Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm mang phẩm cách một nhà giáo bước vào ngôi đền Văn chương với thái độ khiêm cung hiếm có. Một trong hai tác phẩm đầu tay của anh là tập Thương nhớ tài hoa (1992) như những nén tâm hương dâng lên đền thờ 50 văn tài đã khuất của đất nước. Thơ chân dung văn học, có nghĩa cả cuộc đời, văn nghiệp mỗi tác gia đều phải được khái quát rồi đúc rút được đặc điểm tài năng, tác phẩm, chỉ trong hai ba chục dòng thơ, đó phải là công trình tính bằng thập kỷ! Rồi chỉ trong 8 năm tiếp sau, ngoài 4 tập thơ (có 2 tập viết cho thiếu nhi) và 1 cuốn bút ký, anh đã cho ra mắt tập biên khảo Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam, lần này thì con số tác giả thơ được chọn những câu thơ hay lên tới gần 900 người trong cả nghìn năm thơ Việt. Tiếp theo, hai lần tái bản sau có bổ sung, con số tác giả lên đến 1200 người. Chỉ công tìm đọc thôi, việc này đã ngốn một lượng thời gian, công sức khổng lồ. Riêng bài dẫn luận ở đầu sách với 60 trang in khổ 14,5-20,5, đã là một công trình nghiên cứu về “thơ đa chiều”, anh phân tích có đến 7 chiều không gian thơ và quan niệm tiếp cận chân lý nghệ thuật, đã rút ra được nhiều điều bổ ích cho lý luận thơ.
Đến năm 2008, ta lại được đọc trường ca Văn đàn bi tráng. Lại đủ mặt những nhà thơ bị thương tích trong trường văn trận bút được điểm ra trong tiến trình cách tân thơ Việt…Quả là một con đường anh đã tìm riêng cho mình: làm thơ về những văn tài, như anh từng viết trong Nhà văn Việt Nam hiện đại:
“Lao động sáng tạo của nhà văn luôn hướng tới chân – thiện – mỹ. Ngỡ như trong tầm tay với mà mỗi khi đến gần, đích ấy lại lùi xa. Thách đố hấp dẫn và khắc nghiệt này cuốn hút mọi thế hệ nhà văn khiến mỗi người phải tìm cho mình con đường riêng để tiếp cận giá trị muôn đời không cũ ấy!”
Năm nay, với tác phẩm mới nhất, anh dành cho chủ đề Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long, là tập thơ Sương Hồ Tây- Mây Tháp Bút.
Nguyễn Vũ Tiềm người Hà Nội gốc, quê anh và gia đình ở Ninh Hiệp, Gia Lâm. Nửa đầu đời, anh dạy học ở Hà Nội, sau 1975 mới định cư ở thành phố Hồ Chí Minh, vẫn trong ngành giáo dục nhưng anh chuyển sang làm báo. Vậy là đã nửa đời xa quê, trách gì lòng quê chẳng sớm chiều đau đáu...
Anh nhớ nhất là những đặc điểm khí hậu bốn mùa của Hà Nội:
Phố đã phượng rồi, tranh đã cúc
Khung vải xôn xao gió chuyển mùa
……….
Sông Cái mùa này đang cạn nước
Lại đầy dần trên những búp non
(Giao cảm bốn mùa)
Nỗi nhớ Hà Nội có dịu đi không, khi anh ngắm bức tranh của Bùi Xuân Phái:
Có chàng hiệp sĩ vung cây cọ
Chấm vào thương nhớ mờ xa
……….
Thời gian mối mọt
Nghiến vào quên nhớ trong ta.
(Bùi Xuân Phái)
Anh nhớ từng ngõ cổ Hà Nội, những đêm mùa đông, văng vẳng tiếng rao khuya:
Tiếng rao khuya sớm mỏi mòn
Hay hồn dĩ vãng còn hờn gió sương
Ngõ Quan Thổ, phường Hàng Bột, hồ Văn Chương có ngôi nhà của Nguyễn Vũ Tiềm, anh tưởng tượng như đây đó rất gần thảm án tru di của gia tộc Nguyễn Trãi, máu và những hồn oan như còn thấm đẫm con đường sử thi ngày ấy:
Tìm trong thế kỷ qua đi
Ức Trai đội án tru di nơi này?
Pháp trường dựng ở nơi đây
Sáu trăm năm vẫn lưu đầy gió trăng!
(Ngõ Quan Thổ)
Mỗi lần về lại đất quê Hà Nội, anh đều đến thăm những công trình mới, những phòng tranh mới, cả những đổi thay mà anh mới ghi nhận qua thông tin báo chí, anh phải đến cho thực mục sở thị. Ngày nào anh hẹn đến thăm tôi mà bị muộn mươi phút, anh xin lỗi vì phải đi thăm nốt bức tường tranh gốm sứ ven sông Hồng, kẻo đến giờ ra sân bay lại không có dịp quay lại. Hôm nay đã thấy câu thơ hẳn anh ghi từ hôm ấy:
Lối xưa xe ngựa vừa đi tới
Cùng chiếc Honda dáng ngựa hồng
(Thơ tranh gốm sứ bờ đê)
Hà Nội là nơi có nhiều bè bạn văn chương thân thuộc, phải xa họ nhưng anh vẫn nhớ một cách thiết thực bằng cách chọn thơ hay của họ vào tập Nghìn câu thơ tài hoa VN. Có những đấng bậc mà nay có muốn gặp cũng không sao gặp được, 35 năm xa Hà Nội, gần như một thế hệ những người thày, người anh đã về cõi vĩnh hằng, nhưng có bao cách cho anh nhớ. Những số nhà, địa chỉ có khi chủ nhân ghi ngay nó vào thơ: 9 gác Lãn Ông/ Lòng xanh xuân chờ/ Gió mùa xổ cửa/ Tim đèn rong khuya...(thơ Lê Đạt).
Anh làm thơ về chủ nhân ngôi nhà rất Hà Nội này, đã nói thay các nhà thơ về sự dằn vặt cũ, mới, lẽ còn, mất trong sáng tạo:
Rồi sẽ không lâu, tôi cũng lỗi thời
Chữ không bầu nhà thơ nữa
Tôi trở lại Trung Hà, Phú Xá
Học lại những điều xanh tươi
Bài vỡ lòng cái mầm, cái hạt
Dòng đầu tiên cái nụ, cái chồi
(Tâm sự nhà thơ số 9 phố Lãn Ông)
Tết nào mà những người con tha hương chẳng thu xếp về thăm quê, nhất là khi còn mẹ già tựa cửa ngóng con. Nhưng tôi biết Nguyễn Vũ Tiềm vẫn tranh thủ từng giờ sau khi đã làm nghĩa vụ người con hiếu, thăm lại những địa điểm cổ kính như từng trang lịch sử vẫn sống động hôm nay, đó là những mặt tường Văn Miếu rêu phong, gần Tết lại có những ông đồ trẻ nối tiếp công việc của ông Đồ muôn năm cũ của Vũ Đình Liên. Đây là nhận xét riêng của Nguyễn Vũ Tiềm trên đề tài ngỡ đã cũ:
Người viết nhập thần từng nét chữ
Người chờ, nhận lộc của nghìn năm!
(Người viết thư pháp ở Văn Miếu)
Quê Nguyễn Vũ Tiềm vùng tả ngạn sông Hồng nên cái nhớ của anh không quá quẩn quanh với phố xá. Mùa xuân ngọai thành có những nét duyên riêng, nhớ những ngày rằm tháng Giêng, chúng tôi hay rủ nhau về Bắc Biên, Gia Lâm thăm nhà thơ Thanh Hào. Từ đó, đi tản bộ qua ngôi chùa cổ có đôi câu đối của bậc ẩn danh nào đó, lời đẹp hơn thơ: Khúc kính, vân thâm, tăng lạp trọng/ Nhàn môn, hoa lạc, khách hài hương mà sinh thời nhà thơ Trần Lê Văn đã dịch, cũng rất thơ Ngõ khuất, mây sâu, sư nặng nón/ Cửa nhàn, hoa rụng, khách thơm giầy.
Thơ Nguyễn Vũ Tiềm khi viết về cảnh quê rất đậm chất men say tình xóm mạc, tôi xin “gậy ông đập lưng ông”, học cách chỉ thơ hay mà chọn, ít bình (dành những mặt còn hạn chế của tập thơ cho nhà phê bình) để giới thiệu được nhiều câu thơ tôi thích:
Chấp chới cánh ong vàng
Hay hồn tôi ngược chiều gió bấc?
……..
Dòng sông Cái đang phải lòng xóm bãi
………
Gặp mướt xanh Phú Xá bắp đang cờ
Xin san sẻ chút niềm vui hoa phấn
Những con chữ của anh căng mọng theo hoa trái thiên nhiên:
Ngày đầy đặn tròn phây chùm vú sữa
Cứ đung đưa niềm khao khát trong ngời
(Trước thềm giêng hai)
Bài thơ dài ở phần cuối sách chứng tỏ cái tình quê Hà Nội của anh mở rộng ra cả châu thổ sông Hồng, chứ không như chúng tôi, nhớ Hà Nội chỉ có nghĩa nhớ phố xá, Hồ Tây, bánh tôm, chả cá…Viết về vùng quê, dân thành phố chúng tôi thường nặng về thụ hưởng sự trong lành, chân chất…còn với Nguyễn Vũ Tiềm, anh chia sẻ được với người nông dân sự nhọc nhằn, lao khổ, một nắng hai sương:
Hãy lội thật sâu xuống đồng lam lũ
Dầm trong vũ thủy, thu phân, sương giáng, đại hàn
Đọc thơ Nguyễn Vũ Tiềm, ta thường gặp đây đó những kết cấu ngôn từ siêu thường:
Bưng lên bát cơm xới đầy thất bát
Gắp miếng nhọc nhằn đã muối thành dưa.
Những chữ quen thuộc: “thất bát”, “nhọc nhằn” đặt trong tương quan khác lạ, bỗng trở nên sinh động, mới mẻ. Câu thơ có thêm những tầng ý nghĩa, trở nên sâu sắc hơn, hấp dẫn hơn. Một trong những yêu cầu của sáng tạo là nhà thơ phải làm mới ngôn ngữ. Nguyễn Vũ Tiềm rất ý thức điều này và anh đã lao động nghệ thuật khá nghiêm túc, mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận.
Anh đã khái quát được cái đẹp trong gian truân vất vả của nghề nông:
Bao thế hệ hài đồng lúa nước
Được hạn hán bế bồng, bão lụt đưa nôi.
Một châu thổ ngời ngợi sức sinh sôi của người và đất:
Châu thổ mưa về như thiếu phụ đang xuân
Nghe nhịp sống vồng căng cựa đạp…
(Trích trường ca Mưa phồn thực và châu thổ sông Hồng)
Nguyễn Vũ Tiềm là một trong những bạn văn Hà Nội lập cư ở thành phố Hồ Chí Minh sau ngày Thống nhất đất nước, đã tô đậm được cách sống văn hóa và nhất là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, hết mình, không hổ là người trí thức Hà Nội đi gieo tiếp những mùa, vụ phương Nam.