờ tôi quỳ vội xuống, lấy hai tay đỡ Sang dậy, nói thảnh thốt: “...Sang...Sang... tại sao anh lại lên đây? Anh nói với tôi, anh đào ngũ...”. Sang mở mắt, nói với giọng thều thào, rất yếu: “Tôi lên chốt...vì...vì có thư của Nội gửi cho...cho...anh... Tôi muốn đầu hàng để sang... bên anh...nhưng...”. Sang chỉ nói vậy, cố lấy tay chỉ vào túi trên ngực ...và tắt thở.
Tôi đau đớn đặt Sang nằm xuống, tay run run lấy trong túi Sang lá thư của Nội gửi cho tôi. Máu của Sang chảy ướt đẫm lá thư, không thể đọc hết nội dung. Chỉ đọc được mấy chữ đầu:

“Thắng, con của Nội!
Sang nói đã gặp con, Nội mừng lắm...!”

nguồn: kytrung.com