(口密腹劍)
Trong kho tàng Ca dao - Tục ngữ nước ta, cổ nhân đã đúc kết để nhắc nhở hậu thế rằng hãy luôn đề phòng và cảnh giác với những kẻ “Ngoài thì thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không dao”, hoặc “Miệng nam mô bụng bồ dao găm”. Nó nguy hiểm khác nữa là thói “giả hình” - bên ngoài thì tốt đẹp, nhưng cái tốt đẹp bên ngoài ấy chỉ nhằm để đậy che những ý đồ đen tối bên trong, đó là hạng người mà cha ông chúng ta đã thốt lên trong nỗi kinh hoàng: “khẩu Phật tâm xà”, hoặc “miệng Nam mô bụng bồ dao găm”…
Trong dân gian cũng đã có những khúc đồng dao châm biếm và lên án thói xấu đó như:
“- Nam mô,
Một bồ dao găm,
Một trăm con chó,
Một lọ mắm tôm,
Một ôm rau húng,
Một thúng rau răm…
- Nam mô,
Một bồ dao găm,
Một trăm giáo mác,
Một bác dao bầu,
Một xâu thịt chó…”
Kẻ ác đời nào cũng có, khi ít, khi nhiều vận hạn đến có khi chúng đông như “quân Nguyên”…Vua Càn Long chẳng thể chém Hòa Thân để sống với Tể tướng Lưu Gù mà cũng chẳng thể chém Lưu Gù để giữ lại Hòa Thân… Bởi vậy, phải có đủ khôn ngoan để chọn để có thể sống chung “ổn thỏa” với kẻ hai lòng mà vẫn an toàn, tranh xa được hiểm họa.
Trong Tư trị thông giám - Đường kỷ - Huyền Tông năm Thiên Bảo thứ nhất có điển cố về một câu thành ngữ tương tự sau đây:
Đường Huyền Tông (chữ Hán: 唐玄宗) (8 tháng 9 năm 685 - 3 tháng 5 năm 762), thụy hiệu Đường Minh Hoàng, tên húy là Lý Long Cơ (李隆基), là vị hoàng đế thứ 6 của nhà Đường ở Trung Quốc, trị vì Trung Quốc từ năm 712 đến 756. Thời gian trị vì của ông dài nhất trong các vị hoàng đế nhà Đường, và ông được xem là mang đến cho nhà Đường đỉnh điểm về văn hóa và quyền lực. Thời kỳ trị vì cuối của ông đã bị ảnh hưởng của Dương Quý Phi, một trong những thiếp của ông, và cuối cùng đã bị chấm dứt bằng một binh biến lớn và khốc liệt.
Trong triều đại của Đường Minh Hoàng có truyền tụng một câu thành ngữ rát nổi tiếng đó là “KHẨU MẬT PHÚC KIẾM” (口密腹劍); Trong đó “khẩu” là miệng, lời nói; “mật” là đương mật, chất ngọt -̀ Khẩu mật̀ chỉ lời nói ngọt như mật; Còn “Phúc” là bụng và “Kiếm” là đao kiếm - ̀Phúc kiếm chỉ bụng dạ đầy đao kiếm. “Khẩu mật phúc kiếm” là miệng nói lời đường mật mà bụng thì chứa đầy đao kiếm, hiểm độc. Ý của câu thành ngữ chỉ người hiểm độc, gian ác.
Câu thành ngữ KHẨU MẬT PHÚC KIẾM có xuất xứ từ: Tư trị thông giám- Đường kỷ - Huyền Tông năm Thiên Bảo thứ nhất có viết rằng:
Lý Lâm Phổ là Binh bộ thượng thư kiêm Trung thư lang thời vua Đường Huyền Tông, ông là người có kiến thức sâu rộng, sành về mặt thư họa, nhưng ông cũng là người lòng dạ hẹp hòi và đố kỵ. Phàm những người có tài năng và chức quyền cao hơn mình là ông sẽ trăm phương nghìn kế bôi nhọ, bài xích. Nhưng đối với vua Đường Huyền Tông thì lại tỏ ra khúm núm, xum xoe nịnh hót. Mặt khác, ông tìm đủ mọi thủ đoạn mua chuộc quý phi và các thái giám hầu hạ bên cạnh vua, để củng cố thêm địa vị của mình.
Khi tiếp xúc với mọi người, Lý Lâm Phổ đều tỏ ra rất hòa nhã, lời lẽ ngọt như mật nhưng bên trong thì nghĩ đủ cách để hại người ta. Một hôm, ông tỏ ra rất thành khẩn nói với bạn đồng liêu Lý Thức Chi rằng: Hoa Sơn có mỏ vàng với trữ lượng cao , nếu được khai thác thì nhà nước sẽ nhanh chóng trở nên giàu mạnh, nhưng đáng tiếc là nhà vua còn chưa biết việc này. Lý Thức Chi tưởng thật mới đến tâu với vua Đường Huyền Tông, nhà vua mừng lắm liền gọi Lý Lâm Phổ đến để bàn việc khai thác. Lý Lâm Phổ tâu rằng: Thần có biết việc này, nhưng ngặt vì Hoa Sơn là nơi phong thủy bảo địa của vua chúa các triều đại, ta nỡ lòng nào lại tùy tiện khai thác, đây phải chăng là ý đồ của một số kẻ xấu.
Vua Đường Huyền Tông nghe vậy liền khen Lý Lâm Phổ là bậc trung thần và từ đó dần dần lạnh nhạt với Lý Thức Chi.
Hiện nay, câu thành ngữ “Khẩu mật phúc kiếm” vẫn được dùng để chỉ người ngoài miệng thì nói rất hay, rất ngọt nhưng trong bụng lại vô cùng hiểm độc.
Nhắc lại câu thành ngữ có từ thời Đường Huyền Tông, một điển cố như là có thật của Trung Hoa, cách nay hơm một ngàn năm ngõ hầu giúp chúng ta rộng đường suy ngẫm về thời cuộc!