Những điều tôi sắp nói ra đây biết là không mới, nhưng thấy nó vẫn hiện hữu khăp mọi chỗ mọi nơi nên vẫn cần phải nói.
Có lẽ đề cập đến vấn đề này có thể nhiều người cho tôi là không thức thời và hơi dở hơi, vì ai mà không biết nhà nước ta làm gì mà không nghĩ đến sức dân. Sức cho dân làm việc này việc nọ đều tranh thủ hỏi ý kiến dân có nên làm hay không và làm như thế nào. Các văn bản chỉ thị nghị quyết, chế độ chính sách, đều nhắc nhở người dân “liệu cơm gắp mắm”, đừng “ bóc ngắn cắn dài”, đừng “lãng phí”, “ Có việc mới hình thành tổ chức”. “Phải biết tằn tiện tiết kiệm”…Về công bộc thì luôn nhắc nhở “ Phải hồng phải chuyên”, “ Hãy lo cái lo của dân”, Hãy “ biết vui cái vui của dân”, “Hãy thụ hưởng sau thiên hạ”…
Những suy nghĩ như vậy ai bảo không nghĩ đến dân… Nhất là những việc “đại sự”…đều bàn với dân!
Nhưng trong thực tế cuộc sống lại có nhiều việc nhỏ bàn bạc với dân chỉ mang hình thức nhưng vẫn diễn ra và quá sức với dân , người dân luôn trăn trở không làm không được. Muốn làm việc này việc kia người ta thường lạm dụng “ Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Nào góp tiền làm đường đi, Góp tiền đặt ống dẫn nước. Góp tiền làm đường điện trong ngõ xóm… Gia đình đang còn phải nhiều khoản chi tiêu nhưng người ta lại kêu gọi ủng hộ việc này việc kia, “lá lành đùm lá rách”, “ Lá rách ít đùm lá rách nhiều” . “ Kêu gọi từ tâm tự nguyện không bắt buộc ”…Đối với người giầu có không nói làm gì. Nhưng đối với người thường thường bậc trung, không phải không sinh chuyện. Nhưng đố ai dám nói là tôi không ủng hộ. Tuy chỉ là số nhỏ thôi nhưng nhiều việc nhiều lần nên trở thành to. Phải móc hầu bao để ủng hộ đấy nhưng thực tâm trong lòng vẫn không vui…
Vì là kinh tế thị trường, ai cũng biết nó khắc nghiệt lắm, cho nên rất cần có những việc làm có sự can thiệp của lãnh đạo để nghĩ đến những người dân có thu nhập thấp và thuộc thành phần nghèo đỡ phải khó khăn. Nhưng xem ra các doanh nghiệp, các đại gia luôn nghĩ ra những việc cần làm, nhưng chỉ nghĩ đến cái lợi cho doanh nghiệp cho bản thân đại gia nhiều hơn. Nào mẫu mã cho đẹp, nào quảng cáo ầm ĩ quá với giá trị thực và chất lượng của nó.
Người ta đã đi mua đồ phế thải để đem về chau chuốt tân trang để hét giá đồ ngoại thu lợi nhuận về cho cá nhân nhà doanh nghiệp… Bỏ tiền tỷ ra mua đồ đã hết “đat” đem về bỏ xó.Người ta bảo giá cả phải xoay quanh giá trị, giá trị được hình thành từ lao động sống và lao động vật hóa ( Sức lao động đang hiện hữu và hao mòn máy móc cộng cụ sử dụng vào sản phẩm đó)… Tất nhiên thời đại khoa học kỹ thuật tiên tiến phải cộng cả những sự suy nghĩ của những bộ óc siêu việt…
Nhưng vì lợi nhuận các doanh nghiệp , các đại gia đã tính những chi phí vượt quá ngưỡng thực tế bỏ ra ,cộng thêm với lòng tham của con người nên đã hành sử lừa đảo gian dối mà người đời nói là “ thất Nhân Tâm” “Không có lương tâm”… chính vì thế mới có những con đường đắt nhất hành tinh, có những công trình thế kỷ chưa đầy hai ba năm đã chóc lở sụt đổ, những tượng đài hoành tráng bằng tre và gạch đỏ, những cơ quan văn phòng còn tuổi thọ có thể còn sử dụng được 5-10 năm nữa nhưng cũng bị đập phá đi để xây dụng cái mới to đẹp hơn hoành tráng hơn cho xứng tầm trong khu vực, cho người ta trông vào. Có những biệt thự to đẹp tiền tỷ khi sang tay cho người chủ khác thì ngay lâp tức người chủ mới dùng cần cẩu xe gạt đến húc đổ phá ngay để xây lên những ngôi nhà khác hợp thời trang tuy có nhỏ và bé hơn để chia cho con cái và dòng họ, như vậy đứng về xã hội mà nói là quá lãng phí. Nói người ta có tiền người ta có quyền làm…Nhưng phải biết đấy là tiền của xã hội, của nhân dân , đều nằm trong cái két nhà nước cả. Người có tiền vung tay quá trán thì người nghèo phải chịu thiếu thốn vì có tiền đâu mà xài cho nên phải chịu phận nghèo hèn…Những bàn ghế hội trường bây giờ đều bọc nỉ loại sang trọng. Nơi tiếp khách đều làm bằng loại gỗ quý hiếm gọt đẽo trạm trổ rồng phượng cầu kỳ. Những Đại gia công quyền đều nhà cao cửa rộng, nhà lầu xe hơi…
Thời kỳ bao cấp các cấp lãnh đạo luôn có tư tưởng chỉ đạo : Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Người ta phân tích kết cấu giá thành một cách thật hay, nó biểu hiện ở công thức ( C+V+m) . Người ta đã phân tích mổ xẻ nó : C : là gì? Là máy móc thiết bị, là lao động quá khứ, là tư bản bất biến là do quá trình lao động của thế hệ đi trước để lại, hay nói một cách cho có nhân văn một tý : Là cái đã thể hiện mọi người đã vì mình . V : Là gì? Là chi phí lao động sống đang phục vụ trực tiếp làm ra sản phẩm đó, là tư bản khả biến ( có thể thay đổi do làm ra nhiều ít sản phẩm hơn), nói nôm na cho dễ hiểu là tiền lương công nhân, là mồ hôi, sức lực người lao động bỏ ra cần được bù đắp bằng tiền. Hay nói một cách có vẻ kinh tế học một tý , là cái việc mình đang làm là để cho mình được thụ hưởng, mình làm vì mình cho bản thân mình. Còn m là gì vậy? Là lợi nhuận, là cái giành để tích lũy cho con cháu, cho thế hệ mai sau, hay nói một cách chính trị kinh tế học : là mình làm vì mọi người…Những nhận thức ấy có đấy nhưng đều bị lạm dụng để tăng lợi nhuận cho cá nhân Nhà doanh nghiệp, Tổng công ty , Tập đoàn nhiều hơn( nghĩa là làm nhưng mang tinh cục bộ bản vị!)… Xem ra dân mình làm ra được nhiều thật đấy nhưng không tích lũy được là bao, vẫn nợ người nhiều, vì năm nào nhà nước cũng thông báo “bội chi”.
Trước đây người ta chi lương chi thưởng đều tính toán kỹ lưỡng và có tiêu chí hẳn hoi , ví dụ việc chi lương chẳng hạn, nhà quản lý phải biết là tốc độ tăng tiền lương bao giò cũng phải nhỏ hơn tốc độ tăng năng suất lao động, nhưng bây giơ mối quan hệ đó ít được xem xét… chính vì thế mới có vị Chủ tịch HĐQT này, vị Tổng Giám đốc kia… có lương cao chất ngất, gấp hàng trăm lần công nhân viên bình thường. Rõ ràng sự phân phối tiền lương tiền thưởng thời nay đang có vấn đề, không có sự can thiệp cua cơ quan quản lý Nhà nước nên mất đi sự công bằng minh bạch… Có nhiều công chức có những thửa đât tiền tỷ… Báo chí cũng rất ít đưa ra được những gương tốt về người Đảng viên, để người dân noi theo…
Đã đành có cung phải có cầu…Nhưng ai là người cầm cân nẩy mực tính toán để cung thỏa mãn cầu và cân nhắc cho người dân được hưởng thụ một cách công bằng không quá đắt đỏ… Cần có sự điều hành cần và đủ cho dân sinh, không bị áp lực là luôn phải suy nghĩ mất ăn mất ngủ về bữa ăn, học phí của con cái năm nào cũng tăng.
Xem các chương trình “Lục lạc vàng”, “Vượt lên chính mình” “ Ngày nữa để yêu thương” mới thấy còn nhiều người khổ quá…Các phương tiện thông tin đại chúng, các chương trình giải trí mở ra quá xô bồ nên nhiều khi làm mất đi tính chân thực, phải xem những chương trình giải trí mà không tiêu thụ được. Làm gì mà nhiều nhà đài như vậy…VTV, VTC…rồi báo chí cũng vậy, báo nào cũng tăng kỳ tăng trang tăng giá…trừ các báo địa phương tỉnh lẻ và một số báo của ngành, của hội, còn không tờ báo nào có giá thấp phải chăng để người nông dân mua đọc. Không biết các nhà quản lý đã kiểm toán giá trị thực của tờ báo chưa, có nhiều bạn đọc không hay chỉ sản xuất in ra để làm giấy bao gói cho các hiệu thuốc bắc hay các bà hàng hoa. Tôi đã thấy ngưới mua báo không đọc mà đem làm lót chỗ ngồi ở ghế đá hoặc giải lên thảm cỏ để bày biện đồ nhậu ? Bây giờ việc cá nhân bỏ tiền để mua báo tuần báo tháng dài hạn xem ra rất hiếm mà người ta đều dùng tiền của công ty để mua…In ra có tiêu thụ hết hay không? Lãng phí cũng ở đấy chứ đâu tốn giấy tốn mực trong khi đó học sinh vùng sâu vùng xa thiếu sách vở để học… Có nhiều ông bố bà mẹ không có tiền cho con đi học bắt các em phải nghỉ, trở thành những trẻ lang thang, đi móc túi, trộm cắp.
Người dân cũng luôn trăn trở, cái gì cũng bảo có nhiều tiến bộ , có chuyển biến tích cực, dân sinh được cải thiện một bước nhưng xem ra cái gì cũng đắt đỏ quá. Bát phở phải 25 nghìn, cái bánh trưng như cái lưỡi mèo phải 5 nghìn, chai tương ớt phải 15 nghìn. Mớ rau, con cá giá cả luôn tăng giảm từng giờ, lạng tép. lạng cua muốn ăn cũng phải bỏ ra 2-3 chục ngàn… Cứ mỗi khi người làm công ăn lương được điều chỉnh tăng lương là giá cả ở chợ cũng tăng theo. Làm sao để có sự ổn định cho người nông dân thôn quê được nhờ. Rõ ràng để có sự ổn định rút khoát phải có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước !
Tôi còn nhớ, khi chúng tôi là những học sinh tại chức, ( cán bộ công nhân được cử đi học) được chuyển đến một trường trung cấp học nhờ, hàng ngày chi tiêu có vẻ rủng rỉnh rộng rãi hơn, sẵn sàng trả tiền cho người bán nắm sôi, củ săn, chén nước chè tăng hơn so với mức các em đã mua trước đây, nhà hàng nói thế nào trả thế không cần “trả giá” ( mặc cả) . Các em học sinh đã phải kêu lên, là học sinh tại chức vì tiền nhiều giầu có không nghĩ đến học sinh chúng em…Nhà trường đã nhận ra sự bất bình thường đó, đã họp học sinh tại chức để kêu gọi các anh các chị hãy vì các em mà cân nhắc trong việc chi tiêu đừng “phá giá” để các em phải kêu không chịu nổi. Tôi kể ra chuyện này, là để liên hệ đến giá cả bây giờ dù rằng bị chi phối theo cơ chế thị trường nhưng thiết nghĩ vẫn có thể can thiệp được chứ không thể ngoảnh mặt làm ngơ cho nó trôi nổi một cách tự nhiên như vậy được.
Giá xăng dầu, vàng bạc đá quý…do giá cả trên thị trường thế giới tác động nên cũng tăng giảm một cách bất thường. Là những cán bộ quản lý thời bao cấp tôi cứ nghĩ sự tăng giảm bất thường thế này có hạch toán kịp thời chính xác được không? Tôi nghĩ nó sẽ tạo ra mớ bong bong, hỗn độn, nhập nhằng chênh lệch giá, lỗ lãi giả tạo, tạo ra những kẽ hở trong quản lý tạo môi trường cho kẻ tham lam lợi dụng đục khoét chiếm dụng …
Những chủ doanh ngiệp đều được học hành đến nơi đến chốn, luôn được trau dồi đạo đức “ liêm, chính, chí công, vô tư” nhưng tại sao đạo đức lại bị tha hóa như thế : Tham tiền, cờ bạc, gái gú…các quan làng xã luôn nẩy ra những việc làm tà tâm ăn chặn, ăn bớt, ăn đút lót của dân…chi tiêu một cách phung phí tiệc túng một cách xả láng. Trong quản lý thường nhắc nhau chi tiêu phải đúng mục đich, tiền nào việc ấy…nhưng xem ra nhiều nhà doanh nghiệp Tập đoàn sử dụng đồng tiền vô tội vạ, không đúng mục đich còn nhiều, dấu diếm đem tiền đầu tư ngoài luồng để tăng thu nhập cho Công ty, cho Tập đoàn ngoài chủ trương kế hoạch vẫn còn… Những việc làm vô trách nhiệm dẫn đến nhà nước có nhiều “nợ xấu”, gây lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng .Nhiều cán bộ có chức có quyền thực thi nhiệm vụ có nhiều sai sót tuy có bị sử lý nhưng không đủ mạnh để răn đe người khác…
Cứ ngồi mà nghĩ thì mới thấy còn nhiều việc bất cập quá. Đảng và Chính phủ còn phải lo cho dân cho nước nhiều. Muốn vậy Đảng phải trong sạch, vững mạnh.Cán bộ phải có kiến thức, có trí thức, có nhận thức, có phẩm chất đạo đúc, trung thành vì nhân dân phục vụ.
Tôi cũng rất đồng tình với nguyên tắc lựa chọn nhân sự vào Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã đề cập là : - có bản lãnh chính trị; - kiên định mục tiêu độc lập và chủ nghĩa xã hội; -tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin; - có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng; - không tham nhũng, cơ hội, hay tham vọng quyền lực; - có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết; - được quần chúng thực sự tin yêu" –
Có thể thực hiện được không? Tôi nghĩ phải thực hiện cho bằng được thì Tổ Quốc ta mới giầu mạnh được …
Toàn bài viết của tôi đều là những suy nghĩ có thể không còn phù hợp nữa, vì toàn đưa ra những khái niêm xưa cũ…. Nhưng tôi vẫn tin rằng những suy nghĩ tuy xưa cũ vẫn có tính thời sự sẽ gợi mở cho mỗi người về một vấn đề gì đó, những công việc gì đó cần phải làm…