Triết lí về sự tồn tại bản thể người trong thơ Trần Nhuận Minh là hành trình bền bỉ nhất. Đây là hành trình nhận thức có ý nghĩa triết học, mang tầm vóc nhân loại sâu sắc.
Nhận thức về Cái Tôi, bắt đầu từ sự nhận thức về “cội nguồn” sản sinh ra nó. Bằng hình thức câu giả định, nhà thơ đưa ra hàng loạt những phán đoán.
“Rất có thể, tôi là vang vọng mơ hồ
của những kí thác xa xăm
Mà cha ông xưa
thường bỏ lửng
giữa những trang sách…”
Chịu ảnh hưởng học thuyết luân hồi của Phật giáo, nhà thơ cho rằng, con người không chỉ là thân xác hiện thời đang tồn tại, mà còn là hiện thân của những kí ức thời gian, kí ức tâm hồn bao thế hệ nối tiếp.
Cũng có khi, sự ra đời của Tôi là sự tái sinh của một kiếp loài: “Biết đâu vào một đêm mộng mị/ Tôi cũng được tái sinh/ Có thể là trong những con đom đóm/ Vụt bay ra/ Từ tối sẫm ao bèo… Hoặc “Lội qua những kiếp nào/ Thân ta mới sinh ra…”.
Ngay từ khi sinh ra, định mệnh và số phận gắn chặt lấy con người: “Tôi đâu chọn được giờ sinh/ Chọn được quê hương/ Tất cả đã an bài/ Từ khi Tôi còn lơ lửng như hạt bụi/ Tôi hoang dại giữa cõi đời mê hoặc…”. Thế nên, dù con người có cố vùng thoát khỏi định mệnh bằng tư duy thì cuối cùng:
“Tôi biết Tôi cùng một quy luật sinh tồn
Với con ngựa vằn và cánh buồm nâu…”
Phần thực thể tồn tại khách quan của con người, chẳng qua chỉ là “hạt bụi”, gửi mình giữa chốn trần gian, “hoang dại” giữa cõi đời.
Sống trong đời, đôi khi chính ta không hiểu được bản thân ta. Vậy phải làm thế nào để đối diện được với chính mình? Trần Nhuận Minh đã đi tìm lời giải đáp bằng nhiều hình thức. Đầu tiên cái “Tôi” soi ngắm mình trong thế giới khách quan, tồn tại bên ngoài mình, nơi nó gửi gắm phần thể xác “Soi mặt xuống Vịnh Hạ Long” và chợt nhận ra “Ta nhìn thấy Ta mà Ta không tự biết”. Sau đó, ta đi tìm mình trong thế giới bên trong của chính mình, có thể là thế giới vô thức của những giấc mơ: “Mỗi đêm ta đều tìm lại chính mình…”. Cũng có thể đơn giản, chỉ là trong thế giới tâm hồn, tinh thần: “ Tôi gõ vào ngực tôi…”. Nhưng kết quả trở đi trở lại luôn là “Tôi chả thấy có gì …”. Khi đó, chỉ còn một cách là phân thân để soi chiếu cho nhau: “Tôi trở về/ Gặp một Tôi Thứ Hai đứng chờ Tôi trước cửa nhà Tôi/ (…) Giống hệt Tôi đến mức/ Chính Tôi cũng không phân biệt nổi/ Tôi là một Tôi nào…”. Đôi khi cái Tôi thấy mình xa lạ với bản thân nó, nó nhìn nó mà như không phải nó, nó không còn nhận ra nó nữa: “Chào bạn. Anh đến thăm Tôi ư?”
Ngay cả khi phân tách mình ra thành một hình tượng độc lập để đối thoại với mình “Ta không hiểu bản thân Ta/ Ta phải tạo ra Người”. Người ở đây là Đấng Mê Tơi, Đấng Âm U, ngự trị trên chín tầng cao, với quyền lực vô biên và tuyệt đích. Nhưng vẫn như những lần trước “Rồi chính Người/ Ta càng không hiểu nổi”, đành: “Ta lặng im đối thoại với Vô Cùng”.
Sau hàng loạt các phương thức tìm kiếm, Cái Tôi bất lực nhận ra:
- Ta là vị khách của chính mình…
- Chẳng bao giờ
Tôi hiểu được chính Tôi…
- Nổi chìm bao ghềnh thác
Tôi chưa tìm thấy Tôi…
- Tôi nghe âm âm trong Tôi
Tiếng những bước chân lạ lùng…
Tôi là một, mà chưa bao giờ là một đơn nhất. Càng chiếm lĩnh, càng khám phá, càng thấy một cái Tôi khác, ngoài mình, đang tồn tại. Điều đó khiến nó hoài nghi về sự tồn tại của chính nó, nó có hay không, trong cuộc đời này?:
- Ta có hay không trên cõi đời này?...
- Ta là ai? Hay Ta đã ai rồi?...
- Ta là ai? Giật mình khi chợt thức…
- Ta ở đâu giữa mùa xưa xanh ngát…
- Ta vô danh
trong ba ngàn thế giới vô danh…
Dẫu là thế giới trong quá khứ, hiện tại, hay tương lai, thì Cái Tôi không tìm được lời giải nào cho câu hỏi đó.
Đôi khi, Cái Tôi thoáng chợt nhận ra mình như tổng hoà của vô vàn những mảnh ghép trong thế giới. Một phần, nó giáng sinh mình vào thiên nhiên: “Ta giáng sinh vào Tâm hồn của cây/ Cho màu thu hiu hiu buồn trong lá/ Ta giáng sinh vào Trí tuệ của đất/ Để đêm xuân râm ran tiếng côn trùng…” Nhờ thế mà được bất tử hoá: “Tâm hồn Ta hoà với Hư Không/ Mà thành vô tận…”
Một phần, nó nằm trong huyết thống dân tộc:
“Ta tìm thấy Ta
Trong tiếng đàn bầu…”
Ta còn nằm ngay trong bản thân Ta, thuộc về thế giới của những hoài niệm: “ Mỗi đêm Ta đều tìm lại chính mình/ Trong cõi hồng hoang của những hoài niệm...” và “Sau mỗi bước đi/ Tôi lại tự xoá dấu chân mình…”.
Con người có thể đi đến tận cùng khám phá những bí ẩn của phần thực thể khách quan, nhưng không thể nào đi đến tận cùng những bí ẩn của đời sống tinh thần, bởi lẽ:
“Ta Vô Hạn và Ta Hữu Hạn
Trong vang vang một sợi tơ trời
Bay khắp không trung…”
Ta tồn tại trong ranh giới của hiện thực và hư ảo, một phần Ta là sản phẩm của Cõi Thực, còn một phần vươn tới Cõi Hư Vô:
“Lầm lụi cả đời đi trong Cõi Thực
Mặt chạm vào Hư Vô
Dựng trắng tóc trên đầu…”
Ta trở thành đối tượng mà chính Ta bất lực không lí giải nổi. Cái Ta của một dòng chảy đã có, sẽ có và không bao giờ có: “Có ở trong Ta/ Cái đã có/ Cái sẽ có/ Và cái không bao giờ có…”. Chính vì thế, cảm giác lạc lõng không chỉ có khi nó đối diện với thế giới, mà có ngay cả khi nó đối diện với chính mình: “Sông không nghe được lời Ta/ Nước không nhận ra Ta/ Mây không biết có Ta/ Ta không thuộc về quá khứ/ Cũng chẳng thuộc về tương lai/ Trên quê hương không buồn cũng không vui/ Ta là vị khách của chính mình…”. Cái Ta tồn tại ngoài quy luật thông thường, không nằm trong không gian vũ trụ, vượt ra ngoài dòng chảy thời gian, thoát khỏi sự tồn tại mọi xúc cảm, trở thành bí ẩn vô định đối với thế giới xung quanh và lạ lẫm với chính một phần còn lại của nó.
Cuộc đời con người là hành trình tìm kiếm không mệt mỏi về chính bản thân mình: “Suốt đời Ta đi tìm kiếm/ Cái ở bên Ta mà Ta chẳng thấy/ Cái ở trong Ta mà Ta không hay…”. Cái Ta không thấy, cái Ta không hay ấy, thuộc về vô thức, nó là khoảng trống bí ẩn, vĩnh viễn không thể lấp đầy. Vì thế, hành trình nhận thức bản thể là một hành trình không có chặng cuối cùng, phía trước luôn là một dẫy ẩn số không lời giải.
---------------------
Địa chỉ tác giả
Giáo viên trường PTTH Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội