Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

KỈ NIỆM 90 NĂM NGÀY SINH NHÀ THƠ QUANG DŨNG

Vân Long
Thứ sáu ngày 11 tháng 11 năm 2011 10:17 PM

Sáng ngày 11 – 11 -2011, tại hội trường 19 Hàng Buồm, Hội nhà văn Hà Nội tổ chức Kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ Quang Dũng  (1921-2011).

            Chủ tịch Hội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chủ trì.
            Nhà thơ Vân Long (nguyên chủ tịch Hội đồng thơ Hội nhà văn Hà Nội) đọc     bản đề dẫn:                               

                 Bản đề dẫn của tôi có tên là Nhà thơ Quang Dung bóng mây qua đỉnh Việt, xuất xứ từ ý thơ Quang Dũng trong bài Pha Đin: Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt/ Mà như lau sậy có linh hồn. 

Đọc câu thơ này, tôi mường tượng như nhà thơ Quang Dũng   của chúng ta cũng là một áng mây bay qua sông núi. Và ông bay đến đâu, Thơ ông đụng vào đâu tức thì cỏ cây đất đá ở đó bỗng sống động hẳn lên.

          Bản chất thích lãng du của ông giống bản chất của mây là sự   phiêu bồng. Tập thơ in riêng duy nhất có tên Mây đầu ô, Bài thơ tiêu biểu nhất, câu thơ hay nhất ông cảm xúc từ những đỉnh cao sương mây Tây Tiến: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” và nhiều nhiều những câu thơ hay về núi sông đất nước trên những dặm đường  ông qua…   

                   Hôm nay kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ, việc đầu tiên tôi

mong  làm được là soi lại bản chất trong sáng thinh nhẹ của ông mà khi đi qua cuộc đời này ông đã bị lấm bẩn, làm nặng cánh bay    Quang Dũng…

          Tôi hy vọng còn chút tồn nghi, hư truyền nào trong cuộc đời    Quang Dũng, hôm nay chúng ta đã có đủ điều kiện để cởi bỏ hết cho ông.  Cho nên phân đọan đầu tiên tôi đề cập là hành trang lai lịch đích thực của nhà thơ Quang Dũng.  

            

 

 

                 Nhà thơ Quang Dũng                         

                              bóng mây qua đỉnh Việt

                                       

                                                          Cơn gió bóng mây qua đỉnh Việt

                                                           Mà như lau sậy có linh hồn!                            

                                                                                                (Pha Đin Q.D.)                                                                                                                                                                

          Nhà thơ Quang Dũng tên thật là Bùi Đình Dậu (tức Diệm), sinh năm 1921 tại làng Phượng Trì, tổng Phùng huyện Đan Phượng, nay thuộc Hà Nội. Làng Phượng Trì mặt ngòai là phố buôn bán, mặt trong là làng, người dân ở đây buôn bán cũng giỏi, trồng dâu chăn tằm cũng giỏi. Đời ông nội của Quang Dũng nhà ở trong làng, đến đời ông thân sinh thì rời ra phố, bà mẹ mở gian hàng tạp hóa ngay căn nhà ven đê, nên gia đình ông vừa làm nông nghiệp vừa buôn bán nhỏ.

          Quang Dũng học ở trường làng đến cấp Thành chung rồi về học trường Sư phạm Hà nội. Ở trường Sư phạm ra, do có máu nghệ sĩ, ông không đi dạy học và cũng không làm viên chức như hầu hết thanh niên hồi đó, mà làm nhạc công, đánh đàn kéo nhị cho một gánh hát. Cũng có lúc ông dạy học, nhưng làm “cậu giáo” tư gia để khỏi bị gò bó, ông thực hiện ngay từ đầu đời ý thích giang hồ, xê dịch của mình, mở đầu kiếp mây đầu ô trong phố phường Hà Nội.         

Tác phẩm xuất bản: Thơ: Bài thơ sông Hồng (truyện thơ 1956), Rừng biển quê hương (in chung với Trần Lê Văn,1957), Mây đầu ô (1986).

Văn: Mùa hoa gạo (truyện ngắn, 1950), Đường lên Thuận Châu (bút ký 1964), Nhà đồi (truyện ngắn, 1970), Rừng về xuôi (bút ký) Một chặng đường Cao Bắc (bút ký, 1983), Thơ văn Quang Dũng (tuyển, 1988), Tuyển    tập Quang Dũng (1999).

 

          I - Hành trang Quang Dũng, đã hết những tồn nghi !

 

          Mục tiểu sử, ở cả hai Tuyển tập Quang Dũng Tác phẩm chọn lọc (NXB Văn Học,1988) và Tuyển tập Quang Dũng (NXB Văn Học  (1999), nhà thơ Trần Lê Văn, trong lời đầu sách sau khi đưa sơ yếu lý lịch Quang Dũng như trên, đã kể tiếp: …”Khỏang đầu những năm 1940, Quang Dũng  thường giao du với những người bạn cùng lứa tuổi, có chí khí, có tinh thần yêu nước, đang cùng nhau “tìm đường”…. Gặp và yêu cô Thạch ở Yên Bái,  Dũng nhận làm thư ký ga Thị Cầu để được gần người yêu. Nhưng chẳng bao lâu anh lại” Nhẹ nhàng thân gửi kiếp ra đi” . Nhân có người bạn làm công nhân trên tuyến tàu chạy Vân Nam của Công ty Hỏa xa Vân Nam, anh làm một chuyến viễn hành sang đấy, cũng là để đi cho biết đó biết đây và để vẽ những cảnh đẹp mà anh vẫn thấy trong tưởng tựong qua thơ Đường, thơ Tống”  Đoạn kể của Trần Lê Văn hòan tòan đúng với con người, tính khí Quang Dũng, nhưng đã có một dư luận xấu sau này nhân khi Quang Dũng bị ảnh hưởng vụ Nhân Văn Giai phẩm đã làm thương tổn nhân cách của ông  (dường như trong chuyến sang Vân Nam ấy, Quang Dũng đã nhập đảng VN Cách mạng đồng minh hội của Nguyễn Hải Thần (!) kèm theo là sự suy diễn, sản phẩm trí tưởng tượng của một số người hiếu chuyện. Sinh thời đôi bạn Quang Dũng, Trần Lê Văn rất buồn, rất đau về những điều suy diễn này. Quang Dũng không thể tự biện minh cho mình, Trần Lê Văn thì không có cơ sở gì để thanh minh cho bạn. May thay, sau khi hai ông qua đời, tôi có dịp phỏng vấn nhà văn Tô Hòai nhân đến đặt bài Tết cho tờ Sức khỏe & Đời sống tôi cộng tác. Tôi trò chuyện với nhà văn Tô Hòai: “Nhờ lấy tư liệu viết về trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dưong, tôi mới biết nhà văn Nhất Linh đã đỗ đầu trong kỳ thi vào trường này ngay khóa đầu tiên, năm 1925…” Cụ Tô Hòai rất minh mẫn, đáp: “ Còn tôi thì biết Nguyễn Tường Tam hồi ấy còn ký tên Đông Sơn khi minh họa cho các báo Phong Hóa, Ngày nay.” Cụ còn kể thêm: “ Quang Dũng hồi lãng du ở Quảng Châu, họp ở Liễu Châu với cánh Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam. Ông Dũng mê Nguyễn Tường Tam lắm! Sau thấy họ Nguyễn chỉ uống rượu khỏe, ông chán, về đến Hà Nội  là bỏ hẳn đám này về Sơn Tây học trường võ bị của ta.”

Tôi súyt reo lên vì mừng cho ông Quang Dũng, bởi chỉ duy nhất một người có thẩm quyền nói sự thật lý lịch nhà văn ai cũng phải tin là cụ Tô Hòai, nguyên bí thư Đảng ủy Hội Nhà Văn VN thời Nhân Văn Giai phẩm, khi lý lịch nhà văn ít nhiều “có vấn đề” hồi đó được soi lên từng sợi tóc…Tôi chưa yên tâm, gặng hỏi lại: Thưa bác, sự dính líu của ông Quang Dũng với nhóm đó đúng là chỉ thế thôi? Trong khi bác Tô Hòai nói lời xác nhận sự việc thì tôi đã ghi lại được nguyên văn câu nói trên. Tôi nói: “Bác cho phép tôi đưa in đúng câu này trong một bài viết để xóa bỏ những đồn thổi không đâu về ông Quang Dũng nhé!”, và tôi đọc chậm từng chữ. Sau đó tôi đưa in lên báo Sức khỏe & Đời sống Xuân Kỷ Sửu (2009) bài báo Nhà văn Tô Hòai bơi giữa dòng đời ở tuổi 90. Tất nhiên tôi phải mang báo biếu đến vì cụ cũng có bài. Tôi đề nghị cụ xem lại câu cụ nói xem có sai chữ nào không. Cụ liếc qua rồi cười xòa: “Ông này quá cẩn thận!”. Sau đó, tôi còn đưa in lại câu này nằm trong một bài báo khác “cho chắc ăn”: Nhà văn Tô Hòai - Trang viết lớn từ những chuyện nhỏ trên Sài Gòn Giải phóng ngày 6-6-2010.  Vậy là sự xác nhận của cụ Tô Hòai 2 lần được in lên báo như trên cùng với Gỉai thưởng Nhà nước Quang Dũng đựoc truy tặng năm 2001 phải chăng đã đánh dấu chấm hết, xua tan đám mây mù nếu còn lởn vởn đâu đó về cuộc đời nhà thơ Quang Dũng? Trả lại vầng mây sáng cho lau sậy có linh hồn của thơ ông.                       

Quang Dũng tham gia cách mạng đúng ngày 19 tháng 8 /1945, Tham gia đại đội vệ binh khu II ở Hà Nội. ông được cử làm chính trị viên phó đại đội. Tôi được biết khi nhóm Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam về nước, Quang Dũng có ý lo Nguyễn Tường Tam sẽ tìm cách bắt mối với ông, lúc này ông mới rõ bộ mặt thật của nhóm này, còn khi Cách mạng chưa thành công, ông lang thang ở Liễu Châu, thì đảng cách mạng nào chả là của người yêu nước! Một vị có trách nhiệm  ở Bắc Bộ phủ được Quang Dũng tâm sự liền nghĩ cách tách ông xa khỏi Hà Nội. Thế là chàng được cử làm phái viên Phòng Quân vụ Bắc bộ, về vùng Sơn Tây tìm mua, thu thập những vũ khí quân đội Nhật đầu hàng, quân Tàu phù lén bán…Hồi tôi làm việc ở Phòng Văn Nghệ Sở Văn hóa Hà Tây, được trò chuyện với cụ Nghĩa móm, nguyên chủ tịch huyện Ba Vì, cụ kể nhà thơ Quang Dũng gặp cụ từ năm đó, đã nhờ cụ giúp cất giấu một bộ phận quan trọng của chiếc máy bay trinh sát lấy được của quân đội Nhật. Sau đợt công tác đó, Quang Dũng được cử đi học lớp bổ túc quân sự ở Tông Sơn Tây.

           Nguyên do chuyện sang Vân Nam, còn một dị bản do ông Chiêu Dương Nguyễn Ngọc Chương, bạn học từ thuở thiếu niên của Quang Dũng kể lại. Nhà văn Vũ Bão có lần đề cập đến trong một bài báo. Thời điểm hai cậu học trò này chuẩn bị cho kỳ thi đíp-lôm thì Nguyễn Ngọc Chương rủ Quang Dũng đến nhà mấy chị em cô Kiều nổi tiếng xinh đẹp ở 68 phố Hàng Bông, con một ông chủ thầu khóan (Nguyễn Kiều Vinh, Kiều Dinh, Kiều Hinh, Kiều Hương). Chương đã chấm được Kiều Dinh, muốn giới thiệu cho bạn 3 mỹ nhân còn lại. Chuyện này có vẻ đáng tin hơn là khi chúng ta giải thích câu thơ từng bị phê phán là khuynh hướng tiểu tư sản Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm theo kiểu “thích đến đâu, giải đến đấy”. Ông chủ thầu thấy hai chàng trai tuấn tú, (Quang Dũng đến già còn đẹp, huống chi khi tuổi đương xuân, còn Chiêu Dương từng tặng tôi bức ảnh ông thi lực sĩ thể hình), lại đang mùa thi cử, nên ông chủ thầu ra giá “phi đíp-lôm bất thành phu phụ”. Tiếc thay, cả hai chàng đi thi đều “trượt vỏ chuối” Chương chán nản bỏ vào Sài Gòn một thời gian. Quang Dũng vắng bạn, cũng nhẩy tàu đi Vân Nam chơi một chuyến. Hẳn cuộc gặp gỡ 4 nàng Kiều này đã thành ấn tượng để sau thành biểu tượng cho các cô gái Hà thành khi ông nhớ về…Một chiều cuối năm 1948 (cũng theo ông Chương) Quang Dũng tìm đến công binh xưởng Liên khu III vùng kháng chiến, nơi Chương làm việc, tặng Chương bài thơ Tây Tiến ông vừa làm, tất nhiên chữ Kiều phải viết hoa để hai ông nhâm nhi những kỷ niệm thiếu thời và nỗi nhớ phố phường…Kiều viết hoa hay không đều đúng!  (nhất là với hai ông!) 

              

                     II – Tây Tiến đòan binh không mọc tóc

Trở lại lịch trình Quang Dũng: Sau những họat động kể trên, cuối xuân 1947, Quang Dũng gia nhập trung đòan Tây Tiến với cấp bậc đại đội trưởng. Nhiệm vụ của đòan quân là hành quân lên phía Tây, phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Lào- Việt đánh tiêu hao quân đội Pháp ở Thượng Lào. Lính Tây Tiến hầu hết là thanh niên Hà Nội, (một số là thanh niên Hải Phòng) đủ các thành phần: công nhân, trí thức, dân nghèo thành thị, binh sĩ chế độ cũ, có nhà sư, có cả những cô đầu Khâm Thiên, đòan quân phần lớn nguyên là học sinh của các trường Sư phạm, Bưởi, Thăng Long, những tiểu trí thức Hà Nội mang sẵn trong tâm hồn hạt giống tài hoa và hào hoa đất Thăng Long,chờ bật mầm thành những cây đa, cây đề của giới văn nghệ sau này (các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Dõan Quang Khải, tác giả Vì nhân dân quên mình) …

          Địa bàn đóng quân và họat động của Tây Tiến khá rộng:  từ Mai Châu, Mộc Châu sang Sầm Nưa, cùng bộ đội Lào bảo vệ Sầm Nưa, chống hành động tái chiếm của quân đội Pháp,  rồi vòng về qua phía Tây Thanh Hóa. Tinh thần đánh địch càng cao thì gian khổ, thiếu thốn   như càng ghê gớm để thử thách ý chí của họ: Nhiều trận đánh phục kích, giáp lá cà làm giặc Pháp kinh hồn như trận Dốc Đẹt (trên đường từ Phố Vãng sang Mường Bi), trận chiến khốc liệt ở Xóm Trại, Bãi Sang, Chiềng Sại…có những chiến sĩ bị sốt rét, run cầm cập vẫn không rời trận địa. Không còn sức vần đá lăn xuống thì ném lựu đạn, không còn sức ném lựu đạn thì nằm nguyên chỗ, bóp cò chặn địch cho đồng đội lao xuống đánh giáp lá cà. Đòan quân không mọc tóc vì sốt rét tóc không mọc được, quân xanh màu lá không chỉ vì lá ngụy trang xanh hay màu quân phục mà còn vì nước da tái mét vì sốt rét, thiếu thuốc, thiếu ăn. Đóng quân trong rừng, ở làng bản ven rừng thì sốt rét hòanh hành, thuốc men cạn kiệt. Mỗi sáng, cô y tá bỏ được vài viên ký ninh vàng vào bình nước lớn, mỗi bệnh nhân được uống một hai chén làm phép. Số người chết bệnh do thiếu thuốc men, thiếu dinh dưỡng nhiều hơn chết trận. Khu đóng quân tản mát các xóm nên khi có người qua đời, phải lấy tiếng cồng làm hiệu, để bà con trong xóm đến giúp đỡ chôn cất, để những chiến sĩ còn khỏe về lán quân y tiễn đưa đồng đội. Giữa đêm vắng nghe hiệu cồng không khỏi có người tự hỏi: bao giờ thì đến tiếng cồng báo tử của mình? Đại đội trưởng Như Trang nằm bệnh xá, sáng tác bài Tiếng cồng quân y. Đài tưởng niệm ở Châu Trang hiện nay, bên cạnh lư hương có hình chiếc cồng. Những chiếc cồng di sản văn hóa dân tộc trở thành đồ tế khí với các liệt sĩ Tây Tiến, sau khi chúng đi vào thơ nhạc, vào hội họa, điêu khắc của những đồng đội sống sót…Gỗ lạt đóng quan tài rất thiếu vừa không đóng kịp, đành bó chiếu đem  chôn. Rồi đến chiếu cũng thiếu, anh em có sáng kiến chẻ tre buộc bó thân liệt sĩ. Hội mẹ chiến sĩ thị trấn Vụ Bản, Lạc Sơn quyên góp được trăm đôi chiếu, đem đến. Phát biểu trước hàng quân, khi bà mẹ đại diện nói đến câu: bà con gom góp chiếu tặng lại đơn vị để…để…thì khóc òa, không cần nói hết mà ai cũng hiểu! 

Đài tưởng niệm đặt ở Châu Trang, xã Thượng Cốc, huyện Lạc Sơn Hòa Bình là đúng, khi quả đồi cạnh quân y xá năm nào đã phủ kín gần hai trăm ngôi mộ những chiến sĩ trẻ áo bào thay chiếu anh về đất…(tư liệu: Tây Tiến, một thời và mãi mãi, NXB Hà Nội, 2008. Thành ủy Hà Nội-Ban Tuyên giáo, Ban liên lạc cựu chiến bình Tây Tiến chịu trách nhiệm xuất bản)

          Với bao kỷ niệm Tây Tiến bi tráng người sống có, người chết có, Quang Dũng cùng đơn vị làm xong nhiệm vụ những chiến sĩ quốc tế đầu tiên của Quân đội nhân dân ở biên giới Việt Lào trở về Hòa Bình  chấn chỉnh lại đội ngũ. Đại đội trưởng Quang Dũng ở đó đến cuối năm 1948, rồi chuyển về đơn vị khác. Về đến Phù Lưu Chanh, Quang Dũng bần thần ngồi nhớ đồng đội, bồi hồi bao cảm xúc, ông viết một mạch bài thơ Nhớ Tây Tiến. (sau Q.D. đổi là Tây Tiến). Sau đó, ông về Bộ tư lệnh Liên khu III làm trưởng tiểu ban Văn nghệ thuộc phòng Chính trị Liên khu cho đến ngày tiếp quản thủ đô 10-10-1954.

                       

                          III – Nổi chìm bài thơ Tây Tiến

Bài thơ Tây Tiến không chỉ là bài thơ tiêu biểu sự nghiệp thơ Quang Dũng, nó còn là niềm vinh dự, thành phiên hiệu nổi tiếng của một trung đòan bộ đội. Bài thơ Tây Tiến đã được khắc vào bia đá, bia tưởng niệm các liệt sĩ và ghi chiến tích trung đòan 52 Tây Tiến dựng ở  Mai Châu, chỉ khắc mười câu thơ: từ Anh bạn dãi dầu không bước nữa đến Sông Mã gầm lên khúc độc hành. Từng có cuộc mít tinh kỷ niệm tuổi 60 của bài thơ vào tháng 3 năm 2008 của các cựu chiến binh trung đòan và các con, cháu, chắt, 4 thế hệ của những người còn sống hay đã chết, ngồi chật hội trường trường Đại học y tế Công cộng đường Giảng Võ. Giờ đây, nếu ta thử chọn vài bài, hoặc dăm bài thơ tiêu biểu cho cuộc kháng chiến chống Pháp, liệu có ai dám gạt bài đó khỏi cuộc chọn? Nay thì bài thơ đã được giảng dạy tại các trường trung học, tác giả của nó được đúc tượng đồng. Vì là sự đúc tượng tôn vinh tự phát của câu lạc bộ Văn Nghệ sĩ xứ Đòai, nên chỉ có thể đặt ở vị trí khiêm tốn trên sân trường ngày xưa Quang Dũng học. Còn bài thơ (như các bạn đã biết) cũng có lúc gian truân như cuộc đời người sinh ra nó.

         Lời nói đầu của Tuyển tập Quang Dũng, Trần Lê Văn đã viết: “Đã có lúc, có người cho rằng bài thơ Tây Tiến không có tác dụng tích cực, vì nó buồn, nó tô đậm cái gian khổ, cái tổn thất, “làm nhụt nhuệ khí” quân ta. Sự thật, trải bao đời, biết bao quân dân ta đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” có bao giờ nhụt nhuệ khí đâu! …Bài thơ Tây Tiến có phảng phất những nét buồn, nét đau, nhưng đó là cái buồn đau bi tráng, chứ không bi lụy. Vả lại, tả cái bi để làm nổi cái tráng cũng là cách “vẽ mây nẩy trăng” trong họa, trong thơ, trong nghệ thuật nói chung…”   Còn thiển ý của tôi, hôm phát biểu ở cuộc mít tinh kỷ niệm tuổi 60 bài   thơ Tây Tiến, do có ý kiến đòi tôi nói kỹ một chút về đặc điểm bài thơ.  Tôi phân tích đại ý  Bài thơ Tây Tiến hội tụ được cả cái bi, cái tráng của thời đại. Cái buồn lãng mạn của người tiểu tư sản, tiểu trí thức do biết mình được đón nhận một chân lý lớn, nhưng cũng đồng thời đón nhận một gian nan lớn… Nếu cuộc chiến xẩy ra giữa đôi bên ngang sức, hẳn không có trạng huống tình cảm này! Chọi lại với đại bác, xe tăng chỉ có mấy khẩu súng trường này thôi, nhưng việc cần làm thì cứ làm và dám làm. Phố phường thân yêu với những “dáng kiều thơm” bỏ lại sau lưng, bao giờ ta gặp lại? Tương lai chưa hé ra chút gì sáng sủa, vì vậy mà nuối nhớ, mà buồn…Mọi trắc trở đã qua đi, bây giờ ta càng thấy chính bài thơ Tây Tiến chinh phục được lòng người nhờ chút buồn, chút lãng mạn đó, bởi đó là những gì chân thật nhất của con người tác giả, chưa biết đến sự “né tránh”, “dè chừng”, xuất hiện ở những giai đoạn sau này. Muốn hay không, con người Quang Dũng cũng như những chàng trai có chút học vấn khác, đều ảnh hưởng Tự Lực văn đoàn và văn học lãng mạn Pháp. Từ cái vốn văn hoá ấy mà tiếp nhận những yếu tố tích cực của Cách mạng. Cũng là thơ yêu nước, nhưng đến thời điểm lịch sử Quang Dũng sống không bị ghìm nén, ức chế  như thời nô lệ, để chỉ có thơ yêu nước bi phẫn. Thế hệ “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của Quang Dũng lòng yêu nước được toát ra bằng hành động. Được công khai đối mặt với kẻ thù đã là một hứng thú lớn, cho nên những gian lao khắc nghiệt của hoàn cảnh vẫn mang đậm chất thơ, sự hy sinh cao quý! Có thể nói: Có một sự giao lưu hòa nhập lẫn nhau giữa những yếu tố hiện thực khắc nghiệt với tâm hồn lãng mạn Quang Dũng. Yếu tố hiện thực làm biến đổi chất lãng mạn đó. Đồng thời tâm hồn lãng mạn đó lại phả lên hiện thực một màn sương khói lung linh, làm cho sự gian lao nhoè đi, có lúc thăng hoa thành những hình tượng kỳ vĩ, độc đáo. Hình ảnh người lính “không mọc tóc”, đoàn quân bị sốt rét xanh màu lá vẫn “dữ oai hùm”, vẻ đẹp gân guốc, trần trụi đó, thơ Việt  trước đó chưa từng có!            

          Có ý kiến cho thơ Việt Nam sau 1945 là sự nối dài của thơ mới về mặt thi pháp. Về học thuật, cơ bản như vậy. Nhưng chỉ nói thế, có phần làm mờ đi những khác biệt lớn của thơ Cách mạng sau 1945 mà thơ kháng chiến chống Pháp mở đầu với Nhớ máu, của Trần Mai Ninh, Hải Phòng 19 tháng 11-1946 của Trần Huyền Trân. Rõ ràng, qua mỗi giai đọan lịch sử, có sự thay đổi lớn lao của hòan cảnh thì thơ Việt đều có những  khúc ngoặt. Ở mỗi khúc ngoặt ta đều có thể kể tên vài tác phẩm làm mốc.

Tôi thử đơn cử hai bài tôi cho là nổi trội hơn cả: Đèo Cả của Hữu Loan và Tây Tiến Quang Dũng. Cách cảm nghĩ, cách viết hai bài thơ này, không một tài thơ nào trước đó có thể viết được! Khi chúng đã được khí phách cả một thời đại ùa vào, chắp cánh cho chúng, gia tăng, bùng nổ nội cảm của tác giả đến mức họ tự thấy phải viết một cách mãnh liệt, khắc nghiệt thế nào đó để ngay từ nhịp điệu lẫn tu từ phải khác trước!  Nhờ đó, ta có câu thơ hay như là đỉnh của thơ viết về chiến tranh của Quang Dũng: Heo hút cồn mây súng ngửi trời (nếu heo hút cồn mây  nói được hòan cảnh, tâm cảm tác giả thì súng như một vật thể sống đang thăm dò thưởng thức những tầm cao của trời đất, của lý tưởng, trong khi Hữu Loan thì: Người đập vỏ chai, vểnh cầm cạo râu./ Suối soi bóng người trôi mãi về đâu, người lính cách mạng Hữu Loan có chút hoang dã nhưng khí chất ngang tàng và lãng mạn thật vô song!            

         

                       IV-  Bài thơ đầu tiên và bài thơ thừa ra

                              trong hành trang Quang Dũng   

Quang Dũng đã làm thơ từ trước đó, nhưng từ năm nào? Ông hầu như không có sổ chép thơ mình theo thứ tự ngày tháng mà chỉ viết thành những tờ rời vương vãi hoặc viết trực tiếp trong sổ tay bè bạn. Nhưng ở những mốc thời gian đặc biệt thì ông nhớ, thí dụ năm phải rời xa đồng đội Tây Tiến, hoặc bài thơ đầu tiên mình làm. Nhưng chưa bao giờ ông nói ra điều đó nên ông Trần Lê Văn cũng không biết. Nhờ sự tình cờ đi tìm xuất xứ bài thơ Dặm về ông luôn ngâm ngợi, từ Hòang Cầm đến Nguyễn Dậu ai cũng bảo của ông, sau mới biết của tác giả Nguyễn Đình Tiên, nhờ bút tich ông ghi lại trong sổ chép thơ của bác sĩ quân y trung đòan Tây Tiến Phan Quang Chấn  (Đi tìm xuất xứ một bài thơ của Vân Long, báo Văn Nghệ 37, 16/9/1989). Quang Dũng chép chùm thơ 5 bài, bác sĩ Chấn còn nhớ là vào khỏang 1949, 50 tại Hang Cáy Đầm Đa, Chi Nê, nơi đóng quân y viện của Trung đòan.

Nét chữ gọn đẹp mà vẫn phóng khóang, chỉ qua đó đã thấy lộ rõ bản sắc Quang Dũng: bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị chép xong ông   còn vẽ một chàng tư mã áo xanh dắt ngựa xuống bến sông. Dưới thuyền, một cô ca kỹ đứng đầu thuyền đón khách. Bài Đôi mắt người Sơn TâyTây Tiến dưới đề hai chữ tắt QD. Riêng bài Dặm về ông rất hay đọc cho mọi người nghe và ai cũng tưởng là của ông thì đề rõ tên bài không đề, dưới bài: không tác giả . Thật là sòng phẳng, không lập lờ gì với bài thơ hay vô chủ lúc ấy. Đặc biệt, bài đầu trang sổ ông chép là bài Chiêu Quân đề cuối bài QD 1937. Trời ơi! Quang Dũng làm thơ từ lâu thế ư? (tôi thốt lên lúc ấy) Vậy là năm sinh của ông 1921, ông làm bài này năm 16 tuổi. Phải chăng tôi đã tìm được bài thơ đầu tiên của Quang Dũng? Cho đến nay, bạn bè và thân nhân của ông, chưa ai biết một bài thơ nào ông làm sớm hơn thế! Với Quang Dũng, người không biết lưu giữ bản thảo của mình thì phát hiện này quả là lý thú! (bài này được giới thiệu trên báo ngay sau đó, và mười năm sau, Tuyển tập Quang Dũng, 1999, Trần Lê Văn biên sọan đã xếp bài này (lần đầu in sách) ngay trang thơ đầu, mà Tuyển thơ Quang Dũng 1988 chưa có, vì chưa phát hiện).

Vậy là cùng lúc, tôi là người may mắn, thấy được bút tích ông chép tay bài Dặm về  (đề rõ không tác giả ) phù hợp với cái lắc đầu kiên quyết trên giường bệnh khi ông không đồng ý đưa bài này vào tập Mây đầu ô của ông sắp đưa in, cùng lúc, tôi biết bài thơ xưa nhất ông làm là Chiêu Quân (1937).  Với bút pháp, chất lượng bài này và bài Cố quận 1940 nếu ông có ý thức lưu danh đưa in từ năm đó, thì mặc nhiên ông thuộc thế hệ các nhà thơ mới, như Tế Hanh, cũng sinh 1921, 17 tuổi làm bài thơ đầu, 18 tuổi in tập đầu, 19 tuổi Giải thưởng Tự Lực văn đòan….          

           

                       V- Tưởng là “lỡ bước” hóa là cách tân

Bạn đọc tra Bách khoa tòan thư mở (Wikipedia), sẽ thấy mấy dòng về Quang Dũng như sau: Ông bị gửi đi chỉnh huấn sau vụ Nhân Văn Giai phẩm. Thơ ông bị phê bình trên báo chí miền Bắc lúc đó là mang hơi hướng TTS, thiếu tính chiến đấu. Ở miền Nam thì được xuất bản phổ biến rộng rãi và được nhiều người yêu thích (một số bài thơ được phổ nhạc như Tây Tiến: Phạm Duy, Đôi mắt người Sơn Tây:Phạm Đình Chương, Kẻ ở: Cung Tiến. Em mãi là 20 tuổi: 3 nhạc sĩ phổ thành 3 bài: Việt Dũng, Phạm Trọng Cầu, Khúc Dương. Ở miền Bắc, sau Đổi Mới ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2001).  Có lẽ chỉ Giải thưởng này cũng đã hóa giải được mọi điều phê phán, lên án của giới phê bình thời NVGP. Nhưng về văn học sử, ta cần cụ thể hơn những chữ dùng thích đáng xác nhận đúng tư cách, vị trí và cống hiến của mỗi nhà văn.

          Gần đây nhất, trên các trang mạng, ta được đọc tư liệu về Nhân Văn Giai Phẩm do ông Thái Kế Tọai (tức nhà thơ Lê Hòai Nguyên) nguyên đại tá Công An văn hóa (A 25), người được đặc trách điều tra, tổng hợp  hồ sơ NVGP. Ông đã về hưu và có nhận định riêng như một nhà nghiên cứu văn học đầy tinh thần trách nhiệm với lịch sử: “Vụ NVGP là một trào lưu dân chủ, một cuộc cách tân văn học không thành  (tiểu luận Lê Hòai Nguyên, bản mới nhất 8/10/2010)…Đó là sự bùng phát trong bối cảnh chính trị, kinh tế 1955-57, khi đã tiềm ẩn những bức xúc muốn cách tân của giới văn nghệ.” Điều này đúng với mấy nhà thơ nổi tiếng cách tân như Trần Dần, Lê Đạt…Ở Quang Dũng, ông bức xúc một góc độ khác, thiên về cảm xúc lớn của thời đại và khả năng tiên giác của nhà thơ bị hạn chế, chưa được thể hiện. Theo ông: “Tiếng nói của Thơ mới là sự phụ họa (với lãnh đạo)…cái cần là thi sĩ phải nói được những tình cảm lớn lao, những xúc cảm lạ lùng vĩ đại mà người thi sĩ tiên giác được trên cơ sở Cách mạng. (tiểu luận Nhà thơ và Cách Mạng (báo Văn Nghệ tháng 9-1956). Thời điểm tôi được gần ông, từ 1975 trở đi, hầu như không thấy ông bàn gì về cách tân thơ, cả với bạn chí thân như Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện. Ông hồn nhiên làm thơ, như con chim cất tiếng hót...         

                                VI  - Hồn nhiên mà độc đáo

Ông cũng hồn nhiên như trong lãnh vực giao du: ông chỉ phục tài Nhất Linh về văn, về nhạc (chơi kèn clarinette), về họa mà tìm đến. Ông có cần biết Việt Quốc, Việt Cách là thế nào! Ông làm thơ, viết ký mà trang báo của bạn bè rộng mở, in công khai, thì cứ gửi bài, bài đăng là có độc giả, có nhuận bút, đâu ngờ sau đó lại bị quy thành vụ án!                                     

         Nhiều lần được tháp tùng bộ ba Quang Dũng-Trần Lê Văn- Ngô Quân Miện đi khắp nơi, câu chuyện bên bàn trà, nhất là khi các ông không còn nữa tôi mới thấy hết giá trị nhân cách vả trí tuệ, tài năng của ba ông. Đó là những con người đã thấm đẫm vào tâm trí, máu thịt tinh hoa của hai nền văn hóa Đông Tây ở cái giai đoạn lịch sử chỉ xuất hiện một lần, dù ta muốn hay không. Sự giao thoa của hai nền văn hóa đỉnh của thế giới có thể sản sinh những kẻ lai căng, kệch cỡm, nhưng lại có thể hình thành những cao nhân sống minh triết, tài năng.

      Nhà thơ Quang Dũng độc đáo một cách hồn nhiên, ông cứ sống tự  nhiên như chim trời cá nước mà thành độc đáo. Một buổi sớm mùa đông lạnh đến 10 độ, nghe tiếng chuông gọi cửa, tôi tỉnh giấc, nhìn đồng hồ, mới hơn 5 giờ sáng. Hẳn có ông bạn nào tỉnh xa về, xuống tàu xuống ô tô bến xe Long Biên mới gọi vào cái giờ quái ác này! Nhìn xuống đường, qua làn sương mù dầy tôi vẫn nhận ra tấm lưng to như lưng gấu của ông Quang Dũng, ông đang chạy tại chỗ chắc để đỡ lạnh. Xuống mở cửa, vẫn chưa hết ngạc nhiên thì ông dúi vào tay tôi cuốn sách cỡ nhỏ: “Tặng ông cuốn sách mới, nhân tập chạy, lúc khác thì lại quên!” Đó là cuốn bút ký Những chặng đường Cao Bắc. Tính ra chạy từ cuối Bà Triệu lên đây phải năm sáu cây số, nhà tôi ở gần Ô Quan Chưởng. Năm ông 60 tuổi, thấy nhà có bàn viết mà không có ghế, nhà văn Băng Sơn về nhà lấy chiếc ghế gỗ tặng ông. Thế mà khi đi viết về lâm nghiệp, ông cục trưởng có nhã ý tặng mỗi nhà văn một sản phẩm của rừng, ông chỉ xin một bộ đồ đi rừng gồm giầy tất chống vắt để lại đi tiếp…   

          Quang Dũng vóc dạc to lớn, đôn hậu, hóm hỉnh, nhưng có tính  nhát. Ông Trần Lê Văn trêu bạn, vẫn định nghĩa: Quang Dũng là người mở cửa sổ thì sợ gió lùa, đóng cửa thì sợ thiếu không khí. Tôi chứng thực một lần ông lên căn gác phố cổ Nguyễn Siêu nhà tôi: Đó là kiểu  cửa sập nằm ngang, khi đóng sẽ liền mặt bằng sàn gác, thường ban ngày phải dùng móc sắt cố định cánh cửa mở, để lên xuống cho an tòan, đêm mới hạ xuống, gài then. Thế mà khi lên thang, ông vẫn guờm mắt nhìn cánh cửa, một cánh tay giơ lên sẵn sàng đỡ nếu cánh cửa sập xuống. Thấy chúng tôi bật cười, ông chữa ngượng: “Tôi biết không bao giờ chủ nhà để nó sập xuống đầu khách như cái bẫy chuột, nhưng…nhỡ trăm năm nó mới sập một lần, lại đúng lúc tôi lên, thì sao?”

         Liệu có phải ông rút ra kinh nghiệm từ những lần “tai bay vạ gió”?

         Quang Dũng làm thơ không nhiều. Khi cùng cô Bùi Phương Thảo con gái út nhà thơ tổng hợp lại số bài thơ chúng tôi có trong tay, thơ đã in vào sách (các tập thơ Rừng biển quê hương (in chung Trần Lê Văn, 1957), Mây đầu ô, 1986, Quang Dũng- tác phẩm chọn lọc,1988) Tuyển tập Quang Dũng, 1999) là 42 bài. Thơ chưa in vào sách có 23 bài (in lẻ trên báo và mới sưu tầm được) Vậy là cả đời thơ ông (cho đến nay) chỉ có 65 bài.  Tinh hoa thơ ông hầu như đã tập trung ở tập Mây đầu ô.

         Văn xuôi của ông, chủ yếu là bút ký. Ở thể dạng này, nhiều mảng có thể coi là ông làm thơ bằng văn xuôi, chả hạn ông viết về một cán bộ lâm nghiệp: “ Giữa sổ tay của anh, trên một trang giấy trắng, có gài rất trang trọng một chiếc lông chim màu đỏ hòang hôn, rực đẹp như ánh chiều rực rỡ nhất ở phía Tây, lúc mặt trời sắp lặn…Chim sơn tiêu này một hôm bay qua rừng nguyên thủy Cúc Phương, đánh rơi một cánh lông rồi lại bay đi mất…”Một tình tiết thật mà ông kể như chuyện cổ tích vậy! Cũng như khi ông vẽ cũng là làm thơ bằng cây bút vẽ.

            Tuyển tập Quang Dũng có 14 bài bút ký,  Những chặng đường Cao Bắc Gương mặt hồ Tây có 9 bài, cả thảy 23 bút ký (chọn lại từ những tập đã xuất bản, chưa tính truyện ngắn).

            Tôi thiết nghĩ, kỷ niệm 90 năm sinh nhà thơ Quang Dũng, chúng ta tỏ lòng quý mến sự nghiệp và nhân cách của nhà thơ bằng cách thiết thực giải tỏa hết các tồn nghi về cuộc đời, để chỉ còn những trang thơ bi tráng, tài hoa, cao khiết và lãng mạn của ông, và chúng ta sẽ nghe tiếp nhiều ý kiến trong cuộc hội thảo sáng nay…