Cách đây mây hôm, tôi đăng trên trannhuong.com bài “Tôi ủng hộ ĐB Hoàng Hữu Phước”. Cái trannhuong.com ấy là một trang mạng không LỀ PHẢI cũng chẳng LỀ TRÁI, như thơ bác Trần Mạnh Hảo tặng trannhuong.com nhân gì gì đó, tôi nhớ không chính xác, đại loại là: “Lề phải, lề trái bác nhường – Thong dong bác cứ giữa đường bác đi”. Nó là nơi đám anh em văn nghệ, văn nghẽo đàm đạo, tâm sự với mình và với nhau. Hôm nay, tôi lại viết bài chia sẻ với bác trên trang “Lề phải, lề trái bác nhường”này. Nhưng chả chắc bác đã đọc. Thôi thì cũng là để mấy anh em văn chương à ơi với nhau cho vui vậy.
Bác Phước ạ!
Ở bài hôm trước, tôi viết rằng tôi với bác tuy cùng cái đích đến nhưng lý do thì có sự khác nhau. Bác thì muốn bỏ việc xây dựng Luật Biểu tình ra khỏi chương trìnhh xây dựng luật đến hết nhiệm kỳ này. Tôi cũng đề nghị bỏ. Có điểm khác là bác đề nghị bỏ vì dân trí ta còn thấp, luật sẽ bị phần tử xấu lợi dụng, xã hội sẽ rối loạn vân vân và vân vân. Tôi thì là vì tôi không tin luật này đi vào cuộc sống như Luật bỏ phiếu tín nhiệm những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuản chẳng hạn. Đến nay đã qua 3 nhiệm kỳ Quốc hội nhưng nó vẫn nằm trên giấy. Tôi còn lo ngại biết đâu nó chỉ là hình thức để thể hiện dân chủ, thể hiện sự tôn trọng Hiến pháp, để thể hiện sự phù hợp với thông lệ quốc tế... Đại loại là như thế.
Cuối cùng, Quốc hội đã quyết định đưa việc xây dựng Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật. Điều đó có nghĩa là chúng ta đều có một kết quả như nhau:
Thua trận!
Nhưng bác ạ, với bác và tôi thì có lẽ thua hay thắng cũng chẳng có gì lạ. Là doanh nhân, bác có “quả thắng” thì cũng phải có “quả thua” chứ làm gì có của “trăm trận, trăm thắng”. Tôi là thằng làm thơ, thua nhiều mà được thì chả bao nhiêu. Không, tôi chủ yếu là thua. Thua tuyệt đối đến mức không còn cảm giác thắng nữa. Trăm bài thơ, chỉ mong còn lại 1 – 2 câu là mừng lắm rồi. “Để người đời nhớ một câu – Nhà thơ nghĩ đến bạc đầu chưa ra” – Phạm Công Trứ.
Nhưng tôi tin cả tôi và bác đều là những người không dễ khuất phục.”Ngã từ vũng bùn nào, đứng lên từ vũng bùn đó” - Cổ nhân đã dạy ta như thế.
Khi Quốc hội đã đưa việc xây dựng Luật biểu tình, tôi – một cử tri bé nhỏ trong hàng chục triệu cử tri nên chả có nghĩa lý gì vì vậy, mọi sự đều đổ dồn lên đầu bác. Đã đến lúc bác thể hiện vị thế của mình. Là người có trách nhiệm, nhiệm vụ xây dựng và ban hành luật, bác là một tiếng nói ít nhất là trong 500 tiếng nói ở nghị trường. Tôi “kính thiết tha” đề nghị bác hãy cùng với Quốc hội kỳ này xây dựng được một bộ luật như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Luật đó phù hợp với Hiến pháp, luật đó phù hợp với đặc điểm lịch sử văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam chúng ta, luật đó cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, luật đó cũng để đảm bảo quyền tự do dân chủ của người dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
Vâng, bác hãy cùng với tập thể Quốc hội xây dựng một bộ phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với văn hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm vảo quyền tự do dân chủ của người dân và quan trọng hơn cả, nó phải thông thoáng để có thể thực thi vào cuộc sống. Đừng để như Luật bỏ phiếu tín nhiệm tôi đã nhắc ở trên, đã hơn 10 năm nay vẫn lặng lẽ nằm trên giấy. Nếu được như vậy thì cuối cùng là bác đã thắng, dân tộc Việt Nam đã thắng và tôi, một cử tri nhỏ bé cũng được an ủi dù… bại trận!
Bác Phước ơi! Đừng nản!