Tên tuổi Hồ Giáo, quê Quảng Ngãi, người được Nhà nước Việt Nam hai lần phong tặng anh hùng vượt qua biên giới quốc gia. Hè vừa rồi, tôi có người bạn ở Nhật, muốn nhờ tôi đưa đến gặp người anh hùng này. May cho tôi, ở Quảng Ngãi có nhà báo, nhà thơ Phạm Đương là bạn thân, tôi nhờ anh chỉ vẽ. Nhà báo, nhà thơ Phạm Đương từng có bài phóng sự rất hay viết về anh hùng Hồ Giáo. Bài phóng sự đăng ở báo Văn Nghệ, được giải dành cho thể loại phóng sự viết về người thật, việc thật. Tiếp đến, chính nhà báo, nhà thơ Phạm Đương đã đưa anh hùng Hồ Giáo trở lại nông trường Ba Vì (Hà Tây cũ). Sau 33 năm rời miền bắc về lại miền nam, đây là lần đầu tiên anh hùng Hồ Giáo mới có điều kiện ra thăm lại những người bạn thân từng công tác với mình. Chuyến đi thăm đơn vị cũ của anh hùng Hồ Giáo được Đài Phát thanh – truyền hình Quảng Ngãi làm thành một bộ phim phóng sự vô cùng cảm động, đông đảo người xem biết đến. Tôi nói vậy, để có thể hiểu rằng, nhà báo, nhà thơ Phạm Đương biết rất rõ về anh hùng Hồ Giáo. Anh đưa tôi và người bạn Nhật đến tận nhà anh hùng Hồ Giáo trong một cái hẻm, đường Nguyễn Đình Chiểu ( Thành phố Quảng Ngãi) và chúng tôi đã được anh hùng Hồ Giáo tiếp với thái độ chân tình, niềm nở. Tiếp đến chúng tôi cùng nhà báo, nhà thơ Phạm Đương đi lại còn đường mà anh hùng Hồ Giáo đã đi, con đường đó dẫn đến trại nuôi trâu Mura (Ấn Độ) của anh hùng Hồ Giáo, hiện còn năm con…
Nói về cuộc đời anh hùng Hồ Giáo, có lẽ những ngòi bút xuất sắc nhất của nhà văn Việt Nam cũng bất lực. Đó là một CON NGƯỜI, một CON NGƯƠI chân chính, chính xác nhất của từ này.
Nhưng vừa rồi, trên tờ báo TUỔI TRẺ VÀ ĐỜI SỐNG ( Ấn phẩm phụ của báo TUỔI TRẺ THỦ ĐÔ) số 38 ra thứ 2 ngày 28/11/2011 ở trang 2 có bài “ Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương và những chuyện chưa kể thời trai trẻ” của hai tác giả An Thái – Minh Hiếu. Đoạn kết của bài báo, hai tác giả này viết, qua lời kể của thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương ( Tôi chép nguyên văn): “ … 10 năm sau, ông Hồ Giáo được tuyên dương anh hùng. Ai cũng bảo ông Hồ Giáo là nguyên mẫu trong truyện ngắn “ Cỏ Non” của tôi.Tôi cải chính mãi mà không xuể được. Đến tận hè năm 2011 vừa qua, tôi vẫn nhận được giấy mời của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi ra mời vào dự một cuộc liên hoan lớn của tỉnh để gặp lại anh hùng Hồ Giáo, nguyên mẫu trong “ Cỏ Non”. Tôi phải viết thư lại trả lời rõ là nguyên mẫu của tôi không phải là anh Hồ Giáo ở tỉnh nhà mà tôi viết về một anh chăn bò khác ở một nông trường ở Miếu Môn. Mãi đến cuối năm 2010, tôi mới có dịp gặp ông Hồ Giáo. Ông ấy đã lấy vợ và sống ở một làng quê trên Ba Vì. Lần đầu gặp, chúng tôi xúc động ôm chầm lấy nhau trào nước mắt. Có lẽ cũng chỉ có văn học mới làm được những điều diệu kỳ như thế ( tôi nhấn mạnh những từ này) ”
Thiếu tướng – Nhà văn Hồ Phương gặp anh hùng Hồ Giáo này ở Ba Vì là anh hùng Hồ Giáo nào?
Không lẽ nước Việt Nam còn một anh hùng Hồ Giáo nữa mà chúng ta chưa biết? Chỉ có Thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương biết!
Còn không phải như thế, thì …những điều mà Thiếu tướng- nhà văn Hồ Phương nói trong bài báo này, mà hai tác giả ghi lại, có nên tin không ?