Sáng 16/9/2015 tôi được mời dự Hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh – Hành trình chinh phục tuổi thơ”. Chả là bạn tôi, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học - Nghệ thuật trẻ em (ĐH Sư phạm Hà Nội), cơ quan tổ chức Hội thảo, có nhã ý mời. Có bạn bè làm to, mình cũng oách lây.
Tôi đến hội thảo trước hết vì tò mò. Cả đời, đây là lần đầu tiên tôi được dự một hội thảo văn chương. Cố tình đến muộn một chút, vì tính tôi vốn ngại những màn giao đãi trịnh trọng, tôi chọn một chỗ khuất, phía sau, bên “cánh gà”, mà lại tiện quan sát cả phòng hội thảo. Tôi tự nhủ: Ngồi đây yên trí rồi.
Phần đầu của hội thảo rất giàu âm hưởng ngợi ca. Các bản tham luận nối nhau khẳng định Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng của văn học cho thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây. Ông viết rất khoẻ, rất đều, số đầu sách nhiều, số bản in lớn, sách bán rất chạy. Thời buổi kinh tế thị trường này, còn mong gì hơn?
Đại diện một nhà sách phía Nam nhận định: “Truyện của Nguyễn Nhật Ánh không thể nói là rất hấp dẫn, mà phải nói là vô cùng hấp dẫn”. Một nhóm sinh viên văn khoa ĐHSP thành phố HCM, dưới sự chỉ đạo của một ông thầy, lại tiến hành một nghiên cứu xã hội học về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh: Các bạn này chiếu lên màn hình cảnh độc giả xếp hàng rồng rắn chờ xin chữ ký của nhà văn. Các bạn trình ra một số bức ảnh ở các hiệu sách lớn của thành phố, nơi các ngăn sách của Tô Hoài và Trần Đăng Khoa nhỏ tẹo, còn ngăn sách Nguyễn Nhật Ánh thật hoành tráng. Dường như các bạn sinh viên này muốn khẳng định bất đẳng thức sau đây: Tô Hoài cộng với Trần Đăng Khoa nhỏ hơn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi thấy bất đẳng thức ấy có nhiều nét giống với bất đẳng thức sau đây: Một tấn cộng với một mét vuông nhỏ hơn 10 mét. Lúng túng không biết chứng minh bất đẳng thức này như thế nào, tôi bèn tự nhủ, nếu bỏ đi các đơn vị thì đó là một bất đẳng thức hiển nhiên. Có lý quá đi thôi.
Một nữ phó giáo sư xinh đẹp, nghiên cứu về Văn học Nhật Bản, đem truyện của Nguyễn Nhật Ánh so sánh với truyện của một nữ văn sĩ Nhật Bản nào đó. Nghiên cứu của PGS này tỏ ra công phu, tuy hơi sa đà vào chi tiết, trong đó tôi quan tâm nhất đến một kết luận: Truyện của hai nhà văn này giống nhau ở chỗ chúng cùng được chia làm một số chương đoạn. Tôi giật mình, trời đất ơi, làm gì có cuốn truyện dài nào mà không được chia thành một số chương đoạn nhỉ? Hay kiến văn của mình hạn hẹp, không biết được rằng thật ra cũng có một vài người viết truyện dài mà không chia chương đoạn? Tôi tự thấy xấu hổ vì tôi không hiểu được sau nghiên cứu khá công phu ấy, kết luận của nữ PGS là gì, hình như chị không có ý định bảo rằng một trong hai nhà văn ấy chép truyện của người kia.
Một giáo sư trẻ, chuyên ngành văn học nước ngoài, khẳng định hùng hồn: “Nếu truyện của Nguyễn Nhật Ánh được dịch ra tiếng nước ngoài, thì chắc chắn chúng còn chinh phục cả thế giới”. Tôi suýt nữa bật ra câu hỏi: “Thưa ông, làm thế nào ông khẳng định chắc chắn điều đó?” Nhưng rồi ngại làm mất thời gian của hội thảo, tôi im lặng. Bụng bảo dạ: Chỉ có trong ngành Toán lẩn thẩn của nhà ngươi mới có chuyện muốn khẳng định cái gì thì phải chứng minh. Còn ở đây, nếu thấy đúng rồi thì người ta phải khẳng định chứ. Không nói, nhỡ người khác chộp mất ý ấy thì sao? Mà nếu như cái gì cũng phải chứng minh thì biết đến bao giờ mới có ngành khoa học văn chương. Thế còn, ngộ nhỡ sau này điều dự báo đó sai thì sao ư? Thì càng có đất để các thế hệ sau nghiên cứu về khẳng định sai của giáo sư này. Từ đó, mới sản sinh thêm các tiến sĩ, các PGS, và các GS chứ. Nghĩ được đến đây, tôi thấy nhẹ nhõm cả người, yên tâm hẳn.
Ấn tượng nhất đối với tôi có lẽ là khẳng định của một nữ học giả. Chị nói: “Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến tận cùng nhân loại”. Lúc ấy, có vài tiếng xì xào nho nhỏ, rồi cứ to dần. Cảm thấy đã lỡ lời, nữ học giả xin lỗi và nói lại: “Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến tận cùng dân tộc, và do đó ông gặp nhân loại”. Câu này nghe quen quen. Ở nước ta, xưa nay chỉ khi nói về Nguyễn Du người ta mới dám dùng đến mệnh đề ấy: “Ông đã đi đến tận cùng dân tộc, và do đó ông gặp nhân loại”. Nay nữ học giả này xếp thêm Nguyễn Nhật Ánh vào phạm trù này. Trộm nghĩ, kể cả khi vinh danh các Nobel văn chương, người ta cũng chưa bao giờ dám dùng mệnh đề “ông (hay bà) đã đi đến tận cùng nhân loại”. Bởi vì, nếu đã đi đến chỗ ấy rồi, thì chắc ông hay bà ấy sẽ gặp… những người ngoài hành tinh. Thế mới biết văn chương ghê gớm thật.
Cứ nghĩ rằng Hội thảo là một bản Giao hưởng, sẽ đại loại gồm có 3 chương. Sau chương đầu Ngợi ca, sẽ có thể là chương hai Suy ngẫm. Rồi, rất có thể Giao hưởng sẽ khép lại bằng chương ba, Khải hoàn. Nhưng tôi nhầm. Chuyện đó xưa rồi. Hội thảo là một bản đồng ca một bè, âm hưởng Ngợi ca.
Nói cho đúng, hội thảo cũng có phần hai: Cảm nghĩ của những người tham dự. Thế mới chết tôi. Trước đó, tôi đã khăng khăng từ chối lời mời đọc một tham luận tại hội thảo. Bây giờ thì tôi không tránh đâu được nữa. Bạn tôi cứ nhất thiết đòi tôi phát biểu cảm nghĩ.
Tôi đành phát biểu như sau:
“Đối với hội thảo này, tôi là một kẻ ngoại đạo, vì tôi là một người làm toán. Tôi xác định đến đây như một fan hâm mộ, chỉ có một nhiệm vụ đơn giản là “đi đứng nghiêm chỉnh, vỗ tay luôn luôn”. Ngoài ra, “biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”. Tôi phải thú thật rằng, cho đến lúc này, tôi chưa hề đọc một dòng nào của Nguyễn Nhật Ánh, vì tôi bận quá. Trên đường đến hội thảo, tôi tự hỏi, vậy tác phẩm văn học cho thiếu nhi mà tôi đọc gần đây nhất là cuốn gì? Và tôi tự trả lời: tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot. Thì ra, đối với “Không gia đình”, việc không có thời gian chẳng phải là một lý do để chối từ.
Tôi đã nghe rất nhiều tham luận khẳng định rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh rất hay, cực kỳ ăn khách. Tôi chờ đợi được nghe các chuyên gia cắt nghĩa truyện của Nguyễn Nhật Ánh hay ở chỗ nào? Vì sao nó hay? Nó hay bằng cách nào? Nó mới thế nào? Mới so với cái gì? Và không mới so với cái gì? Cũng có thể các chuyên gia văn học bảo, giả định thôi, rằng truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng như ca từ của Trịnh Công Sơn ấy, nó cứ hay thôi, không thể phân tích vì sao nó hay. Tôi chấp nhận đó cũng là một lý giải. Nhưng hôm nay, từ sáng đến giờ, tôi vẫn lắng nghe, mà chưa được cắt nghĩa những câu hỏi ấy. Cũng có thể, do kiến văn hạn hẹp, tôi nghe mà không hiểu chăng.
Chúng ta không lạ với hiện tượng thế này: Các tác phẩm văn học nghệ thuật hàng đầu thường kén khán giả, độc giả. Những buổi hoà nhạc cổ điển của những dàn nhạc giao hưởng hàng đầu thế giới thường không có cảnh khán giả phải xếp hàng rồng rắn. Lượng khán giả của âm nhạc cổ điển bao giờ cũng không đáng kể so với nhạc Rock, nhạc Rap… Còn những tác phẩm best seller thì thường không phải văn học hàng đầu, chúng không chịu được thử thách của thời gian. Từ góc độ như thế, một câu hỏi được đặt ra là: Văn chương của Nguyễn Nhật Ánh có phải best seller không? Nó có đi được cùng năm tháng hay không?”
Thế là tôi trở thành người duy nhất trong hội thảo không hát với giọng ngợi ca.
Khi tới hội thảo, tôi mong nhưng không được gặp một số bậc thầy, bậc đàn anh ở khoa Văn ĐHSP Hà Nội mà tôi đã hân hạnh quen biết: GS Nguyễn Đăng Mạnh, GS Nguyễn Đình Chú, GS Phùng Văn Tửu, GS Trần Đình Sử, PGS La Khắc Hoà… và ngậm ngùi nhớ PGS Nguyễn Đăng Na. Để khỏi bị xem là trách móc, tôi chỉ ngập ngừng hỏi: “Sao không mời cụ Mạnh”? Câu trả lời là “Vì lo cụ không được khoẻ”. PGS Nguyễn Văn Long, nguyên chủ nhiệm bộ môn Văn học Viêt Nam hiện đại, dự hội thảo, nhưng không phát biểu. PGS Nguyễn Thị Bình, nguyên chủ nhiệm gần đây nhất của bộ môn Văn học Viêt Nam hiện đại, được mời phát biểu, nhưng chị khéo léo từ chối. TS Trần Hạnh Mai, TS Phan Hồng Xuân, TS Dương Thị Hương, TS Nguyễn Thu Nga… cũng không phát biểu, có lẽ họ giữ tư cách chủ nhà.
Cũng như phần lớn các hội thảo trên đất nước ta, đến 12 giờ trưa, hội thảo thành công tốt đẹp. Nếu phải nói về hội thảo tóm gọn trong mấy chữ, thì tôi thấy thế này: “Hội thảo bị ngạt tính từ, thiếu chất trạng từ”.
Bữa cơm trưa thật vui, ấm cúng. Dàn nữ tiến sĩ văn chương của chủ nhà ĐHSP Hà Nội trẻ, đẹp, duyên dáng, và mến khách. Thế này thì tổ chức hội thảo nào mà chẳng thành công.
Sau bữa cơm, cử tọa quây quần bên ấm trà Thái Nguyên. Màn đọc thơ sôi nổi và đầm ấm. Riêng tôi, tự thấy như có lỗi vì không đóng góp được gì cho hội thảo, tôi xin đọc bài thơ “Nghĩ lại về Pautovsky” của Bằng Việt:
(Trích)
“Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, cuộc đời không phải thế
Giọt nước soi trên tay không cùng mầu sóng bể
Bể mặn mòi sôi sục biết bao nhiêu…”
“Nhưng không phải thế đâu, không phải thế đâu, anh hiểu rằng không phải
Như tuổi thơ vừa đó đã xa vời…”
Cuộc vui nào rồi cũng có lúc tàn. Trước khi chia tay, cử toạ cùng nhau nhại theo giọng Phạm Quỳnh nói về Truyện Kiều mà cao giọng thế này: “Văn học thiếu nhi còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn.”
DƯ CHẤN
Hôm sau, tối 17/9/2015, tôi và mấy người bạn có cuộc rượu Mai Châu. Nghe tôi kể về Hội thảo hôm trước, bạn tôi, một nhà toán học đẳng cấp, bảo: “Mọi người rỉ tai nhau rằng Nguyễn Nhật Ánh thuê chừng 20 người viết truyện, để ông ta ký tên”. Cô bạn xinh đẹp ngồi bên, bị hút vào câu chuyện, bèn hỏi: “Anh có chứng cứ gì không”. Ô hay, ở cái đất nước này, đến tham nhũng tràn lan còn chẳng có chứng cứ nào, huống chi chuyện viết văn thuê. Riêng phần mình, tôi chẳng quan tâm đến chuyện viết thuê, nếu có. Trước hết, chuyện đó không phạm luật, luật của Việt Nam cũng như của bất kỳ quốc gia nào khác.
Để luận bàn, ta hãy nhớ về nhà văn Pháp Alexandre Dumas (1802-1870), tác giả những tiểu thuyết nổi tiếng Ba chàng lính ngự lâm, Bá tước Monte Cristo… Bạn cứ thử cầm lên một cuốn truyện của ông và đọc thử một đoạn. Tôi đố bạn đủ sức gấp cuốn truyện đó lại trước khi đọc nó nghiến ngấu cho đến hết. Điều này đã diễn ra suốt gần 200 năm qua, với hầu như tất cả loài người. Cũng có những lời đàm tiếu về việc Alexandre Dumas thuê những cộng sự viết cho ông. Dù sao, ông đã được thờ trong điện Panthéon. Mặt khác, văn chương của ông, dù nổi như cồn, vẫn là thứ văn chương giải trí, và chưa bao giờ được xếp ở hàng đầu.
Một ví dụ khác, từ giữa thế kỷ 20 xuất hiện một cái tên nổi tiếng, Nicolas Bourbaki, tác giả của hàng loạt chuyên khảo toán học hàng đầu thế giới. Không lâu sau, cả thế giới đều biết Bourbaki không phải một người, mà là một nhóm các nhà toán học Pháp lừng lẫy. Chưa bao giờ có bất kỳ công bố chính thức nào của Bourbaki, thừa nhận rằng đó là một nhóm, và về những thành viên của nhóm mình. Nhưng cả thế giới toán học đều biết nhóm này do những ai sáng lập, hiện gồm những ai, những ai vừa được kết nạp vào nhóm… Những cuốn sách của Bourbaki đều là các tác phẩm hàng đầu. Người khen chúng rất nhiều, mà người chê chúng cũng không ít. Khen thì khỏi phải nói rồi, về chất lượng học thuật, về tính hàn lâm, về sự chặt chẽ trong kết cấu và lập luận. Còn chê cũng đủ kiểu, chủ yếu người ta bảo Bourbaki chủ trương tiên đề hoá mọi thứ, và do đó giết chết sự tươi mát của toán học. Dù sao, Bourbaki vẫn nổi như cồn. Và hầu hết các nhà toán học trên thế giới đều ước ao được trở thành thành viên của nhóm đó.
Sau đây là một ví dụ còn thô bạo hơn nữa. Từ xưa đến nay, khoảng hơn 95% các giới hạn mà con người tính được đều là nhờ áp dụng cái gọi là quy tắc l'Hôpital. Quy tắc này, tiếc thay lại không phải của Marquis de l'Hôpital (1661-1704), mà do ông mua của nhà toán học Thụy sĩ, Johann Bernoulli (1667-1748). Loài người còn lưu giữ được hợp đồng mua bán đó, dẫu rằng cuối đời Bernoulli có phàn nàn về sự không tử tế trong việc thực hiện hợp đồng. Các ông thầy dạy Toán vẫn giảng tường minh về sự mua bán này. Còn quy tắc nổi tiếng đó thì vẫn mang tên l'Hôpital.
Ngày nay, nếu bạn in một công trình khoa học trên một tạp chí của Hội Toán học Mỹ (AMS), thì trước khi bài báo được in bạn phải ký một văn bản chuyển bản quyền, trao cho AMS độc quyền in bài báo này. Văn bản chuyển bản quyền có 2 phần. Nếu bạn là tác giả bài báo, thì ký vào phần A. Còn nếu bạn là chủ sở hữu, thuê tác giả viết bài báo cho mình, thì ký vào phần B.
Tôi phải dài dòng như thế là để chứng tỏ rằng nếu như Nguyễn Nhật Ánh có thuê người viết văn thuê, hoặc cùng viết với ông ấy, thì theo luật pháp và thông lệ quốc tế, cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên hay lo ngại.
Điều quan ngại duy nhất của tôi là tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh (dù đó là tên của một người hay một nhóm người) thực ra ở đẳng cấp nào? Nó có sống được cùng với thời gian hay không?
Nguyễn H. V. Hưng