“... Thưa các bạn. Khi chương trình văn nghệ đã lên khuôn, (nói theo ngôn ngữ báo chí), chúng tôi nhận được bài viết “Nhà cụ Tú ở thành Nam” của tác giả Phạm Ngọc Khảnh, hội viên Hội Văn nghệ Nam Định. Đọc xong bài viết này chúng tôi thấy cần thay đổi chương trình cũ để kịp đưa những điều trăn trở của không riêng tác giả Phạm Ngọc Khảnh, mà của tất cả những ai yêu văn học, yêu thơ của nhà thơ sông Vị Trần Tế Xương đến cùng công luận”. Đó là những lời mở đầu buổi phát thanh “Văn nghệ chủ nhật” của Đài tiếng nói Việt nam, lúc 21 giờ ngày 19/9/2004. Tới nay lại đã ngót 3 năm nữa rồi! Nghe vậy đủ biết, tính cấp thiết, lời kêu cứu một công trình văn hóa – lịch sử - Nhà Tú Xương ở thành phố Nam Định với cả nước... đến mức nào!
Nghe xong chương trình tôi rất cảm động, khăn gói tìm lên Đài tiếng nói Việt Nam, xin cuốn bằng ghi âm, đem về sao lại, đủ cho các vị Bí thư, Chủ tịch, các Phó chủ tịch tỉnh và một số nhà chức sắc trong lĩnh vực có liên quan nghe lại. Tôi sợ các vị ấy bận không có điều kiện theo dõi. Sau việc làm ấy tôi thấy có hiệu nghiệm. Tỉnh giao cho ông Phạm Văn Hoành, Thường vụ, Trưởng ban tuyên giáo soạn thảo, trình bày bằng văn bản trước các nhà lãnh đạo tỉnh. Nghe đâu cũng được một số ý kiến thảo luận, nêu quan điểm đại để là: Tỉnh đang phải dồn sức đầu tư cho một số công trình văn hóa tầm cỡ lớn hơn nhiều. Vả lại Nam Định mảnh đất “Địa linh nhân kiệt”, nhiều anh tài. Riêng lĩnh vực văn chương, ngoài Tú Xương ra còn có nào là Nguyễn Bính, Văn Cao, Lương Thế Vinh, Trần Bích San... cổ kim có đến mấy chục vị nữa... thì sao! Lý sự như vậy, chúng tôi cũng đành chịu. Là những người cầm bút “lực bất tòng tâm” chỉ biết có “kêu” và “chờ”. Nhưng thực lòng thì cứ canh cánh lo cho ngôi nhà cụ Tú; “Lỡ ra ngàn vàng không chuộc...” Vậy thôi!
Sinh thời Tú Xương, ngoài ngồn ngộn những tác phẩm thơ ca ra, còn lưu lại nhiều câu đối, qua đó Tú Xương thể hiện nỗi niềm tâm sự có gì như vừa trách móc cho mình, vừa như than thở cho thân phận cái cò, cái vạc lặn lội quanh năm của bà Tú:
Trúc báo bình an nỡ để vun trồng nơi kẽ ngạch
Cò giàu văn tự cớ sao lặn lội ở bờ sông
Hoặc giả, câu đối treo Tết năm nào, thấy mồn một hiện lên cốt cách Tú Xương với thú giang hồ, thưởng gió, chơi trăng:
Tối thế thượng chi phong lưu giang hồ khí cốt
Cực nhân gian chi phẩm giá phong nguyệt tình hoài
Vốn là nhà nho nghèo, vả lại Tú Xương làm thơ cốt để giãi bày, phản ánh, phản kháng một cách nhạy bén những thói hư tật xấu, và lên án bọn thực dân – ông Tây bà đầm; bọn quan lại, đến ông nghè, ông cử loại “xuống cấp” bất tài. Giữa bản lề xã hội nhố nhăng... cũng như ca ngợi tình yêu tình bạn hữu. Cứ thê, ngầm lan trong xã hội, tạc vào lòng người lưu truyền cho hậu thế, không in ấn xuất bản gì. Mỗi lần làm xong được đôi câu đối là “Viết vào giấy dán ngay lên cột / Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay”. Chỉ chờ vợ khen cho một câu là ông sướng lắm rồi.
Những ai đã từng đọc và yêu thơ Tú Xương, hẳn còn nhớ đoạn thơ trong bài Than việc nhà của Cụ:
... Tin bạn hóa ra người thất thổ
Vì ai nên nỗi quyển đâm vôi
Ba mươi mốt tuổi đà bao chốc
Lội suối trèo non đã mấy hối
Bấy giờ vào cuối năm Canh Tý (1900), gia đình Tú Xương gặp nạn. Vì qua tin bạn – cậu ấm Thuần người Bình Lục ham chơi cờ bạc, thua to, phải nhờ Tú Xương đứng tên bầu chủ, vay nợ lãi. Cuối cùng đến hạn không trả được, Tú Xương mất đất mất nhà. Lúc ấy là ngôi nhà 247 phố Hàng Nâu. Gia đình ly tán.
Bố mẹ vợ mua cho vợ chống Tú Xương ngôi nhà số 280 cúng phố Hàng Nâu, nay là phố Minh Khai. Dọn về nhà mới, chỉ còn một tháng nữa là Tết. Công việc buôn bán, chạy chợ, học hành cuối năm bề bộn. Nhưng dù sao cũng có niềm vui cảm kích về ngôi nhà mới. Lúc tĩnh tâm ông đã làm vế đối “An đắc thiên vạn gian tịnh vô hàn sĩ” – Ước được ngàn vạn gian nhà thì chẳng còn ai là kẻ sĩ nghèo nữa. Rồi ghi vội vào gấiy đỏ, tam treo lên tường chơi Tết, chờ khi hoàn chỉnh mới nhấn khắc làm kỷ niệm...
Qua Tết, mãi không thấy ông làm nốt vế đối còn lại, bà Tú sợ sái nhà, nhắc khéo ông. Nhưng Tú Xương cứ chần chừ mãi. Đến giữa tiết xuân, nhân buổi thư nhàn, mát mẻ, hoa lá tốt tươi, bướm ong tụ về... như giục như mời, tình xuân chan chứa, đến độ thăng hoa. Nhà thơ vung bút xuất thần: “Thường như nhị tam nguyệt hà tất thiên thai” – Khi nào khí hậu cũng mát lành như tháng hai, tháng ba thì cứ gì phải (ước mơ) tiên cảnh. Đôi câu đối thật chỉnh, thật hay, một tác phẩm để đời. Trải qua năm tháng phong trần, cửa nhà nhiều phen lưu chuyển, mai một dần... Nghe nói lần nào Xuân Diệu về thăm Nam Định, đến nhà Tú Xương ông cũng lẩn thẩn kỳ cọ như người đánh mất của quý mê mẩn kiếm tìm, mà không thấy. May sao cụ Huy Vinh vừa rồi đã tìm được đôi câu đối ấy.
Chứng tôi, một số anh em trong bộ môn thơ và bạn bè yêu thơ Cụ, kẻ ít người nhiều góp vào, bảo nhau làm một việc nghĩa cử nhân dịp kỷ niệm 135 ngày sinh của Cụ (10/8/2005), và chuẩn bị khôi phục lại một số di vật quý trong phòng văn Tú Xương sau này. Tôi và nhà thơ Phạm Trọng Thanh, tính toán gằn dẳn mãi, đầu tiên sang Đò Quan nhờ một người làm câu đối có tiếng thiết kế giúp. Sơn son, thiếp vàng, tính ra mất năm triệu đồng, đẹp thật nhưng không đủ tiền, mà công việc đến nơi rồi. Đành bảo nhau chọn phương án “tùy tiền biện lễ” lần tìm vào La Xuyên – làng nghề chạm ộc truyền thống của Nam Định nhờ vợ chồng họa sỹ Nguyễn Văn Đức giúp một tay. Ông Vũ Minh Am chữ nho đẹp nhận viết mẫu chữ rồi chạm lên gỗ, kích cớ câu đối dài 2,2 mét, rộng 24 phân, nền nét hoa văn quát màu vàng ánh, chữ sơn then đen rưng rức.
Xong đâu đấy còn phải bàn tính nát lý sự với gia đình ông Trần Ngọc Thành, người đang sở hữu ngôi nhà Tú Xương. Ông Thành vốn tính cẩn thận cứ băn khoăn và “sợ”, tác phẩm mang hồn thơ Cụ biết treo vào đâu cho xứng. Chính gian trong mới là nhà Cụ, nhưng do quá trình bồi tụ, seo sửa, nền đã tôn cao, ra vào hiên thấp gần chạm đầu người, nhà tối tăm rệu rã. Khách đến thăm họ sẽ chê cười... Cuối cùng đành tạm treo ở phòng khách. Nhà người!
Việc hương khói, con cháu cũng phải “có lời” thỉnh Cụ, chả nhẽ đứng ngoài đường bái vọng. Nên đã hẹn nhau tập trung quanh mộ Cụ bên hồ, lên hương; rồi cùng kéo nhau về phố Hàng Nâu treo câu đối vậy.
Hôm ấy anh Đức đánh hẳn một chuyến ô tô chở đôi câu đối từ Ý Yên ra, vừa vặn...
Khi anh em văn nghệ, con cháu hậu duệ Tú Xương đã tề tựu đông đủ. Nhà nghiên cứu văn học Đỗ Huy Vinh chống chiếc ba-toong lẩy bẩy đứng lên nói về lai lịch, xuất xứ và những giai thoại về đôi câu đối. Chuyện xảy ra cách đây hơn một thế kỷ rồi... Tưởng Tú Xương hiện về đất Vị Hoàng cùng hậu thế hòa vào cảnh sắc “thiên thai”... thiêng liêng và cảm động!
Có điều không ai dám nói với ai nỗi băn khoăn và trĩu nặng – câu đối Tú Xương đến hôm nay, vẫn phải treo nhờ!
PNK