UBND tỉnh giao Sở Tư pháp
chủ trì trả lời báo
Xung quanh giải thưởng Hồ Xuân Hương đang gây xôn xao dư luận, một số cơ quan báo chí đã vào cuộc và đăng tải thông tin. Cơ quan ngôn luận đầu tiên loan tin này là Tạp chí Văn hóa Nghệ An. Tuy nhiên, tạp chí này lại đổ hết “tội lỗi” lên đầu văn nghệ sỹ mà không hề có một chữ nào nói về sự bất cập trong hệ thống văn bản liên quan đến giải. Cũng liên quan đến tạp chí Văn hóa Nghệ An, người ta đã thấy rõ việc làm thiếu khách quan, minh bạch trong thông tin và cố bênh vực những việc làm khuất tất, sai trái của một số cá nhân. Mới đây nhất Văn hóa Nghệ An lại loan báo: “Ban chỉ đạo giải đã nhóm họp và quyết định sẽ trao giải trong thời gian tới”, coi như chuyện đã rồi. Nhưng cũng mới đây nhất, ngày 28/11/2011, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn giao Sở Tư pháp phối hợp với Hội Liên hiệp VHNT và Sở Văn hóa – Thể thao và du lịch xem xét, trả lời báo Lao động Nghệ An về bài báo:“Giải thưởng Hồ Xuân Hương – không ổn ngay từ khung khổ pháp lý”.
Vậy là, bà Nguyễn Thị Phước ăn ốc, nhưng đổ vỏ lại giao cho Sở Tư pháp. Sao vậy?
Khi bắt đầu giải thưởng Hồ Xuân Hương, bà Nguyễn Thị Phước, Phó chủ tịch Hội VHNT, Tổng biên tập Tạp chí Sông Lam là người bảo lưu quan điểm, giám khảo cũng được dự giải. Có nghĩa là, bà Phước chủ trương, vừa đá bóng vừa thổi còi. Bằng chứng là chỉ một mình bà Phước trái ngược với 4 ủy viên thường vụ Hội VHNT Nghệ An. Khi đưa vấn đề ra Ban chấp hành Hội, có thêm 2 người nữa đồng tình với bà Phước là ông Ngô Đức Tiến và ông Lê Quốc Hán (ông này cũng như bà Phước, vừa là giám khảo vừa là thí sinh đạt giải A).
Bà Phước lạm quyền ký CV số 04
Sau khi UBND tỉnh ra quyết định quy định, giám khảo không tham gia giải thì Chủ tịch Hội – nhạc sỹ Mai Cường bị ốm nặng và đi chữa bệnh ở Hà Nội. Ở nhà, bà Phước mặc dù không có thẩm quyền nhưng đã lấy danh nghĩa Ban chỉ đạo giải thưởng Hồ Xuân Hương (và ban này cũng không có thẩm quyền tham mưu) để ký công văn số 04 đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho giám khảo được dự giải, có nghĩa là tiếp tục vừa đá bóng vừa thổi còi.
Ngày 30/12/2010, sau 38 ngày có quyết định như đã nói, UBND tỉnh Nghệ An ra tiếp quyết định mới, cho phép giám khảo được dự giải. Việc làm bất nhất này đã bị nhiều văn nghệ sỹ phản ứng. Thứ nhất, bà Phước đã lạm quyền để ký công văn tham mưu cho UBND tỉnh, không những vi phạm quy định mà còn là phạm pháp. Thứ hai, UBND tỉnh căn cứ vào công văn lạm quyền, lại nói là công văn của Hội VHNT để ra quyết định 6410. Mà danh chính ngôn thuận là Hội VHNT không có công văn đề nghị để UBND tỉnh ra quyết định mới. Do đó có thể khẳng định, Quyết định 6410 ngày 30/12/2010 là một quyết định không có giá trị. Vậy, một giải thưởng được chấm, được vận hành bằng một quyết định không có giá trị thì làm sao mà hợp pháp được, còn gì là danh giá nữa. Mà đã không hợp pháp thì phải hủy bỏ. Thế mà, không một ai thử một lần dũng cảm, nhận khuyết điểm để sửa sai!
Hèn chi mà Bí thư tỉnh ủy Phan Đình Trạc cho rằng: Lãnh đạo thì quan liêu, tham mưu thì yếu kém.
Nay báo chí vào cuộc, phát hiện, bà Phước đã lạm quyền, thao túng giải thưởng Hồ Xuân Hương thì UBND tỉnh lại giao cho Sở tư pháp chủ trì “xem xét trả lời”. Vậy, đích thị là Sở Tư pháp đi đổ vỏ cho bà Phước rồi còn gì.
Liệu, Sở Tư pháp Nghệ An sẽ trả lời sao đây? Nếu thẳng thắn, nghiêm túc để nói rằng, quyết định của UBND tỉnh là sai, liệu “ông ủy ban” có chịu không? Nếu, đổ vấy cho nguyên nhân nào đó, bảo rằng, quyết định của UBND tỉnh là vô cùng đúng đắn, liệu các văn nghệ sỹ và báo chí có chịu không? Và, tại sao UBND tỉnh chỉ giao trả lời về bài báo nói trên thôi? Vậy bài báo: “Giải thưởng Hồ Xuân Hương có bị thao túng?” đã phanh phui việc lạm quyền, thao túng giải thưởng của bà Nguyễn Thị Phước sao không được chỉ đạo trả lời? Sợ gì chứ!
Tội nghiệp cho Sở Tư pháp, ốc thì bà Nguyễn Thị Phước ăn còn vỏ thì mình phải đổ.