Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỜI THAM KHẢO

Đinh Quang Tỉnh
Chủ nhật ngày 23 tháng 10 năm 2011 10:15 PM

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đọc bài “BẢN LĨNH DÂN TỘC QUA TÁC PHẨM” của ông Nguyễn Phạm Hùng, tôi đối chiếu với cứ liệu của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thấy có sự chưa chính xác và nhầm sự kiện. Chúng tôi giới thiệu nội dung trong BKTT mở để quý vị rộng đường tham khảo:
“Nam quốc sơn hà (Hán tự: 南國山河) là một bài thơ thần, hiện còn khuyết danh tác giả, được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Đây là bài thơ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam. Bài thơ được cho là của Thần, do Thần đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077.
Nguyên bản Hán Văn:

南國山河
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 取 敗 虛

Bản phiên âm Hán-Việt:
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Bản dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách Trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Dị bản khác
(Phiên âm Hán - Việt):
Nam quốc sơn hà
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Hoàng Thiên dĩ định tại Thiên thư
Như hà Bắc lỗ lai xâm phạm
Bạch nhận Thiên hành phá trúc dư

Bản dịch thơ:
Sông núi nước Nam
Sông núi nước Nam, vua Nam ngự
Sách Trời định phận rõ non sông
Cớ sao giặc Bắc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

Nguồn gốc
Từ trước, bài thơ được cho là sáng tác của Lý Thường Kiệt trong lần chống quân xâm lược Tống tại sông Cầu năm 1077. Tuy nhiên mới đây, trong cuốn sách Bối cảnh định đô Thăng Long và sự nghiệp của Lê Hoàn do Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2006, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bài thơ này ra đời từ thời Tiền Lê và cũng được sử dụng trong trận đánh chống quân Tống, nhưng là lần đầu vào năm 981. Từ năm 2006, Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định để khuyết danh tác giả khi đem vào giảng dạy môn ngữ văn cho học sinh lớp 7.
Các tác giả cho rằng: Sử sách (Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Việt điện u linh...), đều chép Lý Thường Kiệt sai người vào đền thờ anh em Trương Hống, Trương Hát (tướng của Triệu Việt Vương) ngâm bài thơ này nhưng không nói rõ ông là tác giả. Như vậy, các tác giả kết luận: Lý Thường Kiệt chỉ là người vận dụng bài thơ này để đuổi quân Tống.
Bằng nhiều dẫn chứng các tác giả khẳng định bài thơ được sáng tác thời Tiền Lê và cũng được Lê Hoàn vận dụng, trong đó bài thơ có một vài chữ sai khác với văn bản mọi người thường biết.
Trên thực tế, tư liệu để lại xác đáng hơn cả viết bài thơ này được Lê Hoàn sử dụng là sách Lĩnh Nam trích quái, khoảng trang 72-74 có ghi: “Đêm ấy Đại Hành mộng thấy hai thần nhân cùng xông vào trại giặc mà đánh. Canh ba đêm ba mươi tháng mười, trời tối đen, mưa to, gió lớn đùng đùng. Quân Tống kinh hoàng. Thần nhân tàng hình ở trên không, lớn tiếng ngâm rằng: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…”. Quân Tống nghe thơ, xéo đạp vào nhau mà chạy tan… Lê Đại Hành trở về ăn mừng, phong thưởng công thần, truy phong cho hai vị thần nhân… sai dân phụng thờ… nay vẫn còn là phúc thần”.
Còn ông Nguyễn Phạm Hùng viết: “Vận nước đang ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ cần vượt qua sông, quân Tống sẽ tràn vào Thăng Long, và đất nước sẽ lâm nguy. Theo huyền sử, trong cảnh nước sôi lửa bỏng đó, bỗng một đêm quân sĩ nghe ở đền thờ thần Trượng Hống, Trương Hát bên sông có tiếng ngâm vang bài thơ này. Bài thơ có một sức mạnh thần kỳ, làm quân Tống run sợ đến “vỡ mật”, làm quân dân nhà Lý tăng thêm chí khí chiến đấu. Sau đó Lý Thường Kiệt cho quân  phản công, giành thắng lợi. Và vì thế bài thơ được gọi là bài “thơ Thần”.”?(!)
Đinh Quang Tỉnh - Theo nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia