Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MUỐN SỐNG ĐEM VÔI QUÉT GIẢ ĐỀN

Lê Quế
Thứ bẩy ngày 12 tháng 11 năm 2011 5:33 AM

(Nhân đọc bài: “Truyện Tấm Cám nhìn thế nào cho đúng” của Bùi Hoàng Tám)

Ngày nay nhiều người đọc truyện Tấm Cám thấy nhân vật cô Tấm có nhiều nghi vấn không hóa giải được. Chẳng hạn cô Tấm có một kiếp hay có tới bốn, năm hay thậm chí là sáu kiếp sống? Đầu tiên là cô Tấm, rồi khi bị giết thì biến thành chim vàng anh, rồi thành hai cây xoan đào, rồi thành con ác ở đầu khung cửi, rồi thành quả thị, rồi cuối cùng lại trở về hình hài cũ là cô Tấm. Và sự thực cô Tấm là một nhân vật tốt hay xấu? Dĩ nhiên ai cũng mặc nhiên thừa nhận cô Tấm là một nhân vật tốt, thảo hiền, đẹp người, đẹp nết. Nhưng khi có người đặt câu hỏi ngược lại thì không giải thích được. Đó là việc Tấm giết Cám là em ruột của mình khi hai chị em đã cùng làm vợ vua, lại giết theo cách rất man rợ là xẻ thịt làm mắm rồi gửi về cho mẹ Cám ăn thì giải thích thế nào? Thế thì cô Tấm là người thảo hiền hay chính cô Tấm lại còn ác hơn cả mẹ con Cám?
Bùi Hoàng Tám cho biết, chính vì lẽ đó mà trước đây “sách giáo khoa đã bỏ truyện Tấm Cám ra khỏi chương trình. Trong truyện Tấm Cám của nhiều nhà xuất bản cũng lược bỏ đoạn này.” Nhưng rồi “Gần đây, dư luận lại xôn xao xung quanh SGK lớp 10 đưa truyện Tấm Cám vào chương trình giảng dạy. Đoạn cuối được lược bỏ, sửa lại như sau: “Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết. Câu chuyện nhẹ nhàng hơn, đỡ ghê rợn hơn.”
Chúng tôi xin góp vài ý nhỏ như sau:
Theo chúng tôi, việc xuất hiện những nghi vấn nói trên là do người đọc ngày nay đã soi chiếu tác phẩm dưới một nhãn quan khác với nhãn quan của người sáng tác từ cách đây đã mấy ngàn năm. Ngày nay chúng ta đã hiện đại hơn, đã không còn tin vào thánh thần ma quỷ nữa, mọi việc đều lấy khoa học chính xác ra mà mổ xẻ nên mới thấy tác phẩm chứa đầy những nghi vấn, những bất hợp lý như thế.
Nhưng nếu ta sử dụng cách đọc truyền thống thì sẽ thấy các nghi vấn trên sẽ mặc nhiên biến mất. Câu chuyện trở nên dễ hiểu một cách tự nhiên. Thực vậy, chỉ cần liên hệ những hành vi của mẹ con mụ dì ghẻ và của cô Tấm với những hình tượng về ma quỷ và thần tiên đã phổ biến trong quan niệm dân gian, cổ tích là ta sẽ thấy mọi việc thật rõ ràng, đơn giản.
Theo cách hiểu đó thì mẹ con mụ dì ghẻ không phải là người mà là ma quỷ, cụ thể là loài hồ ly tinh đội lốt người. Mụ dì ghẻ đang thực hiện âm mưu chiếm đoạt vị trí của cô Tấm trong cõi người cho con mụ là Cám. Mụ giết Tấm là để cho Cám thay Tấm làm vợ vua. Sau đó mụ tiếp tục tìm mọi cách trừ diệt Tấm đến cùng là để giữ lấy vị trí đã cướp được đó cho Cám. Vì hồ ly tinh là loài yêu tinh sống đến ngàn năm nên Cám ở tuổi đó hãy còn là một con hồ ly non ngờ nghệch. Cám chỉ lừa Tấm có một lần mà cũng theo cách rất trẻ con là lừa cho Tấm xuống ao tắm để ở trên bờ trút trộm cua sang giỏ mình. Còn những lần khác đều do mụ dì ghẻ tiến hành thay con.
Nhưng chẳng may cho mụ, là đã chọn nhầm đối tượng. Bởi không ngờ Cám cũng không phải là người, mà là một thiên thần giáng thế, đầu thai vào gia đình nhà nông đó. Bằng chứng là nàng đã chết đi sống lại nhiều lần trong một kiếp, chết đi rồi sống lại với đúng hình hài và tuổi tác đó chứ không phải là đầu thai lại trong một kiếp mới trong hình hài mới của một đứa trẻ sơ sinh. Đó là một khả năng chỉ có ở các bậc siêu nhiên mà người trần mắt thịt không bao giờ có được.
Như vậy: Truyện Tấm Cám nói về cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác được cực đoan hoá thành cuộc đấu tranh giữa thần tiên (hoá thân trong vai cô Tấm thảo hiền) và ma quỷ là loài hồ ly tinh (hoá thân trong vai mẹ con mụ dì ghẻ độc ác). Đây là cuộc đấu tranh trường kỳ, liên tục muôn đời và rất quyết liệt, không khoan nhượng.
Thế tại sao Tấm chết đi sống lại 4 lần mà không phải là 1, 2, 3 hay là 5, 6?
Theo quan niệm dân gian thì "sự bất quá tam". Nghĩa là một sự việc nào đó nếu mới diễn ra vài lần thì còn có thể là do ngẫu nhiên, nhưng nếu đã lặp lại đến 3 lần thì đã là quy luật, đã có thể kết luận đó là bản chất. Việc Tấm để cho mụ dì ghẻ hại chết đi sống lại tới 3 lần chính là để làm bộc lộ bản chất của mụ là hồ ly tinh. Sau đó nàng để cho mụ tiếp tục hại thêm một lần nữa là để khẳng định một cách chắc chắn bản chất ma quái đó của mụ. Bởi người thường thì không ai nỡ thực thi hành động tàn ác quá 3 lần ngay cả khi cố ý cũng vậy, chỉ có loài ma quỷ mới tàn ác tới cùng như vậy vì tàn ác là bản chất của chúng, tàn ác không chỉ là mục tiêu mà còn là niềm vui của chúng. Tóm lại, Tấm đã rất khổ công và cũng rất thận trọng trong việc phát hiện ra bản chất ma quái của mẹ con mụ dì ghẻ để đi đến kết luận dứt khoát: Mụ dì ghẻ không phải là người mà là loài hồ ly tinh đội lốt người. Và tất nhiên, Cám cũng không phải là em của Tấm mà là loài hồ ly tinh đội lốt người lọt vào nhà Tấm để chiếm đoạt vị trí của cô trên cõi đời.
Khi đã biết chắc mẹ con mụ dì ghẻ không phải là người mà là loài hồ ly tinh đội lốt người thì Tấm lên tiếng tố cáo bản chất của chúng cho bàn dân thiên hạ biết thông qua tiếng kêu của con ác trên khung dệt: "Ác, ác...".
Tiếp theo, khi trở lại làm người lần thứ 4, Tấm sắn sàng chia đôi tình cảm, để cho Cám cùng hưởng hạnh phúc với mình bằng cách cùng làm vợ vua nhưng vẫn không quên cảnh giác. Tấm phải cảnh giác đề phòng bởi lẽ sau 4 lần giết hại Tấm như vậy, mẹ con mụ dì ghẻ vẫn không một lời xin lỗi để tỏ ra là biết hối cải. Cám vẫn vui vẻ như không hề có chuyện gì xảy ra chứng tỏ là nó chỉ tạm thời dừng lại để tìm cơ hội giết Tấm lần nữa hòng độc chiếm lấy hạnh phúc mà giờ đây nó đã chiếm được một nửa đó thôi.
Cho đến khi Cám hỏi Tấm cách thức làm sao để cho đẹp được như Tấm, thì Tấm hiểu rằng, chúng đã bắt đầu một đợt phản kích mới. Và lần này, mụ dì ghẻ không cần giúp nữa vì Cám đã trưởng thành, đã có thể tự mình thực hiện hành vi tội ác. Tấm đang đứng trước một hiểm hoạ là phải cùng lúc đối phó với 2 con hồ ly tinh chứ không phải là một như trước nữa. Chỉ cần biết được cách thức, Cám sẽ giết Tấm lần nữa rồi hoá thân trong hình hài của Tấm, thế là xong. Tất nhiên lần này Tấm không thể để cho chúng kịp thực hiện tội ác. Nàng chủ động ta tay trừ diệt Cám một cách dứt khoát mà cũng rất bình thường theo đúng bản chất của nó. Cám là một con hồ ly tinh chứ không phải là người, không phải là em ruột Tấm. Bởi thế, Tấm không giết người, không giết em ruột của mình. Tấm đang giết một con vật theo đúng cách thức giết mổ động vật là làm lông bằng nước sôi rồi xẻ thịt để chế biến thành thực phẩm. Đơn giản vậy thôi.
Vậy tại sao Tấm giết Cám mà không giết mụ dì ghẻ? Vì như trên đã nói, Cám chỉ là con hồ ly tinh còn non nớt, nên Cám đã nghờ nghệch nghe lời Tấm, nhảy vào nước sôi để tắm cho trắng và bị chết bỏng. Còn mụ dì ghẻ thì đã tu luyện già đời rồi, nên dù Tấm có khả năng cải tử hoàn sinh thì cũng không đủ cao cường để trừ khử được mụ. Bằng chi tiết này, tác giả muốn nói rằng, cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác chưa kết thúc. Đó là một cuộc đấu tranh không hề đơn giản, làm một lần là xong. Con người muốn giữ được cuộc sống bình yên thì phải luôn luôn cảnh giác với kẻ ác.
Vì không thể trừ khử được mụ nên Tấm chỉ có thể tố cáo bản chất của mụ cho bàn dân thiên hạ biết để tránh mà thôi. Đó là việc Tấm gửi hũ mắm làm bằng thịt của Cám cho mụ. Và mụ đã ăn, rồi khen ngon. Chính qua lời khen này, mụ dì ghẻ đã vô tình tự tố cáo bản chất ma quái của mụ. Bởi là con người thì không ai lại ăn thịt đồng loại mà không thấy tanh. Chỉ có loài ma quỷ, loài hồ ly tinh thì mới có thể ăn thịt đồng loại mà không những không thấy tanh, lại còn thấy ngon lành như vậy.
Cuối cùng, tác giả dân gian còn bố trí thêm một điệp tiết nữa để làm bộc lộ thật rõ ràng bản chất ma quái của mụ dì ghẻ. Đó là tiếng kêu của con quạ. Quạ là loài ăn xác thối. Trong quan niệm dân gian, tiếng kêu của loài quạ tượng trưng cho sự chết chóc, tang thương. Tiếng “quạ kêu, cú rúc” tượng trưng cho điềm ác, cho chết chóc và tai hoạ nên người ta rất cữ. Ở đây, tiếng kêu của con quạ không chỉ báo cho mụ biết là mụ đang ăn thịt con mà còn vô tình báo cho thiên hạ biết mụ là bạn của nó: “Ngon gì mà ngon. Mẹ ăn thịt con. Có còn cho miếng.”
Ai đã từng sống với dân quê đều biết rằng, dân quê rất khách khí mà cũng rất xuề xoà, tuỳ trường hợp. Như cưới, hỏi, giỗ, chạp chẳng hạn, nếu không phải là người rất thân tình thì phải giữ phép tắc, xã giao: “Ăn có mời, làm có khiến”. Mà phải mời trước một ngày người ta mới đến, còn mời đến ăn ngay thì người ta không đi, vì như thế là coi thường, là gọi đi ăn chứ không phải là mời. Còn nếu đã là người giao hảo rất thân tình với nhau rồi thì chẳng cần mời người ta cũng đến, không cho thì người ta cũng tự lục nồi mà ăn, cỗ tàn rồi thì ăn vét cũng không sao. Nghĩa là như người nhà vậy, không hề câu nệ. Thế mới càng thân tình.
Từ đó ta thấy, việc con quạ hỏi xin ăn đồ thừa của mụ chứng tỏ nó và mụ vốn đã là chỗ rất thân tình với nhau. Có thể chúng đã làm quen với nhau trong những bữa tiệc chén xác thối. Mụ là bạn thân của loài quạ chứng tỏ mụ là ma quỷ chứ không phải là người.
Với cách hiểu đó, ta có thể luận ra thông điệp của truyện Tấm Cám là: Cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác trên cõi đời này là một cuộc đấu tranh trường kỳ liên tục và gần như bất phân thắng bại. Đó không chỉ là một cuộc đấu sức mà còn là một cuộc đấu trí nữa. Bởi vậy, con người muốn giữ được hạnh phúc của mình thì đừng lơ là, mất cảnh giác. Trong lúc chưa thể tiêu diệt hết được cái ác thì phải cô lập, hạn chế cái ác lại, đừng cho nó phát triển, sinh sôi.
(Chi tiết: cái đầu lâu trong hũ mắm chắc chắn là do ai đó mới thêm vào sau này. Đó là một chi tiết thừa. Bởi đã có lời mách của con quạ: “mẹ ăn thịt con” là đủ rồi.)
Ngày nay con người đã hiện đại hơn, thường lấy khoa học để khảo sát tự nhiên và xã hội, mọi thứ đều được soi chiếu bằng lý tính. Còn người xưa quan niệm mọi thứ trong vũ trụ này đều có đời sống, đều có hồn, có vía; đều biết vui, buồn, hờn, giận như con người vậy. Do đó việc thụ cảm một tác phẩm có sự thay đổi qua các thế hệ.
Ngay cả đối với mỗi một người thì cách tiếp cận một tác phẩm nào đó cũng không phải là một hằng số mà có sự thay theo thời gian tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội cũng như vào địa vị và vốn sống của người đó. Chẳng hạn như Bùi Hoàng Tám khi đọc truyện Tấm Cám:
“Ngày còn đi học, đọc đến đoạn Tấm làm mắm Cám gửi về cho dì ghẻ, tôi rất hả hê, khoái chí.
Rồi lớn lên, tôi thấy chuyện đó thật ghê rợn. Người chị dùng nước sôi để giết em gái cùng cha khác mẹ của mình đã là hành động độc ác đến man rợ nhưng sau đó còn làm mắm để gửi về cho người mẹ thì sự độc ác đến ghê sợ… Việc cắt bỏ đoạn kết là hợp lý.
Nhưng giờ đây, tôi lại suy nghĩ khác. Câu chuyện Tấm Cám đã tồn tại vượt qua thời gian như vậy không thể là không có lý. Vậy thì vì sao dân tộc Việt Nam với truyền thống nhân ái, nhân văn lại chấp nhận cái đoạn kết miêu tả sự độc ác ghê rợn đến như vậy? Thông điệp của cha ông gửi lại cho chúng ta là gì? Phải chăng chúng ta chưa hiểu của tiền nhân?...”
Thế là Bùi Hoàng Tám qua ba giai đoạn trưởng thành và đã có ba cái nhìn khác nhau về cùng một tác phẩm Tấm Cám. Và biết đâu sau này, ông sẽ còn có những cái nhìn khác nữa về tác phẩm này. Mở rộng thêm trong xã hội chắc còn những cách hiểu khác nữa, chẳng hạn cách hiểu mà chúng tôi vừa trình bày. Đó chính là cách hiểu của dân gian Việt Nam trong suốt mấy ngàn năm qua. Người bình dân Việt Nam chẳng có lý thuyết gì cao siêu, chỉ biết lấy thuyết về thần tiên, về ma quỷ để soi chiếu tác phẩm và họ đã hiểu truyện Tấm Cám như vậy đó. Có thể lý thuyết đó cũng đã có trong Bùi Hoàng Tám từ thuở mới tạo hình hài nên khi bắt đầu biết nghĩ, Bùi Hoàng Tám đã cảm nhận truyện Tấm Cám một cách tự nhiên bằng trực giác: Bởi thế khi “đọc đến đoạn Tấm làm mắm Cám gửi về cho dì ghẻ, tôi rất hả hê, khoái chí”.
Rồi vài ba thế kỷ sau, rất có thể khi con người đạt đến người trình độ văn hóa cao hơn, xuất hiện nhiều học thuyết hiện đại hơn thì khi nhìn nhận tác phẩm Tấm Cám chắc họ sẽ thu được những kết quả khác nữa.
Chúng tôi không bàn về kết quả nào đúng, kết quả nào sai mà chỉ bàn về việc Bộ Giáo dục sửa đổi đoạn kết, cũng có nghĩa là thay đổi chủ đề tư tưởng của tác phẩm Tấm Cám trước khi mang dạy cho học sinh.
Theo chúng tôi, truyện Tấm Cám cũng như bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào của tiền nhân để lại đến ngày nay đều là tài sản vô giá của dân tộc, cần được trân trọng và giữ gìn nguyên trạng; mọi người đều có quyền nhìn nhận tác phẩm tuỳ theo nhãn quan của mình, có quyền bình luận, khen, chê, thậm chí là kết án tác phẩm cũng được; nhưng không một ai dù là cá nhân hay cơ quan được phép sửa đổi làm sai lệch chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
Sửa đổi như vậy thực ra là giết chết tác phẩm của tiền nhân, rồi nguỵ tạo nên một tác phẩm mới của chính mình, nhưng lại vẫn mạo danh tiền nhân để truyền lại cho hậu thế. Bộ Giáo dục sửa, rồi mang cái của dởm đó dạy cho hàng triệu học sinh, rồi hàng loạt nhà xuất bản khác cũng sửa theo khiến cho sau này chẳng ai còn biết đến nguyên tác nữa. Đó là hành vi chặt đứt mạch nối, ngăn cách dòng chảy của tư tưởng cha ông có từ mấy nghìn năm trước với các thế hệ mai sau. Cái mở đầu tưởng đơn giản nhưng sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Cái sảy nảy cái ung. Những cái ung ác tính như vậy sinh sôi sẽ giết chết văn hoá cổ truyền chứ chẳng phải chuyện chơi. Đó là sự thật hiển nhiên chứ không phải là do chúng tôi quan trọng hóa vấn đề mà nói quá lên đâu. Thử hỏi: Hôm nay Bộ Giáo dục cho là cô Tấm giết người bất nhân rồi phóng bút sửa đổi truyện Tấm Cám như vậy, liệu ngày mai Bộ Giáo dục có tiếp tục cho rằng chiếc thạp đồng cổ ở viện bảo tàng lịch sử có 4 cái quai là 4 đôi trai gái đang giao cấu là dâm ô tập thể, là làm hại đến thuần phong mỹ tục, rồi cũng xách đục đến tẩy bỏ đi để hàn vào đó những cái tai khác hay không? Mọi khả năng đều có thể xảy ra? Thật là đáng sợ.
Nếu ta tốt đẹp hơn, nhân hậu hơn ông cha thì cứ tự mình tạo ra những giá trị nghệ thuật của thời đại mình sao cho thật hoành tráng, rực rỡ đi mà dùng. Còn những gì thuộc về quá khứ, đã đi vào lịch sử, nếu không thích thì thôi, cứ đóng gói để đấy, chứ sao lại có thể đối xử thô bạo như vậy?
Việc sửa đổi tác phẩm của người khác, nhất là tác phẩm của tiền nhân đã có từ mấy ngàn năm là hành vi thô bạo, thiếu văn hoá cần được xã hội lên án.
Xin mượn đôi câu thơ của nữ sĩ họ Hồ để thay cho lời kết:
“Ai về nhắn nhủ phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét giả đền”.

Ngày 11-11-2011
Lê Quế