Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ TƯ VẤN KIẾN TRÚC-PHONG THỦY NGUYỄN NGUYÊN BẢY

Song Phạm
Thứ bẩy ngày 24 tháng 9 năm 2011 9:07 PM
Chỉ là "soi gương ngắm mặt" mà thôi!

“Phong thủy là khoa học, là soi gương ngắm mặt xem chỗ nào xấu, chỗ nào lem luốc mà tìm cách chỉnh sửa, làm cho nó hợp lý, sạch đẹp... Khác với phong thủy mê tín dị đoan, bày vẽ để kiếm tiền...” - nhà tư vấn kiến trúc - phong thủy Nguyễn Nguyên Bảy nói.

Nguyễn Nguyên Bảy là nhà báo, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu Dịch lý Phương Đông. Từng công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, sau giải phóng miền Nam, ông chuyển vào TPHCM làm việc tại Đài Phát thanh Giải phóng, rồi Đài Truyền hình TPHCM, nguyên Phó tổng biên tập và là người sáng lập tạp chí Kiến Trúc & Đời sống. Ông còn được mời đi giảng dạy, nói chuyện về kinh dịch, phong thủy, lý số ở nhiều nơi, trong và ngoài nước. Ông hiện là chủ nhân của trang web về kiến trúc - phong thủy, cả văn hóa, nghệ thuật (phongthuybnn.com.vn và nguyennguyenbay.com) được rất nhiều độc giả quan tâm, truy cập.
* Ông có thể nói thế nào cho độc giả hiểu và phân biệt giữa phong thủy-khoa học và phong thủy-mê tín?
Ô. Nguyễn Nguyên Bảy: - Theo tôi phong thủy là khoa học, là kiến thức, kinh nghiệm và cả năng khiếu nữa. Nói nôm na, phong thủy thực ra chỉ là làm sao để ta thích, ta yêu, ta sướng trong căn nhà ta ở mà thôi. Nói rộng hơn một chút: phong thủy là sự tương thích giữa cá thể (căn nhà của ta) với môi trường xung quanh. Hay nôm na: trời nắng thì ta phơi đồ, trời mưa thì ta hứng nước. Nôm na hơn nữa: đem vàng mà bán ở phố vàng, mang hoa bán ở phố hoa, không thể mang hoa sang bán ở phố vàng và ngược lại. Thêm một ví dụ nữa về cái tivi. Ai cũng rõ công năng của chiếc tivi là nghe và nhìn, nhưng bản thân tivi không làm ra sự nghe nhìn ấy. Làm ra nghe nhìn là các nhà đài, các trung tâm sản xuất chương trình và hệ thống kỹ thuật phát sóng. Vì vậy, khi tivi xộc xệch hình hay nghễnh ngãng tiếng, thì việc chỉnh sửa ăng ten - chỉ một điều chỉnh nhỏ - có thể khiến màn hình chuẩn hình, chuẩn tiếng trở lại. Tivi là một cá thể, ăng ten (cả hệ thống) là môi trường, sự tương thích giữa cá thể tivi với môi trường sóng chính là sự tương thích phong thủy vậy.
Ngoài ra, theo sách Kinh dịch, Phong (gió) trên, và Thủy (nước) dưới là quẻ Hoán, nghĩa là phàm cái gì đụng đến gió và nước thì phải xem xét, thay đổi, hoán chuyển, sắp xếp lại cho thích hợp, gọi là xê dịch hay hoán chuyển Phong Thủy. Và chỉ có một cách hoán duy nhất là… lật ngược nó lên thành Thủy trên, Phong dưới, ra quẻ Tỉnh - nghĩa là cái giếng - uống mãi không cạn, vơi lại đầy, đầy không tràn, nghĩa là phúc dầy. Như vậy, có thể hiểu phong thủy là dịch chuyển, là sắp xếp mọi thứ cho hợp lý để được hưởng phúc dầy như cái giếng. Ngoài ra những gì mơ hồ, bí hiểm… nghịch với quan niệm nói trên đều là dị đoan, vớ vẩn!
* Ông nghĩ sao về quan niệm: xã hội phát triển cũng chính là “dịp” để các nhà phong thủy… ăn nên làm ra?
- Xã hội có cung ắt có cầu. Tôi xem phong thủy từ những năm 1970, dạo ấy thù lao thường là chuối oẳn, sau này có chút lộc, chút tiền, nhưng nói “ăn nên làm ra” thì e quá đề cao nghề phong thủy! Đôi ba đồng bạc cắc so với các ngôi sao ca nhạc hiện nay, e chỉ bằng 1/1.000! Xin không nên quá đặt nặng vấn đề “nhuận kim” đối với người làm nghề phong thủy, chẳng qua cũng chỉ là người bán hàng rong đi qua nhà bạn mà thôi!
* Được biết ở VN có một số trung tâm nhận đào tạo về phong thủy; bản thân nhà phong thủy như ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Ngày nay, phong thủy được xem là một nghề, mà đã là nghề thì nhất thiết phải được đào tạo. Thế nhưng “lò” đào tạo ấy như thế nào, phẩm hạnh của người làm thầy đó ra sao, giáo trình, giáo án được soạn thảo trên căn bản nào, đó mới là điều cần xem xét. Bởi vậy, nếu như nghề này được ngành giáo dục và đạo tạo chính thống quan tâm thì thật tốt biết bao! Vì bởi nó sẽ giúp hạn chế các kiểu phong thủy mê tín như đã đề cập ở trên. Tôi nói điều này vì biết một số quốc gia đưa môn học này vào đào tạo chính quy và thu được kết quả rất tốt.
 
 
     <<  Với bạn  thơ Đỗ Trung Quân, người nhỏ hơn ông tới... 20 tuổi!
* Nếu đơn giản xem phong thủy chỉ là “soi gương ngắm mặt” - theo quan niệm của ông - và chỉ cần nghiên cứu sách vở, thì ai ai cũng có thể trở thành nhà phong thủy?
- Thật vậy, nếu thực sự yêu thích và chịu khó học thầy, học từ sách vở và thực hành bài bản thì ai cũng có thể trở thành nhà phong thủy. Sau nhiều năm hành nghề, tôi ngộ ra sự tương thích phong thủy nhất chính là cơ thể người, vì vậy dụng phong thủy người vào phong thủy nhà là thuận pháp nhất. Cho nên mới gọi cách xem của mình là soi gương ngắm mặt mà luận phong thủy.
Theo tôi, phong thủy được thực hành bới hai pháp: Hữu hình pháp và vô hình pháp. Hữu hình là cái có thật, điều có thật, cái ấy tất nhiên phải học, học để thấy và biết. Vô hình pháp có vẻ mơ hồ và thường được các nhà phong thủy dụng làm pháp “hù dọa”, thần linh hóa. Tuy vậy, theo tôi, thầy phong thủy chân chính phải biến vô hình pháp thành hữu hình pháp, thì mới nên khuyến, nên trọng. Thí dụ làm cái gì thì cũng phải biết và thích, là trả lời cho được câu hỏi vì sao nó lại như vậy, phải như vậy và có tác dụng ấy. Do vậy khách luôn nên hỏi và thầy luôn nên đáp có luận, có lý, thế mới xây dựng được niềm tin - đây là bản chất quan trọng nhất của việc cải hoán phong thủy.
* Theo ông, có chăng hiện tượng “lạm phát” các công ty phong thủy và các nhà phong thủy như hiện nay?
- Lại đề cao phong thủy nữa rồi! Và các kiểu phong thủy nhố nhăng liệu có lừa người được lần thứ hai? Như tôi đã nói ở trên: xã hội có cung ắt có cầu. So với Hongkong, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Trung Hoa thì cái gọi là “lạm pháp phong thủy” của ta chỉ là nụ cười tếu. Đừng lo lắng phong thủy lạm phát, thị phần công việc còn đặc quánh. Tôi tuổi già sức yếu, thủng thỉnh tư vấn mà ngày nào cũng ngập việc, lỗi hẹn…
* Một quan niệm ít thiện cảm khác: “Phong thủy hay nhà phong thủy chỉ dành cho… người giàu!”, vì người nghèo thường chỉ mong một chỗ trú thân, không có nhu cầu hay cơ hội tiếp cận với phong thủy…
- Tôi làm nghề tư vấn phong thủy tính đến nay thâm niên đã vài chục năm, đi khắp trong Nam ngoài Bắc, tự nhìn lại thấy con số phục vụ những người giàu chỉ bằng ¼ số phục vụ những người chỉ vừa đủ ăn đủ mặc mà ta cũng có thể gọi là “người nghèo”?
* Nhà phong thủy có bị thách thức với các loại nhà hộp, nhà ống, hẻm siêu nhỏ, nhà siêu mỏng hay các loại văn phòng làm việc với diện tích giới hạn? Lời khuyên của nhà phong thủy cho từng trường hợp cụ thể này là gì, thưa ông?
- Xin thưa, nhỏ như cái tổ chim cũng là nhà. Gia đình tôi đã từng sống trong căn nhà 8m vuông cạnh ao bèo và nhà xí công cộng, vậy mà tôi yêu căn nhà đó vô cùng, tôi chỉnh sửa nó đến… hết mức phong thủy! Và cũng từ đó mà gia đình hưng vượng lên. Đã nói phàm cái gì đụng tới gió và nước thì đều đụng đến phong thủy hết. Nhà ống, nhà chung cư, nhà trong hẻm, nhà siêu mỏng, nhà vừa ở vừa kinh doanh, nhà ở một người hay nhà tam tứ đại đồng đường… cứ xét vấn đề gió - nước mà chỉnh, mà sửa để ta yêu, ta thích và để lơi lạc phong thủy…

 Với bạn thơ - NSƯT Hồng Vân
* Không chỉ là nhà tư vấn phong thủy, ông còn là một nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu và giảng dạy. Trong các “nhà” trên, ông thích nhất “nhà” nào? Các “nhà” này đã phối hợp và bổ sung cho nhau thế nào, thưa ông?
Trong các “nhà” mà người ta ưu ái gọi tôi, thực ra cũng giống như một cái nhà cụ thể, thuộc hành thổ, phụ trách sinh tồn của đời tôi. Tôi làm báo từ đầu những năm 1960, bên cạnh miếng cơm manh áo, thi thoảng tôi cũng có làm thơ chủ yếu để vui vầy với vợ con, vui nhân tình thế thái và cũng là để bớt cô đơn. Còn việc trở thành nhà tư vấn phong thủy, mục đích là nói cái lợi lạc cho người lợi lạc, mà cũng chẳng được bao nhiêu. Nói ra hổ thẹn với lòng, có thể xin không nhắc tới?
Nếu không viết báo, làm thơ, thì tôi đã không làm được nghề tư vấn phong thủy như bây giờ, bởi nghề báo cho tôi nhiều trải nghiệm, làm thơ cho tư duy tôi trừu tượng, mênh mông, và tư duy trừu tượng lại chính là bản chất của tư duy phong thủy. Vậy nên dĩ nhiên tôi vẫn thích nhất thơ, vì thơ có khả năng đưa tôi xuống… thủy cung thăm vua Thủy Tề, đưa tôi lên Hỏa, sao Kim thăm những cái mà con người văn minh đang tìm kiếm. Nhưng cũng thật tiếc là bây giờ còn được bao người thích đọc thơ?


(Ảnh: Thiên Ca)