TNc: Bản web đưa bài của nhà thơ Vĩnh Nguyên lên trang nhà rồi chuẩn bị hành lí lại lên biên giới. Vì vậy việc cập nhật bài vở và nhận thư bài của các bạn sẽ không được nhanh nhảu, xin được thông cảm...(31-10)
Nói tiềm ẩn ở đây có 3 ý. Một là, sức vóc, nội lực ghê gớm nhưng chưa viết ra. Hai là, viết ra rồi rồi cất vô tủ. Ba là, sự bùng phát cực mạnh của nhiều nhà thơ.
Đã có trường hợp, người thơ muốn in một tập tặng bạn bè chơi nhưng không có tiền, không có ai tài trợ. Nhà thơ lâu lâu rút ra đọc đọc cho đỡ buồn rồi lại cất vô tủ. Thơ ấy thường là thơ hay. Thơ cho chính họ và thơ cho cuộc đời.
Địa thế đất đai Bắc miền Trung hẹp nhất nước về chiều ngang. Chỗ hẹp nhất là Quảng Bình. Chỗ Quảng Bình hẹp nhất là từ chân cầu Quán Hàu (Quốc lộ 1), từ đây theo tỉnh lộ 4 đi lên đường mòn Hồ Chí Minh là 4 kilômét, và chỉ 3 kilômét theo đường chim bay. Hoặc cắt ra biển độ dài cũng chỉ chừng ấy. Dưới chân núi Mâu Sơn của dải Trường Sơn có dốc U Bò. Dưới chân U Bò có đường giao liên ra Bắc vào Nam thời chống Pháp. Ra Bắc gặp núi Ba Rền, Mồng Gà, Đá Đẻo, Vụ Quang (Hà Tĩnh). Đi vô gặp thác Cóc, Động Tranh (Quảng Trị). Móc-chê Pháp bắn từ đồn Quán Hàu, đồn Đồng Hới lên U Bò, dân làng Vĩnh Tuy tôi đi rừng bị trúng đạn, chết nhiều lắm.
Nói như vậy để thấy rằng chiều ngang đất nước đoạn nầy hẹp lắm. Hẹp vừa một tầm pháo nòng ngắn. Đoạn Hà Tĩnh cũng hẹp. Từ biển Vũng Áng nhìn lên phía Tây như đã chạm mặt đỉnh núi Vụ Quang (Hương Khê) rồi.
Dải đất hẹp, gió Lào cát trắng nắng nóng đến kinh người. Hà Tĩnh có mỏ sắt trữ lượng có thể lớn nhất nước nên càng nắng nóng hơn nữa.
Ở giữa xứ sở Bắc miền Trung nắng nóng ấy đã sinh ra hai nhà thơ siêu việt của đất nước: Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ. Hai ngôi làng Tiên Điền và Uy Viễn của hai cụ lại cận kề nhau mới lạ chứ. Người đời yêu một Nguyễn Du uyên bác và người đời cũng yêu một Nguyễn Công Trứ sắc sảo và ngông: Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi bấy/ Nếu không chơi thiệt ấy ai bù? Hoặc: Hay tám vạn nghìn tư mặc kệ/ Không quân thần phụ tử đếch nên người!
Hồi học trường viết văn Quảng Bá (khoá 7, 1974-1975), tôi tìm thăm anh Chế Lan Viên ở Hội Liên Hiệp VHNT- 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Bàn làm việc của anh Chế đầy sách báo, thư từ. Tôi liếc thấy một bức thư bên dưới ký tên Thồ. Tôi hỏi, anh Chế cười mà rằng: Thồ là tên cụ Hữu Loan đó mà em!
Ôi tác giả Màu tím hoa sim! Ở phân đội tàu chiến đấu của tôi hồi ấy, anh em thuỷ thủ đa phần có sổ tay chép thơ. Các tác giả như Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên...thiếu ai thì thiếu, các sổ tay không thể thiếu Hữu Loan. Nhiều anh còn cải biên một địa danh: Chiều hành quân lên chiến trường Tây Bắc, có bản đổi ra Đông Bắc cho “hợp” bởi họ đang ngày đêm canh giữ vùng biển đảo phía Đông của Tổ quốc. Viết thư cho Chế Lan Viên ký tên Thồ, lòng tôi xốn xang phải đi tìm ông.
Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan. Ông từng tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền tại Nga Sơn với cương vị Phó Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa. Sau cách mạng tháng Tám, Hữu Loan là uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban lâm thời tỉnh Thanh Hoá, phụ trách 4 ty: Giáo dục, Thông tin, Thương chính, Công chính. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hữu Loan tham gia quân đội, ông giữ chức chính trị viên tiểu đoàn, phụ trách báo Chiến sĩ Sư đoàn 304. Ông viết bài thơ Quách Xuân Kỳ nổi tiếng không kém gì Đèo Cả. Quách Xuân Kỳ quê Hoàn Lão, tay Ái quê Lộc Thôn. Hai ngôi làng gần nhau. Thuở nhỏ Ái hay tới nhà rủ Kỳ đi học. Sau này Quách Xuân Kỳ làm Bí thư Thị uỷ Đồng Hới ( Quảng Bình). Kỳ bị bắt. Quân Pháp giải bí thư Quách Xuân Kỳ về Hoàn Lão xử bắn để thị uy. Và chính tay Ái nâng súng xử bắn Kỳ. Quá đau đớn, Hữu Loan viết bài thơ nầy (trích đoạn cuối bài thơ):
...Bóng cao
Tóc xù
Trai Quảng Bình
Trong quán phở chiến khu
Đập bàn
tắt đèn
Thét/ săn/ rách/ áo
Thằng Ái Lộc Thôn
bắn
thằng Kỳ Hoàn Lão!
Chao ôi! Giá chi bây giờ có người thơ dũng khí viết chỉ mặt chỉ tên, nói chẻ hoe như thế với các quan tham nhũng cho dân được biết, bởi lắm vụ quá cụ thể, người ta hô hào “cho làm giàu” rồi dùng cái quyền chức ông lớn ấy, trắng trợn vơ quá nhiều công sản béo bở của dân của nước chia cho nhau, nhơn nhơn càn mặt, không hề biết trơ trẽn, lại còn lợi dụng diễn đàn vờ vịt lừa mỵ công luận, lừa mỵ người khác.
Với tác giả Màu tím hoa sim, người đời biết một Hữu Loan qua tập thơ cùng tên chỉ trên mươi bài gì đó. Nhưng Đèo Cả, Màu tím hoa sim, Hương lúa, Quách Xuân Kỳ, Những vùng làng đi qua...cũng đủ để người đời yêu quý, ngưỡng mộ ông. Hồi ông công tác tại báo Văn nghệ (sau năm 1954), Hữu Loan đã viết một bài thơ về Thủ đô (in trong tập Màu tím hoa sim). Ông chuyển về quê Nga Sơn sống cùng vợ con. Ông làm nghề bẫy đá, thồ đá nuôi bầy con (10 đứa) ăn học nên người. Ai hỏi ông chuyện thơ phú, ông chỉ đọc rành rọt hai bài Màu tím hoa sim và Hương lúa-hai bài ông làm tặng cho hai người vợ ông yêu quý rồi vuốt râu cười sảng khoái!
Sau khi Hữu Loan qua đời (18/3/2010), các bạn văn Thanh Hoá tìm thấy một bài thơ dài mang tên Thủ đô Hà Nội, của ông viết ở Rừng Thông Thanh Hoá. (Đọc trên mạng Trần Nhương tôi mới biết sự kiện nầy).
Đó là tiềm ẩn của Hữu Loan thi sĩ.
Và Thanh Hoá một Kiều Vượng văn xuôi. Anh có vốn sống phong phú. Chiến tranh chống Mỹ xẩy ra, Kiều Vượng trực tiếp chỉ huy thanh niên mở đường giúp bạn Lào. Lại tiếp chỉ huy vận chuyển súng đạn vào Nam bằng đường sông, đường biển mà anh là Bí thư đảng uỷ Đoàn vận tải Lam Sơn tại tỉnh Quảng Bình. Một Kiều Vượng truyện ngắn, truyện dài, bút ký, phóng sự “đánh Đông dẹp Bắc”chống tiêu cực sắc bén. Đùng một cái, Kiều Vượng có trường ca viết về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Đã giới thiệu mấy chương đầu ở báo địa phương và Tuần báo văn nghệ).
Nghệ An, các tác phẩm Thăm lúa, Đêm nay Bác không ngủ của Trần Hữu Thung và Minh Huệ là hiện tượng thơ một bài (Cách nói của cánh phê bình). Nhưng đến Thạch Quỳ thì không một bài mà hiện tượng nhiều tập bài. Tập đầu Tảng đá nhành cây, Thạch Quỳ đã khảng định cái tôi quyết liệt: Tôi đầy ứ, thẳng căng, tôi mạnh khoẻ/ Tôi cao hơn đất đá mọi công trình/ Tôi không phải sơ đồ bản vẽ/ Tôi cao hơn người máy, thần linh. Và tập mới Bức tượng (2009), Thạch Quỳ vẫn lì lợm tảng đá bản ngã: Trơ trơ như đá/ Đá đổ mồ hôi/ Biết hay không biết/ Lầm lì mồ côi (Tảng đá). Hoặc: Gét cái không đáng ghét/ Yêu cái chẳng đáng yêu/ Thà làm quách tảng đá/ Nằm vô tư trong chiều (Bác Phùng nằm dưới mộ).
Một điều đáng nêu gương: Trong lúc “gạo châu củi quế”, giá vàng lên ngất ngưỡng mà Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Vinh ra được định kỳ “Văn nghệ Thành Vinh” do các nhà thơ Dương Huy, Nguyễn Quốc Anh chủ xướng đã thu hút nhiều lớp nhà văn Nghệ An vươn dậy mạnh mẽ; riêng thơ có Lê Quốc Hán, Lê Thái Sơn, Nguyễn Thị Phước vân vân...
Hà Tĩnh, hai cụ thơ Tiên Điền, Uy Viễn xếp chiếu chót đỉnh không phải nói nữa, người đời có thể nào quên một Huy Cận thơ Sầu rụng, Nhạc sầu: Ai chết đó nhạc sầu chi lắm thế/ Trời mồ côi đời rét mướt đầy đường... Một Xuân Diệu lãng mạn Lời kỷ nữ, Quả sấu non trên cao: Trái con như thách thức/ Trăm thứ giặc thứ sâu/ Trách kẻ thù sự sống/ Phá đời không dễ đâu !
Giờ bạn đọc chú ý một cây thơ mới Nguyễn Ngọc Phú. Sự kiện 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc làm nên trang sử hào hùng của dân tộc, Nguyễn Ngọc Phú có trường ca Ngã ba Đồng Lộc (Xuất bản 2007). Quê Phú ở biển Thạch Kim. Phú- chàng trai biển ăn sóng nói gió xô táp biển. Nguyễn Ngọc Phú viết nhiều thể loại văn học về biển. Nhưng anh vẫn dồn tâm huyết biển cho thơ. Điều gì đến nó phải đến: Con đường cá (trích trường ca ) của anh đã giới thiệu trên Văn nghệ số 15/ 2010. Và nay, chững chạc một trường ca 8 chương, mang tên Biển và tôi. Tôi tin Phú, Phú còn viết nhiều thơ hơn nữa về biển .
Quảng Bình, một Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1897-1947) tác giả Tiếng quốc canh khuya là nỗi niềm của đứa con yêu nước thương nòi, lại còn Năm cụ khi không rớt cái ình... là tả Năm vị thượng thư bị hạ đài. Còn hơn thế, Văn tế trận vong tướng sĩ, do tác giả đọc ở bến Thương Bạc-Huế ngày 9/3/1945, đúng ngày Nhật đảo chính Pháp đã làm dậy sóng đất Thần kinh. (Toàn bài có 61 câu, xin trích đọc 7 câu)
... Rong ngực sắt Phù Đổng Thiên Vương phá giặc, khói anh linh còn phủ núi Trâu Sơn!
Phất khăn hồng Trưng nữ tướng hưng binh, gương tiết liệt trắng in hồ Lãng Bạc!
Dòng máu đỏ sông Bạch Đằng còn gợn, nào những trận phá Hán, Ngô Vương Quyền, cầm Hồ Trần Hưng Đạo, oai linh kia muôn thuở vang lừng;
Đống xương tàn thành Long Đỗ còn xây, nào những trận bình Ngô, Lê Thái Tổ, tảo Mãn Nguyễn Quang Trung, công đức ấy ngàn thu ghi tạc.
Thân lao lịch đại đã rỡ ràng;
Sự nghiệp Quốc triều càng to tát
Rưới mưa móc thấm miền Thuận Quảng, áo dày cơm nặng, khúc Hoài Nam còn ngấm đức tài bồi...
Một Lưu Trọng Lư ngông mà thắm trong nỗi buồn: Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây! Một Nguyễn Xuân Sanh lẫy lừng Xuân Thu Nhã Tập: Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà... Một Hàn Mặc Tử đớn đau bệnh hiểm: Người đi một nửa hồn tôi mất/ Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ... Thơ ấy là siêu thơ, người đời không mấy ai viết nổi.
Xin nói thêm trường hợp Lưu Trọng Lư: Tiềm ẩn thơ ở nhà thơ nầy rất lớn; lớn đến quá mức tưởng tượng. Kỷ niệm 10 năm nhà thơ ra đi (1991- 2011), tại Tp Huế, Hội văn học nghệ thuật TT- Huế, Hội Nhà văn TT- Huế cùng gia đình nhà thơ đã tổ chức đêm thơ “Huế và Lưu Trọng Lư” rất trang trọng. Ở đêm thơ nầy, gia đình Lưu Trọng Lư cho biết: Trong thời gian nhà thơ xây dựng gia đình ở Huế, ông thường ngồi viết trên đò trên sông Hương, đến nay gia đình thu thập trong lai cảo đến 11 cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ. Còn “Những bài thơ chưa công bố”, gia đình công bố trong tập thơ “Bài ca tự tình” do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý 3/2011 gồm các tiêu đề:
1 Tự sự… đời 28 bài
2 Những vấn vương 11 bài
3 Cánh hoa bay 14 bài
4 Tự sự… bạn 14 bài
5 Tự sự … tình 18 bài
6 Từ vách này thời gian ta gõ (Trường ca) Và (Lời cuối)
7 Tùy bút đời tôi 10 bài
8 Bày nhện và nhà thơ 3 bài
9 Tự sự … mình 25 bài.
Tập thơ dầy 350 trang, quả là một sự tiềm ẩn khổng lồ!
Một Hoàng Vũ Thuật với Chiếc ghế bỏ trống (Nhớ nhà viết kịch Phan Xuân Hải): Đã trống một chiếc ghế/ Thế gian này sẽ còn trống nhiều chiếc ghế/ Lại thừa hàng trăm chiếc ghế khác (Văn nghệ số 8/2011). Có nghiã là ông nhớ thương một người tài ra đi, và còn nhớ thương nhiều người tài nữa ra đi. Nhưng, lại thừa hàng trăm chiếc ghế khác, là hàng trăm chiếc ghế bất tài, do cơ hội phát vãng, hoặc cơ cấu này khác mà có vậy.
Ngược lại, bạn thơ Lê Đình Ty thì Tôi ứng cử! (Bên biển- Văn nghệ số 9/2011). Nhưng, nhà thơ không ứng cử vào những chức tước hàm hố của những chiếc ghế kia! Nhà thơ ứng cử vào địa hạt cao sang- Ứng cử tình yêu!
Quảng Trị, một Vĩnh Mai- Búa Tạ (1918-1988): Mùa thu dừng lại ở Long Biên/ Để một mình anh lên Vĩnh Yên, rồi Khóc Hoài là hằn sâu nỗi đau mất mát tình đồng đội rất cảm động cho người đời nhớ mãi Vĩnh Mai! Và, một Cao Hạnh kịch bản sân khấu, Cao Hạnh truyện ngắn, bạn đọc đọc thêm một Cao Hạnh thơ gần đây in nhiều trên các báo, thì đố ai mà biết được anh đang cất dấu những gì?
Mảnh đất có con sông Bến Hải cắt chia hai miền đất nước một thời, bao nỗi đau thân phận đâu dễ đã nguôi ngoai. Vùng đất dễ bùng nổ văn học.
Huế, một Thanh Tịnh – Mòn mỏi: Chị ơi con ngựa trên yên vắng người! Cho người đời luôn nhớ ông...
Một Phùng Quán với chỉ một “Lời mẹ dặn” cũng đủ cho người đời tôn vinh ông.
Một Thanh Hải lần đầu theo đoàn miền Nam ra thăm miền Bắc. Họ không đi qua con sông Bến Hải “chỉ một mái chèo”. Đoàn phải trèo đèo, lội suối thượng đạo như những người lính. Xin nói thêm, năm 1957, Bác Hồ chủ tâm vô thăm Vĩnh Linh- Bến Hải. Nhưng ngày ấy “động”, bảo vệ không cho Bác đi. Bác mới dừng thăm Đồng Hới. Thanh Hải ra miền Bắc, được ôm hôn Bác lần ấy, để lại hai câu thơ neo đậu lòng người:
Cách nhau chỉ một mái chèo
Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây !
Hồng Nhu lên tuổi 80, vừa in hai tuyển tập văn và thơ. Hồng Nhu tham gia cách mạng và sống ở Nghệ An ngót 30 năm, đã từng giữ chức Thường vụ Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh, và bạn đọc biết một Hồng Nhu văn xuôi. Gần 60 tuổi ông mới đưa gia đình vợ con trở về Huế quê hương. Chỉ mấy năm, một loạt tập thơ Hồng Nhu nối nhau xuất bản: Ngẫu hứng về chiều, Chiếc tàu cau, Nước mắt đàn ông, Rêu đá. Và bây giờ, ông còn Nhặt được ở sổ tay số 1 (Văn nghệ số 50/2010) rồi Rút được ở sổ tay 3 (Sông Hương số 5/2011). Hơn 50 năm cầm bút, Hồng Nhu đi nhiều, biết nhiều, ghi chép nhiều thì thử nghĩ ông cứ nhặt chỗ này lúc này, rút chỗ kia lúc kia, đến bao giờ cho hết?
Một Trần Vàng Sao vừa đúng tuổi thất thập. Ông nổi tiếng với bài thơ: Bài thơ của một người yêu nước mình. Bẵng đi một thời gian khá lâu, bạn đọc muốn xếp ông: hiện tượng thơ một bài. Đùng một cái, Người đàn ông 43 tuổi nói về mình, in Sông Hương gây xôn xao nổi tiếng, vừa tai tiếng ? Có lần ngồi uống trà với anh tại nhà, tôi gạ, Trần Vàng Sao làm đơn vào Hội Nhà văn Việt Nam, anh chị em giơ tay hết. Trần Vàng Sao, rất nhanh: Ôi chao chao, thôi mi ơi mi ơi, tau ở Hội Dân là vừa. Tau không vô Hội Nhà nước mô. Vô Hội Nhà nước tau mần được cấy chi mi ! Ai hỏi đến chuyện tác phẩm, Trần Vàng Sao, một tay ôm đầu, một tay xua xua, miệng lẩm bẩm: Tau quên, tau quên hết rồi. Tau không còn nhớ tau đã viết gì? Chắc là ông vờ vậy thôi. Tôi biết, ông nhớ rất tường tận về cuộc đời ông và những người có liên quan với ông .
Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễ Đính, vừa viết xong Hồi ký Trần Vàng Sao khá dầy, và 5 trường ca đang nhét trong tủ, như trường ca Ngậm ngãi tìm trầm, trường ca Tau chửi,trường ca Bản thánh ca của một người dựa cột đình liếm lá bánh v.v... Chẳng hiểu nội dung nó như thế nào? Chỉ nghe qua cái đề đã thấy thơ độc!
Thơ khó viết, Lâm Thị Mỹ Dạ, đã Kéo cờ trắng, xin hàng! Nhiều bạn thơ gửi thư cho Dạ ra lệnh: Hạ cờ trắng xuống! Và Mỹ Dạ lại viết: Cho anh tựa vào em! Sự vững chãi, bản lĩnh của một quả núi.
Và một Vĩnh Ngưyên, Nhìn:
...Một hôm say nhìn hình như đỉnh núi có lõm xuống
Kỳ thực đỉnh núi không còn nhọn như ngày xưa
Ở đó còn kéo xuống một con đường
Như đường rẽ ngôi trên đầu người... (Tạp chí thơ số 4/2009). Nhìn để thấy cặp đối sánh giữa thiên nhiên và trí tuệ con người đang bị bào mòn…, vậy!
Một Nguyễn Khắc Thạch có câu thơ ấn tượng:
Có nhà thơ danh tiếng/Xỏ giày đinh/ Rẽ lối quan trường!
Là ông phát hiện một thực trạng nhố nhăng tráo trở của những ai đó ở những đâu đó mới xuất câu đó.
Và bạn thơ Đức Sơn, Viết từ triền Hương Giang. Với cánh mỏng hoa sim. Nói triền Hương Giang với cánh mỏng hoa sim, nếu bạn đọc ở xa tinh ý, cũng có thể luận ra nó ở đâu ? Riêng người dân xứ Huế thì cảm nhận ra liền. Đó là những địa danh đẹp nổi tiếng, không là đồi Vọng Cảnh thì đó là núi Ngọc Trản (Hòn Chén- Điện Huệ Nam), chứ đôi bờ Hương Giang, từ cửa Thuận An lên tới ngã ba Tuần, không nơi đâu có triền đồi? Tác giả viết:
Tôi phận mỏng không thể chạm
cánh mỏng hoa sim nhạy cảm!
Mắt môi chạm triền Hương Giang với gió thay lời.
Người thơ yêu Huế, trang trọng tinh tế, tôn vinh di sản, thế mà suýt nữa đồi Vọng Cảnh biến thành Life Resort của một thương gia Hà Lan. Vị trí Resort sát Nhà máy nước Vạn Niên, và nếu hình thành Resort thì có thể biến tướng Vọng Cảnh. Còn người dân thành phố uống nước trong lành Vạn Niên xưa nay, giờ được “pha” thêm “mùi Resort “ ?
Tôi phận mỏng không thể chạm
cánh mỏng hoa sim nhạy cảm !
Cánh hoa sim mỏng, thân phận người có thể mỏng hơn trước thiên nhiên, nếu biết nâng niu, gìn giữ thì còn, mà thô bạo chạm thì có thể tan cả hai phía ?
Ta quý một tình yêu chân thành, một người thơ có hồn cốt in lên danh thắng Huế một câu thơ hồn cốt !
Tôi xin dừng lại ở đây. Tôi viết bài nầy khai thác theo một mạch vỉa cảm xúc thơ riêng, nên nhiều nhà thơ tên tuổi, tác phẩm đoạt nhiều giải thưởng vẫn không thể đưa bình ở tham luận nầy. Mong các nhà thơ rộng lượng.
Xin cảm ơn!
Huế, tháng 8/2011
Vĩnh Nguyên
Hội Nhà văn, 26 Lê Lợi, Tp Huế
Tel : 0126 2566 822