(Đọc Lặng lẽ cánh buồm em, thơ Bùi Thị Thu Hằng, NXB Văn học-2010)
Cuộc hội ngộ giữa những người yêu thơ văn thường là cơ duyên mà tạo hóa định sẵn. Tôi quen gương mặt có nụ cười thật tươi của Bùi Thị Thu Hằng với hai bài thơ đăng trong tuyển thơ vanthoviet.com tập 2( NXB Văn học- 2011). Và nhờ tính tò đi tìm những áng thơ hay, những bài bình đặc sắc trên internet, tôi gặp người thật của thế giới ảo và tập thơ Lặng lẽ cánh buồm em ( NXB Văn học- 2010) của Bùi Thị Thu Hằng đến trong tay tôi. Rồi cứ thế đu đưa trên chiếc võng giữa nhà đọc đi đọc lại những cảm xúc của chị gởi vào trang giấy.
Cũng thật lạ, khoảnh khắc giao mùa là sự chuyển giao của đất trời khi những đám mây cố dãn ra giăng kín bầu trời, rồi một cơn mưa nhẹ lất phất, gió cũng hùa theo mang hơi lạnh chia đều mọi vật,…cái không gian ấy diệu kì cho Khúc giao mùa” trổi dậy đón xuân nồng trong cảm hứng say sưa:
… Anh có nghe em hát tự cơn mơ
Hãy về phía em mười hai bến sóng
Em ươm hạt đợi bông thơm đất
Em khơi bếp hồng náo nức khói bánh chưng…”(tr.8)
Anh có nghe em hát tự cơn mơ/ Hãy về phía em mười hai bến sóng”. Bến sóng chứ không là bến nước. Ta vẫn biết mười hai bến nước”: sĩ, nông, công, thương; ngư, tiều, canh, mục; yên, ba, tửu, bát. Những đặc điểm tính chất của mỗi ngành nghề, hay là những thú đam mê cạm bẫy đôi lúc tác động mạnh mẽ đến nhân cách con người. Mà ngày xưa con gái đến độ tuổi lập gia đình, mối mai được duyên nào gởi phận vào duyên ấy, cái cảnh sa chân lỡ bước, em tủi hờn thì sao. Nên em hát tự cơn mơ”, em khát khao sự chọn lựa cho mình. Hãy về phía em đi, em đang ở độ chênh chao của mười hai bến sóng” đang cần bàn tay anh chở che, ấp ủ. Hãy cứu lấy đời em. Chỉ cần một khổ thơ tự do bốn câu phóng khoáng đủ làm nên diện mạo Bùi Thị Thu Hằng xếp theo trật tự A, B, C,…trong văn thơ nữ Việt Nam rồi.
Chị hát Khúc giao mùa” cho khoảng trời xanh ùa vào khung cửa, cho nắng ấm áp xuân nồng lên ngọn cỏ lá cây, là thời kì Thu Hằng đi gieo hạt, ủ mầm lên xanh trên từng câu thơ con chữ. Cho cái tình được chắc chiu từ những năm tháng đi qua, chị nhớ ơn cha sinh, mẹ dưỡng, luôn khắc ghi: Cha lo khuôn thước vuông tròn”, còn mẹ: Yếm rách vá víu buộc bụng/ Yếm lành dành dụm địu con”. Nhà thơ lại tự nhận về mình đắp ấm nỗi buồn riêng tư”, nhưng rất thành kính với cha, mẹ trong Lời ru dâu bể(tr.65). Đến lúc cha mẹ xa cõi người” trần thế, nỗi bơ vơ một mình Nén nhang tháng bảy”(tr.37) nhòe trong nắng chiều: Nỗi đau mang mẹ về trời”, Rưng rưng con giữa cội nguồn khóc cha”. Làm sao nói hết được nỗi niềm đau đáu của người con khi lạc lõng giữa đời:
Trầm hương vạch dấu chấm than
Con không khóc, lệ cứ tràn mặn môi
(Tâm sự cùng cha, tr.53)
Rồi: Nhòe theo hương khói đi tìm
Mẹ trên di ảnh im lìm dõi trông
( Ơn mẹ,tr.69)
Gói gọn chủ đề về gia đình, Thu Hằng dành trong Lặng lẽ cánh buồm em một số bài thơ viết cho chị gái : Muốn gìn giữ mãi màu xanh/ Đời cây cũng phải lá cành tả tơi”(tr.11), cho anh trai: Thương anh giữa chốn chênh chông/ Tay cầm tràng hạt phập phồng niềm xa…”(tr.17), cho em và cho cả riêng mình:
Thương yêu lịm dần chân sóng
Con thuyền anh lặng lẽ cánh buồm em”( tr.16).
Nào phải Lặng lẽ cánh buồm em cho được. Khi thương yêu đã lịm dần chân sóng kia, nên những rạo rực trong trái tim khơi nguồn cảm xúc mãnh liệt trỗi dậy một mình: Rót nỗi buồn tràn chén/ Tôi mềm …ai thẫn thờ?”( Chiều trên biển, tr.19). Và có lẽ trước biển khơi mênh mông, nhà thơ cháy bỏng Mùa suy tư( tr.48), lặng lẽ: Lang thang miền gió và anh/ Tháng ngày chưng cất vị lành trao nhau”. Cánh buồm em lồng lộng giữa không gian bao la cho những tứ thơ nhập cuộc sẻ chia cùng Lối vầng trăng qua” (tr.48), cho Trăng hát” (tr.14) nguyện ước lờiTrăng thề” (tr.76) lung linh sắc vàng giữa tĩnh lặng:
Trăng nói hộ lòng em
Nỗi khát khao lồng ngực
Trăng hát lên dùm anh
Lời con tim thổn thức” .
Những thanh trắc ngực- thức” thanh bằng em-anh” cuối câu nhịp nhàng đan xen trong thể thơ năm chữ như thủ thỉ cùng anh lời con tim khát khao rạo rực ban đầu. Ai dám bảo Thu Hằng lặng lẽ cánh buồm em đâu. Những thổn thức nào nguôi, cứ âm ỉ nhen nhóm từ lúc thu qua, đông tàn cho mùa xuân phơi phới thăng hoa:
Mùa nồng nàn
Không chọc ghẹo cũng thẹn hồng ý nghĩ
Nắng nghiêng nghiêng chồi nhú cũng nghiêng
Bày tỏ niềm riêng
Xuân rất chín! Giọt yêu thương tự hát
Nơi mẹ mớm cho ta miếng cơm sớm nhất
Khúc yêu thương đằm thắm gọi quay về”
(Xuân tự hát, tr.40)
Và đây là khoảng trời xanh trong veo đẹp nhất trong năm khởi đầu thời con gái. Xuân tự hát hay xuân nồng nàn ngọt thơm lúng liếng mắt môi hẹn hò thầm lặng. Ngỡ rụt rè e lệ mà nghe táo bạo trong những tứ thơ tự do đến vậy. Nhưng đôi lúc cái phút xao lòng tự dưng bột phát trong Người đàn bà sắm vai”(tr.24) cũng thật dễ thương, chân tình. Điều đó cũng dễ thông cảm cho trái tim nhạy cảm đa tình ấy mà. Nhưng không sao, khi làm mẹ, chị luôn nhắc nhở căn dặn con gái:
Người xưa sấp ngửa rãnh cày
Áo manh gìn nếp, thẳng ngay giữ tình
Đói nghèo đâu quản nhục vinh
Nắng mưa kiếp cỏ yên bình hề chi”
(Tặng con gái, tr10)
Trở lại thể lục bát, lời tâm tình Áo manh gìn nếp” sao cho trọn vẹn chung tình trước sau, thanh bạch, khác nào áo rách cũng phải giữ lấy lề đó mà. Còn cái kiếp cỏ” an phận thủ thường đến thế sao?!...
Hay có lẽ từ khi bước ra ngõ vườn tuổi thơ, con đường đến trường vừa quen thuộc vừa lạ lẫm đã mở ra một chân trời xanh thắm ước mơ. Nơi đó là ngôi trường, lớp học, là bạn bè và nhất là hình ảnh thầy cô kính yêu mà chị gặt hái nghĩa tình làm trọng. Người thầy vẫn luôn là tấm gương sáng cho chị thắp niềm tin yêu giữa cuộc đời lắm đường nhiều ngõ. Bởi giữa nắng mưa, bạc phai sắc áo, tóc râu còn người lái đò cứ chòng chành mái chèo, cần mẫn chở khách tuổi thơ đến bến bờ ước mơ, đâu hề ngần ngại, thở than. Chị không khỏi ngạc nhiên:
Không là trăng mà tỏa sáng nơi nơi?
Không là lửa mà đông về gửi ấm?
Không là mây mà râm mát muôn hoa?
Không phím đàn mà ngân điệu thiết tha?”
(Thầy là bản tình ca, tr.59)
Đến đây tôi xin dừng lại một chút để nói lời cảm ơn nhà thơ Thu Hằng, người con của thành phố Hải Phòng, của cửa biển Đồ Sơn thơ mộng, anh hùng. Dù thường ngày bộn bề cơm áo, chị đã dành một tình cảm chân thành đáng quý đề cao người thầy Không là trăng… Không là lửa… Không là mây… Không phím đàn…mà tỏa sáng, sưởi ấm, là bóng mát, là thanh âm ngân điệu thiết tha cho đời. Chị cũng không đề cao nào phải tôn sư trọng đạo”, nào là Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”,…Mà chính là nhân cách và tri thức của thầy trên bục giảng trong nhà trường, cả ngoài xã hội cho chị có quyền tự hào và ngợi ca.
Thu Hằng không phải nhà giáo mà là nhà thơ. Nhà thơ của những người lao động cần cù lo cái ăn, cái mặc thường ngày cho con cái. Số phận của họ lênh đênh cùng con sóng ngoài khơi theo mùa tôm cá. Và khi Những đứa trẻ làng chài” (tr.21) lớn lên hít thở hương vị mặn nồng của biển, của nắng gió sớm chiều cầu mong mẻ cá về tươi xanh đầy ắp khoang thuyền là một ngày hạnh phúc. Nhưng cũng có lúc ý người sao bằng ý trời:
Cha giăng lưới qua màn đêm dông tố
Gian khổ hai vai đâu mặc cả niềm tin
Mẹ hiền bỗng chốc hóa Vọng Phu
Xõa tóc bến bờ chịu bão
Ngọn đèn biển thắp chật bóng tối
Theo dòng nước chảy xuôi trắng lóa chân trời
Thắp lên tiếng cười làng chài”…/ (tr.22)
Biển trời bao dung nuôi sống người theo năm tháng, nhưng đôi lúc giận dữ gào thét đòi người phải trả vay là sao?! Nghề đi biển vẫn thường là cha truyền con nối, đã sinh nghề đôi lúc lại tử nghiệp những mất mác lớn lao. Rồi theo tuần hoàn vòng quay của vũ trụ, biển lại ngát xanh yên bình, reo vui bù đắp yêu thương tiếp nối.
Năm mươi bảy bài thơ trong Lặng lẽ cánh buồm em là năm mươi bảy lần suy tư trăn trở đêm ngày của Thu Hằng, cái tình mặn mà thắm thiết của một nhà thơ nữ lặng lẽ một cánh buồm em. Chị đã bắt những con chữ tuôn theo cảm xúc vơi đầy, nhịp thơ cũng từ đó mà ra: Rưng rưng chắt giọt mật đời/ Lắng trong xa thẳm những lời ầu ơ/ Vắt mình dâng nỗi niềm thơ/ Ấp iu tròn trịa giấc mơ tháng ngày/(Đất quê, tr.45). Làm thơ còn là niềm vui chung của những người yêu thích văn chương sẽ làm vơi đi nhọc nhằn tù túng, bụi bặm trắng đen lẫn lộn luôn bám vào những bất chợt thừa lúc ta hớ hênh trên mọi nẽo đường đời. Thơ Thu Hằng đã nói hộ dùm chúng ta tiếng lòng tin yêu tha thiết nhất với tất cả mọi người. Chính vì thế Lặng lẽ cánh buồm em là tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị nhân văn sâu sắc.
30.10.2011
Nguyễn Thị Phụng