Đọc bài “Một xu thế mới” chuyên mục “trong mắt người già” (Báo NCT số 962 ngày 23-9-2011) mà thấy đôi chút vui vui, vì bài viết đã phát hiện và tập hợp được một số sự kiện mới “nóng hổi” tức thời, giúp cho người đọc thấy được cái xu thế mới của một số cán bộ Quản lí đất nước cấp cao đương nhiệm đã có quan điểm điều hành “mới” trong Quản lý Kinh tế hiện nay. Đó là sự đổi mới về “bản lĩnh”, về “quyết tâm” của ông Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận tải. Ông dám “tuyên chiến” với lề lối làm ăn cũ kỹ để phấn đấu giảm số người chết vì TNGT. Đó là sự quyết đưa nền bóng đá nước nhà lên chuyên nghiệp ở một tầm cao mới với các tiêu chí “Sòng phẳng”, “Minh bạch” Thẳng thắn”, “Tử tế” và ứng sử với nhau có văn hoá hơn! Đó là bản kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng về việc hạn chế đấu thầu giá thâp, chất lượng kém, chậm tiến độ. Và cái mới nữa được đề cập là việc điều hành giá xăng dầu của hai Bộ Tài chính, Công thương, và Công ty Xăng dầu VN Petrolimex. Có thể nói đó là những công việc “ mới nóng” vừa xẩy ra hôm qua. Và cũng là những việc cần phải làm đến nơi đến chốn, để nâng “vị thế” của từng nghề từng nghiệp lên và đang được người dân quan tâm đồng tình ủng hộ. Bốn việc trên đã thể hiện quan điểm rõ ràng, minh bạch, công khai chống việc quản lý vô trách nhiệm theo kiểu tù mù, đi đêm, chỉ mang về lợi ích “cục bộ bản vị”,“ Sống chết mặc bay, tiền thày bỏ túi”. Người dân kỳ vọng sẽ có kết quả đáng mừng về những việc làm trên.Nhưng không phải ai cũng nghĩ như thế. Cũng có người nói trong bao nhiêu việc cần phải làm, mới chỉ đề cập đến có 4 việc cỏn con có gì mà ầm ĩ, như “đẻ ra một hành tinh mới”. Đúng như thế, nhưng phải biết hoan nghênh, phải biết quý trọng những việc làm “mới”! Đúng còn quá nhiều việc phải làm mới thật: Việc chi tiêu đồng vốn sao có hiệu quả. Giá cả nhu yếu phẩm phục vụ bữa ăn cho người dân làm sao đừng quá đắt. Các Doanh nghiệp, các Tập đoàn, các Tổng Công ty trong nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của mình không lỗ mà phải có lãi để phục vụ dân sinh, thu nhập của người lao động không ngừng phải được tăng lên. Nợ nần Chính phủ ngày càng phải giảm đi, không nên bóc ngăn cắn dài, việc kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội phải mang lại kết quả đích thực và rõ rệt, tiến tới ổn định và bền vững, Nơi này nơi kia ít xẩy ra đình công bãi thị, it có những việc làm quá khích của người dân, để phải tiến hành cưỡng chế tạo ra một không khí không hay trong cộng đồng dân cư... Đấy đều là những chuyện cần phải có cách làm mới , phải suy nghĩ mới : Nhưng cũng phải nói ra một điều nghịch lý hiện nay của người có chức có quyền là tuy đất nước ta còn nghèo nhưng cái gì cũng thích phô trương hình thúc. Xin dẫn chứng : Việc xây dựng tượng Đài bà Mẹ Việt Nam anh hùng
Khi biết việc bỏ ra 410 nghin tỷ đồng, con của Mẹ cũng là Mẹ Việt Nam Anh hùng đã tâm sự : “Ban đầu khi nghe tỉnh trọn hình ảnh mẹ tôi làm mẫu xây dưng tượng đài, tôi xúc động nhiều lắm, nhưng bây giờ xây tượng đài tốn nhiều tiền quá, nơi chín suối chắc mẹ tôi cũng không vui đâu”! Mẹ còn nói tiếp : “ Có xây dựng tượng đài thì cũng làm vừa sức thôi, đừng phung phí nhiều tiền mất đi ý nghĩ sâu xa của nó”. Cảm đông biết bao khi được nghe những lời nói gan ruột, chân thành, chân thực của Mẹ như vậy. Việc này lẽ ra những người có trách nhiệm phải lo phải nghĩ. Những người có trách nhiệm đã không nghĩ như vậy, vì còn thích chạy theo thành tích, thích cả “tiếng” lẫn “miếng”. Trong kinh doanh cũng thường mắc “bệnh”nói dối (Lãi thì muốn dấu , lỗ nhỏ muốn nói lỗ to!) Bao nhiêu việc đã hiển hiện ra trước mắt, nếu là người có lương tâm biết chi tiêu tiền không thể không bức súc : Bao nhiều công trình chung cư tiền tỷ làm ra không sử dụng được, bao nhiều cánh đồng hoang hoá để cỏ mọc vì dự án thiếu tiền không làm hết năm này sang năm khác. Tiệc tùng lễ hội thì liên miên. Học sinh vùng sâu vùng xa còn nhiều nơi thiếu trường thiếu lớp. Phương tiện đi lại của các em thì khó khăn tuy có quá nhiều tiếng nói lo cho các em nhưng rồi đều trở thành năm cha ba mẹ, kết quả không có ai lo tới đầu tới cuối...Công trình tượng đài Chiến thắng Điên Biên phủ bề thế là vậy, toàn những ông nọ bà kia đứng ra đảm nhận hứa huơu hứa vượn, nhưng vì chạy theo đồng tiền, tiền làm mờ mắt nên đã làm kém chất lượng, mới đưa vào sử dụng đã phải lập dự án xin kinh phí để sửa chữa. Đường sá cầu cống làm xong với bạc tỷ sử dụng chưa được bao lâu đã phải bỏ tiền ra để cạp vá lại ; Công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long vừa đưa vào sử dụng đã xuống cấp...Có quá nhiều sự cố xẩy ra do việc làm bừa làm ẩu. Tất cả những việc làm sai sót ấy, nếu có cơ quan nào đó đứng ra tập hợp lại thì chắc chắn số tiền không phải nhỏ mà là hàng nghìn nghìn nghìn tỷ chứ không ít.. Người ta nói “ Một người lo bằng kho người làm” nhưng xem ra nhiều việc chẳng có ai lo, nhưng lại có những việc lại có quá nhiều người lo- lo làm sao cho đơn vị mình có nhiều dự án, vì có dự án mới có “kim ngân”! Trình độ cán bộ đã yếu lại thêm lương tâm không trong sáng nên không đáp ứng được nhu câu đòi hỏi, mạnh ai người ấy làm, làm cho hết tiền nhà nước ban phát cho- có tiền không biết chi hết là dại ! Chi tiêu theo yêu cầu không cần tính toán. Nhiều cái lẽ ra phải cắt giảm để giành tiền để chi tiêu cho việc khác cần thiết hơn ( ví dụ để làm đường, làm trường, làm cầu cho các em đến trường khỏi phải vất vả mỗi khi mùa lũ đến! Xem VTV các em đến trường phải bơi qua dòng nước lũ mà thấy thương... việc học hành như thế thì bố mẹ và người lớn yên tâm sao được! Bệnh viện thì luôn quá tải, thuốc chữa bệnh thì quá đắt ) nhưng vì tính bảo thủ, tính cục bộ, tính bản vị “lo cho ta trước” nên đã đùn đẩy, viện dẫn vào những lí do vu vơ không cắt giảm, cắt giảm sẽ ảnh hưởng đến uy tín, đến giá trị công trình, sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ công trình v.v.. Cứ nói “huỵch toẹt” ra là cắt giảm đi sẽ ảnh hưởng đến nguồn % của các vị! Mọi sự suy nghĩ lại mang phong cách con nhà giầu : thích phô trương, thích hình thức, làm gì cũng tỏ ra thái quá : Hoa thì người ta dùng hàng bó, hàng lẵng, những cuộc hội họp, hội thảo, tràn ngập hoa. ( Vì mua càng nhiều thì được tiền “hoa hồng” càng nhiều- Không phải chỉ việc mua hoa, mua cái gì cũng vậy). Dùng hàng tấm vải đỏ để hàng chục vị quan chức đứng vào dùng kéo để cắt ra từng miếng để khai trương hoặc khánh thành một công trình bé cỏn con.Có những công trình làm lễ khởi công hoành tráng nhưng rồi cũng rơi vào im lặng có tiền không hậu. Nghe tin có cán bộ cấp cao về thăm thì cơ quan chủ quản ( chủ quản có thể là Thành phố, có thể là Công ty...) động viên người và của làm kỳ đài, sân khấu, làm đường, đặt cây cảnh, thậm chí có nơi còn giải thảm đỏ.. chi tới bạc tỷ, nhưng rồi vị cán bộ nọ không về, phải mất cả chì lẫn chài! Hầu như tất cả các Doanh nghiệp đều xây trụ sở mới với diện mạo 5-7 tầng vớí cái tên thật hào hoa bóng bảy “nhà điều hành Sản xuất”, để khi sử dụng không hết lại gọi người cho thuê...Thế có phải lãng phí không ? Xem VTV thấy người nuớc ngoài người ta dùng hoa sao mà tiết kiệm vậy, làm gì cũng chỉ cần một hai bông, sự tiếp đón khách cũng rất giản đơn ấm cúng không màu mè cầu kỳ như mình. Một điều nữa, người ta dễ nhận thấy, là việc tính toán hạch toán cho các dự án ít đuợc quan tâm, thiếu căn cứ khoa học, coi việc tính toán chỉ là “phương tiện” để đối phó để xin tiền. ( Xin dẫn chứng về cuộc hội thảo về giá xăng dầu vừa qua thì rõ, hỏi người quản lý hạch toán mà không biết xăng lãi hay lỗ, dầu lãi hay lỗ đều trả lời chung chung, bởi vì từ trước tới nay người ta đã hạch toán một cách “hẩu lốn”(gộp nhiều thứ lại với nhau) đúng là Hach toán theo kiểu “Đo không gian đếm mớ đống” như chế độ “Cộng sản Nguyên thuỷ”, người ta chẳng cần tính toán từng mặt hàng làm gì mà người ta lấy đơn vị hạch toán là cả doanh nghiệp, Lỗ, lãi chung cho cả doanh nghiệp. Chính vì thế bây giờ người ta đã chạy theo khuynh hướng tuỳ tiện : Thu nhập mỗi nơi mỗi khác, tiền lương mỗi ngành mỗi kiểu, chẳng theo một bài bản nào nên đã phá vỡ đi sự liên kết giữa các cơ chế quản lý với nhau, chẳng cần tính toán sức lao động bỏ ra như thế nào, chi tiêu một cách tuỳ tiên. Có cái lạ là những người có chức có quyền sao mà nhiều tiền và nhà cao cửa rộng vậy, không phải chỉ có một ngôi nhà nơi đang sinh sống và làm việc mà còn có tiền mua đất mua nhà ỏ Thành phố. Cán bộ Vùng Mỏ nhưng đều có tiền mua nhà mua đất ở Hà nội.Tiền đâu mà nhiều thế? Làm ít nhưng lại muốn có tiền nhiều, nên đã bóc ngắn cắn dài. Phải lách luật, phải “xoáy” phải xoay!Chính vì thế người ta mới nói “Công ty ...đã ăn cả vào C. là vậy(ăn vào khấu hao và máy móc, TSCĐ). Chẳng ai điều hành, chăng ai tính toán suy nghĩ là tại sao lại như thế? Chỉ dựa vào cơ chế thị trưởng để thả nổi mọi chuyện.(Chúng tôi rất hoan nghênh việc làm của Bộ trưởnng Vương Đình Huệ : Có quan điểm rõ ràng làm gì và làm như thế nào phải được rạch ròi! Làm vì 80 triệu con người...Chúng tôi rất tin tưởng sẽ có nhiều cán bộ cấp cao có suy nghĩ như ông) Hiện nay người ta cũng đang dựa vào “công nghệ cao” để quên đi tính trung thực tính khách quan mà chỉ bám lấy cái tính nhanh, tính nhạy, tính kịp thời Chính vì chạy theo tính nhanh tính kịp thời mà đã có sự “ma giáo” về số liệu-).
Tóm lại chỉ từ một bài báo của TG Minh Trường thôi mà nói đến nhiều việc khác quá, lại nói theo kiểu “gặp đâu nói đấy” nên hơi dài dòng làm người đọc chán mệt nên xin được dừng ở đây. Kết thúc bài này, tôi chỉ xin được nhắc lại câu kết trong bài “Một xu thế mới”của TG là “ Phải chăng một xu thế mới công khai minh bạch đang dần hiện hữu gắn với những người có lương tâm, trách nhiệm dám nghĩ dám làm”. Rất đúng! nhưng tôi muốn trong lời nói không còn tâm trạng “hoài nghi” nữa ( vì còn dùng từ “phải chăng”?) tôi muốn nó ở “thì” tương lai có sự khẳng định là có “nhiều xu thế mới” sẽ hiện hữu ở tất cả mọi chỗ mọi nơi mọi ngành mọi cấp)
23- 9 -2011