Nhà thơ đã tự đổi tên mình từ Trần Bình Minh sang Trần Nhuận Minh, vào năm 70 - 71 của thế kỉ trước. Hình như đấy mới chính là tên gốc của ông, do bà cô, em ruột ông ngoại ông, đặt cho, năm ông mới 3 tuổi. Bà này mù bẩm sinh, làm nghề bói toán mà ông có kể trong Đối thoại văn chương. Quả thực là cụ bà đã rất sáng suốt lựa chọn một cái tên cho cháu ngoại mình, cứ như thể cụ đã chủ tâm cài đặt, sắp xếp, tính toán, lo toan rất chi bài bản cho con đường công danh sự nghiệp của đứa cháu mình sau này. Trần Nhuận Minh tức là “Ánh sáng gấp bội” đã chiếu rọi vào ông, soi tỏ cho các tác phẩm thơ ca của ông ra đời và để cho thiên hạ cứ phải tái đi tái lại mãi mà vẫn phải còn tái nữa… Ông đã được in đến 31 tác phẩm, trong đó có 17 tập thơ, nhiều thi tập đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Thơ Trần Nhuận Minh mang tính nhân văn cao cả, lại được diễn tả cô nén, hàm súc: “ Lòng tốt gửi vào thiên hạ / Biết đâu nuôi bố sau này...”, hay:
Ngày xuân lên phía trước
Tuổi xuân lùi phía sau
Tháng hè loang dưới chén
Mùa đông ngưng trên đầu...
Xuất thân từ một nhà giáo, chuyển sang lĩnh vực văn học - nghệ thuật, rốt cục Trần Nhuận Minh cũng giữ cái chức quan văn nghệ (Chủ tịch Hội Văn nghệ tỉnh)... Mà cái chức ấy đến với ông cũng như ngẫu nhiên thôi, bởi trước đó ông đã nhường sự “chuẩn bị thăng tiến” cho người khác... Mấy lần được mời đi nghe nhà thơ Trần Nhuận Minh nói chuyện, phân tích thơ ở các câu lạc bộ thơ, tôi thực sự kính nể tài diễn thuyết của nhà thơ này. Với cương vị là một nhà thơ chủ tịch Hội, mấy năm ông cầm lái con thuyền văn nghệ tỉnh khá êm ả và bài bản. Trần Nhuận Minh chỉ giỏi thơ, tài diễn thuyết và có trí nhớ siêu việt, chứ cái khoản nhìn người, dùng người thì... hơi bị hạn chế. Ông thường tự thú là hay bị bạn phản, bạn ăn cháo đá bát, qua cầu rút ván... Cái “số tử vi” của ông thế và ông cũng chẳng oán thán gì. Ông đã nói về câu chuyện này trong Đối thoại văn chương. Nghe ông bộc bạch, biết ông không phải là người làm ơn để mong người trả ơn, nhưng tôi vẫn thấy nao nao buồn cho cái nhân tình thế thái ở đời. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thấy thế mới là đời.
Với tôi, dù ai có nói gì chăng nữa, ở đất Quảng Ninh này, Trần Nhuận Minh vẫn là nhân vật số 1, cả về thơ và sử. Sử nhà Trần ở mấy tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình ông thuộc làu làu. Mọi người cứ trố mắt ngạc nhiên nghe Trần Nhuận Minh đọc thuộc làu cả đoạn văn trong chiếu chỉ của nhà vua... lại phân tích rành rẽ sự khác nhau của “chiếu” và “chế” rắc rối cung đình ấy. Đã nhiều lần ông lên tiếng phản bác quyết liệt về những sai lệch trong sách sử, sai lệch trong nhận thức của dân chúng bản địa. Tranh cãi, phản biện hăng hái cả trên báo chí và trên tiệc rượu, tiệc trà. Rồi ông cho in thành một quyển sách nghiêm chỉnh, được rất nhiều người tìm đọc và hoan nghênh [1]. Nhiều phát hiện rất mới của ông cũng khó mà bác bỏ. Một số cơ quan và người có trách nhiệm, đã tiếp thu ý kiến của ông trong việc chấn chỉnh văn bia, sự tích của đình chùa và cả sách giáo khoa. Tính cách Trần Nhuận Minh hơi đặc biệt, vừa đại khái qua loa tuềnh toàng, lại vừa chi ly cẩn trọng, lại pha chút ngang ngang trịch thượng bất cần. Trong cái sâu sắc bác học, ông lại có chút hồn nhiên ngô nghê… Trần Nhuận Minh cho cơm nắm muối vừng nhà mình ngon hơn sơn hào hải vị thiên hạ. Vật chất đối với ông chả là gì. Nhà cửa tuyềnh toàng, bàn ghế cốc chén cọc cạch. Ông chả màng tới xe máy ô tô, chỉ với chiếc xe đạp lóc cóc đến Hội văn nghệ bù khú văn thơ. Ông còn hồn nhiên khoe cả “ tài” của bà vợ. Ông bảo: “Mình mải mê công việc viết lách nên bỏ bê công việc nhà cửa đã đành, lại có bà vợ còn nghệ sỹ hơn cả mình nữa... Một lần, thằng con trai trưởng của mình hốt hoảng bảo: “Bố ơi, nguy to rồi! Con dọn giường cho mẹ, thấy dưới chiếu một tập giấy rất dày, đọc ra là thơ của mẹ, bố ạ! Nguy rồi! ”. Bà xã mình bảo: “Tôi mà in thơ ra thì thơ ông chỉ có mà đút bếp... Thế mới vui chứ! Ở nhà mình, ngay cả cái quạt máy cũng rất nghệ sĩ. Nó thích thì quay mà không thích thì thôi... Tha hồ cho mình bấm...”.
Bà Phạm Thị Diễm, vợ ông Minh cũng đắm đuối với thơ ca lắm. Bữa tôi tới thăm, bà hào hứng đưa tôi tập thơ bà vừa xuất bản bảo tặng bà xã nhà tôi. Bà viết về tâm lý phụ nữ cũng khá… Anh em văn nghệ nói vui, nếu không bị ông chồng bóng to là Trần Nhuận Minh che khuất thì thơ bà cũng… oách. Chuyện này nó cũng giống như nhà thơ Trần Nhuận Minh đi đến đâu, cũng được mọi người giới thiệu trân trọng, rồi mở ngoặc thêm một câu là “anh trai nhà thơ Trần Đăng Khoa”. Người khác có thể không vui, nhưng ông lại vui cười: “Về nhan sắc, tôi còn đẹp trai hơn chú em tôi đấy”. Thiên hạ cũng đã viết nhiều về hai anh em họ Trần, bình nhiều về thơ của họ.
Người tài cũng thường hay bị soi mói một cách oan uổng vì những chuyện vớ vẩn, chủ yếu do các mâu thuẫn cá nhân. Tôi chứng kiến một lần chấm giải Hạ Long, tôi có tham gia vào ban chung khảo. Khi xét đến tập Nhà thơ và hoa cỏ của Trần Nhuận Minh, tôi ngạc nhiên thấy một vị cũng có chức sắc trong tỉnh đứng lên phê phán tập thơ này. Nếu ý kiến phê đúng thì chả nói làm gì, nhưng tôi thấy vị cán bộ nọ phê sai, lại trích câu thơ mà tôi cho là hay trong bài thơ Chơi thuyền trên vịnh Hạ Long: “Cây cổ sống mấy ngàn năm trên đá/ Chỉ cao bằng đầu gối của ta thôi”. Ấy là Trần Nhuận Minh viết về các cây cổ cằn cỗi, rễ xuyên vào các kẽ đá ở các quả núi đá trên Vịnh Hạ Long, tư liệu lấy ra từ tài liệu khoa học mà ông đã có, sau này được công bố, khi Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ hai. Tất nhiên Trần Nhuận Minh có phóng đại thêm, chứ tuổi cây không đến mấy ngàn năm. Ông nói: “Thơ cũng phải có tí dấm, tí ớt để chấm mực nướng chứ, có phải tài liệu khoa học đâu mà cần chính xác tuyệt đối...”. Ông quan kia quy nhà thơ vào tội kiêu ngạo. Sau này tôi mới vỡ lẽ, những ý kiến phê phán kiểu đó, có liên can đến mâu thuẫn, yêu ghét cá nhân. Nhưng Trần Nhuận Minh lại vui, coi chuyện đó như không có.
Cái tính ngang ngang bất cần, lại hay nóng lòng tường minh những chuyện khó phân định đúng sai của lịch sử, đã gây ít nhiều phiền toái cho ông. Có người bảo tôi: “Lão Minh tưởng khôn mà hoá dại, cứ xông vào những chuyện trời ơi đất hỡi để thiên hạ nó chửi cho...”. Ông bảo: “Thế là mừng. Vì mình đã chạm vào cái mà người ta muốn phi tang. Sự gian trá bây giờ ghê gớm lắm. Mình rất muốn lắng nghe để học hỏi từ các bậc cao minh viết bài có dẫn chứng khoa học để phản bác mình, mà chưa thấy. Các vị ấy đọc cả đấy... Còn những xì xào của cái đám “cung quăng” kiếm ăn trong vũng nước ở các đình chùa đền miếu thì chấp làm gì. Cũng thương họ thôi. Không bần cùng về trí tuệ thì đâu đến nỗi thế!...”.
Lúc hứng lên, ông hay khoe với tôi thực lòng về những kế hoạch cho tương lai, về ý tưởng cho những tác phẩm nào đó ông đang viết, hay đã hoàn thành, chờ năm thuận với tuổi mới cho công bố. Ông hạ giọng vẻ quan trọng: “Đêm qua mình thức trắng viết một mạch xong một chương tiểu thuyết. Đọc lại thấy được. Rất mừng. Tác phẩm này mà thành công, mình sẽ nhảy cầu Bãi Cháy tự tử đấy. Mình đã lập một danh sách gồm những người cần phải nhảy cầu Bãi Cháy khẩn cấp, vì đã viết được tác phẩm hay nhất của mình rồi...”. Ông nói: “Quỹ thời gian bây giờ không còn nhiều. Phải cố làm cho xong phận sự của một thằng cầm bút. Phải úp mặt vào tường mà viết, tự quên mình đi vài ba năm... mới hi vọng có được một cuốn sách gọi là... Đã có những nhà văn như thế đấy, mất hút đến dăm bảy năm, bỗng ra mắt một tập sách làm thiên hạ giật mình... Phải cho qua những thị phi rơm rác... Con chim bằng muốn bay cao thì đừng bận tâm đến cái lao xao của lũ chim sẻ”. Tôi bảo: “Ở tuổi bác mà còn viết khoẻ thế là hạnh phúc nhất trần đời, như em mấy năm nay chỉ loay hoay vào kịch bản phim chả cày được chữ nào cho tác phẩm mới”. Ông xì luôn một câu rõ oai: “Chú bây giờ cần quái gì phải viết nữa. Cứ việc ngồi mà hưởng lộc Bến không chồng và Dưới chín tầng trời. Tôi đã ghi tên chú vào diện phải nhảy cầu Bãi Cháy khẩn cấp rồi đấy. Hôm nào nhảy cầu, nhớ qua nhà tôi, tôi tiễn bằng một chén rượu tuyệt cú mèo, nhỉ…”.
Trong câu chuyện của ông, tôi biết có những chuyện ông nói tếu táo, chỉ nhằm mục đích cho vui mà thôi, nhưng cũng có chuyện ông nói rất thực lòng. Thực lòng tới mức khờ dại... Anh em bảo ông chỉ hay nói về mình, nói chuyện trời chuyện đất cuối cùng cũng lại quay về chuyện của chính mình... Nhưng quả thực, có nhiều chuyện ngoài ông ra, không mấy ai biết, vì ông đã sống trong nó từ năm 1962, khi ông mới mười tám tuổi cho đến nay. Có trường hợp chính ông đã khởi xướng và thực hiện nó. Và nó còn tồn tại cho đến ngày hôm nay...
Từ ngày ông thôi cái chức chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, ông có thời gian tào lao trong phòng với tôi và nhà thơ Nguyễn Châu ở trụ sở Hội, vào những buổi sáng. Bữa nào vắng ông là buồn. Bữa nào có ông là nổi đình đám, với đủ thứ chuyện Đông Tây kim cổ, chuyện thời sự chính trị xã hội, chuyện văn chương... Chuyện gì ông cũng rành rõ và nói một cách tự tin, hào sảng, thuyết phục. Mọi người chỉ biết ngồi nghe. Rồi ông đứng lên bắt tay trịnh trọng hết lượt và ra về một cách vội vã....
[1] Tập tiểu luận Thời gian lên tiếng Nxb Hội nhà văn, 2013, gồm 22 bài, ông đã viết và công bố trong khoảng 18 năm (1995 – 2013) ( NBS ).