Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÌNH BÀI THƠ “NHỚ”CỦA PHẠM TIẾN DUẬT

Lê Lanh
Thứ năm ngày 1 tháng 12 năm 2011 9:56 PM
 Nhân 4 năm ngày mất nhà thơ Phạm Tiến Duật (4-12-2007 - 4-12-2011)

NHỚ
(Lời một chiến sỹ lái xe)

Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó tiếng xe reo…
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
 Phạm Tiến Duật


LỜI BÌNH CỦA LÊ LANH:
 
“ Nhớ” là một bài trong chùm thơ được giải của Phạm Tiến Duật năm 1969. Dù là một bạn đọc bình thường cũng không thể nhầm là một đoạn thơ.Ông Đặng Tiến đã đặt tên cho mỗi câu, tôi e chưa ổn. Ấy là chưa bàn tới những tên gọi đó có chuẩn xác? ( xem VNsố 33. 08). Ngay cả    dòng chữ: “ Lời một chiến sỹ lái xe”(chú giải ở dưới đề bài) cũng cần được suy nghĩ kỹ hơn. Bởi lẽ như thế sẽ có bạn đọc hiểu nhớ cũng  là lời nói. Nhớ,đôi khi cũng biểu hiện bằng lời nói. Nhưng không phải lời nói nào cũng được mở ra từ tâm trạng nhớ. Theo tôi,“Nhớ”là tâm trạng lửa của một chiến sỹ lái xe anh hùng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nói theo cách khác, bài thơ là hiện tượng độc  thoại nội tâm của nhân vật trữ tình. Người thơ nói cho mình nghe bằng thứ ngôn ngữ ẩn. Trách đồng đội mà chẳng ai hay. “ Cái vết thương xoàng mà đưa viện”. Đã có “dị bản”: “Có vết thương xoàng mà đi viện”( VN số 36. 08). Tôi nghĩ không thể thay từ “cái” bằng từ “có” hay số từ “một”. Bởi  từ “cái”  hàm chứa nhiều nghĩa. Nó thường dùng để chỉ một  đơn vị đơn lẻ. Khi  đặt ở đầu câu để nhấn mạnh sắc thái được xác định của sự vật,coi sự vật, sự việc là nhỏ mọn, không đáng gì. Tuy vậy từ “cái” còn ngầm gợi sức mạnh hơn người- anh hùng cái thế. “ Cái”vết thương xoàng”chỉ là sự bao biện của  người chiên sỹ không muốn xa rời đội ngũ. Thực tế thì vết thương không thể “xoàng”. Vì chiến trường lúc nào cũng cần quân. Đưa một người đi viện là vạn bất đắc dĩ. Cũng xin lưu ý là “đưa viện”chứ không phải là đi, đến hay tới viện. Cụm từ “ đưa viện” mang tính khách thể, rất lôgíc với tâm trạng nhớ chiến trường. Xem thường vết thương, thầm trách đồng đội đưa mình đi viện, là một biểu hiện tinh thần quả cảm, hy sinh quên mình của anh lính Trường Sơn.
  Có thể nói những sự việc đã xảy ra trong câu một là nguyên nhân của mọi vấn đề phát sinh ở những câu tiếp theo. Do bị đưa đi viện mà công việc tồn đọng.“Hàng thì nằm đó”con ngựa chiến hí vang. Hình ảnh “ tiếng xe reo”, tả thực hiện trường xe thiếu người lái.“Reo”là một từ tượng thanh nên hiểu  như réo gọi, thôi thúc,không đơn giản chỉ là xe đã khởi động đang chờ người giận ga . Chưa hẳn chỉ câu hai mới có chất thực tế. Vậy câu một thì sao…? Chất thực tế nằm trong tính chân thực của tác phẩm.
 Cũng vì bị đưa đi viện mà anh chiến sĩ phải hứng chịu cái cảnh: “ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo”. Cuộc sống sinh hoạt của người chiến sỹ gắn liền với thiên nhiên. Nơi ngủ là chiếc võng vắt qua hai thân cây giữa rừng. Khi không có cây thì lấy đất làm giường, lấy gió trăng, mây trời làm chiếu. Nằm viện, phải xa những nơi đã qua, đã tới, đã gắn bó, làm sao chịu nổi. Sự “ nôn nao”là hiện tượng sinh lý bất thường được chuyển hóa từ trạng thái tâm lý bất an. Bởi thế câu ba luôn liền mạch với câu bốn. Nhớ trăng, nhớ bến, nhớ lưng đèo là sự gắn bó tình cảm của người chiến sỹ lái xe với không  gian, nơi chốn…mà anh đã trải qua trên bước đường chiến đấu.Vì thế không thể tách hai câu trên theo từng ý khác nhau .
 Phải chăng Lý Bạch đời Đường nhớ trăng là nhớ cái vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên, của cố hương. Còn thơ Phạm Tiến Duật nhớ trăng là nhớ “ Vầng trăng quầng lửa”, nhớ trăng chiến trường cũng có cái vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp nhân văn với sự vinh quang của nó.
 Ta thấy tâm trạng của anh chiến sỹ lái xe bị thương được đưa đi viện, lúc nào cũng hướng ra chiến trường, mong được trở về đội ngũ, tiếp tục chiên đấu “vì miền Nam phía trước”. Bởi lẽ anh đã xác định rõ muốn hoàn thành tốt  nhiệm vụ thiêng liêng đó thì : “ Chỉ cần trong xe có một trái tim” ( Bài thơ về tiểu đội xe không kính). Tâm trạng ấy  có gì hòa trộn với tâm hồn một thi nhân. Đó chính là chất lãng mạn trong thi phẩm.

Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 4
Nhà thơ Phạm Tiến Duật

  4.12. 2007 – 4.12.2011
                L.L.