Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VÀI SUY NGHĨ VỀ BỘ TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ BÃO TÁP TRIỀU TRẦN

Phùng Văn Khai
Thứ hai ngày 26 tháng 9 năm 2011 2:16 PM

…Hiền tài là nguyên khí quốc gia.
                     (Trích văn bia Quốc Tử Giám)
Đã có nhiều ý kiến  về Bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần của nhà văn Hoàng Quốc Hải. Trước khi in thành bộ, 4 cuốn trong bộ sách đã từng có những số phận riêng, như về thời gian cuốn ra đời trước cuốn ra đời sau, như về số lượng cuốn in khá lớn( hàng chục vạn bản), tái bản nhiều lần (Huyền Trân công chúa, Thăng Long nổi giận), cuốn gây sóng gió trong quá trình in chỉ vì cái tựa đề (Bão táp cung đình)… Tựu trung ở một góc độ nào đó, bộ tiểu thuyết lịch sử Triều Trần, mà nay tác giả khái quát bằng một cái tên chung cho cả bộ là Bão táp Triều Trần khi hợp tung lại với nhau đã tạo ra một cái nhìn bao quát, chỉnh thể và sâu sắc về triều đại nhà Trần, một triều đại có võ công, có văn hiến có nhiều nhân tài, vừa sinh Phật vừa sinh Thánh, một triều đại minh bạch dưới ánh sáng của lịch sử.
Về lịch sử nói riêng đến nay có không biết bao nhiêu ý kiến. Tác gia Trần  Trọng Kim có ý kiến khá thấu đáo, hồn cốt: “Sử là sách không những  chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hoá của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này…”(Lời tựa - Việt Nam sử lược)
Nói về lịch sử không thể không nói tới các nhân vật lịch sử, những biến cố lịch sử và những huyền thoại, huyền tích của lịch sử, thậm chí cả những điều phi lý của lịch sử. Lịch sử  Việt Nam là lịch sử của 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Tại sao phải luôn luôn đặt vấn đề giữ nước lên hàng đầu. Một câu hỏi tưởng như rất dễ trả lời, nhưng càng trả lời càng thấy cần phải trả lời sâu hơn, khoát đạt hơn, đạo hơn và đời hơn. Tự thân khái niệm nước, quốc gia, dân tộc cũng luôn luôn có nhiều biến động. Nước có thể hợp nhất hoặc chia tách từ nhiều nước, dân tộc hoặc quốc gia cũng thế và hoàn toàn có thể trở về cái đích ban đầu sau những biến cố lịch sử, chiến tranh và hoà bình. Cho thấy rằng lịch sử tưởng như là tất yếu, là cụ thể cũng hoàn toàn có thể không chính xác là thế. Nghĩa là lịch sử không thể là những kịch bản viết sẵn. Đứng trên góc độ ấy, tiếp cận bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần sẽ nhận thấy sự thú vị từ bộ sách mang lại, và những ngẫm ngợi, những xẻ chia với tác giả, với dân tộc.
Trong xã hội triều Trần, cố nhiên đời sống nhân dân ít được các sử gia ghi chép kỹ lưỡng mà chủ yếu chỉ là thông qua những câu chuyện, bình tấu của tướng lĩnh hoặc than thở của vua quan. Xã hội triều Trần là một xã hội tiến bộ về nhiều mặt: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội và khá dân chủ. Triều Trần cũng là triều liên tiếp mở những hội nghị có tính toàn quốc: hội nghị Diên Hồng, hội nghị Bình Than… cho thấy những nhà lãnh đạo đất nước rất chú trọng tới suy nghĩ của quần chúng nhân dân, điều làm nên nền tảng chiến thắng từ cổ chí kim trước mọi kẻ thù xâm lược hùng mạnh. Thiết thân với suy nghĩ và đời sống của người dân là một tiến bộ xã hội sâu rộng của triều Trần. Dân trong triều Trần dù ở hạng nào đều một lòng một dạ với Tổ quốc, với vua và với chính bản thân họ. Một Phạm Ngũ Lão ở trong dân, một Dã Tượng ở trong dân, các bậc nho thần như Trương Hán Siêu, Phạm Lãm, Trình Giũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực, Trần Thì Kiến ở trong dân, các bậc trạng nguyên, thám hoa, bảng nhãn Nguyễn Hiền, Đặng Ma La, Lê Văn Hưu ở trong dân. Có thể hiểu rằng cách phát huy sức dân của vương triều Trần là một sáng tạo trị quốc mang tính biện chứng sâu sắc, nó luôn luôn mới mẻ và gần gũi, nó thiết thực và hiệu quả cho bất cứ một chế độ chính trị nào, là một đóng góp quan trọng trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Tiêu biểu cho quan điểm này là Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền  rễ. Đó là thượng sách để giữ nước.”
Khởi nghiệp của vương triều Trần với cuộc chuyển giao quyền lực có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Đến bây giờ, các học giả, nhân sĩ trí thức vẫn còn nhiều tranh cãi. Cái nhìn bây giờ phải nói là đã cởi mở hơn, ít định kiến hơn và trên thực tế thuận theo quy luật hơn. Lịch sử thường có những việc mà hàng trăm năm sau, hàng ngàn năm sau vẫn chưa thống nhất là đúng hay sai, hay hay dở, tại sao, có công hay có tội. Lịch sử là thế, đôi khi dường như là để trêu cợt hậu thế. Nhiều khi lại đơn giản tới trần trụi. Nhưng cũng hàm chứa không ít bí ẩn khiến hậu thế nối đời tranh cãi.
Dù thế nào thì khởi nghiệp nhà Trần vẫn là một khởi nghiệp đúng đắn. Nó đúng đắn ở chỗ tất yếu của lịch sử. Nó đúng đắn ở chỗ vương triều Lý lúc đó đã mục ruỗng rất cần một thể chế khác thay thế. Nó là cái cũ kỹ đổ ngã để cái mới mẻ nảy mầm. Nó là cái cây đã chết khô cần một cái mầm khoẻ khoắn đội hất tung đi. Lịch sử  có tính đúng đắn là ở đây. Còn thì ai loại bỏ cái cũ, ai đón tiếp cái mới, A hoặc là B, C hoặc là D đã không còn là vấn đề mà lịch sử bận tâm nữa. Lịch sử lúc đó đã mải bày ra những trò khác, ở các nơi khác với những sự trớ trêu, huyền bí khác.
Nhìn nhận về vị Khai Quốc triều Trần - thái sư Trần Thủ Độ đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Người bênh thì bênh quá lên, khoác vào cho ông nhiều công lênh quá, nào dựng nước nào giữ nước, nào mưu kế như thần, an với dân trung với vua, nào cả đời lao tâm lao lực tự mình đầy ải mình… Lại người ghét ông thì cũng ghét quá, khép vào tội khi quân loạn đảng, bức vua, cướp nước rồi mưu mô giảo quyệt quỉ khốc thần sầu. Đời tư khi ấy cũng bị bới móc, chỉ trích ông dâm loạn, thất đức. Thực ra nên nhìn ông ở góc độ con người. Là người thì có đúng có sai. Càng các bậc vĩ nhân cái đúng cái sai biểu hiện càng ghê gớm. Bản thân ông là một nhân vật lớn của lịch sử. Lịch sử chọn ông để thi triển một khuất khúc, một chuyển biến của mình thì ông không làm thế nào khác được. Nó như mẹ thì phải đẻ ra con, có ông tất phải là có cháu. Chỉ có điều cái ông Trần Thủ Độ này bị lịch sử chọn ngay ở thời điểm nhạy cảm ấy, lại có tài, lại là tài thao lược kinh luân đến thế thì cái việc vật đổi sao rời lắm công nhiều tội cũng là một tất yếu lịch sử. Một tất yếu cần có cái nhìn độ lượng hơn nữa với bản thân ông. Điều này dường như cũng là tâm tư của tập mở đầu Bão táp cung đình với những trang viết rất chân thực còn không kém phần biến ảo để khơi lên, dựng rất sống động nhân vật Trần Thủ Độ của nhà văn.
Khi khắc họa những nhân vật lịch sử, các nhà tiểu thuyết lịch sử căn cứ sử liệu nhiều khi chỉ xét nhân vật trong tư thế lịch sử vốn có, trong “vai trò đang đóng” của họ, mà nhân vật lịch sử, tức là nhân vật chính trị luôn có những biểu hiện, diễn đạt theo xu thế lịch sử có lợi cho cá nhân, thể chế và đại cục mà họ theo đuổi. Cho nên, nếu không bóc đi cái biểu hiện bên ngoài, bóc tách vai trò đang đóng của nhân vật sẽ dẫn đến cái nhìn phiếm diện, cắt xen xa rời bản chất thật của nhân vật dẫn đến nguy cơ làm méo mó lịch sử.
Bão táp cung đình bên cạnh nhân vật Trần Thủ Độ, tác giả đã khéo léo đặt vào đấy một nhân vật của dân gian, nhân vật Hoàng Tiên Sinh. Nhân vật này chắc chắn là một sáng tạo có chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà văn, tạo sự vững vàng, cân đối cho tác phẩm lịch sử nước ta, trải qua mấy nghìn năm dường như khi nào cũng luôn tồn tại những cặp nhân vật lịch sử như vậy. Như là cứng ở bên mềm, cương đối xứng nhu, âm ở cạnh dương cũng là lẽ huyền vi của tạo hóa. Nhân vật Hoàng tiên sinh thể hiện tinh thần tiếp thu tinh hoa nho học của vương triều Trần. Vương triều Trần là vương triều tiền Nho, Phật lão đồng nguyên, tôn trọng nhau, học tập nhau vì mục tiêu lớn lao là con người và dân tộc. Thông qua những ứng xử của vị khai quốc triều Trần Trần Thủ Độ với các đối thủ chính trị là Nguyện Nậm và Đoàn Thượng cũng như một số kẻ sĩ còn hương vong nhà Lý đã cho thấy một nhãn lực chính trị phi thường của Đần Thủ Độ. Điều này giải thích những linh động kiên quyết của ông trong đó không phải không có những sai lầm mang tính cục bộ song tuyệt nhiên và nhất quán theo một quĩ đạo thống nhất là phụng sự lợi ích lâu dài của Tổ quốc, của nhân dân. Tấm lòng trung trinh của ông biểu hiện cao độ nhất với câu nói nổi tiếng khi vó ngựa Mông Thát ầm ầm nơi biên ải: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” và cả những ngẫm nghĩ, những khi dằn dỗi, cáu giận trước cảnh mấy anh em vua trẻ một mực bỏ ngôi vị gây khó xử cho ông, đẩy ông vào tình thế trớ trêu dễ để miệng lưỡi thế gian chế diễu. ở lúc ấy, nếu là một nhà chính trị non tay vương nghiệp ắt lung lay, giặc cướp nổi lên, dân lành điêu háo và nạn ngoại xâm là khó tránh khỏi, toàn cục lịch sử, giang sơn không biết sẽ đi đến đâu. Những phút giây ấy không chỉ là một lần đến với vị khai quốc triều Trần công góp phần khởi định con người thật của ông, một con người thấm đẫm nhân tình, hiểu đời và hành xử khác thường, tiên quyết và tiên lượng những việc lớn quốc gia mà không phải ai cũng nhìn nhận ra, nhìn nhận khách quan và công bằng, kể cả đến bây giờ.
Trong toàn bộ bộ sách, nhà văn luôn luôn là một vị tổng chỉ huy các nhân vật của mình, lại là các nhân vật lịch sử, hẳn nhiên vị tổng chỉ huy phải rất cao tay. Điều binh khiển tướng thế nào, cân nhắc thái độ ra sao của vua, của quan, của tướng, của triều thần, kẻ sĩ, và cả của dân là một bài toán cực khó. Nó có thể giải theo cách ấm ớ cũng xong, mà tự bày ra một trận bát quái đánh đố người đọc cũng không phải là không thể. ở đây, tác giả đã lựa chọn sự thật, nói thẳng, nói thật nhất lịch sử. Nhưng là sự nói thẳng nói thật từ tâm thế nhà văn, tâm thế một người yêu dân, yêu nước. Ôi cái lòng yêu dân, yêu nước thời nào chả giống nhau, thời nào chả đau đớn như nhau. Chính từ quan điểm ấy dẫn đến giọng văn trong sáng, giản dị và mới mẻ của toàn bộ bộ sách. Tác giả đã cố gắng tước hết đi những rườm rà nghi lễ, những câu chữ văn chương, những từ ngữ cổ giả, những điển tích xưa cũ mà thay vào đấy là tâm sự của người hôm nay, người thời nay hiểu và bàn, khơi ra và giải quyết những vấn đề lịch sử theo một cách nhìn nhân văn nhất.
Thấy rất rõ trong bộ sách là tác giả đặt nước lên trên vua, dân cũng ở trên vua, sĩ tốt trên tướng lĩnh, văn hoá ở trên chính trị, giường mối đoàn kết ở trên bè cánh thị phi, nhân phẩm ở trên tính cách, lợi ích dân tộc là tối thượng, trọng tình không mù quáng, ái quốc không tư vị, nhẫn nhục không hèn kém, cao thượng mà không hống hách… ở đấy vấn đề con người được đặt lên hàng đầu. ở đấy học đạo làm người trước học đạo làm vua, làm tướng. ở đấy những bô lão được kính trọng, trẻ nhi đồng được nâng niu. ở đấy tướng cởi trần tập võ với quân, người thương yêu ngựa, trâu, voi, chó. đến như loài chim câu còn biết đưa thư đánh giặc, đầm lầy năn lác vây giặc, đỉa muỗi cũng biết nhằm chỗ sơ hở của giặc mà đánh. Dựng lên một xã hội sinh động như vậy dưới diện mạo lịch sử có sẵn, phải là một nhà văn có tài và có đức. Xưa nay các tác giả có tài viết về lịch sử không ít nhưng nếu chỉ khoe tài, khoe câu chữ, khoe kiến thức tất sẽ dẫn đến ham ngọn mà bỏ gốc, thích sặc sỡ tô vẽ mà quên thực người thực việc. Tại sao viết về lịch sử chữ  Đức của nhà văn phải được coi trọng đến vậy. Thật đơn giản. Nếu không có chữ Đức, không khiêm cung, bác ái thì tác phẩm mau chóng rơi vào việc bỏ chỗ sáng rẽ vào chỗ tối, bỏ lối tỉnh đi vào đường mê, chỉ trích, bịa tạc, vu cáo lịch sử chỉ bằng vào một cái tài nguỵ biện thì nguy hiểm lắm.
Xuyên suốt một tinh thần vì nước vì dân, vì sơn hà xã tắc là sợi chỉ xanh của bộ sách. Ngay từ ngày ấy và cả trước đó nữa vấn đề dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Vì dân tộc, vì danh dự dân tộc mình từ vua đến dân đều sẵn sàng hy sinh quyền lợi và sinh mạng, cả gia đình, cả họ tộc. Ngay như những đội Tống binh chiến đấu dưới trướng của tướng quân Trần Nhật Duật cũng là vấn đề đặt danh dự dân tộc Trung Hoa lên trước, để khơi dậy tinh thần chiến đấu của những người vong quốc. Các dân tộc thiểu số phía Tây Bắc, phía Bắc, Đông Bắc cũng một lòng một dạ chiến đấu vì Tổ quốc. Họ có tù trưởng, có thủ lĩnh riêng của mình nhưng cao hơn mọi tù trưởng, thủ lĩnh và cả nhà vua nữa phải là dân tộc, danh dự và nhân phẩm. Vấn đề này tác giả đưa ra rất khéo léo và hữu lý, như cuộc thần phục Trịnh Giác Mật của tướng quân Trần Nhật Duật, sự gột rửa tỵ hiềm của Quốc Công Trần Quốc Tuấn và Thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải, hoặc như Yết Kiêu, Dã Tượng chờ chủ soái ở Lục đầu giang, hoặc việc Tuệ trung Thượng sĩ bỏ thiền trượng cầm gươm giáo. Ngay cả các vương tôn, công chúa cũng sẵn lòng vào sinh ra tử, một An Tư, một Huyền Trân, một Quốc Toản… thảy đều nhường nhịn, hy sinh, thảy đều giản dị kiên cường mà đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết. Triều đại đã sinh ra những:  Hưng Đạo vương, Chiêu Minh vương, Chiêu Văn vương, Chiêu Đạo vương, Trung Thành vương, Chiêu Thành vương… Kế tiếp là các bậc dưới như: Nhân Túc vương, Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Vũ Đạo hầu, Văn Nghĩa hầu, Nghĩa Quốc hầu, Chương Hiến hầu… Tiếp đến là công bộ thượng thư, trạng nguyên Nguyễn Hiền; hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu, bảng nhãn Lê Văn Hưu… Và nữa là các tướng tài như: Trần Bình Trọng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái, Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô…
Sự đoan chính, cương trực và tinh thần kỷ luật cao cả của triều Trần qua chính kỷ luật nghiêm ngặt của ngòi bút nhà văn đã làm thấu  đáo, sáng tỏ những võ công, văn hiến của Đại Việt ta những năm thịnh vượng trong thời kỳ vương triều Trần trị quốc và đánh giặc.
Võ công ba lần đánh thắng quân Nguyên - Mông là một võ công hiển hách, một trang vàng chói lọi trong lịch sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đã rất nhiều bút mực viết về những chiến thắng lẫy lừng ấy. “Đến nay nước sông tuy chảy hoài - Mà nhục quân thù khôn rửa nổi” - (Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu).
Thực ra với tâm thức dân tộc Đại Việt, chiến tranh là một điều xưa nay mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước vẫn luôn răn là điều cấm kỵ, hết sức tránh nó. Tránh chẳng đặng đừng dân tộc ta mới phải đứng lên cầm gươm giáo. Những võ công ngoài dư ngân hào sảng của nó, thì sự ngẫm ngợi về máu xương các anh hùng dũng sĩ và nhân dân đã hy sinh là hết sức cần thiết. Bao nhiêu máu xương đổ xuống mà thành chiến công. Bao nhiêu những người lính thường, dân thường vô tội, lũ con đỏ và người già chết trong chiến tranh. Nên cũng phải thấy rằng ngòi bút của nhà văn Hoàng Quốc Hải nói riêng, truyền thống lịch sử của dân tộc ta nói chung là hết sức tránh chiến tranh, luôn tìm cách hoà hiếu, cởi bỏ mọi hận thù, chịu nhẫn nhịn, thua thiệt để yên ấm là một vấn đề xuyên suốt trong bộ sách cũng như trong mấy nghìn năm lịch sử.
“Trải qua trăm cuộc thăng bình
Bởi đâu đất hiểm tại mình đức cao”
(Bạch đằng giang phú của Trương Hán Siêu)
Cái thắng của đức, của trí và của khiêm, dường như là thắng lợi lớn nhất mà vương triều Trần đạt được. Cái tự thắng của ông vua hiền sáng nhất lịch sử Việt Nam Trần Nhân tông là cái thắng khi 35 tuổi truyền ngôi cho  con, 39 tuổi lui hẳn về Yên Tử với đạo và sáng lập ra một dòng thiền thuần Việt - Thiền Trúc Lâm. Cái tự thắng của Trần Quốc Tuấn binh quyền lệnh trời đất càng một mực phò vua cứu nước, bỏ lời cha, gạt ý con, phơi gan ruột với sĩ tốt để tiếng thơm đời đời và con cháu tôn vinh ngài là bậc Thánh. Cái tự thắng của nhân dân khi ở thời điểm chỉ hơn hai triệu người nam phụ lão ấu quyết chiến quyết thắng với 50 vạn tinh binh địch, chiến thắng đội quân tàn ác nhất dưới gầm trời thuở ấy mà nếu không tự thắng mình thì chỉ nghĩ đến thôi cũng mất hết tinh thần nói gì việc cầm gươm giáo chọi nhau với hổ đói như thế. Tựu trung, sự thắng lợi và những võ công chống giặc xâm lăng dưới vương triều Trần là một tất yếu của đúng thắng sai, thiện thắng ác, chính nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thắng cường bạo…là chiến thắng của chân, thiện, mĩ, là chiến thắng của Người.
Viết về lịch sử ở Trung Quốc, bộ Sử ký Tư Mã Thiên càng sau càng sàng lọc thời gian càng tỏ ra ưu  việt ở mọi khía cạnh và tầm vóc sử ký Tư Mã Thiên là tầm vóc của thiên tài. Tư tưởng sử ký bao trùm nhiều lĩnh vực từ sử học, triết học, văn học, văn hóa, quân sự, chính trị, tôn giáo… Trong bộ Bão táp triều Trần, không phải không có những đoạn tác giả đã dành nhiều tâm huyết để khái quát mọi mặt lịch sử dân tộc, tiếp thu những tinh hoa phân loại và việt hóa khi thể hiện một trường đoạn, một triều đại lịch sử dân tộc mình nên không ít những trang văn rất sống động, không ít những nhân vật được khắc họa độc đáo, những phong tục tập quán được miêu tả kỹ lưỡng, những cảnh quan đất nước được thể hiện phong phú, những ngành nghề cổ truyền được trân trọng nâng niu đã cho thấy nội lực của một ngòi bút uyên thâm, thấm nhiều tinh thần tôn vinh những giá trị văn hóa từ những đóng góp của nhân dân lao động. Nói về dân, bàn về dân và hiểu nhân dân là một thành tựu của nhà văn thể hiện được sự tiến bộ vượt bậc của Vương triều Trần trong công cuộc an dân, trị quốc và đánh giặc.
Nằm trong tổng quan bộ sách có một cuốn tức là cuốn Huyền Trân công chúa được tác giả viết trước (theo số năm xuất bản). Cuốn sách này khi đặt trong bộ sách không hề tỏ ra khiên cưỡng mà rất chỉnh thể, hài hòa, là một sự bổ sung cần thiết cho bộ sách. ở đây, thực tế cuốn Huyền Trân công chúa là một sự nhạy cảm riêng về chính trị và bang giao của một thời, của nhiều thời. Cho dù nó đã là một tất yếu lịch sử nhưng cái phần đóng góp về tinh thần mở mang bờ cõi của cha ông ta là rất đáng để đời sau học tập. Triều Trần cũng như các triều đại khác sau này, vấn đề mở mang cương vực là một vấn đề cốt yếu, chứng tỏ sự hưng thịnh cũng là phương lược phát triển đất nước của các triều đại tiến bộ truyền lại cho nhau. Cuốn Huyền Trân công chúa là một khúc tình ca mượn vào câu chuyện làm dâu Chăm Pa của công chúa Huyền Trân mà đưa ra những lý giải thấu đáo, cặn kẽ và cả sự thăng hoa, giao lưu và hội nhập của hai nền văn hoá Việt - Chăm. ở tập sách này các vấn đề về tập tục, lễ, nhạc, hội hoạ, điêu khắc… được nhà văn thể hiện rất tài hoa chứng tỏ một phông văn hoá đi, văn hoá đọc, văn hoá ứng xử đã đạt đến độ chín của ngòi bút có thể gọi là tài năng. Tài năng trong văn chương bộc lộ ở chỗ này. Tài năng đứng được nhờ tác phẩm đứng được. Hẳn xuất phát điểm về kiến thức, tri thức và vốn sống của nhà văn rất phong phú mới triển khai có hệ thống, kiện toàn, bao quát và đẩy phóng các tư tưởng, tình cảm của các nhân vật trong hai nền văn hoá Việt - Chăm.
Đứng riêng ra, tập Huyền Trân công chúa là một tiểu thuyết đúng nghĩa. Nó đương đại đến mức người đọc có cảm giác sách được sáng tạo hoàn toàn và gần như không lệ thuộc gì nhiều vào chính sử. Viết tiểu thuyết lịch sử đến như vậy đã là nhuyễn về nghề và chính về tâm. Có tài, có tâm và có đức có khi  cũng phải thêm độ chín ở nghề, tác phẩm mới có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc.
Huyền Trân công chúa là một đóng góp quan trọng trong bộ Bão táp triều Trần. Nó quan trọng ở chỗ khiến người đọc nhìn về chiến tranh khác đi, nhìn về thiện ác khác đi. Có hẳn sự so đo giữa tình cảm và lý trí, giữa lợi ích quốc gia và tình ý riêng tư. Nó đẩy con người ta đến những suy nghĩ tận cùng nhất, sát ván nhất mà ở đấy sẽ bùng nổ ra những số phận, những tính cách, những tốt đẹp và cả những mưu mô ma quỷ. ở đấy bản tính con người được khai sinh và bản tính con quỷ cũng được khai sinh. Chúng quấn vào nhau, vật lộn nhau, khi thì dung dưỡng lẫn nhau có lúc tử chiến, thanh trừng nhau mà còn trốn biệt trong cái vỏ hoà bình, cái vỏ tình yêu rất ghê gớm.
Một nhà văn non tay sẽ lúng túng ở đây, sẽ dễ có cái nhìn lịch sử hoặc đại khái cho xong hoặc méo mó sai lệch rồi thì độc giả nghi hoặc, người đọc coi thường không mặn mà gì với văn chương. Trong tình thế ấy ngòi bút của nhà văn Hoàng Quốc Hải đã như một kiếm sư bóc tách bài bản, triển khai những thế kiếm huyền diệu, vi ảo, khi thì là những bóng hoa quỳnh đột khởi ẩn hiện dưới trăng khuya, lúc lại là những ánh sao băng vun vút, khi như gió xuân, như nắng thu. Có thể hiểu những dòng văn ấy ẩn một sức hút không những ở một phông văn hoá dày dặn mà còn ở một tấm lòng trung trinh run rẩy thứ ánh sáng thiện và không phải không có những đường kiếm đã đạt đến độ tinh quái thượng thừa.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã dành nhiều tâm huyết cho tập sách cuối của bộ sách Bão táp triều Trần, đó là tập Vương triều sụp đổ. Tác giả vẫn bằng một thái độ trong sáng, chân thực và tinh thần quyết chiến với cái xấu xa bỉ ổi, cái ác, cái mưu mô, vạch trần chúng ra trước ánh sáng của chân thiện mĩ. Tập sách hẳn là một đau đớn khôn khuây của tác giả. Ngòi bút nhà văn có lúc chùng xuống, bất lực trước những diễn ra oái oăm, ngu muội, dốt nát, đểu cáng và đặc biệt là sự thoái hoá, xuống cấp của đạo đức, tinh thần. Ôi còn đâu hào khí Đông A. Ôi còn đâu tinh thần xả thân, trượng nghĩa với những võ công hiển hách. Chỉ còn lại là mưu ma chước quỷ, là sa đoạ dật lạc, là lừa phỉnh hà hiếp dân lành. Ôi lê dân, những người dân lương thiện một thời thích hai chữ “sát thát” không sợ đầu rơi máu chảy xông ra diệt địch bây giờ cúi gầm sợ sệt lũ vua quan mục nát tăm tối. Dân ngoảnh mặt với triều đình. Giặc vào ra kinh thành như chốn không người cướp phá, đốt giết. Quan lại thì tự vị, bè cánh, chuyên quyền hà lạm, lừa vua dối dân. Một xã hội đang đà phát triển  bỗng sập gãy vì những suy nghĩ và hành động tăm tối của chế độ cầm quyền. Một bài học lịch sử đau đến trăm năm, ngàn năm. Sự tiếm quyền của mấy tên quan đầu triều như Hồ Quý Ly - Nguyễn Đa Phương… cộng với sự ưa chuộng cái ảo, rời xa chính tâm của vua Trần Nghệ tông đã hùa nhau tàn phá, huỷ diệt vương triều Trần. Sự háo danh, háo sắc và thói đạo đức giả đã mau chóng làm tê liệt cả một vương triều nhiều võ công, dầy văn hoá là một bài học lịch sử mà hậu thế rất cần biết đến.
Lý giải của nhà văn Hoàng Quốc Hải là một lý giải ngọn ngành giàu tính tư duy biện chứng. Tập sách này khiến độc giả phẫn nộ với những tối tăm dốt nát của cả một thể chế, một bộ máy và than ôi có các nhân sĩ trí thức cũng vì những lợi ích của riêng mình, sợ sệt cầu an, không quyết tâm chiến đấu đến cùng với cái xấu cái ác như từng một thời đã chiến đấu. Tuy cũng có những tấm gương  cao thượng đầy phách lực của bậc “Vạn thế sư biểu” như Chu Văn An, những võ tướng thao lược như Trần Khát Chân nhưng khi mà thế nước đã suy, gian thần lộng hiểm tức cũng là khi ông Tạo chơi trò chơi quyền năng vô biên  của mình, thì dẫu có biết trước cũng không sao cưỡng lại được. Và cũng từ những tất yếu lịch sử ấy, bọn tiếm quyền nhanh chóng rơi vào tai hoạ, ngoại xâm nhòm ngó và bọn chúng vốn thất đức đã không quy tụ được nhân tâm nên tự chôn vùi mình, tạo vết nhơ trong lịch sử. Chỉ thương dân đen vô tội bị xua vào nạn giáo gươm để lần nữa dân tộc lầm than dưới gót giầy đô hộ của giặc Minh, và một cuộc thảm sát về văn hoá man rợ chưa từng thấy trong lịch sử cổ kim  đã diễn ra còn đau đến tận bây giờ.
Mặc dù bộ tiểu thuyết lịch sử : Bão táp triều Trần có khởi đầu và kết thúc theo văn bản nhưng tựa như sự mở hay sự khép chỉ là tương đối bởi một lẽ tâm thế, hồn vía của bộ sách đã hướng tới được cái đích là con người và tổ quốc. Con người ở đây bao hàm mọi tầng lớp, tôn giáo, sắc tộc, địa vị. Tổ quốc ở đây đúng nghĩa thiêng liêng nhất của nó, là trái tim, là khối óc, là danh dự của từng cá thể trong một cộng đồng lớn, một cộng đồng đã kề vai sát cánh bên nhau mấy nghìn năm chung một dải non sông gấm vóc.
Những bài học mà bộ sách Bão táp triều Trần mang lại là những bài học lớn, nó là tinh hoa của con người Lạc Việt hun đúc lại, soi sáng ra và rất cần được tiếp tục bổ xung, tiếp tục phát huy và phát triển. Thái độ nhà văn từ bộ sách này là một thái độ nghiêm cẩn với lịch sử, nghĩa tình với cuộc sống và lao động nghệ thuật ở đây là lao động nghệ thuật chân chính, tâm huyết. Thành tựu ở một bộ sách giá trị ở chỗ nó tạo ra cho độc giả ngoài kiến thức về lịch sử, quân sự, văn hoá, kinh tế, chính trị… của một thời đại nào đó còn thổi vào trái tim, tâm hồn bạn đọc một ý thức sống, một thái độ  sống, một niềm tin, ước mơ và khí phách cho riêng mình…