Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KÈO CỘT BÀN CHUYỆN… HỐI LỘ!

Trần Huy Thuận
Thứ sáu ngày 11 tháng 11 năm 2011 3:07 PM

Cột: - Kèo ơi! Tớ hỏi cậu điều này, cậu có thể không trả lời, nhưng đã trả lời, cậu phải hứa là trả lời trung thực!
Kèo: - Gì mà hôm nay cậu rào đón ghê thế?.. Tớ với cậu xa lạ gì, hiểu nhau quá rồi còn gì… Nhưng thôi được, chắc là cậu cũng chả nỡ làm điều gì đó hại tớ, vậy nên… tớ hứa!
Cột: - Hay lắm! Câu hỏi của tớ là: Cậu đã đi… hối lộ ai đó ba giờ chưa?
Kèo: - Đi hối lộ ai á?.. Nghe ghê ghê thế nào ấy… Nghe cứ như cậu đang đóng vai thanh tra hoặc công an… điều tra tớ vậy!
Cột: - Tớ không điều tra, chỉ muốn biết thôi… Không có ý hại cậu, cậu biết rồi mà.
Kèo: - Nhưng mà cái cậu muốn biết ấy nó… động chạm lắm, nó “nhạy cảm” lắm!.. Tớ sợ nếu tớ nhỡ mồm thì… Nhưng thôi được, song cậu phải hứa với tớ là đây chỉ là câu chuyện tâm sự riêng của hai đứa với nhau thôi nhé. Cấm không được kể lại cho bất cứ ai nghe chưa?
Cột: - Hây lắm! Tớ hứa. Thế nói ra xem nào?
Kèo: - Nói trắng ra là đi “hối lộ” thì ghê ghê thế nào ấy, thôi thì ta cứ chọn một cái cụm từ nào nhè nhẹ một chút, tế nhị một chút, như là… đi “đưa quà chạy chọt” chẳng hạn!
Cột: - Ừ thì đi “đưa quà chạy chọt”! Thế cậu đã…
Kèo: - Cái chuyện đó thì có!
Cột: - Cụ thể cái cậu gọi là “quà” ấy là cái gì vậy?
Kèo: - Một túi bánh ngọt… với một chiếc phong bì!
Cột: - “Quà” thì túi bánh ngọt đủ gọi là quà rồi, sao lại phải thêm chiếc phong bì?
Kèo: - À, bây giờ “mốt’ nó thế. “Thời văn hóa phong bì” mà. Cậu cũng biết quá đi rồi, còn hỏi tớ làm gì!
Cột: - Thế sao không chỉ đưa phong bì thôi cho nó “kín đáo”, lại phải đưa kèm túi bánh ngọt? Mà chắc là “chất” chứa trong cái phong bì có… giá trị hơn rất, rất nhiều lần túi bánh ngọt, đúng không?..
Kèo: - Lại còn hỏi thế nữa!.. Nhưng đưa mỗi cái phong bì cho người ta thì có mà ngượng chết. Người đưa ngượng, người nhận cũng ngượng! Đưa túi bánh, trong túi bánh có phong bì thì… chả ai ngượng cả! Ai cũng nhìn nhau cười phe phé, mặc dù tâm trạng hoàn toàn ngược nhau...
Cột: - À ra thế! Không biết ai là người đầu tiên sang tác ra cách đưa “quà” kiểu “2 trong 1” ấy nhỉ?.. Tớ nghĩ phải đề nghị tặng “bằng sáng kiến phát minh” cho người ấy!..
Kèo: - Cậu nói… chỉ có đúng trở lên thôi!
Cột: - Vậy, cái lần cậu đưa hối lộ… à… đưa quà ấy, là nhằm mục đích gì vậy?..
Kèo: - Đi xin việc cho thằng cháu con bà chị.
Cột: - Thế thì số “tờ’ đựng trong cái phong bì hôm ấy, chắc chắn cũng phải “nặng đô” nhỉ?!.
Kèo: - Cậu tò mò quá đi!..
Cột: - Tớ xin lỗi!.. Vậy kết quả việc ấy thế nào?
Kèo: - Cháu mình đã đi làm được ba năm nay rồi.
Cột: - Công việc tốt chứ?
Kèo: - Chắc vậy. Có điều nếu thằng bé cứ chỉ làm nhân viên như hiện nay, thì bố mẹ cháu… buồn và lo lắm…
Cột: - Sao lại buồn và sao lại lo?
Kèo: - Buồn và lo đều chỉ vì một vấn đề thôi…
Cột: - Vấn đề gì?
Kèo: - Vấn đề tế nhị và nhạy cảm lắm!
Cột: - Hé lộ cho mình một chút xem nào?
Kèo; -  Hình như cậu cứ thích xoáy vào nỗi đau của người khác như vậy ư?.. Sao cậu không thử đặt mình vào hoàn cảnh vợ chồng bà chị mình xem, nuôi con ăn học bằng ấy năm trời, tốn kém đủ điều, tốn kém đủ kiểu, tốn kém mọi vẻ… “Quà” rải từ năm học mẫu giáo tới năm cuối đại học, mỗi năm ba bốn bận… Vét hết, bán hết, hết rồi thì bấm bụng đi vay, cốt sao nuôi con ăn học nên người. Thế mà, đến khi “chạy” có được công ăn việc làm rồi, mà chỉ làm nhân viên quèn, trần xì chỉ có lương, không có bổng lộc gì, thì làm sao bố mẹ trả được nợ? Làm sao có tiền cưới vợ, đẻ con?..
Cột: - Nhưng ở nước ta, lương nhân viên với lương cán bộ lãnh đạo có chênh nhau nhiều đâu. Làm sao giải quyết được nỗi băn khoăn của cậu?
Kèo: - Lương thì nói làm gì. Cái chính là bổng, là lộc, là lậu!
Cột: - Là những thứ… “quà” như chính cha mẹ thằng cháu cậu đã từng dùng để đưa…
Kèo: - Đại loại thế!.. Cậu lạ gì nữa mà còn hỏi!..
Cột: - Có nghĩa là: Gia đình tôi tốn bao nhiêu là “quà” mới có được cái vị trí việc làm này, chứ đâu phải tự nhiên mà có! Vậy thì, bây giờ tôi phải có trách nhiệm giúp bố mẹ trang trải các chi phí mà họ đã bỏ ra trong suốt thời gian qua chứ? Rồi tôi còn phải lo cho chính cuộc sống của mình nữa… Do vậy, không thể chỉ trông vào mỗi khoản lương ít ỏi được, mà phải… “tính”, không “tính” kiểu này thì “tính’ kiểu khác?    
Kèo: - Đúng. Ai cũng phải thế thôi, không thể sống “cao đạo” được! Cao đạo thì chỉ có mà đói cả nhà, cả họ!..
Cột: - Ra thế!..
Kèo: - Tớ ví von thế này chắc chưa chuẩn, nhưng cũng phần nào nói được nội dung vấn nạn này, đó là “sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” – khép kín một vòng tròn
Cột: - Và sau một vòng này thì một vòng tròn mới lại bắt đầu… Một kiểu đèn cù… Tít mù nó lại vòng quanh!.. “Khen ai khéo vẽ ối a cái đèn cù!.. Đèn cù, đèn cù là đèn cù!..”, đúng không?!.
Kèo: - Thì đúng là thế đấy! Đều là do hoàn cảnh đưa đẩy, bắt buộc chứ bản thân mỗi người, đâu có phải ai cũng sẵn có thói xấu thích… “lậu nhiều hơn lương”?
Cột: - Tớ nhớ đến một câu được thầy cô và cha mẹ dạy cho từ bé: “Người ta vốn tính bản thiện”.
Kèo: - Đúng!
Cột: - Nhưng hoàn cảnh đã buộc tôi, buộc anh chị, buộc họ… phải hành động khác với chính lương tâm của chính mình! Ôi! Không biết cái nạn này nên gọi là gì nhỉ và quan trọng hơn là làm thế nào để ngăn chặn được nó đây? Ngăn từ gốc, chứ không phải từ ngọn; ngăn bằng hành động hiệu quả chứ không phải bằng lời nói suông – Và cuối cùng, câu hỏi này chuyển đến ai là đúng địa chỉ nhất đây?!..