Trong dân gian có hai câu chuyện cảm động về nghề thầy thuốc
Chuyện thứ nhất: Có một ông thầy lang gia truyền giỏi nghề và nhân đức, đã từng cứu chữa được rất nhiều người mắc bệnh hiểm nghèo. Một hôm, có người đàn ông đến cậy ông ta cắt cho một thang thuốc độc để đem về giết vợ. Người thầy thuốc từ chối, kiên quyết không tiếp tay cho kẻ ác. Khuyên ngăn, giải thích thế nào kẻ mưu mô giết người vẫn không chịu nghe, lại còn nói nếu yêu cầu của hắn không được đáp ứng hắn sẽ dùng phương cách khác giết vợ. Bị ép đến cùng, ông thầy lang đành phải bán thuốc cho hắn, nhưng không cắt thuốc độc mà lại cắt thuốc bổ . Những tưởng sau khi uống thuốc, người đàn bà kia không những không chết mà còn khỏe thêm, không ngờ người vợ nhà ấy bỗng lăn đùng ra chết thật. Quá đau buồn về sự cố rui ro bất ngờ, khó hiểu, lại nghĩ trời đã không cho mình làm cái nghề trị bệnh cứu người nữa nên ông thầy thuốc nọ thề độc từ nay vĩnh viễn bỏ nghề và quẳng chùm chìa khóa tủ thuốc xuống sông.
Ít lâu sau, có hai vợ chồng nhà thuyền chài đến nhờ cắt thuốc cho con, ông thầy thuốc cho biết đã bỏ nghề, nhưng nhà thuyền chài cứ năn nỉ xin giúp đỡ vì rất tin tưởng ở thầy. Từ chối mãi không được, cuối cùng ông thầy thuốc nổi cáu nói bừa Bệnh không chữa được thì cho uống nước sông!. Nhà thuyền chài về lấy nước sông cho con uống và quả nhiên người con họ đã khỏi bệnh thật! Để tạ ơn, nhà thuyền chài đã đem biếu ông thầy thuốc một con cá rất to. Khi mổ cá, ông bỗng kinh ngạc khi thấy trong ruột nó còn nguyên vẹn chùm chìa khóa của mình, nghĩ bụng trời đã trả lại cho mình nghề làm thầy thuốc.
Chuyện thứ hai : Một học trò đến nhà thầy thuốc xin học việc. Thầy hỏi:
- Tại sao anh muốn học nghề này?
- Thưa thầy, con muốn có việc làm để kiếm tiền.
Thầy lại hỏi
- Có một người đến chữa bệnh, nhưng người ấy rất nghèo không có tiền trả anh, anh có chữa không?
Trò thưa
- Con vẫn chữa bệnh cho họ . Đấy là việc quan trọng trước tiên. Nếu chữa cho người ta sống sót, khỏi bệnh, họ không trả tiền cho mình lúc này thì sẽ trả lúc khác. Nhược bằng, họ nghèo quá, không bói đâu ra tiền thì coi như mình làm phúc vậy.
Ông thầy vui vẻ
- Tôi sẽ dạy nghề cho anh, thành nghề hay không là do cố gắng của anh, nếu không thành thầy thuốc giỏi, chí ít anh cũng phải trở thành một lang băm.
Câu chuyện thứ nhất ngụ ý rằng, người làm nghề nhân đức không bao giờ bị bạc nghệ mặc dù nhất thời có gặp rủi ro tai nạn nghề nghiệp. Chuyện thứ hai đặt ra tiêu chuẩn đạo đức trước khi được đào tạo nghề, nhất là đối với nghề thầy thuốc.
Ngày nay, y học hiện đại với đội ngũ đông đảo thầy thuốc được đào tạo bài bản tại các trường chính quy đã góp phần không nhỏ bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. So với nhiều ngành nghề đào tạo khác, nghề bác sĩ có thời gian đào tạo khá dài, từ 6 đến 7 năm cho hệ đại học chính quy trong khi các nghề khác chỉ là 4 đến 5 năm. Sau khi tốt nghiệp, người bác sĩ phải trải qua một quá trình lăn lộn với thực tế khám chữa bệnh, đồng thời chịu khó học hỏi, tự trang bị cho mình thêm rất nhiều kiến thức nữa thì mới có thể hành nghề vững vàng, bởi khoa học về cơ thể sống của con người là cực kì rộng lớn và phức tạp.
Ở trường dạy nghề của các nước, việc học trò phải thuộc nằm lòng Lời thề Hy-po-crat, (lời thề về y đức) là một yêu cầu bắt buộc. Ở ta cũng không ngoại lệ. Nhưng dường như ở ta đã coi nhẹ tiêu chuẩn khắt khe về đạo đức mà chỉ chú trọng đề cao vai trò của thi cử kiến thức khoa học tự nhiên khi tuyển sinh. Nghề nào cũng đòi hỏi phải có phẩm chất đạo đức của nghề ấy, nhưng với nghề y, tiêu chuẩn đó phải cao hơn, ngặt nghèo hơn, bởi nó liên quan tới sinh mạng con người.
Phải nói đại đa số thầy thuốc của ta tận tụy với công việc, có đạo đức phẩm chất của người mẹ hiền như lời Bác Hồ đã dạy. Nhưng cũng không ít người hành nghề không ngoài mục đích câu cơm. Và đây đó nảy nòi ra những chuyện buồn không đáng có khiến nhiều người nghĩ xấu về cả hệ thống y tế. Nói chung, thầy thuốc ở các bệnh viện công phải chịu áp lực công việc rất lớn. Sự quá tải ở các bệnh viện nhiều khi gây tâm lí rất căng thẳng cho các y bác sĩ. Với cở sở hạ tầng và trang thiết bị còn hạn chế mà người bệnh ai cũng muốn mình được phục vụ tốt nhất nên không sao tránh khỏi khiếm khuyết, càng tuyến dưới càng nhiều bất cập.
Phòng khám bệnh là nơi phải tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất. Điều phổ biến đáng quan tâm hiện nay có lẽ là thái độ ứng xử của thầy thuốc đối với người bệnh. Một cử chỉ, hành vi thể hiện thiếu ân cần, một câu trả lời thiếu cặn kẽ, thiếu cẩn trọng, thiếu bình tĩnh thậm chí gắt gỏng, chỏng lỏn đã gây những ấn tượng rất xấu về người thầy thuốc. Việc thăm khám bệnh kê toa khiến nhiều người phải phiền lòng. Người ta ngại khám dịch vụ bởi lẽ phải qua nhiều công đoạn xét nghiệm tức là có một bệnh mà phải khám toàn thân, tốn nhiều tiền. Nếu thắc mắc thì được trả lời đấy là phương pháp loại trừ. Đúng quá còn gì! Khám có bảo hiểm y tế thì bác sĩ hỏi han vài câu qua loa rồi rút giấy cái roạt kê toa theo tiêu chuẩn cấp phát được quy định, khó tin bệnh sẽ được chữa khỏi. Nếu kê đơn cho đi mua thì không ghi tên thuốc chính hiệu lại ghi tên biệt dược, chỉ một vài cơ sở bán thuốc mà người kê đơn giới thiệu mới có! Một buồng khám có hai bác sĩ trở lên, những trao đổi, trò chuyện ngoài chuyên môn, thậm chí buôn dưa đã gây phản cảm nặng nề về sự thiếu tập trung trong công việc, coi thường người bệnh.
Gần đây, sau mấy vụ người nhà bệnh nhân tấn công thầy thuốc xảy ra ở vài nơi, có người đã nhận định rằng nghề thầy thuốc là Nghề nguy hiểm. Như thế là không khách quan. Thiết nghĩ, kẻ tấn công người làm phúc trị bệnh cứu người chỉ có thể là người không bình thường, người mắc bệnh tâm thần, người điên, bị hoàn cảnh tác động mà phát điên. Đây là loại tội phạm không phổ biến, không phải là trào lưu. Nếu có sự a dua nào đó thì các thầy thuốc cũng phải tự đặt câu hỏi về những nguyên nhân trực tiếp chủ quan thuộc phía mình trước khi đặt vấn đề đổ lỗi cho xã hội. Nếu coi nghề thầy thuốc là nghề nguy hiểm thì bất cứ nghề nào phải tiếp xúc với dân cũng được gọi là nghề nguy hiểm. Chỉ có thể gọi đó là nghề làm dâu trăm họ, gặp tai nạn nghề nghiệp là chuyện khó tránh. Nghề này quả thật rất khổ, phải gồng mình lên với áp lực công việc. Đổi lại, với đồng lương và phụ cấp khiêm tốn, việc giữ gìn phẩm chất đạo đức đòi hỏi phải có đủ bản lĩnh. Thái độ ứng xử của thầy thuốc là nguyên nhân tạo ra nhiều điều. Trình độ chuyên môn cũng hết sức quan trọng, nhưng nếu có cách hành xử văn hóa thì chắc sẽ hạn chế được những bất cập. Chính vì vậy, thiết nghĩ, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, ngành y cần có thật nhiều thầy thuốc giỏi thực sự, tận tâm phục vụ người bệnh và nhất là phải quan tâm hơn nữa vấn đề văn hóa ứng xử trong việc khám chữa bệnh.