Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐI SỨ KHÔNG LÀM NHỤC MỆNH NƯỚC

Trần Huy Thuận
Thứ sáu ngày 14 tháng 10 năm 2011 5:16 PM

Hà Nội có một đường phố mang tên GIANG VĂN MINH, đó là con phố nhỏ nối phố Giảng Võ với phố Kim Mã thuộc quận Ba Đình. GIANG VĂN MINH là ai và ông có chiến tích gì thì có thể nhiều người, kể cả người sống trên con phố đó, chưa hẳn đã biết. Bài viết dưới đây nhằm cung cấp phần nào những thông tin chủ yếu về danh nhân đặc biệt này…

*****
Chuyện xảy ra cách nay đã gần 400 năm. Giang Văn Minh nhận lệnh vua đi sứ sang Trung Quốc. Khi vào yết kiến vua Minh ( Minh Tư Tông ), Giang Văn Minh ung dung bước thẳng đến sân rồng rồi dõng dạc tâu rằng:
- Muôn tâu bệ hạ! Thần sứ giả Nam bang xin bái kiến.
Vua Minh thấy dáng điệu uy nghi và có vẻ ngạo mạn của ông, liền quát lớn:
- Ngươi là sứ giả man di, vào sân rồng của ta chưa đúng lễ. 
- Thưa bệ hạ, thần là sứ giả Nam bang, một nước có nền văn hiến đã lâu, chứ đâu có phải sứ giả man…
Vua Minh ra lệnh:
- Lẽ ra với thái độ ấy, ngươi phải chịu tội nặng, nhưng ta ra một vế câu đối, để ngươi đối chuộc tội, nếu không đối được thì đầu lìa khỏi cổ. Vế đối là: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng trụ nay rêu đã phủ xanh). Câu đối của vua Minh ám chỉ việc Mã Viện xưa đã từng dựng cột đồng, trên có khắc dòng chữ: “Đồng trụ triết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, đất Giao Chỉ sẽ bị hủy diệt) để uy hiếp tinh thần quật khởi của dân tộc Giao Chỉ.
Lòng tự cường dân tộc trỗi dậy trong lòng, không do dự, Giang Văn Minh khảng khái đối lại:
“Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn tươi).
Vế đối thật chỉnh, lại cũng dung sự kiện có thật trong lịch sử: Nước Việt ta đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Câu đối này là cái tát thẳng vào mặt vua Minh trước đông đảo văn võ bá quan của Thiên triều và sứ bộ các nước. Bất chấp luật lệ bang giao, vua Minh đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Minh Tư Tông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và cho sứ bộ ta đem thi hài ông về nước.
Khi thi hài của ông về đến Kinh thành Thăng Long, vua Lê tổ chức lễ đón linh cữu Giang Văn Minh rất trọng thể và truy tặng ông chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, đồng thời ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (tức là đi sứ không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Một câu đối truy điệu Thám hoa Giang Văn Minh có viết:
Thục bất hữu sinh, sinh như công dã, kỳ sinh như vinh.
Thục bất hữu tử, tử như công giả, kỳ tử do sinh.
Tức là:
Ai cũng sống, sống như ông, thật đáng sống
Ai cũng chết, chết như ông, chết như sống.
Hiện nay, nhà thờ ông ở làng Mông Phụ đã được nhà nước Việt Nam xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa.
*****