Hôm lên thành phố Lạng Sơn, dự hội thảo văn học dân tộc thiểu số, tôi được Inrasara tặng cuốn Hàng mã ký ức, mới ra lò. Bìa lạ, (Hà Thảo), hai dấu chân người đục thủng, trên nền tháp cổ. Chắc là câu chuyện tìm về văn hóa Chăm đây? Bụng bảo dạ thế, và đọc.
Hàng mã ký ức, tiểu thuyết, viết theo kiểu tự truyện, với những chi tiết sinh động, đầy sức thuyết phục, về một nền văn hóa tộc người, Nam Trung Bộ. Mấy lần ra bắc vào nam, qua dải đất này, thấy sừng sững những tháp Chàm cổ kính, không sơn phết, cọ rửa, thế mà gạch vẫn đỏ au, trơ gan cùng tuế nguyệt. Có lẽ, đây là biểu tượng của một nền văn hóa cường thịnh, dù trải mấy biến cố thăng trầm, nay vẫn còn hiện diện.
Inrasara rủ rỉ câu chuyện, như lời tâm tình, về cuộc đời mình, về bạn bè, làng xóm, cho tới chữ viết và những tòa tháp. Những vỉa tầng văn hóa Chăm dần dần hiện lên. Đây, làng Bal Riya palei-thủ đô lớn (Bính Nghĩa), quê hương của Chế Bồng Nga. Tôi giật mình, bởi vừa đọc xong 6 tập, bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần, của nhà văn Hoàng Quốc Hải, gửi tặng; trong đó, tập 6, Vương triều sụp đổ, nói đến chuyện Chế Bồng Nga mấy lần kéo quân ra Thăng Long, khiến Đại Việt điêu đứng, vua quan nhà Trần phải kéo nhau chạy lên Bắc Giang, lánh nạn. Nhưng rồi vua Chế Bồng Nga tử trận. Chiến tranh sinh ra bao nhiêu ma Hời, và lịch sử là một mớ hổ lốn (chữ dùng của Inrasara). Qua bộ đại tiểu thuyết về thời Trần, tôi còn biết thêm giống lúa chiêm, mà nông dân đang gieo trồng, cũng là của người Chăm (Chiêm Thành).
Vừa đọc Hàng mã ký ức, tôi vừa vào mạng in-tơ-nét, mở dân ca Chăm, nghe. Ơ, mà sao có gia điệu phảng phất dân ca Quan họ Bắc Ninh thế nhỉ? Không biết, vừa rồi, làm hồ sơ đề nghị UNESO công nhận Quan họ là di sản văn hóa phi vật thể, có ai liên hệ với dân ca Chăm không? Hình như, có một sợi dây giàng buộc nào đó thì phải? Trước đây, tôi cứ nghĩ, lục bát là “đặc sản” của người Việt, nhưng Hàng mã ký ức cũng nói đến lục bát Chăm. Còn mối liên hệ với nhau thế nào nhỉ?
Tôi còn nhớ, năm 1984, trên biên giới phía bắc, nước ta và nước bạn đánh nhau to lắm. Chúng tôi trực tết. Mấy anh em uống rượu và mở cát-xét, nghe Chế Linh hát bài Xuân này con không về, chế theo: “Đàn trẻ thơ ngây, chờ mong anh trai, sẽ mang về cho toàn cát-tút, và ngày xuân đi khoe xóm giềng”, và khóc tu tu; rồi thay nhau, đi xem trai gái người Mông, chơi trò phát mông nhau, ngồ ngộ, vui vui. Qua sách này, mới biết Chế Linh (Che Len), cũng là người Chăm. Thì ra, văn hóa Chăm tích tụ vào tháp, vào tượng, vào dân chúng, rồi bật ra những anh tài trong thiên hạ. Cũng lâu lâu rồi, một lần, tôi vào Cung văn hóa Việt-Xô, nghe Chế Viên hát. Hình như, Lý Hùng giới thiệu Chế Viên là anh em nhà Chế Linh thì phải?(Nhưng vừa gọi điện thoại, hỏi lại Inrasara, bảo không phải anh em gì đâu). Tối hôm đó, tôi được mời lên sân khấu, nhận giải thưởng một túi mì tôm, vì trúng số quay trên cuống vé! Người Chăm hát hay, múa giỏi, những 72 điệu múa. (Nếu kể cả chuyện con gái, tập múa lén sau bếp là 73).
Những câu chuyện chữ ăn người, chữ cất trên xà nhà như báu vật, người tìm chữ, người dạy chữ, người truyền chữ qua tạp chí Tagalau, trong hoàn cảnh eo hẹp, mà ra được hàng chục số, rồi lại chuyện làm từ điển, chuyện ra tổng tập văn học với bao trăn trở. Hôm hội thảo Lạng Sơn, Inrasara nói vo, có đề cập đến việc, mỗi dân tộc hãy ra tạp chí văn học của riêng mình, rồi làm tổng tập đi. Ôi, nếu được thế, thì văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, sẽ khởi lên như một cánh đồng hoa đầy hương sắc, như những vườn tháp vĩnh hằng. Muốn làm được điều đó, cần những người có trình độ và tâm huyết.
Có nghịch lý, những dân tộc lớn, thì văn hóa đang bị mai một. Trong cuộc hội thảo ấy, nhà thơ Y Phương đau đớn báo tin, chữ Nôm Tày đã mất. Một dân tộc có chữ viết, rồi đánh mất nó, buộc phải dùng chữ Việt phổ thông, nhưng văn hóa và bản sắc dân tộc, sẽ bị đồng hóa là lẽ đương nhiên…
Trong cuộc sống gian khổ, nhưng người Mông vẫn giữ được váy áo của mình, vẫn giữ được tiếng nói của mình, vẫn giữ được chữ viết của mình. Bây giờ, Tin lành lại du nhập được vào người Mông nữa, thế là cái lý người Mông (HMong trust) lại càng vững chãi, trường tồn. Văn hóa Mông không mất, thì người Mông vẫn còn và có cơ phát triển. Mông, một dân tộc kiên cường, hiên ngang giữa đất trời. Liên hệ chuyện người Chăm, cũng thấy như thế. Thảo nào, Inrasara chẳng bỏ cả cuộc đời, đi sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến văn hóa Chăm và sáng tác trên cái nền phong phú và bất khuất ấy.
Không ai tìm về quá khứ, chỉ để chơi như một thứ cổ vật, Hàng mã ký ức, muốn gửi một thông điệp, về phát triển văn hóa Chăm, trong thời hiện đại. Thật hiếm có người tâm huyết và thành tựu, như Inrasara đối với văn hóa Chăm.
Hàng mã ký ức, một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn.
Tuyên Quang, 1/12/2011
V.X.T