Trang chủ » Thơ

Những bài thơ thời đánh giặc 2

Trần Nhương
Thứ sáu ngày 26 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Tập thơ
BÀI THƠ TÌNH CỦA LÍNH
(Nhà xuất bản Quân đội năm 1987), tái bản lần thứ 2 năm 2005
Giải thưởng Bộ Quốc phòng 1989

 

Mẹ


Từ lòng Mẹ con lớn lên
Qua vòm cổng đá ong chân trời như ban ngày ào đến
Tuổi thơ ngây vội vàng
Bước chân trâu sá cày bỡ ngỡ.

Khi giọng nói vỡ ra, manh áo chật
Buông theo cày con cầm súng lên đường
Mẹ tiễn con rồi cánh cửa mở ra
Đón vầng trăng vào nhà bầu bạn
Ngày mùa nhớ con đầy nồi cơm mới
Ngày tết nhớ con phấp phỏng câu chào
Con đi núi xanh rừng xanh
Mái tóc Mẹ thắm suốt đường chiến dịch
Rời lũy tre bé bỏng
Con đến với bao la mặt trận trong này.

Lạ nắng, lạ mưa
Ăn qua chôm chôm cồn cào tu hú gọi
Gặp Má mùa mưa cơn đói
Lon gạo vùng ven sáng nhữngcăn hầm
Ngọn đèn dầu le lói mười năm
Quả vườn Má xuống hầm ủ mùa cây mới.
Tiếng cười của Má xuống hầm
Cho mùa xuân 75 òa tiếng hát.

Lại chia tay với Má. Hành quân
Chuyến xe chạy xuyên chiều gió bấc
Cối bên suối nhịp chày rơi lắc thắc.
Mái nhà sàn lợp vào hoàng hôn
Áo chàm xanh Mế đợi
Tiếng súng xa vạt áo Mế sương dầm
Nồi ngô luộc mang lên điểm tựa
Ống cơm lam mang lên điểm tựa
Bếp hậu cứ Mế là anh nuôi
Trạm phẫu tiền phương Mế là hộ lý
Dáng Mế như dáng núi
Biên giới chiều mây bay.

Qua bao cuộc chiến tranh
Trước mũi súng bao nhiêu kẻ địch
Đất Tổ quốc chúng con tỳ lên ngực
Với mênh mông lòng Mẹ Âu Cơ...
5/1984


Sao xanh


Mùa mưa rồi mùa khô
Quân đi nối trời lại
Đưa đường là em gái
Thoi dệt vào ngày đêm

Sốt rừng dày vò em
Tóc rụng đầy răng lược
Gương soi mờ hơi nước
Áo mỗi ngày rộng hơn!

Em gửi lại Trường Sơn
Mười hai năm tuổi trẻ
Dáng em trong đạn lửa
Vằng vặc lòng người đi
*
Với suốt thoi, em về
Nhà máy ngừng sơ tán
Pháo nổ mừng cười bạn
Mùa thu thơm hương cau

Hồng đào rồi cánh sen
Vải dệt xong mấy tấm
Tiếng thoi gieo cần mẫn
Gối đã may chưa em...?

Em cười... thoi đan nhanh
Sợi hóa mình thành vải
Như cái thời con gái
Em hòa vào đời chung
*
Nền trời tím như nhung
Nép sau vầng trăng sáng
Vì sao xanh thầm kín
Nâng bầu trời lên cao...
15/8/1977


Con đường số Bốn


Con đường số Bốn về miền Tây
Như đi thanh thản trong vườn cây
Chuối, xoài bao quả thơm lừng gió
Dịu cả trời trưa ong bướm bay

Con đường số Bốn về miền Tây
Hai bên đường nhựa lúa hây hây
Nắng bỗng vàng hơn màu của nắng
Tưởng sân hợp tác dọn về đây

Con đường số Bốn về miền Tây
Muốn ôm châu thổ trong vòng tay
Con sáo sang sông nhờ điệu lý
Điệu lý đưa anh đến chốn này

Con đường số Bốn về miền Tây
Người lên biên giới chuyến xe đầy
Lá cờ đỏ ấy như tay vẫy
Ấm cả con đường trong ráng mây

Con đường số Bốn về miền Tây
Hoa ở đây mà hương ở đây
Em về sông Hậu mai anh đón
Đồng đất đang cần bao cánh tay

Con đường số Bốn về miền Tây
Để cho thương nhớ đến bao ngày
Mới một lần qua mà đã thế
Nữa là quê kiểng ở nơi này...
Cần Thơ, 1978


Tháng ba hẹn hò


Em về Đà Nẵng hôm nay
Khuất sau núi, khuất sau mây đỉnh đèo
Ngoài này anh đứng trông theo
Khói con tàu lẫn trong chiều hoa lau
Gió từ đâu, gió từ đâu
Lòng ánh con sóng bạc đầu trào lên!

Nhớ sao ngày ấy gặp em
Ba lô vương bụi cao nguyên anh về
Chật đường với súng với xe
Với tiếng cười với ấp e buổi đầu
Trao hoa em đứng hồi lâu
Áo nữ sinh với áo màu lá cây
Em như búp huệ trên tay
Anh như nắng đến dát đầy cánh hoa
Ngũ Hành năm nhánh xòe ra
Sông Hàn xanh, khiến Sơn Trà non tơ
Phố phường rộ một màu cờ
Anh bộ đội hóa một từ thân quen.

Mười năm ngày ấy gặp em
Để nay Đà Nẵng thành miền quê chung
Bận nhiềuchưa thể về cùng
Đưa em một bước một dừng trông theo
Mây dăng níu lấy đỉnh đèo
Anh về níu lấy bao nhiêu hẹn hò
Tháng ba em nhé hãy chờ
Bến sông Hàn với con đò nôn nao.


Các anh đi


Tặng đại đội 209 An Sơn, Thuận Hải
truy quét tàn quân Phun-ro


Các anh đi nhữngnơi chưa có ai qua
Bao cánh rừng quanh năm không ánh nắng
Lá cây mục và rêu mốc trắng
Dấu chân voi tha thẩn rừng già

Đêm đỉnh núi lạnh gai người đốt lửa
Lửa cũng run bần bật rồi tàn
Mưa xối nước ngồi gốc cây thức đợi
Đêm dài như mùa rẫy quê nhà
Với muỗi trắng, ruồi vàng
Với cơn sốt nhai hết lá rừng không đỡ khát
Chăn đắp rồi muốn đắp cả vòm cây
Với đá sắc bàn chân không cất nổi
Với vắt cơm khô gọt vỏ mấy lần
Với ba lô, gạo, súng trên lưng
Với thương nhớ mẹ già nặng gùi trên rẫy bắp.

Các anh đi
Những Gia Rích, Sa Pha
Những Lăng Bá, Sương Mù
Những Long Lanh, Tập Lá
Trận đánh gối lên nhau như ngày gối lên ngày
Phía trước các anh là giặc giã
Đêm ngủ rừng thấy biển mặn trong mơ
Là súng nổ là hành quân gấp gáp
Muốn hát cùng cây đành phải thì thầm
Sau lưng các anh phố nối với làng
Quá yên ả, lời ca như lửa thắp.

Là lúa mùa tiếp theo mùa bắp
Là phiên chợ mai là một buổi khai trường

Anh ở giữa như con đê ôm vòng châu thổ
Thương mùa màng chân choãi đứng quanh năm

Ước gì mai đây hết giặc
Anh rung mã la  nghiêng ngả nhà làng
Cô gái thẹn thùng bỏ trầu, mời thuốc
Nhìn trăng rừng đắm đuối một vành môi...

- Nhưng bây giờ phải đánh giặc thôi
Chưa hết giặc mình chưa ưng cái bụng!
Anh nói thế và cầm lấy súng
Phía sau anh thanh thản một vùng trời...
An Sơn, 7/1981


Biển


- Em rằng biển cũng nghèo thôi
Sắc màu thì phải lụy trời nắng mưa
Muốn nên sóng cậy gió đưa
Dáng hình âu cũng do bờ mà nên
Bao sông gửi nước giao duyên
Biển còn một chút của riêng: mặn mà.

- Em là biển của anh

Dù bao năm tháng vẫn là triều dâng
Thủy chung riêng một tấm lòng

Cho anh đi đến tận cùng nước non...
1977


Con về

 

Hơn mười năm đánh giặc con về
Tóc mẹ nắng đọng vào quá nửa

Con lớn lên đầu chạm vào khung cửa
Mẹ vẫn lo bậc thềm nhà cao
Mười năm ngày nào mẹ cũng ước ao
Con về thăm dù chỉ là chốc lát
Mười năm mẹ ăn bữa nào cũng nhạt
Có miếng ngon mẹ dành dụm chờ con
Đêm dài hay đêm tròn.
Bao lo lắng lại vòng về con cả
Ngày bom đạn mẹ quên mình vất vả
Chỉ thương con nơi hòn đạn mũi tên
Tháng ba mươi đêm lòng mẹ trăng lên
Ánh sáng soi đến nơi con ở.

Bây giờ con về bên khung cửa
Mẹ ngỡ ngàng như chưa dám tin
Tay khẳng khiu cơi trầu mẹ têm
mẹ bảo cau mùa này sai quả
Nghĩ thương mẹ già vất vả
Thèm tiếng gọi bà như thèm lửa mùa đông
Mười năm chiến tranhcon sống với nắng nồng
Nay đi đầu trần mẹ lo con cảm nắng
Gánh nước e vai con da mỏng
Giã gạo sợ bàn chân tê
Thổi cơm ngại sống ngại khê
Cầm cuốc cán long, cầm cày gãy điệp
Đời bộ đội dạy con làm gì cũng biết
Thắng giặc rồi con trở về đây
Mẹ vẫn coi con thơ bé những ngày...

Mẹ như cây đào quên nỗi mình gầy
Dồn cho hoa lửa ấm
Mẹ là mặt trời cho con đi muôn dặm
Mỗi sợi bạc trên đầu - một tia nắng cho con...
6/1977


Ký họa


Lưng lửng chiều sương lưng lửng
Hoa đào e ấp ở đầu cây
Tiếng chim bất chợt trong im lặng
Sóng sánh rừng xa sóng sánh mây

Sóng sánh dù hoa phiên chợ Tết
Nhạc ngựa trốn tìm trong tán cây
Vách núi nhà ai nhen lửa bếp
Không gian sóng sánh rượu cầm tay

Bỗng nhiên rũ hết ngày sương giá
Điểm tựa tinh khôi giữa đất trời
Tở mở đầu non cây nhú lá
Rì rầm cuối bãi suối vang lời

Tiếng cười ai đó như cầu bắc
Dẫn lối anh tìm ra dáng em
Dáng em ở giữa hư và thực
Thấp thoáng hoàng hôn trăng đã lên

Mùa xuân như thể thư tình mở
Hai đứa hai đầu vẫn đọc chung
Trời đất nói gì trong sắc cỏ
Như ngàn nét chữ trước mênh mông...
1985


Tiếng hát trên trận địa


Chẳng có gì hơn là một chiếc ghi ta
Dây đàn gỡ ra từ dây điện thoại
Hộp đàn vỡ sau đợt hành quân
Khóa lên dây cái còn cái mất.

Ấy là nhạc cụ của đại đội chúng tôi
Những đêm liên hoan bên bệ phóng
Chúng tôi hát cùng mặt trời cùng ánh sao khuya
Cùng những ngày đã qua và những ngày đang tới
Chân mây chớp lên nhức nhối
Cơn mưa oằn mái rạ một miền quê
Quê hương ở xa thư chạy mấy tuần
Con tem bạc như người già trước tuổi
Báo cả tháng đọc dồn mà vẫn mới
Tóc cắt cho nhau mái trắng mái xanh
Sức trai tráng áo mau sờn dễ rách
Lấy dây đồng khíu lại để chờ kim
Hôm trời mưa thì lính ta rất khoái
Đỡ xuống khe tắm giặt được đôi tuần
Leo núi nhiềulại nở bắp chân
Ở hầm nhiềudáng đi hơi cúi
Sống trên núi nên mình cao hơn núi
Trăng hôm già nhợt nhạt dưới thung sâu

Chúng tôi hát có cần gì đâu
Tăng âm và ánh sáng
Nếu hát sai thì xin hát lại
Chung tấm chăn đơn còn lạ lẫm điều gì

Chúng tôi hát ngay bên bệ phóng
Công sự cao tiếng hát dâng đầy
Quả đạn bềnh bồng
Bốn cánh xòe như mái chèo trên sóng
Khi giặc đến đạn rời bệ phóng
Tiếng hát nâng lên hay đất mẹ nâng lên?
Mục tiêu xóa trên màn hiện sóng
Cánh ra-da thanh thản hứng sao trời

Và tiếng hát lại cất lên
Như chiếc đòn gánh khỏe
Quảy vơi đi bao nỗi nhọc nhằn...
Đoàn Bái Tử Long
1981

Hai bờ châu thổ


Em ngồi đan lưới trên bờ
Bao sợi chỉ bấy nhiêu nỗi nhớ
Tấm lưới đan xong vẫn còn bỡ ngỡ
Anh mang ra khơi

Trao lưới cho anh em chẳng nói nên lời
Đôi mắt cứ nhìn vào đâu đó
Biển bao la tấm lưới nào cũng nhỏ
Chẳng nói gì cho thương nhớ mênh mông

Nơi người đi chớp lửa mưa dông
Con cá trộn với mồ hôi mặn
Tấm lưới buông nơi mặt trời lặn
Và khi kéo lên kéo cả mặt trời lên

Này con cá ót này con cá phèn
Này con cá thu này con cá đé
Hãy theo ta về với bờ bến nhé
Biển mặn mòi gửi sóng đến trăm nơi

Đêm ở biển anh hay nhìn lên trời
Trời là lưới sao mắc vào lấp lánh
Có phải lưới của em đâu nên những ngôi sao ranh mãnh
Đến sáng ngày để lại lưới chơ vơ...

Có một điều như thực như mơ
Khi kéo lưới bỗng gặp em đan lưới
Giữa trập trùng biết rằng anh chẳng tới
Vẫn đợi hoài biển vỗ sóng trong tim

Mặt trời từ nơi anh nối đến nơi em
Tấm võng nhớ thương mắc hai bờ thương nhớ
Đôi tay cần cù như phù sa màu mỡ
Châu thổ xanh bồi đắp cho đời...
2/6/1977

 

Thương em

Tặng C.


I.
Một mình em, một mình em
Ban đêm với một ngọn đèn là hai
Ban ngày c ùng v ới m ặt tr ời
Gánh bao công việc cho người ra đi

Anh đi bom đạn có khi
Nắng mưa phải buổi suối khe phải chừng
Súng dài bè bạn chung lưng
Ôm nhau ngủ lán ngủ rừng cũng vui

Một mình em đứng em ngồi
Bữa cơm còn vắng câu mời, bát đưa
Thương em ra chợ ngẩn ngơ
Cái làn rau xếp với dưa chẳng đầy

Anh thì nay đó mai đây
Tuổi xuân với khẩu súng này trong tay
Cây thông vui với gió lay
Cây cầu nối với bờ này bến kia...

II.
Lá thư em viết giữa khuya
Nét về chập tối, nét về ban mai:
Anh đi núi rộng sông dài
Sao hôm nối với sao mai trập trùng
Rét nhiềuáo có dày không?
Hanh khô nước có đủ dùng hay khan?
Còn em trước xóm sau làng
Phao dầu, viên thuốc, mùa màng chung lo
Miếng khi đói, gói khi no
Bát cơm giáp vụ nghiêng bồ giúp nhau
Anh đi đâu, anh về đâu
Nhớ nhà chân có vấp đau bao giờ?
Chiến hào nhữngđêm gió mưa
Mái tăng có giữ được khô chỗ nằm?

Em canh cửi, em dâu tằm
Bát cơm ăn đứng lại thầm nhớ anh
Bao nhiêu trái chín để dành
Thương anh thèm cả bát canh cua đồng

Việc nhà em gánh em gồng
Cho anh trấn giữ một vùng nước non
Anh đứng lo nghĩ ngổn ngang
Khi nào bớt giặc về làng mấy hôm...

Thư em như trận mưa nguồn
Anh như cây cỏ bồn chồn búp xanh
Đầu đau khỏe khoắn mái đình
Cậy vào cây cột một mình đứng nâng...
Yên Lãng, 1-1981.

 

Thơ gửi con


Cho Đoàn, Đồng


Bố lên rừng trọn tuần trăng
Nhớ thương suốt tháng nên rằm cho con

Nhà mình cái cảnh neo đơn
Một người vắng bỗng rộng hơn căn buồng
(Căn buồng mười mấy mét vuông
Nào bàn nào tủ nào giường. Còn đâu...)
Anh em con trốn tìm nhau
Cái chân chưa kín, cái đầu choài ra
Giữ nhà nên chơi trong nhà
Mẹ về hai buổi được ra với trời...

Ước gì gần lại đôi nơi
Bố đưa hai đứa lên chơi vài ngày
Tha hồ theo đội ươm cây
Chè gieo sớm để mai ngày búp non...
Hay đi với đội khai hoang
lật trang hoang dại sang trang mùa màng
Con đi thả sức dọc ngang
Chân dừng đội nọ lòng sang đội này.

Yêu thêm mảnh đất miền Tây
Thương con bố chẳng ngơi tay mở rừng
Mai đây từ một căn phòng
Con đi ra với mênh mông đất trời...
Đà Lạt, 24/8/1977

 

Tháng Tư năm ấy


Tháng Tư năm ấy
Chúng tôi về Sài Gòn
Với ba lô vương bụi đất Trường Sơn
Với đôi dép cao su qua bao chiến trận
Với cánh chim Lạc Việt.
Quần tụ về núi sông.

Tháng Tư năm ấy
Những quân đoàn
Trong vòng tay thành phố
Trong vòng tay nhân dân
Nụ cười và nước mắt
Cờ và hoa.

Tháng Tư năm ấy
Chúng tôi mang về một sự thật
Chúng tôi mang về một vầng trăng
Có thể vầng trăng chưa tròn
Khi quay nửa vòng trái đất
Nhưng đó là vầng trăng vằng vặc
Từ trống đồng bay lên...

Tháng Tư năm ấy
Những chuyến tàu thống nhất
Những bưu cục mở ra vội vã
Tìm nhau trên mặt báo
Tìm nhau qua dáng hình
Tìm nhau qua giọng nói
Đất nước gặp trang Kiều
Gặp Lục Vân tiên ngày tái hợp.

Tháng Tư năm ấy.
Chúng tôi về Sài Gòn
Như một điều không thể khác
Chúng tôi gặp bến tàu đưa tiễn Bác
Để bây giờ thành phốbiết buông neo.

Tháng Tư năm ấy
Tháng Tư ngày ấy
Suốt đời nhớ mãi một mùa xuân...
11/3/1983


Chiều chia tay trên đường Thanh Niên


Tặng Lê Trung Nguyệt


Tiễn nhau trên đường Thanh Niên
Hai bờ sóng vỗ bao điều náo nức
Tán phượng mang bầu trời xuống thấp
Cơn gió chen ngang câu nói ngập ngừng

- Ngày mai anh đi em có buồn không?
Con đường đôi một mình em đến lớp
Một mình em giữa hai bờ nước
Cây phượng cây bàng cành cứ níu sang nhau?

- Em chẳng buồn đâu
Chỉ nhớ anh nơi rừng hồi, rừng quế
Đường biên giới là vòng tay của mẹ
Là vòng tay của em
Đêm đêm khi vầng trăng lên
Em gửi một vành trăng in trên nòng súng
Anh đừng nghĩ em còn bé bỏng
Đã là cây đều mang dáng của rừng!

Cơn gió chen ngang câu nói ngập ngừng
Con đường ngắn trong chiều dài lưu luyến
Nơi biên giới ngày mai anh đến
Làm cánh rừng ngăn cơn bão lăm le

Để tiếng sáo diều ran ríu với bờ tre
Ống khói thở nhịp đất đai xây dựng
Lúa cho đồng mùa nắng
Người cho nhau tiếng hát của người.

*
Chiều đưa nhau cái nắng cũng bồi hồi
Anh mang về nơi súng nổ
Đường biên giới giữ nguyên lành xứ sở
Bắt đầu từ con đường chúng ta đưa nhau...
23/11/1978


Giữa mênh mông trời xanh

 

Giống như một dòng suối
Bất ngờ rồi chia tay
Tưới mát bờ vai ấy
Xanh suốt chiều xa xôi

Anh ước là dòng sông
Uống đôi dòng suối đó
Anh ước là ngọn gió
Đung đưa hai bờ xanh

Ngày nào lên điểm tựa
Hòm đạn vác trên vai
Giữa nhì nhằng chớp lửa
Mái tóc xanh mái đồi

Giữa lưng trời lửa khét
Giữa lưng trời đạn rung
Giữa lưng trời mái tóc
Giữa lưng trời dòng sông!

Nhưng rồi trong chốc lát
Em về đâu em ơi?
Anh như người đang khát
Nhìn dòng sông cuối trời!

Nên anh thành tiếng gọi
Giữa ồn ào âm thanh
Nên anh thành chóp núi
Giữa mênh mông trời xanh...
Hà Nội, 79-83


Những lá thư đổi mùa


I.
Mùa đông
Anh ghé thăm nhà
Em dẫn học trò đi thực tế
Cái mùa đông sao mà rét thế
Suốt con đường lá sấu rụng vàng hoe
Thế là anh lại đi
Lòng những giận những thương lẫn lộn
Với công việc đêm ngày bận rộn
Thư viết về tháng có tháng không
Ấy thế là suốt cả mùa đông
Thư em đến ấm nồng như lửa
Vây quanh anh bao nhiêu thương nhớ
Đến trời cũng vội nắng hoe lên.

II.
Mùa hè
Em tới thăm anh
Anh đã xuống bản xa công tác
Thuốc với chè em mang ra phân phát
Bạn bè anh ái ngại nhìn em
Em ra về đường cứ thấy xa thêm
Vạt cỏ cháy ráng chiều bốc lửa
Sao anh chẳng nói gì, để lỡ -
thầm trách anh - đường đất có gần đâu
Công tác về thư trước nối thư sau
Thương em lắm con đường xe xóc quá
Thư anh về như cơn mưa kỳ lạ
Em cười thầm
Ve ngoài phố thôi kêu.

*
Em ơi em bởi có một tình yêu
Nên thời tiết cũng chiều lòng ta đó
Và đất trời như thư tình để ngỏ
Chỉ dành riêng cho đôi lứa yêu nhau...
28/4/1984
Thơ tình trên biển
Biển như cô gái lớn lên
Biết bên dậu có mắt nhìn với sang
Sáng áo lá, chiều áo lam
Giữa trưa áo sáng từng làn sóng thêu
Bấy lâu chót đã thầm yêu
Mà bờ cát cứ sớm chiều lặng im
Biển duyềnh lên
Biển duyềnh lên
Cho ngàn con sóng bắn tin vào bờ...

Bờ yêu biển đến thẫn thờ
Đắm say nhiều có bao giờ nói đâu
Trách ai chẳng hiểu lòng nhau
Dựng trăm con sóng cho đau nỗi bờ
Bờ càng như tỉnh như mơ
Đã vây quanh biển vẫn ngờ còn xa
Giãi bày bờ cát nắng pha
Lòng trung trinh chẳng nói ra sao mòn

Nghĩ rồi biển hết giận hờn
Thương bờ quá, sóng bồn chồn riếng ru
1978


Chiều mưa trên sông Cấm


Sông Cấm chiều mưa như rộng ra
Nhà ở bên sông chẳng rõ nhà
Người sang phà Bính chân mau bước
Còi mới vang lên tiếng đã nhòa

Nhà máy xi măng trời lẫn khói
Nhịp cầu Thượng Lý nối bờ mưa
Thuyền ai loáng nước sào phơi lưới
Trời cuộn trong buồm gió ngẩn ngơ

Vật Cách lưa thưa cần cẩu dựng
Lưa thưa ống khói mấy con tàu
Sắc cờ bè bạn đôi giọt nắng
Đủ để cho người thương nhớ nhau

Tàu về Hạ Đoạn mang về cá
Chớp bể neo vào sáng bến mưa
Cần cẩu hết mình quay hối hả
Bếp chiều ai đó nhóm lên chưa?

Khẩu súng trên đê trùm áo bạt
Nhấp nhô mũ sắt lính phòng không
Mấy cô thợ cấy đưa câu hát
Như đẩy tao nôi mát cả đồng

Sông Cấm chiều mưa như nhận lấy
Nắng nồng đất cảng dưới dòng trôi
Lửa phượng phố nghèo nguôi sức cháy
Mùa thu gửi lại. Hải Phòng ơi...
Cảng, 12/1980

 

Ghi trên điểm tựa


Ba vành khăn một đỉnh đồi
Một đỉnh đồi với ba người chúng tôi
Ăn thì đứng, ngủ thì ngồi
Trăng non hay miệng một người rất quen
Chắc từ xóm ấy trăng lên
Trăng lên như thể làm duyên cho trời
Chúng tôi chốt ở đỉnh đồi
Mang tên cho đất - đất phơi xác thù

Hầm kèo, hầm ếch nhấp nhô
Toàn trai tráng lại đi gù cái lưng
Ba lô con cóc quai chùng
Ba người thành của cải chung ba người
Ba khẩu súng một quả đồi
Ba quê hương với một trời mênh mông
Ba người một mũi xung phong
Ba tia chớp nở từ cùng đám mây
Ba người như thể ba cây
Ba cây súng dựng núi này cao hơn
Dù cho trăm đợt sóng cồn
Chúng tôi còn, Tổ quốc còn người ơi

Đánh xong giặc, phút thảnh thơi
Ngồi lau súng hát đôi lời nhặt khoan
Nhìn nhau rồi bỗng cười vang
Ba anh lính hóa một dàn đồng ca...
Chi Ma, 2/1979


Bài thơ tình của lính


Anh đi tìm em, anh đi tìm em
Cô gái trồng rừng ở giữa rừng rộng quá
Rừng vẫn quen mà sao thấy lạ
Gió tìm cây lòng anh bỗng rì rào

Em ở nơi nào, em ở nơi nào
Rừng lắm suối, suối đâu cũng chảy
Qua rừng quế, rừng hồi chẳng thấy
Đến rừng tre mong một sự tình cờ

Người ngẩn ngơ đường cũng ngẩn ngơ
Ơ dáng núi lại làm anh dịu mát
Gặp một nhịp cầu hình như mới bắc
Mối lạt dang ai buộc vẫn chưa khô

Nước chảy lơ thơ
Ước gì được về nhà dối mẹ
Rừng ơi rừng nỡ mênh mông thế
Cây liền cây anh vẫn một mình

Bảo anh si tình, ừ cũng si tình
Trách gì lính qua nhữngngày nắng lửa
Em lên chốt đạn vây bốn phía
Bàn tay mềm vết thương anh đỡ đau

Bây giờ em đang ở đâu?
Sau trận ấy em khônglên chốt nữa
Cô gái trồng rừng ươm cây thương nhớ
Xanh bâng khuâng trận địa một vùng

Anh đi tìm em khó nhọc vô cùng
Cánh chim lạc giữa bốn bề cây lá
Còn em đến cứ như phép lạ
Súng vừa vang mái tóc đã ùa lên

Giá mà anh tìm được nơi em
Anh sẽ đón em về với chốt
Vết thương lành băng anh vẫn buộc.
Bởi chưa ai cởi được... lòng mình...
8/1979.


Có lẽ nào em đã đi xa


Có lẽ nào em đã đi xa
Sau trận bom tiếng hát em còn đấy
Cánh rừng cháy và bầu trời cũng cháy
Chỉ con đường còn đó đón xe qua

Có lẽ nào em đã đi xa
Đêm suối lũ giữa ngầm em đứng đó
Suối rộng quá mà dáng em lại nhỏ
Bao xe đi cửa kính nước mưa nhòa

Có lẽ nào em đã đi xa
Ngọn đèn nhỏ đỉnh đèo vẫn sáng
Như bình minh giữa một vùng chạng vạng
Cho người qua yên tĩnh ngỡ quê nhà

Có lẽ nào em đã đi xa
Tay con gái khéo đường kim mụn vá
Áo đồng đội trăm thứ mồ hôi lạ
Xe chỉ luồn kim câu hát mặn mà

Có lẽ nào em đã đi xa
Tóc lá sả thơm suốt đường con gái
Phong lan ngụy trang hoa cuối mùa nở mãi
Nụ cười em gửi lại trong hoa

Có lẽ nào em đã đi xa
Vầng trăng hỏi vào đêm, bông hoa hỏi vào ngọn gió
Đều như thấy em vừa đến đó
Vết chân in đẹp lối em qua

Có lẽ nào em đã đi xa
Ngày toàn thắng biết bao người đều hỏi
Con đường đỏ cháy lên như tiếng gọi
Em ở nơi đâu? Ngơ ngẩn rừng già

Có lẽ nào em đã đi xa...
1977

 

Mặt trời


Đợt thứ nhất
Pháo chúng bắn sang bảy trăm năm mươi quả
Đá không còn là đá
Cây không còn là cây
Triền đồi như ruộng mạ mới trang gặp trận mưa rào
Mười chiến sĩ chảy máu tai...

Đợt thứ hai
Pháo chúng bắn sang một nghìn hai trăm quả
Đá tan ra thành đất
Đất tan thành bụi trời
Cây bị nghiền như làm bột giấy
Triền đồi đất lỏng
Hai mươi chiến sĩ điếc đặc
Bụi đỏ táp đầy người.

Đợt thứ ba
Đợt thứ tư
Không ai còn nghe pháo nữa
Chỉ còn thấy chớp lửa
Và sức ép liên hồi
Như trái núi đè lên ngực
Mọi người nhìn nhau
Lấy tay làm hiệu
Nhìn đôi môi mà đoán ra lời
Không thể nói gì
Không thể ra mệnh lệnh
Sự tinh khôn của lính
Tìm ra một cách thông tin
Lấy dây buộc vào thắt lưng!
Giật mạnh ấy là giặc đến.
Sau pháo bắn bộ binh giặc tràn lên
Kèn đê rúc liên hồi
Sao đỏ như tàn lửa rơi
Triền đồi bụi hòa vào bụi
Năm mươi nét
Ba mươi nét
Mười mét
Sợi dây căng ra suốt dọc chiến hào
Đạn đồng loạt quét vào lũ giặc
Sườn đồi quang đi loang lổ xác thù.

Hoàng hôn
Người lính tạm tháo những nai nịt quanh người
Tạm chút bỏ nỗi nhọc nhằn trận mạc
Tháo sợi dây ở thắt lưng ra
Níu mặt trời vào điểm tựa
Và ở đấy mặt trời không lặn nữa...
Hà Tuyên, 1984.


Tiếng hát sau trận đánh


Sau trận đánh trời xanh như mới thấy
Nắng bỗng mang sắc lúa ở quê lên
Dọc chiến hào nhiềuchỗ đất dày thêm
Người với súng ngỡ ngàng sau đạn lửa

Lá cờ Đảng vách chiến hào rực đỏ
Hay mặt trời từ đỉnh núi bay lên
Chúng tôi đứng trang nghiêm
Nghe đồng đội đọc đơn gia nhập Đảng

Cánh tay anh còn găm mảnh đạn
Máu thấm qua mấy lớp băng xô
Cánh tay anh có phải con đê
Cho cây lúa khôngbị vùi dưới sóng
Khi quân thù cách chiến hào một chiều dài khẩu súng

Anh bật lên sáng loáng đường lê
Trung đội theo anh
Sau ánh chớp nhoáng nhoàng lửa đỏ
Sườn đồi phơi xác giặc ngổn ngang

Giờ anh đứng trước lá cờ chói lọi
Lá đơn cầm ngọn gió rung rinh
Chúng tôi đứng sau anh
Như câu hát dưới từng nốt nhạc

Rồi tất cả chúng tôi đều hát
Đấu tranh đây là trận cuối cùng
Trời trên đầu nắng lọc xanh hơn
Chiến hào ấm trong vòng tay đồng đội
Lá cờ đỏ như một lời kêu gọi
Vòm ngực phập phồng khẩu lệnh xung phong
1981


Một buổi đường xe mà anh chưa thể


Một buổi đường xe là anh về bên em
Lại sóng sánh hồ Tây
Lại dung dăng chợ hoa Hàng Lược
Lại đạp xe Yên Phụ, Nghi Tàm

Một buổi đường xe là anh về bên em
Lại rối bận những dầu những gạo
Nồi bánh luộc phải bốn mùa tần tảo
Phiên chợ đông ngơ ngác giữa người mua

Một buổi đường xe là anh về bên em
Cánh đào trong bình đang nở
Hương khói thơm trên bàn thờ tiên tổ
Đêm giao thừa anh và em

Một buổi đường xe là anh về bên em
Bao sự thật chẳng còn phỏng đoán
Vòng tay anh qua đạn dày lửa đạn
Lại dịu dàng ôm em...

*
Chỉ một buổi đường xe là anh về bên em
Mà anh chưa thể
Vì kẻ thù
Cũng một buổi đường xe
Là chúng ùa đến cửa
Mùa xuân sẽ cháy bùng trong lửa!

Chỉ một buổi đường xe
Mà anh chưa thể...
1985


Gặp Rừng Nga


Căn hầm nửa nổi nửa chìm
Dưới tán lá rừng hồi rừng quế
Gió đông bắc vuốt trên mái lá
Đêm biên cương mờ ảo sương giăng

Sau giờ trực chiến
chiến sĩ trở về nhà hầm
Bỗng gặp Rừng Nga
Gặp Lê-ô-nốp
Trang sách mở ra bát ngát phương trời
Những cánh rừng Tai-ga
Ngàn tháp xanh trên tuyết trắng
Những cánh rừng bạch dương
Mỗi thân cây một mặt trời dựng đứng
Lá non tơ trong trẻo đến khôngngờ

Rừng Nga
Có phải được ươm từ chiến hạm Rạng Đông
Từ thành phố Lê-nin trong vòng vây phát xít

Rừng Nga
Ai gieo hạt từ nhữngngày giá rét
Tuyết rơi mỗi căn buồng thiếu củi, đói ăn

Rừng Nga
Bao bà mẹ góp cho đời hạt giống
Tiễn con đi biết chẳng đón con về

Rừng Nga
Hạt ươm từ Hồng trường ngày chiến thắng
Cờ nhữngbinh đoàn phát xít chấn thành non

Rừng Nga
Hạt ươm từ cánh rừng A-déc-bai-dăng
Từ hầm mỏ vùng Đôn-bát

Rừng Nga
Dưới mặt trời đỉnh tháp Crem-li
Những cánh rừng bật dậy
Những cánh rừng xanh cho trái đất cùng xanh
Cánh rừng Nga gọi cánh rừng bao lục địa
Cánh rừng Nga như thành lũy
Ngăn bão dông cho tiếng hát tìm nhau
Những cánh rừng xanh mãi đến mai sau
Bóng mát cho trẻ con chơi
Lá cành cho chim làm tổ
Và những cánh rừng hóa mình thành gỗ
Bắc suốt hành tinh một nhịp cầu...

Biên cương
Cây súng thức dọc chiều dài biên giới
Làm cánh rừng ngăn cơn bão tới
Chúng tôi gặp rừng Nga...


Thấp thoáng


Biển sâu thấp thoáng bầu trời
Cánh cò thấp thoáng trong lời mẹ ru
Dòng sông thấp thoáng con đò
Mùa đông thấp thoáng mơ hồ nắng xuân
Thơ anh thấp thoáng bao lần dáng em
Giữa chiều thấp thoáng trăn lên
Quê nhà thấp thoáng bao miền nước non
Hoa nhài thấp thoáng hương thơm
Thời gian thấp thoáng qua trên đầu mình
Người xinh thấp thoáng càng xinh
Lời nghe thấp thoáng hóa thành nhớ lâu
Nụ cười thấp thoáng hoa ngâu
Cánh chim thấp thoáng về đâu cuối trời
Bát cơm thấp thoáng mồ hôi
Tuổi già thấp thoáng một thời trẻ thơ
Khơi xa thấp thoáng bến bờ
Nắng nôi thấp thoáng tình cờ hạt mưa
Bây giờ thấp thoáng xa xưa
Chuyến tàu thấp thoáng bao ga dọc đường
Khói chiều thấp thoáng trong sương
Núi cao thấp thoáng con đường xa xăm
Trăng non thấp thoáng đêm rằm
Đắng cay thấp thoáng tháng năm ngọt bùi...

Vì bao thấp thoáng trên đời
Nên cây súng cứ ngời ngời trong tay...
1981-1984


Cô gái đánh dấu đường bay


I.
Anh cảm ơn đôi bàn tay
Vừa mới cầm trăng ở cuối trời xuống đồng vụ gặt
Vừa gội mây trong hương sả hương chanh
Vừa mới nói lời chân thật
Với người con trai qua năm ngón thon mềm
Vừa mới dao xây cắt từng khoảng nắng
Vừa mới bao nhiêu rối bận riêng chung
Tay chai cộm chỗ đồi chỗ núi
Giữa mênh mông công việc đời thường.

II.
Tấm mi ca trong đến lạ lùng
Trong như là không có
Em đứng đó lắng nghe trong tổ hợp
Những âm thanh từ trăm ngả báo về
Đường bay hiện lên qua hồi hộp đầu chì
Tọa độ ấy kẻ thù đang rình rập
Em lôi chúng ra trước mặt
Như mang khoảng đêm bầy giữa ánh ngày

III.
Trước tấm mi ca
Những cán bộ chỉ huy
Những sĩ quan tác chiến
Nhìn đường chì em đánh dấu
Gọi trận địa phòng không quay hướng quay tầm
Và trận đánh diễn ra
Bầu trời như kính vỡ
Đường đạn thẳng căng lao đến máy bay thù
Lửa đỏ
Bao nhiêu đôi mắt nhìn lên
Rồi ống kính quay phim chụp ảnh
Máy bay rơi
Đạn nổ hoa cà...

IV.
Lặng lẽ
Em rời tấm mi ca đánh dấu đường bay
Ra mái hiên gỡ tóc.
Đoàn Hạ Long, 14/1/1981


Đất nước những ngày này


Khi con lớn lên
Con có thể bay vào vũ trụ
Từ sao Kim, sao Hỏa con nhìn về
Dằng dặc những khu công nghiệp
Những tháp khoan dầu
Những cánh đồng mênh mông châu thổ
Nhưng con không thể nhìn về những ngày này
Bằng thấu kính tầm xa
Con hãy nhìn vào trang thơ
Cha viết.
Đất nước những ngày này
Bao nghĩa trang chưa đón hết người về
Bom đã rơi Lạch Trường, Đồng Hới
Dòng sông nào cũng tiếng bờ nam gọi
Hạt gạo sông Hồng sáng dọc Trường Sơn.
Lá cờ đỏ vừa cắm vào Đất Mũi
Bảy Núi, Tây Ninh gặc đã tràn sang
Và một giải biên cương phía bắc
Câu Kỳ Lừa nhịp gãy chém ngang sông.

Nếu không có Đảng, đất nước sẽ về đâu
Trước bao điều dữ dội...

Cái đói nghèo còn theo mãi
chợ sớm chợ chiều giá gạo như nước lên
Bữa ăn thành mối lo ngày đêm
Vài mét vải hai năm nay mặc tạm
Bao cám dỗ những chân trời di tản
Kéo người nhẹ dạ ra đi
Nắng hạn chưa qua, bão lụt lại về
Mùa màng thất bát
Cái cũ kỹ như sợi dây trói buộc
Đâu sao Khuê lấp lánh phía chân trời?

Trước bao điều dư dội
Nếu không có Đảng mình đất nước sẽ về đâu...

*
Khi con lớn lên
Chuyện những ngày này sẽ là cổ tích
Con nhìn vào mái tóc cha
Chắc xanh lại một thời trai trẻ
Và qua những lời cha kể
Nâng con lên vượt sức hút hành tinh.



 
Anh vẫn giữ bông hồng trắng ấy

Có thể em không tin
Bốn mươi tuổi rồi anh vẫn giữ bông hồng trắng ấy

Anh là lính của một thời giặc giã
Đường hành quân đi suốt tuổi xuân
Khi anh vượt Trường Sơn
Làng mình bom nổ
Gian bếp nhỏ trở thành nhà ở
Em mắc màn bồ hóng nhọ bàn tay
Sanh ố bom em trồng một vườn cây
Mai ngày dựng nhà trên nền cũ
Anh đi qua cánh rừng mùa khô
Qua dòng sông mùa lũ
Qua những năm tháng chênh vênh
Qua những chiến trường chênh vênh
Bởi có em đang ở gian bếp nhỏ
Như xà ngang giữ vững cả vì kèo.

Có thể em không tin
Bốn mươi tuổi rồi anh vẫn giữ bông hồng trắng ấy.


Biên cương hoa bann ở sáng rừng
Và sương buông như khói bếp chiều chiều
Điểm tựa!
Đất nước ở phía sau không thể lùi được nữa
Lùi một bước là giặc ùa đến cửa
Bà con mình rồi sẽ sống ra sao!
Biên giới này không để giặc vào
Cột mốc dựng chân dung chiến sĩ.
Chiều nay em lội xuống đồng
Lá lứa sắc mồ hôi lại mặn
Con chim tránh nắng tìm bụi cây
Em và mặt trời đối mặt
Chợ huyện gạo kém hơn phiên trước
Về nghiêng bồ ăm ắp nỗi lo
Nền nhà cũ trồng thêm dăm luống củ
Vẫn cái gian bếp nhỏ
Em mắc màn bồ hóng nhọ bàn tay
Kỳ phép năm vội vã mươi ngày
Anh chỉ kịp đẵn ngâm dăm cái cột
Mưa ơi mưa hãy đừng làm mái dột
Em khỏi mang xô chậu hứng lanh canh...

Bởi có em nên anh nhận ra anh
Con thác chảy phải nhờ độ dốc
Như cây kia phải nhờ cái gốc
Cho lá cành vươn mãi tới cao xanh

Bốn mươi tuổi rồi vẫn giữ trong anh
Cái bông hồng trắng ấy...
1983.


Mùa xuân


Trời như tường vừa mới quét vôi ve
Sợi mây trắng hay ai vương nét chổi
Và nắng cứ tìm cây len lỏi
Để cho mình mềm mỏng giữa tươi xanh.

Suối hiện ra nét đậm nét thanh
Hoa thấp thoáng chỗ mờ chỗ đậm
Núi như bếp ủ trong mình lửa ấm
Cho khói bay thư thái tản vào mây

Chim như là lâu lắm mới gặp bầy
Nên vồ vập cất lên trăm giọng điệu
Gió và gió la đà men rượu
Làm đất trời như tỉnh lại như say

Em về đâu trong buổi sáng xuân này
Như không biết có người đang nhớ
Con đường rừng khuất chìm trong cây lá
Đã cho em thoáng hiện mơ hồ?

Bến cảng sóng xô
Năm tháng đợi, cầu tàu anh vẫn bắc
Mây xa lắm theo sóng về vẫn gặp
Chỉ riêng em tít tắp nơi nào?

Rồi bỗng nhiên em hiển hiện trên cầu
Anh trấn tĩnh để mình không hóa đá
Pháo bỗng nổ, đất trời hư ảo quá
Đào đột nhiên mang xác pháo lên cây

Anh ngỡ ngàng Xuân ấm trong vòng tay...