Đọc bài của bác Khả Sĩ phê câu đối của GS-AHLĐ Vũ Khiêu tôi có mấy điều trăn trở muốn trao đổi lại với bác.
Là đồng hương của bác Sĩ, tôi -bác Sĩ -cụ Khiêu cách nhau khoảng 20 tuôỉ, có thể coi tôi và bác như bậc con cháu của cụ Khiêu vậy.
Thưa bác Khả Sĩ, cụ Vũ Khiêu năm nay bước sang tuổi 96, theo TƯỚC TRỜI BAN (Thiên tước) thì cụ đã là Trạng nguyên được 6 năm rồi. Nhà nước phong cho cụ là Anh hùng là Giáo sư thật xứng với sự cống hiến mà cụ đã làm được cho dân, cho đất nước này.
Thưa bác Khả Sĩ, bác là nhà thơ trào phúng phải chăng kỉ năng phê phán đã lấn át kỉ năng cảm thông chia sẽ chăng? Tôi biết ngoài kỉ năng cứng (IQ) chúng ta rất cần Kỉ năng mềm (EQ) nhất là thời buổi hội nhập hiện nay bác ạ.
Người xưa thường nói: Cây già tốt gỗ, người già lẩm cẩm. Hình như với con mắt của nhà thơ trào phúng như bác, tôi thấy ở đây bác nặng về chỉ trích, cố chấp, coi thường người già khi các cụ vấp khuyết điểm. Nếu người có tấm lòng bao dung, biết cảm thông chia sẻ thì họ càng thương mến các cụ hơn. Chúng ta ai cũng có cha mẹ già, ốm đau, lẫn thẩn. Tốt nhất là ta bỏ qua những khiếm khuyết cho các cụ. Còn các cụ có sai sót điều gì muốn góp ý phải với tư cách là một người con, người cháu hiếu thảo, phải biết dùng lời nói, thái độ sao cho các cụ bớt bị tổn thương. Tiếc thay bác Khả Sĩ chưa làm được điều đó đối với cụ Vũ Khiêu đáng kính.
Tôi không thể hiểu được, tại sao bác Sĩ có thông hiểu lễ giáo Nho gia mà lại dùng từ bất nhã, thái độ, cách hành xử bất kính như thế đối với cụ Vũ Khiêu. ( Xin không trích từ ngữ bất nhã mà bác Sĩ viết về cụ Khiêu trong bài viết ). Thưa bác Sĩ, ai chả muốn làm gừng, làm quế để càng về già càng cay ( Khương quế chi tính, đáo lão dũ lạt) nhưng bác nên biết cụ Khiêu là người “ tham công, tiếc việc” cụ đang chạy đua với thời gian ( cụ đã 96 tuổi rồi còn gì), cụ đang gấp rút hoàn thành bộ Hồi kí đồ sộ, cụ tranh thủ cống hiến cho đời đến hơi thở cuối cùng, điều đó tôi, bác và mọi người không đáng trân trọng hay sao?
Gần đây cụ có viết bài văn bia ở đền Quang Trung cho tỉnh Nghệ An, một số câu đối cho các đền miếu,… cụ bị một số kẻ chỉ trích, cho cụ là người hiếu danh, thật oan cho cụ. Bác Sĩ có lẽ thừa hiểu chữ SĨ là để chỉ người có học, nhưng thưa bác được làm CHÍ SĨ mới là rất khó, vì chữ CHÍ bao gồm chữ SĨ và chữ TÂM cộng lại. Làm người mà thiếu sự cảm thông, chia sẽ, thiếu đi chữ TÂM là chưa trọn đâu bác Sĩ ạ. Với những cống hiến, đóng góp của mình cho tổ quốc, cụ Vũ Khiêu xứng đáng là CHÍ SĨ của nước Việt Nam ta thời hiện đại.
Có lẽ bác Sĩ có tâm sự giống như của nhà thơ Tản Đà trước đây:“ Tài cao, phận thấp chí khí uất” chăng? Bác muốn xả cái “ uất” cũng phải xả đúng cách, đúng nơi, đúng chổ bác ạ. Bác Sĩ có lẽ còn nhớ câu: Triều đình trọng quan, làng trọng tuổi. ở phương diện nào cụ Vũ Khiêu cũng đáng cho bác, tôi và người dân đất Việt ta kính trọng. Tôi, bác và mọi người đều muốn sống thọ. “Tứ thời xuân tại thủ, ngũ phúc thọ vi tiên” mà bác. Muốn thế chúng ta cần “kính lão đắc thọ” bác à.
Chúc cụ GS-AHLĐ Vũ Khiêu luôn mạnh khoẻ, bách niên giai lão, hoàn thành được ý nguyện của mình.
Chúc bác Khả Sĩ mạnh khoẻ, tiếp tục đấu tranh cho ngành đường sắt Việt Nam ngày phát triển, anh em công nhân có đời sống ngày một khấm khá. Bác hãy xứng đáng là Chủ tịch công đoàn danh dự của ngành đường sắt như có người đã suy tôn.