Đọc một bài báo viết về Thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương, trong bài báo đó đưa ra những tư liệu làm tôi nghi ngờ. Tôi có viết bài “ Không lẽ có hai anh hùng Hồ Giáo?” đăng ở trannhuong.com. blog quechoa, trankytrung.com và một số trang mạng khác, đăng lại. Trong bài báo đó, tôi có thắc mắc về việc Thiếu tướng –Nhà văn Hồ Phương vào cuối năm 2010 đã gặp gia đình Anh hùng Hồ Giáo tại Ba Vì!!! ( Mời bạn đọc xem lại bài viết của tôi trên trannhuong.com, blog quechoa và trankytrung.com).
Vừa rồi nhà văn Nguyễn Quang Lập có chuyển cho tôi hai bức thư của bạn đọc, cho rằng tôi đã hiểu lầm chuyện này ( mời các bạn đọc thêm)
“…Ông Lập à!
Ông đọc lại đoạn này đi:
Nhưng vừa rồi, trên tờ báo TUỔI TRẺ VÀ ĐỜI SỐNG ( Ấn phẩm phụ của báo TUỔI TRẺ THỦ ĐÔ) số 38 ra thứ 2 ngày 28/11/2011 ở trang 2 có bài “ Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương và những chuyện chưa kể thời trai trẻ” của hai tác giả An Thái – Minh Hiếu. Đoạn kết của bài báo, hai tác giả này viết, qua lời kể của thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương ( Tôi chép nguyên văn): “ … 10 năm sau, ông Hồ Giáo được tuyên dương anh hùng. Ai cũng bảo ông Hồ Giáo là nguyên mẫu trong truyện ngắn “ Cỏ Non” của tôi.Tôi cải chính mãi mà không xuể được. Đến tận hè năm 2011 vừa qua, tôi vẫn nhận được giấy mời của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi ra mời vào dự một cuộc liên hoan lớn của tỉnh để gặp lại anh hùng Hồ Giáo, nguyên mẫu trong “ Cỏ Non”. Tôi phải viết thư lại trả lời rõ là nguyên mẫu của tôi không phải là anh Hồ Giáo ở tỉnh nhà mà tôi viết về một anh chăn bò khác ở một nông trường ở Miếu Môn. Mãi đến cuối năm 2010, tôi mới có dịp gặp ông Hồ Giáo. Ông ấy đã lấy vợ và sống ở một làng quê trên Ba Vì. Lần đầu gặp, chúng tôi xúc động ôm chầm lấy nhau trào nước mắt. Có lẽ cũng chỉ có văn học mới làm được những điều diệu kỳ như thế ( tôi nhấn mạnh những từ này) ”
Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương gặp anh hùng Hồ Giáo này ở Ba Vì là anh hùng Hồ Giáo nào?
Tôi nghĩ , với tư duy mạch lạc của dân Bách khoa như ông, chúng ta thừa hiểu là cái ông chăn bò mà Hồ Phương chọn làm nguyên mẫu không có tên là Hồ Giáo mà tà tên khác. Chỉ có là tác giả An Thái - Minh Hiếu viết nhầm .
Tôi tin 99,99% là người chăn bò không mang tên Hồ Giáo.
Ông thử trao đổi với Trần Kỳ Trung xem nhé.”
Thưa Bọ Lập!
Con là độc giải của Quê Choa.
Qua bài: Không lẽ có hai anh hùng Hồ Giáo? của Trần Kỳ Trung đăng trên blog của Bọ, Con có ý kiến sau:
.."..Ông ấy đã lấy vợ và sống ở một làng quê trên Ba Vì. Lần đầu gặp, chúng tôi xúc động ôm chầm lấy nhau trào nước mắt. Có lẽ cũng chỉ có văn học mới làm được những điều diệu kỳ như thế ( tôi nhấn mạnh những từ này) ”
Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương gặp anh hùng Hồ Giáo này ở Ba Vì là anh hùng Hồ Giáo nào?.."
-------
Thưa Bọ, Con sống ở Quảng Ngãi và biết nhiều về AH Hồ Giáo, và ở bài viết này, Tác giả: Trần Kỳ Trung có sự nhầm lẫn địa danh nên sinh ra nghi ngờ.
Cụ thể:
1/Ba Vì - Hà Tây (Nơi công tác trước giải phóng của bác Hồ Giáo)
2/ Ba Vì của nhà văn Hồ Phương gặp là địa điểm nuôi Trâu hiện tại. Ba Vì này là Thị Tứ của Huyện Ba Tơ (du kích Ba Tơ - Quảng Ngãi) Tỉnh Quảng Ngãi. (Cách TP Quảng Ngãi chừng 70km). Nên 2 Ông Hồ Giáo này là 1.
Kính báo Bọ Lập được biết.
@ Ngoài ra, đối với Ông Hồ Giáo, đã từng có câu chuyện là Tỉnh đưa xe con lên rước Ông từ Ba Vì về TP Họp, sợ tốn tiền của nhà nước, Ông quyết định đi bộ từ Ba Vì - Ba Tơ về Thành phố. Anh Lái xe năn nỉ hết nước mà Ông vẫn không chịu lên xe. Nên có cảnh rất ngộ là Ông Hồ Giáo đi bộ đằng trước, con Camry từ từ đi theo sau.
Chúc Bọ Sức Khỏe.
Trân trọng! “
Trước hết cho tôi cảm ơn Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng như đông đảo bạn đọc quan tâm đến bài báo này. Qua những thắc mắc của bạn đọc, tôi xin phép giải thích, theo suy luận của tôi.
Xung quanh sự việc này không phải chỉ có tôi, mà tôi nghĩ cũng có rất nhiều người, nhất là ở Quảng Ngãi sẽ thắc mắc. Anh hùng Hồ Giáo đã chuyển sinh sống vào Nam từ sau năm 1975. Mấy chục năm nay Anh hùng Hồ Giáo vẫn ở Quảng Ngãi. Tôi đã được Nhà báo, Nhà thơ Phạm Đăng trực tiếp dẫn tới thăm Ông tại tư gia trong con hẻm, đường Nguyễn Đình Chiểu ( Thành phố Quảng Ngãi). 33 năm sau, được sự giúp đỡ trực tiếp của Nhà báo, nhà thơ Phạm Đăng ( Trần Đương) và một số cá nhân, đơn vị hảo tâm khác, Anh hùng Hồ Giáo mới có dịp trở lại nông trường Ba Vì ( Hà Tây cũ ) là nơi Anh hùng Hồ Giáo đã từng công tác. Cuộc đi thăm này của Anh hùng Hồ Giáo diễn ra trong thời gian ngắn, chỉ nằm trong phạm vi nông trường Ba Vì. Như vậy chuyện Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương gặp gia đình anh hùng Hồ Giáo ở Ba Vì vào cuối năm 2010 là không thể có.
Câu nói của Thiếu tướng-nhà văn Hồ Phương, mà hai tác giả bài báo ghi lại: “…Mãi đến cuối năm 2010, tôi mới có dịp gặp ông Hồ Giáo. Ông ấy đã lấy vợ và sống ở một làng quê trên Ba Vì. Lần đầu gặp, chúng tôi xúc động ôm chầm lấy nhau, trào nước mắt…”Ở câu nói này, tác giả bài báo, qua lời kể của của Thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương cho ta hai dữ liệu buộc chúng ta phải nghi ngờ:
“ …Mãi đến cuối năm 2010, tôi mới có dịp gặp ông HỒ GIÁO.” Như vậy, chính thức Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương đã khẳng định gặp Anh hùng Hồ Giáo, chứ không phải tôi hiểu lầm. Vì trước đó qua bài viết của hai tác giả, Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương đã khẳng định Anh hùng Hồ Giáo không phải là nguyên mẫu để ông xây dựng nhân vật chính trong truyện ngắn “ Cỏ Non”. Nên giữa chuyện của Anh hùng Hồ Giáo và chuyện của nhân vật chính trong truỵện ngắn “ Cỏ non” cần phải rạch ròi, không thể có sự nhầm lẫn.
Còn địa danh “ Ba Vì”, đúng là Quảng Ngãi cũng có địa danh Ba Vì ở huyện miền núi Ba Tơ ( giống tên dịa danh Ba Vì của tỉnh Hà Tây cũ ) Nhưng địa danh này cách thành phố Quảng Ngãi gần 100 km. Theo tư liệu Nhà báo, Nhà thơ Phạm Đăng cung cấp, Anh hùng Hồ Giáo chưa bao giờ lên đó , gia đình ông cũng không ở đấy. Nên thế, không thể có chuyện Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương găp Anh hùng Hồ Giáo ở Ba Vì ( Ba Tơ – Quảng Ngãi)